Trường Văn, phóng viên đài RFA
Báo Tuổi trẻ online số ra ngày thứ sáu 6 tháng giêng vừa qua cho biết tại tỉnh Ninh Thuận, khỏang một triệu rưỡi con ốc hương của nhiều hộ nuôi trồng tại xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải chết sạch, thiệt hại lên đến gần hai tỉ đồng.

Nguyên do vì đâu và biện pháp giải quyết ra sao, xin mời quý thính giả theo dõi bài tường trình sau đây của Trường Văn.
Những hộ nông dân thành thạo trong việc nuôi ốc hương tại huyện Ninh hải tỉnh Ninh Thuận cho biết có hai cách nuôi ốc hương.
Cách thứ nhất là nuôi ốc hương trong các ao, các ao này thường được dùng nuôi tôm trước đây, bây giờ được sử dụng để nuôi ốc hương.
Cách thứ nhì là nuôi ốc hương trong các lồng đặt ở cửa sông, những lồng này dài khỏang 5m, rộng 4m và cao từ 4 đến 5m tùy theo mực nước của dòng sông nơi đặt lồng. Đáy của lồng được đan bằng những thanh tre kín để có thể đổ cát lên trên. Chung quanh lồng được bọc bằng mùng lưới nilon chắc chắn và không bị mục nát.
Một người dân mô tả cách cho ốc hương ăn như sau: "Mua loại ghẹ nhỏ, cắt làm hai cho ốc ăn."
Nguyên nhân
Được hỏi về nguyên do tại sao ốc chết hàng loạt như phản ánh của báo chí, người nuôi ốc hương trong lồng cho biết: "Dưới đáy là nước mặn, ở trên là nước xà hai, nước ngọt từ trên nguồn xuống nên ốc bị dịch."
Đối với người nuôi ốc hương cho trong các ao tôm trước đây thì vi khuẩn đã làm cho tôm bị nhiễm bệnh vẫn còn tồn tại trong nước của các ao.
Về sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng của huyện trong việc ngăn chặn nạn ốc hương bị chết sạch, chúng tôi ghi nhận được ý kiến sau đây: "Trung tâm lâu lâu xuống, dịch bệnh nông dân tự lo. Cơ sở bó tay không làm gì được, chỉ lấy thuốc của tôm mà xử lý thôi, không có thuốc đặc trị."
Ngoài ra việc hỗ trợ vốn của ngân hàng cho các hộ nuôi ốc hương hầu như không có: "Ngân hàng không cho vay vì đã cho vay nhiều quá trong việc nuôi tôm."
Cũng như con tôm sú, tôm hùm của tỉnh Phú Yên, con ốc hương của tỉnh Ninh Thuận cũng làm người dân điêu đứng.
Thiếu kinh nghiệm về phần các hộ nuôi trồng thủy sản cũng như không nắm vững dịch bệnh của các đối tượng nuôi trồng về phần các cơ quan chức năng là một trong những nguyên nhân đưa đến tai hoạ cho người nuôi trồng thủy sản một khi dịch bệnh xảy ra.