Chế độ Dân chủ (V)


2005.11.30

Đỗ Quý Toàn - Nguyễn An

“Chế độ Dân chủ vừa là ứơc mơ, vừa là lý tưởng của nhân loại. Làn sóng dân chủ kể từ khi xuất hiện trong lịch sử đã ngày càng lan rộng, và nhiều nhà nghiên cứu đã đồng hoá quá trình dân chủ hoá với đà tiến của thế giới. Nhưng dân chủ cũng bao gồm trong nó nhiều ý kiến khác nhau từ định nghĩa cho đến cách thể hiện.

Để tìm hiểu những ý niệm căn bản của dân chủ nói chung cũng như những vấn đề liên quan đến dân chủ cho Việt Nam nói riêng, ban Việt ngữ đài Á châu tự do thực hiện nhiều loạt bài ghi lại các cụôc trao đổi và thảo luận với những chuyên gia từ lâu quan tâm đến dân chủ.

Bài 5: Dân chủ và Phát triển kinh tế

Loạt bài mở đầu xin đựơc dành cho nhà báo Đỗ Quý Toàn, chủ bút nhật báo Người Việt phát hành tại California, Hoa kỳ. Kỳ này, ông Toàn trình bày về ‘Dân chủ và Phát triển kinh tế’, qua cuộc trao đổi với BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ, mời quý vị theo dõi.

Có một lý luận hay được nêu lên, nói rằng người dân những nước nghèo họ chỉ quan tâm làm sao sống đủ ăn đủ mặc chứ không lo đòi hỏi những quyền tự do, dân chủ, vì đó là những thứ xa xỉ không cần thiết đối với họ.

Một số người còn đưa ra lập luận khác, cho là những nước ở Á Đông như Hàn quốc, Đài Loan, Singapore, đã phát triển kinh tế vượt bực trong những thập niên 1970 - 80 là vì họ sống dưới các chế độ độc tài, chính quyền độc tài giúp cho xã hội ổn định, nhờ thế kinh tế phát triển nhanh hơn. Cả hai lối lập luận trên đều sai lầm.

Có dân chủ sẽ bớt lo nạn đói

Chế độ dân chủ có cần thiết cho những người dân nghèo đói hay không? Những người trả lời là "không" đã quên rằng những cuộc cách mạng trong lịch sử phần lớn do những người dân nghèo đói tạo nên. Dân nghèo nổi lên chính là để đòi cho họ các quyền quyết định về chính trị. Họ biết rằng cuộc sống dưới các chế độ áp bức làm cho họ nghèo khổ, đời con đời cháu sẽ tiếp tục nghèo khổ, cho nên phải vùng lên.

Chế độ dân chủ có cần thiết cho những người dân nghèo đói hay không? Những người trả lời là "không" đã quên rằng những cuộc cách mạng trong lịch sử phần lớn do những người dân nghèo đói tạo nên. Dân nghèo nổi lên chính là để đòi cho họ các quyền quyết định về chính trị.

Người ta liều chết để đòi cơm áo chứ không bao giờ liều chết để đòi được hưởng những thứ xa xỉ. Những cuộc nổi dậy của nông dân ở nước ta vào cuối thế kỷ 18 và giữa thế kỷ 19, cuộc nổi dậy Thái Bình Thiên Quốc ở Trung Hoa, đều vì cơm áo. Cuộc cách mệnh ở nước ta năm 1945 không phải chỉ cốt đòi độc lập mà còn đòi dân chủ, tự do.

Phần lớn những cuộc cách mệnh của dân nghèo sau cùng không đưa tới chế độ dân chủ là vì họ bị những người lãnh đạo phản bội, chứ không phải vì người dân không muốn hoặc không cần được tham dự vào việc quyết định số mạng của họ, số mạng chung của đất nước họ. Nếu họ được tham dự nhiều hơn, chắc chắn đời sống vật chất của họ sẽ được cải thiện nhanh hơn, chứ không đến nỗi sau một vài thế hệ lại rơi vào cảnh đói khổ, có khi bị chết đói.

Nạn đói ở Nga vào những năm 1930 tập thể hóa nông nghiệp, ở Trung Quốc trong chiến dịch Bước Nhẩy Vọt 1958 - 61, và nạn đói ở Việt Nam trong những năm 1987 - 88 không phát sinh do các chế độ dân chủ, mà là do các chế độ độc tài gây ra.

Chính sách đề phòng nạn đói

Giáo sư Amartya Sen, giải Nobel về kinh tế năm 1998, đã nhận xét rằng ở các nước dân chủ không xẩy ra nạn người ta chết đói hàng loạt, dù ở trong những nước nghèo nhất. Nước Ấn Độ từ khi độc lập, năm 1947, và sống dưới chế độ dân chủ, có nhiều năm thiên tai, mất mùa nhưng không hề xẩy ra nạn đói như thời còn nằm dưới chế độ thuộc địa.

Nạn đói xẩy ra không nhất thiết vì thiếu thực phẩm. Nếu chính quyền biết điều hòa thị trường lương thực thì dù có mất mùa người dân vẫn có thể đủ ăn. Vấn đề là những người cầm quyền có cảm thấy bị thúc bách lo đề phòng nạn đói hay không. Giữa những vụ gặt năm 1979- 81 và 1983- 84, có bốn nước Phi châu bị mất mùa.

Nạn đói xẩy ra không nhất thiết vì thiếu thực phẩm. Nếu chính quyền biết điều hòa thị trường lương thực thì dù có mất mùa người dân vẫn có thể đủ ăn. Vấn đề là những người cầm quyền có cảm thấy bị thúc bách lo đề phòng nạn đói hay không.

Tại hai nước độc tài là Sudan và Ethiopia số lượng thực phẩm giảm đi khoảng 11, 12 phần trăm. Tại hai nước tương đối dân chủ Zimbabwe và Botswana bị nặng hơn, lương thực giảm mất 38 phần trăm và 17 phần trăm. Nhưng hai nước dân chủ này không bị nạn đói, còn hai nước độc tài trên thì đói trầm trọng làm cả thế giới xúc động tìm cách cứu trợ.

Các chính phủ Zimbabwe và Botswana đã có những chính sách đề phòng, ngăn ngừa nạn đói, cho nên dù số lương thực giảm bớt nhiều hơn Ethiopia và Sudan nhưng dân vẫn có ăn. Nếu các chính phủ Zimbabwe và Botswana không có chính sách thích hợp ngăn ngừa nạn đói thì sẽ bị các nhà báo và các chính khách đối lập trong quốc hội lên tiếng phê phán, và dân chúng sẽ không bỏ phiếu cho họ trong kỳ bầu cử sau đó.

Chế độ tự do, dân chủ đã tác động tới những người cầm quyền, khiến họ phải lo ngăn ngừa, không dám để dân chết đói rồi mới lo. Các chính phủ ở Sudan và Ethiopia thì không lo bị dân chúng lật đổ bằng lá phiếu, cho nên cả guồng máy chính quyền không tích cực lo chống đói.

Vừa rồi là cụôc trao đổi giữa nhà báo Đỗ Quý Toàn và biên tập viên Nguyễn An về vấn đề ‘Dân chủ và phát triển kinh tế’, phần thứ nhất. Kỳ tới cuộc trao đổi sẽ tiếp tục với phần hai của đề tài này, mong quý thính giả đón nghe.

Xin được nhắc rằng, ý kiến của nhà báo Đỗ Quý Toàn không nhất thiết phản ánh quan điểm của ban Việt ngữ đài Á châu tự do, và chúng tôi hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp thêm vào vấn đề này từ quý thính giả. Xin gửi E mail về Vietnamse@www.rfa.org hay gọi đến 202 530 7775

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.