Đỗ Quý Toàn - Nguyễn An
Bài 7: Dân chủ và văn hoá Á châu
Chế độ Dân chủ vừa là ứơc mơ, vừa là lý tưởng của nhân loại. Làn sóng dân chủ kể từ khi xuất hiện trong lịch sử đã ngày càng lan rộng, và nhiều nhà nghiên cứu đã đồng hoá quá trình dân chủ hoá với đà tiến của thế giới. Nhưng dân chủ cũng bao gồm trong nó nhiều ý kiến khác nhau từ định nghĩa cho đến cách thể hiện.
Để tìm hiểu những ý niệm căn bản của dân chủ nói chung cũng như những vấn đề liên quan đến dân chủ cho Việt Nam nói riêng, ban Việt ngữ đài Á châu tự do thực hiện nhiều loạt bài ghi lại các cụôc trao đổi và thảo luận với những chuyên gia từ lâu quan tâm đến dân chủ.
Loạt bài mở đầu xin đựơc dành cho nhà báo Đỗ Quý Toàn, chủ bút nhật báo Người Việt phát hành tại California, Hoa kỳ. Kỳ này là phần cuối của loạt bài, ông Toàn trình bày về ‘Dân chủ và văn hoá Á châu’, qua cuộc trao đổi với BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ, mời quý vị theo dõi.
Quan điểm Lý Quang Diệu
Một trong những quốc gia nhỏ nhất ở châu Á là Singapore, chỉ có hơn 3 triệu người, chưa bằng một thành phố Hải Phòng. Và một trong 2 quốc gia lớn, đông dân nhất châu Á là Ấn Độ. Singapore có chế độ tuyển cử để lựa chọn chính phủ, nhưng người dân bị kiểm soát rất chặt chẽ, không hoàn toàn tự do.
Ông Lý Quang Diệu muốn dân Singapore, đại đa số là người Hoa, sống như trong một đại gia đình, trên bảo dưới nghe, chính phủ ra lệnh cho dân phải giữ vệ sinh ngoài đường, con trai không được để tóc dài, vân vân. Dân Singapore chịu theo chế độ đó, chắc vì ngay từ lúc thành một nước độc lập năm 1965, sau 2 năm gia nhập liên bang Mã Lai Á nhưng bị tẩy chay; dân Singapore chỉ lo lắng quốc gia họ không tồn tại nổi vì nước nhỏ quá mà tài nguyên không có gì. Họ phải đoàn kết với nhau như một gia đình, chịu tuân hành theo lệnh gia trưởng.
Ông Lý Quang Diệu ở Singapore là người thường nói rằng chế độ Dân Chủ là một sản phẩm của văn hóa Tây phương, không thích hợp với Đông phương. Ông Lý lấy kinh nghiệm từ hòn đảo quốc gia nhỏ xíu của ông để rút ra một bài học cho các xứ Á châu.
Còn Ấn Độ thì ngược lại, một quốc gia rất lớn và rất phức tạp. Thành lập năm 1947 sau mấy ngàn năm sống dưới nhiều chế độ đế quốc khác nhau, Ấn Độ có hàng ngàn sắc tộc nói hàng ngàn thứ ngôn ngữ, trong hiến pháp công nhận 600 ngôn ngữ chính thức. Phong tục tập quán bị ảnh hưởng của tôn giáo cổ, rất khó thay đổi, chẳng hạn như quan niệm xã hội có nhiều đẳng cấp phân biệt chặt chẽ mà luật lệ cũng bắt người ta thay đổi được.
Nhưng chính phủ Ấn Độ chọn chế độ dân chủ, và tiếp tục sống dân chủ từ hơn nửa thế kỷ nay. Từ lúc lập quốc, đảng Quốc Đại và ông Nehru đã chọn chính sách kinh tế theo lối xã hội chủ nghĩa, bắt chước liên xô.
Cho nên kinh tế Ấn Độ không phát triển được, cho tới thập niên 1990 mới thay đổi. Nhưng nhờ chế độ dân chủ, chính quyền Nehru không thể xóa bỏ quyền tư hữu, nước Ấn Độ vẫn có một lóp doanh nhân hoạt động. Cho nên khi Ấn Độ đổi mới kinh tế, sau Trung Quốc trên mười năm, kinh tế thị trường đã phát triển nhanh.
Ông Lý Quang Diệu ở Singapore là người thường nói rằng chế độ Dân Chủ là một sản phẩm của văn hóa Tây phương, không thích hợp với Đông phương. Ông Lý lấy kinh nghiệm từ hòn đảo quốc gia nhỏ xíu của ông để rút ra một bài học cho các xứ Á châu. Trong khi đó, Ấn Độ đã thí nghiệm chế độ dân chủ suốt nửa thế kỷ và chế độ được thực hiện một cách nghiêm chỉnh.
Người dân Ấn Độ đã nhiều lần thay đổi đang cầm quyền, trong nước này nhiều tiểu bang có các đảng khác nhau nắm quyền hành; tất cả mọi việc thay đổi chính quyền đều diễn ra một cách hòa bình, trật tự, sau khi dân bỏ phiếu. Tấm gương Ấn Độ cho thấy một nước Á châu phức tạp nhất, có thể coi là rất khó cai trị, rất khó tồn tại như một quốc gia, vậy mà họ vẫn thi hành chế độ dân chủ một cách vững vàng hơn nửa thế kỷ.
Các giá trị truyền thống Á châu
Trong lịch sử, người dân Á châu đã từng sống theo tinh thần dân chủ; các nhà hiền triết vẫn đề cao vai trò của dân chúng, khi so sánh với giới cầm quyền. Khi muốn phán đoán coi truyền thống văn hóa Á châu có thích hợp với chế độ dân chủ hay không, chúng ta phải coi những giá trị căn bản của chế độ Dân Chủ là gì.
Đó là sự tham dự, đóng góp ý kiến của người dân thường với vua, quan, trong việc cai trị. Việc tham dự có thể được định chế hóa thành quy tắc thảo luận, trước khi quyết định. Đó cũng là tinh thần bao dung trong xã hội, không coi một ý kiến, một quan điểm nào là có địa vị độc tôn. Xét trên các giá trị căn bản đó thì văn hóa Á châu đã có sẳn những mầm mống dân chủ từ lâu đời.
Một tập đoàn sống theo lối dân chủ cổ xưa nhất trong lịch sử nhân loại chính là tăng đoàn sống vào thời Phật Thích Ca vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên; và sau khi Đức Phật viên tịch. Hàng trăm, hàng ngàn người sống chung theo quy tắc bình đẳng, nhất là bình đẳng trước luật lệ.
Vì họ phải tuân theo những quy củ chung, gọi là các giới, trong số đó có những quy củ dùng để giải quyết các vụ bất đồng ý kiến. Giáo đoàn của những người theo đạo Thích Ca còn họp nhiều lần khác để thảo luận các vấn đề kinh điển, giáo lý và quy luật sống hàng ngày.
Một tập đoàn sống theo lối dân chủ cổ xưa nhất trong lịch sử nhân loại chính là tăng đoàn sống vào thời Phật Thích Ca vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên; và sau khi Đức Phật viên tịch. Hàng trăm, hàng ngàn người sống chung theo quy tắc bình đẳng, nhất là bình đẳng trước luật lệ.
Những hội nghị thảo luận các vấn đề lý thuyết đó là kiểu mẫu sớm nhất trong lịch sử về cách sống chung theo quy tắc dân chủ. Vào thế kỷ thứ ba, trước Công nguyên, vua Ashoka đã triệu tập những cuộc họp thao luận giáo lý như vậy, và vì nhu cầu thực tế, họ đã soạn ra các "quy tắc nghị hội" để cuộc thao luận diễn ra trong trật tự và bổ ích.
Phật giáo là tôn giáo đề cao tính bình đẳng giữa mọi người, mọi loài, các nước Á Đông đã thấm nhuần Phật giáo từ hơn hai ngàn năm, không thể nói họ không sẵn sàng để thâu nhập cách sống dân chủ tự do!
Khổng giáo
Người ta thường coi Khổng giáo thiếu dân chủ vì nền tư tưởng này bảo vệ chế độ quân chủ, phong kiến ở Trung Quốc, Nhật Bản hoặc Việt Nam mấy ngàn năm. Nhưng khi Khổng Tử đề cao lòng trung quân thì trên căn bản là trung thành với ngôi vị quân vương chứ không phải là với cá nhân một ông vua.
Trong Luận Ngữ, chương thứ 14, Tử lộ hỏi Khổng tử nên phục vụ ông vua như thế nào; Khổng Tử bảo hãy phê bình vua một cách thẳng thắn, chứ không nên thoái thác khi bất đồng ý kiến. Mạnh Tử còn công khai nói: Dân là quý, chế độ quốc gia là phụ, ông vua là nhẹ. Các ông vua đời sau đã xuyên tạc tư tưởng Khổng giáo để bảo vệ chính quyền của họ, nhưng trong lịch sử Á Đông đã có nhiều lần dân nổi loạn lật đổ các triều đại.
Vì hành động cách mạng này được các thầy Khổng Mạnh ủng hộ. Những người coi Khổng Tử không thích hợp với tinh thần dân chủ quên rằng ông coi giáo dục là thước đo quan trọng nhất để tuyển chọn quan lại, và ông chủ trương trong việc giáo dục mọi người đều bình đẳng.
Trong 20 thế kỷ thể hiện tư tưởng Khổng Mạnh trong chế độ chính trị các nước Á Đông, chúng ta thấy tinh thần bình đẳng trong giáo dục được thi hành, nhờ thề nhiều người thuộc giai cấp bần hàn cũng có thể tiến thân chứ không bị giới hạn như trong các xã hội tây phương cùng thời.
Các tôn giáo khác
Ngay cả một tôn giáo ở Á châu vẫn bị coi là "quá khích" như Hồi Giáo, trong lịch sử cũng từng biểu lộ tinh thần bao dung rất lớn. Khi nhà hiền triết Do Thái Maimonides phải trốn khỏi Âu châu, nơi đó vào thế kỷ 12 dân Do Thái vẫn bị bức hại, ông đã đi xuống Bắc Phi, rồi tới Ai Cập, những xứ theo Hồi Giáo. Ở đó tín ngưỡng của ông được tôn trọng, ông viết để phát triển tôn giáo của ông mà không lo bị kiểm duyệt!
Tóm lại, người ta không thể nói rằng truyền thống văn hóa Á châu thích hợp hơn hay không thích hợp bằng văn hóa Tây phương, trong việc áp dụng chế độ dân chủ. Điều đáng đem ra hỏi là các giá trị căn bản của tinh thần dân chủ, tự do có trái ngược với văn hóa Á châu hay không.
Một vị hoàng đế theo Hồi Giáo, Hoàng đế Akbar (1542 - 1605) đã cai trị đế quốc từ Afghanistan tới Ấn Độ, là người đã tổ chức những cuộc hội nghị giửa các giáo sĩ của nhiều tôn giáo đương thời, từ Ấn Độ giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Đạo Jainism, Bái hỏa giáo, vân vân. Hội nghị nhắm tìm cách cho các tôn giáo có thể sống chung với nhau trong hòa bình. Cũng trong thời gian đó, ở Âu châu người ta còn đem thiêu sống những người không chung một tín ngưỡng với kẻ cầm quyền.
Tóm lại, người ta không thể nói rằng truyền thống văn hóa Á châu thích hợp hơn hay không thích hợp bằng văn hóa Tây phương, trong việc áp dụng chế độ dân chủ. Điều đáng đem ra hỏi là các giá trị căn bản của tinh thần dân chủ, tự do có trái ngược với văn hóa Á châu hay không. Và chúng ta phải kết luận là không có gì trái ngược.
Những người chủ trương Á châu không có truyền thống dân chủ cũng có thể dùng các lập luận của họ để chứng minh cả Âu châu cũng vậy! Trước khi người dân đứng lên đòi các quyền tự do dân chủ thì họ chưa được sống dân chủ bao giờ cả!
Cũng giống như vậy, có người bảo các nước Á châu chưa có thói quen sống dân chủ, cần phải chờ đợi một thời gian đã. Nhưng Ấn Độ đã áp dụng luật chơi dân chủ từ hơn 50 năm nay, mỗi năm người dân lại tập thói quen dân chủ và trở thành thuần thục hơn. Nếu một quốc gia không bắt đầu áp dụng thể chế dân chủ thì biết bao giờ mới biết sống lối dân chủ? Cũng giống như một người không lội xuống nước thì biết bao giờ mới biết bơi?
Vừa rồi là cụôc trao đổi giữa nhà báo Đỗ Quý Toàn và biên tập viên Nguyễn An về vấn đề ‘Dân chủ và Văn hoá Á châu, cũng là phần cuối của loạt bài trao đổi này. Xin được nhắc rằng, ý kiến của nhà báo Đỗ Quý Toàn không nhất thiết phản ánh quan điểm của ban Việt ngữ đài Á châu tự do, và chúng tôi hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp thêm vào vấn đề này từ quý thính giả. Xin gửi E mail về Vietnamse@www.rfa.org hay gọi đến 202 530 7775.