Ỷ Lan, phóng viên đài RFA
Kể từ Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ cho hình thành Ban Thiết kế Dân chủ (Domocracy Caucus) tại Liên Hiệp Quốc, tình hình dân chủ trên thế giới đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ quy tập ở cấp chính phủ thông qua các ngoại trưởng đến từ những quốc gia đạt các tiêu chuẩn cơ bản về các quyền tự do dân chủ.

Bên cạnh cấp chính phủ còn có một cơ cấu gọi là Tiến trình Phi chính phủ, vì các chính phủ nhận ra vai trò trọng yếu của những xã hội dân sự, là các tổ chức phi chính phủ, trong việc hoàn thành tiến trình dân chủ hóa toàn cầu.
Thành lập năm 2000, mỗi hai năm, Hội nghị của các Ngoại trưởng thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ họp một lần và do một quốc gia thành viên cáng đáng. Những lần trước do Ba Lan, Đại Hàn, Chi Lê đảm nhiệm. Hội nghị lần IV năm nay do chính phủ nước Mali ở Phi châu tổ chức.
Ban Lãnh đạo Quốc tế của Tiến trình Phi chính phủ vừa triệu tập cuộc Thảo luận bàn tròn thứ hai tại Đài Bắc ở Đài Loan với sự tham dự của 25 quốc gia trên năm châu. Lần thứ nhất được tổ chức tại LHQ ở New York tháng 9 năm ngoái, 2006.
Hợp sức thúc đẩy Dân chủ
Sự kiện được tổ chức trong lần này tại Á châu mang ý nghĩa lớn cho công cuộc phát triển cũng như hậu thuẫn mạnh mẽ các phong trào dân chủ Châu Á.
Hôm thứ hai vừa qua, Bà Lữ Tú Liên, Phó tổng thống Đài Loan đọc Diễn văn Chào mừng các đại biểu dân chủ đến từ 25 quốc gia, sau đó là hai bài Diễn văn Khai mạc của ông Richard Rowson, Chủ tịch Hội đồng Thăng tiến Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, nói về quá trình hình thành tổ chức 7 năm qua, và ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Diễn Đàn Dân chủ Á châu, nói về hướng tiến chiến lược của phong trào dân chủ Châu Á.
Bà Phó tổng thống Lữ Tú Liên ca tụng rằng : "Ở thế kỷ toàn cầu hóa đang tăng tốc, thật là quan trọng cho việc hợp lực để phát triển dân chủ. Nên Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ đang đóng vai trò thiết yếu, đặc biệt cho Châu Á". Bà cho biết tại Châu Á hiện có 10 quốc gia không có tự do, các quốc gia tự do tăng từ 2 lên 6, còn "tự do sơ sài" thì từ 11 quốc gia trụt xuống còn có 8.
Bà xác định "Châu Á là tuyến đầu trong cuộc chiến ý thức hệ cho tâm não con người". Cuộc đấu tranh cho dân chủ tại Đài Loan phải qua một quá trình dài lâu sau 38 năm bị chà đạp dưới ách quân phiệt của chính quyền Quốc Dân Đảng.
Là nhà lãnh đạo tiên phong cho phong trào giải phóng phụ nữ, nên đã bị cầm tù 6 năm ròng, bà khuyến cáo rằng: "Đấu tranh cho nam nữ bình quyền phải đi đôi với đấu tranh cho quyền chính trị. Dân chủ sẽ không là dân chủ nếu một phần nửa nhân dân không được hưởng thụ ngang nhau các quyền tự do cơ bản như phân nửa kia. Tương tự như vậy, phong trào phụ nữ sẽ không được tương xứng bảo vệ và hưởng quyền khi chưa được luật pháp bảo vệ và không được quyền tham gia chính trị"
Dân chủ và phát triển kinh tế
Bà Phó tổng thống Lữ Tú Liên kết luận rằng: "Kinh nghiệm cho thấy dân chủ không thể xây dựng một sớm một chiều, mà phải bắt rễ từ trong lòng đất nước. (...) Vì vậy mà chúng ta phải cùng nhau hợp tác. (...) Phải tăng cường các xã hội dân sự, hậu thuẫn các phong trào xã hội trong các quốc gia chuyên chế, vì đây là những chất xúc tác không thể thiếu nhằm dân chủ hóa các nước này
Bài Diễn văn Khai mạc của ông Võ Văn Ái, thành viên Châu Á trong Ban Lãnh đạo quốc tế của Tiến trình Phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, nhấn mạnh sự kiện
"Từ lâu các chế độ độc tài biết rằng phải đoàn kết mới làm nên sức mạnh. Nên các quốc gia độc đoán ấy liên minh với nhau ngày càng rộng nhằm bóp nghẹt các tự do, dân chủ và mọi tiếng nói đối lập. Những gì đã xẩy ra tại LHQ là ví dụ điển hình về sự tập họp của cái gọi là "Nhóm ngưu tầm ngưu" (Like Minded Group) và những quốc gia phá bĩnh, trong số này có nhiều nước Á châu, họ đang tìm đủ cách để dập tắt và làm tê liệt sự thăng tiến nhân quyền".
Hiện tượng Trung-Ấn, mà ông Ái gọi là Chindia, đang tác động sinh mệnh Châu Á và toàn cầu. Dân chủ hay không dân chủ tại Trung quốc sẽ là vấn nạn lớn cho sinh mệnh Châu Á, trong khi Ấn Độ đang mang lại hy vọng cho tiến trình dân chủ hóa Á châu.
Ông Ái nhắc nhở tới tầm quan trọng của yếu tố tôn giáo. Vì "Châu Á là nơi khai sinh nhiều tôn giáo và triết học lớn làm nền cho tư tưởng và đời sống quần chúng, như Phật giáo, Khổng giáo, Hồi giáo... Sự cổ vũ cho khoan dung và đối thoại của đa số tôn giáo là đóng góp quan trọng cho tiến trình dân chủ".
Hội luận Dân chủ Á Châu
Ông Ái cực lực đánh đổ luận điểm phát triển kinh tế nhưng không chịu cải tổ chính trị. Ông nói rằng: "Chỉ nhấn mạnh phát triển kinh tế không những sai lầm mà còn cực kỳ nguy hiểm. Giống như con người đi trên hai chân, một xã hội ổn định và cân bằng cần có hai cột trụ chống đỡ; đó là phát triển kinh tế và những tự do dân chủ. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng không thể minh chứng cho sự thiếu minh bạch, không có pháp quyền hay đàn áp chính trị và xã hội".
Trong những ngày hội luận bàn tròn sôi nổi về vấn đề dân chủ hóa Châu Á chuẩn bị cho Hội nghị lần IV của các Ngoại trưởng thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, chúng tôi đặt ra câu hỏi với Bà Phó tổng thống Lữ Tú Liên rằng vì lý do gì bà đã đến đọc Diễn văn Chào mừng trong khi việc nước đa đoan bận rộn ? Bà trả lời như sau :
Lữ Tú Liên: Vì đây là tiếng nói của muôn dân, không riêng của người Đài Loan mà đến từ khắp nơi trên thế giới đang tìm con đường tiến thủ cho công lý và tự do.
Chúng tôi cũng hỏi thăm ông Ted Piccone, một nhà hoạt động dân chủ lâu năm:
Ỷ Lan: Thưa ông Ted Piccone, là Giám đốc Kế hoạch Liên kết Dân chủ có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn và là một trong những người năng động nhất trong Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, xin ông cho biết đại cương Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ là gì?
Ted Piccone: Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ là mưu toan hình thành sự liên kết giữa các quốc gia chia sẻ các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền, và hết lòng cộng tác để giúp các xã hội chuyển thời sang con đường dân chủ.
Đây là con đường khuyến khích tạo lập những quy tắc và chuẩn mực bao hàm những yếu tố cơ bản cho phẩm hạnh dân chủ, kể cả việc trao quyền cho người dân được chọn lựa chính quyền nước mình, được hưởng tự do ngôn luận, tự do báo chí và nền tư pháp độc lập cùng tất cả mọi yếu tố khác nằm trong chuẩn mực nói trên, để sau đó những chính quyền này đảm lãnh các trách nhiệm giúp Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ đóng vai trò khuyến thỉnh cải tổ những quốc gia chưa đủ tiêu chuẩn.
Tôi nghĩ rằng đối với Việt Nam, chính bản thân quần chúng phải đứng lên thúc đẩy chính phủ tiến hành dân chủ để có ngày Việt Nam có thể trở thành thành viên trong Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ.
Ỷ Lan: Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ hình thành từ các chính phủ, vậy thì vai trò của Tiến trình Phi chính phủ trong Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ là gì?
Ted Piccone: Đây là cách đưa các xã hội dân sự vào ngồi cùng bàn để thúc đẩy các chính phủ chịu nghe và thực hiện các đòi hỏi của người dân. Đây cũng là cách dân chủ hóa chính sách đối ngoại và chính sách của các quốc gia không riêng cho nhân dân trong các nước này mà còn cho cả nhân dân tại các quốc gia chưa có dân chủ.
Các tổ chức Phi chính phủ cũng được mời theo dõi tiến trình, được mời dự hội và trực tiếp nói thẳng với các viên chức chính quyền. Nhờ vậy một cộng đồng của những tiếng nói cùng nhau tham dự vào tiến trình thay đổi chính sách.
Ỷ Lan: Vì chưa đạt các tiêu chuẩn dân chủ nên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ không được mời tham dự Hội nghị các Ngoại trưởng thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ tại thủ đô Bamako ở Mali sắp tới. Vậy theo ông thì các nhà hoạt động dân chủ Việt Nam thuộc các xã hội dân sự có được mời tham dự Hội nghị các Ngoại trưởng này hay không?
Ted Piccone: Hiển nhiên là có chứ, vì trong quá khứ đã có rồi. Thật là quan trọng cho sự hiện hữu này được tiếp tục. Hiển nhiên là chúng tôi có một thành viên rất năng động của Việt Nam, là ông Võ Văn Ái. Ông cũng là thành viên trong Ban Lãnh đạo quốc tế của Tiến trình Phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ và không ngừng đóng góp xây dựng trong thời gian qua.
Ỷ Lan, Đặc phái viên Đài Á châu Tự do tường trình từ Đài Bắc.