Việt Hùng, phóng viên đài RFA
Trong những ngày qua dư luận trên thế giới nói nhiều đến những cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Miến Điện. Nhận định và đánh giá của các nhà dân chủ trong-ngoài nước ra sao?
Qua diễn tiến tại Miến Điện và nhìn vào thực tế tại Việt Nam các nhà dân chủ rút tỉa được những kinh nghiệm gì? Mời quí thính giả theo dõi cuộc Hội luận chính trị trong-ngoài nước do Việt Hùng điều hợp, với sự tham dự của bác sĩ Phạm Hồng Sơn, một cựu tù nhân chính trị từ Việt Nam, và ông Đỗ Hoàng Điềm, đại diện đảng Việt Tân, một đoàn thể ở hải ngoại tranh đấu dân chủ cho Việt Nam. Xin được nhắc lại rằng những ý kiến đựơc nêu lên không nhất thiết phản ánh quan điểm của đài Á Châu Tự Do.

Làn sóng biểu tình ở Miến Điện
Nhận định về những cuộc biểu tình vừa qua ở Miến Điện, từ Hà Nội bác sĩ Phạm Hồng Sơn phát biểu.
Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Cuộc biểu tình này thể hiện một nhu cầu cấp thiết của một dân tộc sống trong chế độ độc tài khắc nghiệt từ hàng chục năm nay. Mặc dù chế độ độc tài đó luôn luôn dùng súng đạn đàn áp rất khốc liệt nhưng những tiếng nói đấu tranh luôn luôn phát triển và dám chấp nhận những khó khăn để nói lên những nhu cầu bức thiết của họ, thể hiện tinh thần dám chấp nhận những khó khăn để có được quyền làm người và những quyền cơ bản như tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền có thể chế chính trị công bằng.
Trong những ngày vừa qua cộng đồng quốc tế cũng như những người yêu chuộng dân chủ đều sẵn sàng lên tiếng ủng hộ cho nhân dân Miến Điện và đó cũng là tín hiệu cho nhân dân Việt Nam nói chung và cho những người đấu tranh dân chủ hiện nay đang công khai lên tiếng. Sự chia sẻ rất rõ ràng, và niềm tin vào công cuộc đấu tranh dân chủ nhiều hơn tại Việt Nam.
Việt Hùng: Đó là ý kiến của ông Phạm Hồng Sơn từ Hà Nội, từ bên ngoài thưa ông Đỗ Hoàng Điềm, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Ông Đỗ Hoàng Điềm: Đối với chúng tôi những diễn biến đang xảy ra ở Miến Điện có một số đặc điểm, thứ nhất là thể hiện trào lưu tất yếu của nhân loại mà chúng ta đã nhìn thấy xảy ra trong 20 – 30 năm qua, đó là trào lưu dân chủ hóa xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia dưới chế độ cộng sản hoặc là những quốc gia độc tài do quân đội nắm quyền.
Đặc điểm thứ hai là cuộc đấu tranh của nhân dân Miến Điện thể hiện đặc tính ôn hòa và bất bạo động, đặc tính này chúng ta cũng đã nhìn thấy trong nhiều cuộc cách mạng dân chủ trên thế giới đã xảy ra trong 20 - 30 năm qua.
Đặc tính sau cùng thể hiện sức mạnh của quần chúng trong cuộc đấu tranh của nhân dân Miến Điện. Đây cũng là lực lượng chính đem lại những thay đổi mà chúng ta đã nhìn thấy ở nhiều nơi đặc biệt là Đông Âu cũ, Liên Xô và một số nơi khác…
Tóm lại đây là 3 đặc điểm mà tôi cho là quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh của người dân Miến Điện đó là chưa kể đến sự hậu thuẫn quốc tế đang rất mạnh mẽ đối với cuộc đấu tranh của người dân Miến Điện.

Vai trò của tôn giáo?
Việt Hùng: Trở lại những cuộc xuống đường của người dân Miến Điện, vai trò Phật giáo Miến Điện đã nắm phần chủ đạo chính khác hẳn so với thời gian năm 1988 (thế kỷ trước). Câu hỏi chúng tôi đặt ra vai trò Tôn giáo có cần thiết trong cuộc cách mạng hay không?
Ông Đỗ Hoàng Điềm: Theo cái nhìn của chúng tôi vai trò của tôn giáo rất quan trọng nhưng không nhất thiết bắt buộc phải có. Tôi xin nói rõ hơn, quan trọng ở chỗ Tôn giáo là điểm tựa tinh thần tạo ra sức mạnh tinh thần cho công cuộc đấu tranh cho dân chủ, không những vậy tôi nghĩ Tôn giáo còn giữ vai trò bảo đảm cho sự ôn hòa, bất bạo động cho những cuộc đấu tranh dân chủ.
Việt Hùng: Đó là ý kiến của ông Đỗ Hoàng Điềm, thưa ông Phạm Hồng Sơn, ông có đồng ý với những ý kiến đó không?
Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Tôi cũng xin chia sẻ với những ý kiến của ông Đỗ Hoàng Điềm, tuy nhiên tôi xin đưa ra thêm một ý khác, vai trò của Tôn giáo còn tùy thuộc vào lịch sử, vào dân tộc đó để thế Tôn giáo đóng vai trò lớn hay nhỏ, chính yếu hay là không chính yếu.
Trong trường hợp Miến Điện hiện nay thì Tôn Giáo đang nắm vai trò chính yếu. Còn ở Việt Nam tôi nghĩ tất cả mọi tầng lớp, mọi giai tầng xã hội trong đó có Tôn giáo đều đóng vài trò cần thiết trong tiến trình dân chủ hóa, ví dụ như trong đợt trợ giúp dân oan vừa qua tôi nghĩ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc chia sẻ với đồng bào dân oan…
Trở lại vấn đề, tôi nghĩ rằng không nhất thiết tầng lớp nào đóng vai trò chính yếu, chúng ta phải nghĩ là trong tiến trình này vai trò nào, tầng lớp nào cũng nên cho mình có vai trò trong tiến trình đó thì mới tạo được động lực chung được và cái đó là cái có thể tạo ra được không khí ôn hòa và giải quyết được những “xung đột” có thể xảy ra thì lúc đó vai trò của Tôn giáo luôn luôn mang lại cho người ta sự an lành về tinh thần và kêu gọi được những tiếng nói ủng hộ cho tinh thần ôn hòa.
Kinh nghiệm nào cho Việt Nam
Việt Hùng: Thưa ông Phạm Hồng Sơn và thưa ông Đỗ Hoàng Điềm, nhìn qua Việt Nam, cũng liên hệ tới những cuộc biểu tình, thay vì biểu tình chống chính quyền như tại Miến Điện, trong khi tại Việt Nam thời gian qua những cuộc biểu tình của người dân oan đã có thể gọi đó là những "mầm mống" chống đối phát sinh từ lòng chế độ được hay chưa?
Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Những cuộc biểu tình trong thời gian qua của người dân oan phải nói ngay đó là những bức xúc trong xã hội. Những bức xúc xã hội này đã có mầm mống từ chính sách quản lý đất đai của chính quyền Cộng sản Việt Nam từ khi được thiết lập tại Việt Nam, tức là có gốc rễ từ năm 1954 – 1975 – và cho đến nay. Chính sách hiện nay của chính quyền là không thừa nhận quyền tư hữu về đất đai.
Những bức xúc hiện nay là những bức xúc sâu xa đã có từ nhiều chục năm qua. Nếu không giải quyết được vấn đề này về vấn đề đất đai, nhà cửa và những quyền sở hữu khác thì sẽ là câu chuyện dài và làn sóng người biểu tình sẽ còn dâng cao tuỳ theo từng thời điểm dâng cao hay thấp nhưng có thể nói nếu chính quyền không giải quyết được về mặt pháp luật thì sẽ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Từ đó mình có thể suy ra được những cuộc biểu tình của dân oan trong thời gian vừa qua để phản kháng hay có thể nói mạnh hơn là sự chống đối của người dân đối với một sách lược của chính quyền hiện tại.
Việt Hùng: Theo ông Phạm Hồng Sơn đó là những mầm mống chống đối phát sinh từ lòng chế độ…
Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Vâng tôi xin nói thêm về từ "chống đối". Hiện nay nếu nói về chống đối, đối với người dân trong nước cũng rất e ngại vì từ chống đối, vì từ trước đến giờ khi nói đến chống đối người ta thường nghĩ đến một sự phản kháng mang tính "bạo lực" nên chính quyền rất dễ dùng từ chống đối đó để làm cho dư luận nói chung không có thiện cảm với những người biểu tình, cho nên tôi nghĩ là chúng ta nên dùng từ "bất đồng-phản kháng" đối với những chính sách hiện tại của chính quyền thì có lẽ phù hợp hơn…
Việt Hùng: Theo ông Phạm Hồng Sơn đó là những mầm mống phản kháng phát sinh từ lòng chế độ, cái nhìn từ bên ngoài, ông Đỗ Hoàng Điềm, ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Ông Đỗ Hoàng Điềm: Theo chúng tôi nhìn về mặt bất mãn về pháp lý về quyền tư hữu như bác sĩ Phạm Hồng Sơn phân tích thì chúng tôi nhìn thấy một khía cạnh thứ hai của những mầm mống phản kháng này, đây là thể hiện sự bất mãn của người dân vì tình trạng bất công, trình trạng bất công này thể hiện sự nhũng lạm, tham nhũng của những giới chức đang nắm quyền bất chấp pháp luật, bất chấp những quyền căn bản của người dân.
Những người đang có chức vị đã lợi dùng quyền hành để có những hành động cướp đất đai của người dân, hoặc là có những trường hợp đền bù không tương xứng với những gì mà người dân bị mất đi.
Chính cái tình trạng nhũng lạm, bất công trong xã hội này đã đóng góp một phần rất lớn đưa đến những bất mãn, đưa đến những phản kháng mà chúng ta đang nhìn thấy, dĩ nhiên khi nào quyền lợi đời sống của người dân không bảo đảm vì đói khổ, vì bất công thì sự đấu tranh đó là sự chính đáng và cần được sự hỗ trợ của tất cả mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam ngày hôm nay.
Việt Hùng: Với cái nhìn của các ông nguyên do nào mà trong thời gian vừa qua những cuộc biểu tình khiếu kiện đất đai có bóng dáng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong việc cứu trợ giúp đỡ dân oan, phải chăng yếu tố "dân có thể dựng thuyền và dân cũng có thể úp thuyền"…
Bác sĩ Phạm Hồng Sơn: Vâng, chúng ta thường đề cập đến vấn đề xây dựng một chính quyền, tức là một hệ thống cai trị thì người ta thường đưa ra một câu "dân là người đẩy thuyền đi và cũng có thể dân là người lật thuyền…", tôi nghĩ điều này nói đến một triết lý sâu xa là gì bất kỳ một hệ thống nhà nước, hệ thống cai trị nào cũng đều phải dựa vào dân.
Dân có chấp nhận hệ thống cai trị đó hay không thì hệ thống cai trị đó mới có thể tồn tại được mặc dù có thể hiện nay hệ thống cai trị đó vẫn đang tồn tại…, nhưng nếu hệ thống cai trị đó bảo vệ quyền lợi của dân và không đáp ứng được nguyện vọng của người dân thì chắc chắn trước sau hệ thống cai trị đó cũng không thể tồn tại được, tức là lúc đó người dân sẽ là người lật thuyền.
Điều đó theo tôi là sự đúc kết của lịch sử, của nhân loại và không chỉ của lịch sử Việt Nam và đấy là triết lý mà tôi nghĩ rằng, tất cả những người cai trị, những nhà cầmn quyền đều phải ý thức được rất rõ.
Ông Đỗ Hoàng Điềm: Theo cái nhìn của chúng tôi bất cứ một chính quyền nào sở dĩ được cầm quyền là vì được sự chấp thuận của người dân. Chúng ta biết rằng trong những quốc gia dân chủ sự chấp thuận là đến từ người dân qua những cuộc bầu cử tự do công bằng, nhưng mà trong trường hợp của những quốc gia độc tài như trường hợp Miến Điện mà chúng ta trao đổi từ nãy đến giờ thì sự chấp nhận đó đến từ sự cưỡng bức, bạo lực và khủng bố. Thế thì tuy người dân buộc phải chấp nhận qua bạo lực hoặc chấp thuận qua một cuộc bầu cử thì chính người dân sẽ là người thu hồi lại quyền chấp thuận đó.
Chính người dân có quyền lấy lại sự ủy nhiệm cai trị chính quyền của những người đang cầm quyền. Trong trường hợp Việt Nam cũng thế, chính người dân Việt Nam là sức mạnh, là nền tảng cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ngày hôm nay và chính người dân cũng có khả năng và cái quyền để thâu hồi lại sự ủy nhiệm đó.
Ở đây chúng tôi cũng xin nói thêm qua việc người nông dân Việt Nam biểu tình khiếu kiện chống lại bất công, chống lại những sự việc mất đất thì đấy cũng là thể hiện hành động của người dân đang từ từ từng bước lấy lại quyền của mình để tranh đấu cho công bằng xã hội. Và sự hỗ trợ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tôi cho rằng cũng là một sự hỗ trợ bình thường thôi, bởi vì đó là vai trò của Tôn giáo là cứu đời, giúp đời, giúp những người đang hoạn nạn, nếu Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam có những hành động hỗ trợ cho người dân oan Việt Nam thì tôi cho rằng đó là hành động tất nhiên, thể hiện vai trò tất nhiên của Tôn giáo.
Việt Hùng: Vừa rồi là phần đầu cuộc Hội luận chính trị trong-ngoài nước liên quan với đề tài: Thấy gì qua cuộc xuống đường của người dân Miến Điện và những bài học nào cho kinh nghiệm dân chủ hóa Việt Nam qua cái nhìn của các nhà dân chủ trong-ngoài nước.
Những kinh nghiệm nào có thể tút tỉa từ bài học Miến Điện, Tôn giáo sẽ đóng vai trò như thế nào trong các cuộc cách mạng, đó là những vấn đề sẽ được bàn đến trong một buổi phát thanh tới, mời quí vị nhớ đón nghe.