Diễn biến tình hình Miến Điện và kinh nghiệm cho Việt Nam (phần 3)


2007.10.07

Việt Hùng, phóng viên đài RFA

Tiếp tục phần ba cuộc Hội luận chính trị trong-ngoài nước liên quan đến tiến trình dân chủ hóa Việt Nam qua bài học Miến Điện, trong buổi phát thanh hôm nay mời quí vị theo dõi phần cuối cuộc Hội luận qua phần điều hợp của Việt Hùng với hai vị khách mời là bác sĩ Phạm Hồng Sơn và ông Đỗ Hoàng Điềm.

NancyPelosiVnAmerican200.jpg
Ông Đỗ Hoàng Điềm (ngoài cùng bên trái) trong một cuộc tiếp xúc với các Dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ, trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết. RFA file photo.

Những bức xúc trong xã hội Việt Nam

Việt Hùng: Trong những cuộc Hội luận quí thính giả đã có dịp theo dõi nhận định của một số nhà dân chủ trong-ngoài nước liên quan đến cuộc biểu tình tại Miến Điện, rồi nhìn sang Việt Nam cũng là biểu tình nhưng là khiếu kiện đất đai của người dân, tiếp tục phần Hội luận chính trị trong-ngoài nước ngày hôm nay, thưa các ông liệu có phải là những bất ổn trong lòng xã hội tại Việt Nam qua các cuộc biểu tình khiếu kiện của người dân đã có thể nói đó là nguyên nhân chính do sự độc quyền về chính trị hay chưa, mời ông Phạm Hồng Sơn từ Việt Nam ?

BS Phạm Hồng Sơn: Theo quan điểm của tôi có thể nói nguyên nhân chính là do sự độc quyền chính trị. Hậu quả mà ngày hôm nay người dân phải hứng chịu đất đai của họ bị xâm phạm, hoặc bị cướp một cách trắng trợn, đền bù với giá mà chúng ta không thể tưởng tượng được. Tôi đưa ra một ví dụ ngay báo chí Việt Nam cũng đã đưa tin một mét vuông đất đền bù chỉ bằng hai tô phở, tức là 12.000 đồng tiền Việt Nam/ mét vuông đất thì có lẽ người cư dân nào sống trên thế giới thấy điều đó là không thể tưởng tượng được. Về phía chính quyền khi đưa ra những chính sách đó không phải là không bị những người trong chính quyền phản đối. Rất nhiều người trong chính quyền đề nghị phải thay đổi chính sách nhưng cho đến nay chính quyền vẫn cố tình duy trì hệ thống sở hữu bất công đó, vì thế mà hậu quả dẫn đến những cuộc biểu tình đang diễn ra cho nên có thể nói đó là nguyên nhân chính của một chế độ độc đoán, của một thể chế chính trị một đảng, hay có thể nói đó là hệ thống chính trị phản tiến bộ.

Việt Hùng: Theo quan điểm của ông Phạm Hồng Sơn nguyên nhân chính của những cuộc biểu tình khiếu kiện là do sự độc quyền chính trị, từ bên ngoài thưa ông Đỗ Hoàng Điềm, ông có chia sẻ quan điểm đó hay không?

Ô Đỗ Hoàng Điềm: Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ quan điểm ấy bởi vì theo kinh nghiệm thực tiễn của loài người mà chúng ta đã nhìn thấy độc quyền về chính trị là đồng nghĩa với tham nhũng, đồng nghĩa với bất công, đồng nghĩa với lợi dụng quyền hành, lợi dụng chức vụ để áp bức, áp chế người dân.

Tất cả những hiện tượng đó đem đến một hậu quả tham nhũng và bất công, lợi dụng quyền hành để áp bức… và chính hậu quả tất yếu này đã đưa đến sự phản kháng, chống đối của người dân bởi vì họ đã bị áp bức quá lâu, mất mát quá nhiều với sự nhũng loạn ngày hôm nay của giới chức đương quyền.

Bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát?

Việt Hùng: Với cái nhìn của các ông nguyên do nào mà thời gian vừa các nhà lãnh đạo cũng như dư luận nói nhiều đến điều 4 về quyền độc tôn lãnh đạo của đảng CSVN mà cụ thể nhất là gần đây ôngNguyễn Minh Triết đã tuyên bố “bỏ điều 4 tức là tự sát…”

Ô Đỗ Hoàng Điềm: Độc quyền chính trị là mầm mống của những tệ nạn xã hội, độc quyền chính trị cũng là phương tiện để những người đang cầm quyền duy trì được quyền lực và điều 4 Hiến pháp đã dành đặc ân cho đảng CSVN tiếp tục duy trì độc quyền chính trị đó. Đối với họ từ bỏ quyền lực là đồng nghĩa với tự sát.

Ở đây chúng tôi cũng xin nói thêm đối với cái nhìn của những người đang tranh đấu cho dân chủ, cho công bằng tại Việt Nam việc có từ bỏ quyền lực hay không, không nhất thiết đồng nghĩa với tự sát.

PhamHongSon150.jpg
Bác sĩ Phạm Hồng Sơn. RFA file photo.

Tôi nghĩ tất cả người dân ngày hôm nay đều muốn nhìn thấy một sự thay đổi trong ôn hòa, trong hòa bình, không đổ máu…, tôi nghĩ những người CSVN họ cần ý thức được việc đó, họ cần ý thức những thay đổi không có nghĩa là bạo loạn, bạo động và không có nghĩa từ bỏ quyền lực là tự sát. Tôi nghĩ cái nhìn đó khá là thiển cận…

BS Phạm Hồng Sơn: Về câu phát biểu gần đây của ông Nguyễn Minh Triết “bỏ điều 4 tức là chúng ta tự sát…”. Ở đây cần phân tích câu “chúng ta” mà ông Minh Triết nói trước hội trường tướng lãnh trong quân đội thì cần phải định rõ chữ “chúng ta” mà ông Minh Triết muốn nói là nói với một bộ phận của đảng CSVN chứ không phải “chúng ta” ở đây là nhân dân Việt Nam.

Tại sao ông Nguyễn Minh Triết lại nói bỏ điều 4 sẽ là tự sát. Nhận định đó của ông Nguyễn Minh Triết không có lý, không có lý ở chỗ điều 4 hiện nay quy định đảng CSVN là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước. Nếu bỏ điều 4 này tôi nghĩ có lợi cho cả hai, có lợi cho dân tộc và có lợi cho đảng cộng sản nói riêng. Nếu bỏ điều 4 thì nhân dân Việt Nam sẽ có khả năng tối đa trong việc lựa chọn những người có tài để lãnh đạo đất nưóc mà không chỉ bó hẹp trong những đảng viên đảng cộng sản.

Hiện nay theo tôi biết có rất nhiều người tài, có rất nhiều người tâm huyết nhưng không muốn vào đảng cộng sản hoặc là không ở trong đảng cộng sản cho nên giữ Điều 4 đã giảm khả năng của nhân dân chọn người tài để lãnh đạo đất nước, đó là điểm thứ nhất.

Điểm thứ hai đối với riêng đảng cộng sản nếu nhìn ở góc độ tiến bộ thì bỏ Điều 4 chính là tạo cơ hội cho chính đảng cộng sản để có sự chỉnh đốn đảng tốt hơn, còn nếu đảng cộng sản vẫn giữ Điều 4 thì kể như đảng cộng sản đã bỏ mất cơ hội và sự duy thoái-suy đồi sẽ không thể ngăn chặn được, thực tế ngày nay đã chứng minh điều đó.

Qua rất nhiều Đại hội đảng, đảng CSVN bị suy thoái, nhiều nghị quyết cũng đã luôn được nhắc có một bộ phận đảng viên tư tưởng không vững, tư cách đạo đức suy đồi, đặc biệt gần đây có những vụ án tham nhũng lớn nhất ở Việt Nam thì đều là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam hết.

Cho nên bỏ Điều 4 cũng là cho những người tham nhũng hiện nay đang đi sâu vào việc vi phạm pháp luật Việt Nam có cơ hội không nhất sâu vào tội lỗi và để họ có cơ hội nhìn lại bản thân mình hơn. Cho nên tôi khẳng định lại bỏ Điều 4 có lợi cho tất cả.

Ô Đỗ Hoàng Điềm: Vâng, chúng tôi quả thật là rất lấy làm tâm đắc về những nhận xét sâu sắc của bác sĩ Phạm Hồng Sơn về câu phát biểu của ông Nguyễn Minh Triết “bỏ Điều 4 đồng nghĩa với tự sát”.

Thực sự câu phát biểu đó của ông Nguyễn Minh Triết thể hiện phần nào sự thiếu tự tin của chính đảng CSVN. Bỏ Điều 4 như bác sĩ Phạm Hồng Sơn nói điều đó có nghĩ là đảng CSVN không giữ độc quyền. Bỏ Điều 4 Hiến pháp sẽ mở cửa cho những cuộc bầu cử tự do, tuyển cử tự do dân chủ.

Tôi nghĩ đảng CSVN chứng tỏ được những khả năng đó thì vẫn tranh thủ được sự hậu thuẫn của người dân Việt Nam thì việc đó sẽ đem lại cho họ sự chính thống về cai trị và tiếp tục cầm quyền.

Vai trò lãnh đạo của đảng CSVN

Việt Hùng: Liên quan đến quyền độc tôn lãnh đạo của đảng CSVN nhiều ý kiến ở trong nước cho rằng đảng nào lãnh đạo cũng được miễn làm sao cho dân giàu nước mạnh, nếu nhìn lại những ý kiến như vậy sẽ thấy quyền độc tôn lãnh đạo của đảng trong sự hội nhập cũng có những thành công, các ông nhìn vấn đề này ra sao?

BS Phạm Hồng Sơn: Chúng ta phải đặt ở quan điểm thành công hay thất bại đều phải dựa trên sự so sánh. Rõ ràng kể từ ngày đảng CSVN nắm quyền lãnh đạo đất nước cho đến nay chưa có một sự so sánh nào, nếu đảng cộng sản lãnh đạon thì được thành công thế này, nếu đảng khác lãnh đạo thí được thành công thế khác… thì đấy mới là vấn đề quan trọng.

Còn nếu hiện nay chúng ta chỉ dựa trên mà đảng cộng sản đưa ra mà đảng cộng sản đạt được thì tôi nghĩ rằng về vấn đề khoa học tôi nghĩ rằng đã không có đánh giá một cách đúng là những thành công đó có đáng hoan nghênh có đáng khích lệ hay không…

Việt Hùng: Như vậy là quan điểm của ông là ông phủ nhận những “thành công” mà đảng CSVN đạt được trong thời gian qua?

BS Phạm Hồng Sơn: Tôi không có ý phủ nhận những kết quả mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua mà tôi chỉ đặt vấn đề nếu cũng trong một thời điểm đó mà một đảng khác lãnh đạo thì chúng ta có được thành công nhiều hơn hay không? Và chúng ta có thể ngăn chặn được những suy thoái hiện nay trong xã hội, về môi trường thiên nhiên, về môi trường sống, về giáo dục tốt hon hay không, cái đó mới là vấn đề.

Việt Hùng: Lát nữa chúng tôi sẽ trở lại với ông Phạm Hồng Sơn, thưa ông Đỗ Hoàng Điềm riêng về vấn đề này cái nhìn của ông như thế nào?

Ô Đỗ Hoàng Điềm: Thứ nhất tôi xin chia sẻ với bác sĩ Phạm Hồng Sơn là chúng ta thiếu sự so sánh để mà có thể lượng giá được sự thành công đó như thế nào.

Ở đây chúng tôi xin đưa thêm một góc nhìn thứ hai, cho đến giờ phút này thường thường người ta nói đến sự thành công của sự hội nhập của Việt Nam thì có lẽ ít nhiều ai cũng nghĩ đến khía cạnh kinh tế, nhưng chúng ta quên một điều là sự phát triển của một dân tộc phải là sự phát triển đa dạng không thể naò chỉ đơn thuần về kinh tế, còn về mặt xã hội, văn hóa, môi sinh, nhân quyền…, tất cả những mặt đó tôi cho rằng dân tộc chúng ta đã bị mất mát thua thiệt rất nhiều, chúng ta đã không có được những phát triển tương xứng với mức tiến bộ chung của loài người thành ra với sự hội nhập đó dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản có những giới hạn.

Ngay cả về mặt kinh tế mà người ta vẫn thường nói là thành công đi nữa vẫn có những tệ nạn, những hệ lụy của cái gọi là phát triển kinh tế mà chúng ta đang thấy đã đem đến đầy rẫy những tình trạng bất công. Nếu không có sự bất công đó thì làm sao có chuyện người dân oan ở Việt Nam phải đi khiếu kiện, làm gì có những cuộc đình công của người công nhân.

Kinh nghiệm từ tình hình Miến Điện

Việt Hùng: Câu hỏi cuối cùng trước khi chấm dứt phần Hội luận hôm nay, thưa các ông kinh nghiệm rút ra từ những bất ổn về chíhh trị cho thấy đâu phải những thay đổi về chính trị nào cũng thuận cho tiến trình dân chủ hóa, kinh nghiệm từ Đông Âu nhất là từ Hungary cho thấy những thay đổi chính lại phát xuất từ trong lòng đảng để rồi lan tỏa trong xã hội để rồi kéo theo những thay đổi Nhung lụa trong hệ thống chính trị, các ông đánh giá về yếu tố này như thế nào và với hoàn cảnh của Việt Nam yếu tố này có khả quan hay không?

BS Phạm Hồng Sơn: Chúng ta phải nhìn nhận tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam đến từ nhiều phía, theo tôi yếu tố quan trọng cũng nằm ngay trong nội bộ chính quyền hiện nay hay nói đúng ra là trong đảng CSVN, đấy là một trong những yếu tố rất quan trọng để cho tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam có những bước tiến nhanh, đột khởi, đột biến, cho nên có rất nhiều những người cộng sản hiện nay đang nằm trong chính quyền họ cũng đã hiểu và linh cảm được xu thế đó. Cho nên yếu tố ủng hộ dân chủ trong đảng CSVN phải khẳng định là có!

Ông Nguyễn Minh Triết tại sao ông lại phải phát biểu bỏ Điều 4 là tự sát, tôi nghĩ dấu hiệu đó là một dấu hiệu trung thực nói lên ngay chính trong đảng cộng sản đã có những nguồn lực tạo ra những lo lắng cho những người gọi là bảo thủ muốn duy trì hệ thống độc đảng hiện nay.

Trở lại vấn đề tôi muốn nói trong đảng cộng sản hiện nay có những người đang muốn thúc đấy hủy bỏ Điều 4 mà tôi khẳng định đấy là những yếu tố rất quan trọng bên cạnh những sức mạnh khác ví dụ như những người đấu tranh công khai như tôi, như ông Đỗ Hoàng Điềm cũng như rất nhiều tổ chức hay cá nhân và những nguồn lực khác hiện nay mà chúng ta chưa tiện liệt kê ra ở đây và điều đó là điều tôi muốn chia sẻ với các quí vị.

Việt Hùng: Thật ngắn gọn trước khi đóng lại phần Hội luận chính trị, mời ông…

Ô Đỗ Hoàng Điềm: Theo chúng tôi mấy triệu đảng viên đảng CSVN thì cũng là người Việt Nam và tôi tin tất cả chúng ta đều có ước vọng giống nhau, ít nhiều đều muốn nhìn thấy đất nước Việt Nam phải là một đất nưóc hùng mạnh, cuộc sống có ý nghĩa. Tôi tin rằng trong số ngần đó đảng viên đảng CSVN thế nào cũng có người tin vào một tương lai tươi sáng hơn, tin tưởng vào lẽ phải, công bằng và thế nào trong nội bộ đảng CSVN cũng có những xu hướng muốn nhìn thấy sự thay đổi tốt đẹo cho đất nước.

Việt Hùng: Thay mặt quí thính giả của đài cám ơn ông Phạm Hồng Sơn từ Hà Nội, cám ơn ông Đỗ Hoàng Điềm từ Hoa Kỳ đã tham dự cuộc Hội luận chính trị trong-ngoài nước ngày hôm nay.

(Chúng tôi xin được nhắc lại rằng những ý kiến đựơc nêu lên không nhất thiết phản ánh quan điểm của đài Á Châu Tự Do).

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.