Phân phát gạo mốc cho người dân, ban lãnh đạo vẫn được hưởng án treo


2005.09.24

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Do sự khiếu nại của người dân, năm nhân vật có trách nhiệm thuộc Xí Nghiệp Lương Thực Ninh Thuận bị đưa ra xét xử trong phiên tòa ngày 19 tháng 9 vừa qua về tội phát gạo mốc cho dân.

RiceMarket150.jpg
Những hàng bán gạo dọc đường phố Hà Nội. AFP PHOTO

Kết quả hai giám đốc và phó giám đốc xí nghiệp hưởng án treo, còn cấp dưới của họ bị tù giam. Trường Văn tường trình cùng quý vị phản ứng của người dân tỉnh Ninh Thuận đối với bản án này.

Cuối năm 2004, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Ninh Thuận giao cho Xí Nghiệp Lương Thực Ninh Thuận cung cấp 1000 tấn gạo để cứu đói cho đồng bào vùng hạn hán ở huyện Ninh Hải và Ninh Phước trước Tết Ất Dậu.

Cải tạo không giam giữ

Với gạo mua của hai doanh nghiệp tư nhân, Xí nghiệp đã phát 500 tấn trong đợt đầu vào tháng giêng năm 2005. Tuy nhiên khi tiếp tục cứu đói đợt hai vào tháng 4/2005 gần 450 tấn gạo phát cho đồng bào hai huyện vừa kể bị mốc, kém chất lượng. Người dân đã trả lại 133 tấn gạo mốc. Số gạo này lại được xí nghiệp đem phân phát cho các nơi khác.

Do sự khiếu nại của dân, năm nhân vật có trách nhiệm thuộc Xí Nghiệp Lương Thực Ninh Thuận bị truy tố về tội cố ý làm trái qui định của nhà nước, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong phiên tòa ngày 19 tháng 9 vừa qua, Tòa án Nhân Dân Tỉnh Ninh Thuận tuyên án 24 tháng cải tạo không giam giữ đối với Giám Đốc và Phó Giám Đốc Xí Nghiệp Lương Thực Ninh Thuận.

Riêng Phó phòng tổng hợp phụ trách kinh doanh bị phạt 15 tháng tù giam và một thủ kho bị phạt 9 tháng tù treo.

Bạn nghị gì về sự kiện này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Người dân bất bình

Quyết định trên của Tòa án gây nên sự bất bình của người dân. Được hỏi về vấn đề này một người dân thuộc huyện Ninh Hải nơi gạo mốc được phát có ý kiến như sau: “Những người lãnh đạo lại chịu trách nhiệm ít hơn thuộc cấp, chắc là có chuyện gì đây. Tôi phải phản ánh lên.”

Một người khác thuộc huyện Ninh Phước dè dặt hơn: “Lãnh đạo sai sót nhưng đúng ra những người phát gạo mốc phải ngưng lại.”

Một bà nội trợ cho rằng cần phải xem cấp lãnh đạo có chỉ thị cho cấp dưới mua gạo kém chất lượng để lấy tiền bỏ túi hay không mới có thể đoán xét được.

Bà nói: “Lãnh đạo chịu trách nhiệm ít hơn vì không chịu kiểm soát. Còn việc mua gạo mốc là cố ý của người mua.”

Xuyên qua ý kiến của 3 người dân trong vùng có phân phát gạo cứu trợ đối vối quyết định của tòa án có thể kết luận rằng còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong việc qui trách nhiệm về hành chánh cũng như dân sự lẫn hình sự cho các cán bộ, công nhân viên nhà nước làm nhiều điều sai trái.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.