Trầm cảm vì bạo hành trong gia đình
2006.10.23
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Theo thông tin từ trong nước, hiện nay, tình trạng bạo hành trong gia đình có xu hướng ngày càng tăng và dẫn đến chứng trầm cảm của nhiều phụ nữ. Việc này xuất hiện ngày càng nhiều. Việc bạo hành trong đời sống vợ chồng thường có ở các hình thức: bạo hành về thân thể, tình dục, quan hệ xã hội, tiền bạc, và tinh thần.
Các hình thức này làm cho người phụ nữ bị thay đổi nghiêm trọng từ cảm xúc đến suy nghĩ và hành động. Để tìm hiểu thêm về tình trạng bạo hành trong gia đình dẫn đến bị bệnh trầm cảm của phụ nữ, mời quí vị và các bạn nghe một số chuyên gia trong và ngoài nước trình bày những thông tin liên quan đến việc này.
Xu hướng tăng cao
Theo lời của tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn, giáo sư trường Đại Học Sư Phạm TPHCM, và đang cộng tác với rất nhiều chương trình tư vấn thì hiện nay, những chị em phụ nữ bị bạo hành trong gia đình đang có xu hướng bị bệnh trầm cảm cao. Tiến sĩ Sơn cho hay:
“Thực tế, bạo hành trong gia đình ở Việt Nam vẫn còn, tình hình này xảy ra với một số gia đình ở nông thôn, so với thời xưa đã bớt đi rất nhiều, nhưng hiện nay vẫn còn cảnh chồng về nhà “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Tuy nhiên, đối với một số gia đình trí thức, thì nạn bạo hành thân thể bớt đi nhưng thay vào đó là bạo hành về tinh thần, tiền bạc, tình dục...
Khi một người phụ nữ bị bạo hành trong gia đình, tuy đã ly hôn nhưng vết tích trầm cảm vẫn còn, bởi vì họ sẽ mất sự tự tin, họ cảm thấy họ vô dụng và họ cũng không tin những người đàn ông khác nếu như họ có cơ hội mới…
Thực sự, để giải quyết 100% những vấn đề dẫn đến trầm cảm trong đời sống rất khó nhưng liệu pháp về tâm lý có thể giúp họ phần nào vượt qua và dần dần theo thời gian sẽ giúp họ xóa nhòa những ký ức không đẹp lắm đã qua, và sẽ giúp họ lấy lại được nội lực và tự tin trong cuộc sống mới.”
Thực tế, bạo hành trong gia đình ở Việt Nam vẫn còn, tình hình này xảy ra với một số gia đình ở nông thôn, so với thời xưa đã bớt đi rất nhiều, nhưng hiện nay vẫn còn cảnh chồng về nhà “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Tuy nhiên, đối với một số gia đình trí thức, thì nạn bạo hành thân thể bớt đi nhưng thay vào đó là bạo hành về tinh thần, tiền bạc, tình dục...
Cũng theo tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, hiện nay, xã hội Việt Nam cũng rất quan tâm đến nạn bạo hành trong gia đình. Ông nói: “Với tư cách là một người nghiên cứu về tâm lý, tôi nhận thấy là xã hội Việt Nam đã quan tâm nhiều đến hiện tượng bạo hành trong gia đình.
Tuy nhiên, phải thực sự mà nói thì sự quan tâm của các đoàn thể, các ban ngành chưa mang tính chất khoa học lắm trên phương diện tiếp cận để giải quyết nạn trầm cảm của một số người nữ. Chính vì vậy chúng ta phải tìm ra những biện pháp hợp lý cho những người phụ nữ sống trong cảnh bị bạo hành sẽ bớt đi nạn trầm cảm.”
Biện pháp giúp đỡ
Được hỏi những biện pháp nào có thể giúp cho những chị em phụ nữ không may bị bạo hành trong gia đình tránh được bệnh trầm cảm. Tiến sĩ Sơn trả lời:
“Theo cá nhân tôi thì những biện pháp sau đây có thể xử dụng: thứ nhất, tuyên truyền cho những phụ nữ hiểu về bình đẳng giới, hiểu những kỹ năng sống để tự bảo vệ mình. Thứ hai là phải nâng cao sự nhận thức của các ông chồng trong cuộc sống từ đó bớt những mâu thuẫn nảy sinh, và hiện tượng bạo hành không còn nữa.
Thứ ba là Hội LHPN cũng như các ban ngành có liên quan cần bảo vệ người phụ nữ nhiều hơn nữa cũng như cần phải giải thích cho họ hiểu rằng không nên cam tâm với sự bạo hành đó, mà cần nhờ các tổ chức ban ngành có liên quan hỗ trợ, hay nhờ các nhà tư vấn. Hiện giờ các tỉnh thành cũng có những đường dây tư vấn hay một số đường dây nóng. Đây là điều rất cần thiết để có thể hỗ trợ những người phụ nữ bị bạo hành trong gia đình. “
Ngoài ra, tiến sĩ Sơn cũng cho biết về những phương pháp trị liệu bệnh trầm cảm cho các phụ nữ mà ông và các đồng nghiệp đang nghiên cứu:
“Chúng tôi đang thử nghiệm một số phương pháp trị liệu về tâm lý vị dụ trị liệu cá nhân, tức là một người tâm lý sẽ làm việc với người bị bạo hành trong gia đình mà bị trầm cảm. Về trị liệu cá nhân phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, ví dụ như định lượng, sau đó tìm nguyên nhân…
Theo cá nhân tôi thì những biện pháp sau đây có thể xử dụng: thứ nhất, tuyên truyền cho những phụ nữ hiểu về bình đẳng giới, hiểu những kỹ năng sống để tự bảo vệ mình. Thứ hai là phải nâng cao sự nhận thức của các ông chồng trong cuộc sống từ đó bớt những mâu thuẫn nảy sinh, và hiện tượng bạo hành không còn nữa.
Hiện tại cũng đang thử nghiệm tương tác nhóm trong quá trình trị liệu, có nghĩa là 3 hay nhiều chuyên gia làm việc với một cá nhân. Với cách này, chúng ta trị liệu gần giống như gia đình, chia xẻ, tương tác với nhau…”
Phương pháp trị liệu
Với bác sĩ Lê Phương Thuý, hiện đang hành nghề tại vùng San Jose, tiểu bang California, thì bệnh trầm cảm nặng dễ dàng đến với những người đã có mầm mống “trầm cảm” từ trước khi bị bạo hành. Bác sĩ nói:
“Trầm cảm là do bị xáo trộn các chất ở não bộ, cũng giống như một người mắc bệnh tiểu đường là do thiếu insulin. Khi bị nặng có nghĩa là những người đó không còn khả năng để làm những công việc bình thường của mình được, như một bà nội trợ không nấu ăn được, nằm liệt giường…
Khi nặng như thế thì phải có thuốc men và tâm lý trị liệu nữa. Nếu những người bị bạo hành trong gia đình và có thêm nhân tố trầm cảm thì sẽ phát bệnh trầm cảm. Sự trị liệu là phải lấy những áp lực đó ra. Thí dụ bị bạo hành thì phải chấm dứt bạo hành.
Có những trường hợp bị trầm cảm nhẹ thì chỉ cần nghỉ ngơi, giải trí, tập thể thao, và dùng tâm lý trị liệu, có một chuyên gia nói chuyện thì sẽ vượt qua được. Những trường hợp nặng như mất ăn, mất ngủ, hay nghĩ đến việc quyên sinh thì phải dùng thuốc trị liệu trầm cảm.”
Bác sĩ Thúy cũng cho hay, ở vào trường hợp các phụ nữ không có điều kiện đến với các chuyên gia tâm lý, nhất là những phụ nữ ở nông thôn, thì: “Ở mỗi hoàn cảnh, môi trường khác nhau thì mình phải xoay sở trong môi trường mà mình có. Mình hãy tránh những khung cảnh căng thẳng hay tổn hại đến mình. Chẳng hạn như một người cứ liên tục hành hạ mình về tinh thần hay thể xác thì mình phải tránh xa người đó.”
Rất dễ nhận biết
Riêng với cô Michelle Mai, một chuyên gia tâm lý đang làm việc cho cơ quan Asian American Recovery Services, trụ sở tại San Francisco, thì cho rằng triệu chứng bệnh trầm cảm rất dễ nhận ra và nên chữa trị ngay lập tức. Cô cho hay:
Nếu được chia xẻ với giới nữ về các vấn đề bạo hành trong gia đình và làm thế nào để tránh được chuyện này thì chúng ta phải giải quyết từ cái gốc có nghĩa là phải tìm hiểu thật kỹ để chúng ta có thể chung sống với họ hay không? Khi bị bạo hành chúng ta đừng bao giờ che dấu sự thật, đừng quên rằng mình bao giờ cũng là một con người bình thường.
“Họ sẽ bớt nói đi, họ sẽ không muốn làm gì hết, không được vui vẻ, ăn uống cũng không muốn, cũng không lo cho con cái họ nhiều và rất buồn bã. Nếu muốn tránh trầm cảm thì phải chia xẻ với người thân và bạn bè của mình. Vì càng không muốn nói ra những đau khổ của mình thì nó càng nghiêm trọng hơn.
Chỉ có chính bản thân họ, một mình họ mới có thể thay đổi hoàn cảnh của họ thôi. Không ai có thể thay đổi được, nếu mình không muốn giải quyết thì càng nghiêm trọng hơn. Nếu bịnh trầm cảm mà không giải quyết liền thì nó sẽ đưa đến những bệnh tâm thần, không được bình thường. Người Á Đông mình không biết về bịnh trầm cảm nhiều nên nó sẽ đem đến những sự nguy hiểm.”
Một chuyên gia tâm lý khác, anh Nguyễn Minh Tuấn, hiện đang làm việc tại San Jose, California thì đề nghị những phụ nữ bị bệnh trầm cảm phải nên gặp các chuyên gia tâm lý để tìm những phương pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề. Trong trường hợp, những phụ nữ không có điều kiện để đến với các chuyên gia tâm lý thì:
“Khi bị trầm cảm nhẹ thì chắc chắn họ sẽ vượt qua được. Nhưng có nhiều người sau một thời gian bị bạo hành thì họ trở thành thói quen chịu đựng. Phương pháp chịu đựng này hoàn toàn không nên, do đó họ nên tìm đến những vị linh hướng như các linh mục, các thầy, các sư cô, những người đó sẽ giúp cho họ có một niềm tin trong vấn đề tôn giáo.
Hoặc tìm những người nào có uy tín trong gia đình, xã hội để những người này họ sẽ đứng ra giải quyết cho những người phụ nữ đang bị trầm cảm do bị bạo hành trong gia đình. Ở vùng nông thôn Việt Nam, có những buổi cơm toàn là phụ nữ làm bếp với nhau, và tâm sự với nhau, cái đó giúp cho họ không bị ở trạng thái cô đơn, nhưng tốt hơn hết vẫn là tìm một người nào có uy tín để giúp cho mình, để hoà nhập với hoàn cảnh xã hội.”
Giải quyết từ nguồn gốc
Trở lại với tiến sĩ Huỳnh Thanh Sơn, một người rất quan tâm về vấn đề này ở Việt Nam, ông cho rằng, điều quan trọng nhất là vẫn phải xác định mức độ trầm cảm, nguyên nhân của bịnh trầm cảm là sự bạo hành trong gia đình thì mới mong giải quyết được tận gốc. Ông nói:
“Nếu được chia xẻ với giới nữ về các vấn đề bạo hành trong gia đình và làm thế nào để tránh được chuyện này thì chúng ta phải giải quyết từ cái gốc có nghĩa là phải tìm hiểu thật kỹ để chúng ta có thể chung sống với họ hay không? Khi bị bạo hành chúng ta đừng bao giờ che dấu sự thật, đừng quên rằng mình bao giờ cũng là một con người bình thường.
Tức là chúng ta phải đấu tranh dù trực diện hay đó là chống đối mang tính chất yếu ớt. Hãy tìm những người thân hay người nào đó để có thể chia xẻ, tâm sự. Đó là nguồn lực rất quan trọng cho người phụ nữ có nghị lực để vượt qua. Đừng ngại ngùng khi bày tỏ điều này cho những nhà tư vấn vì những nhà tư vấn là những nhà phát hiện sớm về trầm cảm và hỗ trợ chúng ta vượt qua những trầm cảm trong cuộc sống.”
Vừa rồi là những ý kiến của các nhà chuyên môn tâm lý về vấn đề bạo hành trong gia đình dẫn đến hậu quả là mắc bịnh trầm cảm của phụ nữ. Mong rằng những thông tin vừa qua phần nào sẽ giúp thêm sự hiểu biết cho thính giả và đặc biệt là các chị em phụ nữ về sự bạo hành trong gia đình liên quan đến bệnh trầm cảm. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.
Những bài liên quan
- Bản tường trình về bạo hành đối với trẻ em tại vùng Đông Á-Thái Bình Dương
- Hội thảo "Thay đổi Diện mạo của Châu Á: Phụ nữ là một Thế lực Chính trị"
- Ý kiến của nữ giới về đề nghị mức tuổi nghỉ hưu mới
- Hội chứng phụ nữ chụp hình “nude” ở TPHCM
- Chị Vũ Thị Quyên và trung tâm giáo dục thiên nhiên ở Việt Nam
- Phụ nữ Việt Nam tìm bạn bốn phương
- Sự tham gia của phụ nữ trong lãnh vực chính trị
- Vai trò của phụ nữ trong thời đại mới
- Chị Phạm Thị Huệ và quán ca trù đầu tiên ở Việt Nam