Bạo hành gia đình, nguyên nhân khiến số tử vong và ly dị tăng cao tại Việt Nam


2007.06.29

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Báo Tiền Phong số ra hôm thứ Sáu nêu số liệu của Bộ Công An là ở Việt Nam cứ hai ba ngày thì có một người chết vì bạo hành gia đình, quá nửa những vụ ly dị đến từ sự ngược đãi hay đánh đập người phối ngẫu. Nguyên nhân là do rượu chè, ghen tuông và nghèo khó mà trong đó nguyên nhân say rượi chiếm cao nhất.

CoupleYouth150.jpg
Bạo lực trong gia đình, nguyên nhân của nhiều vụ ly hôn tại Việt Nam. AFP PHOTO.

Trao đổi với Thanh Trúc, bà Vương Thị Hạnh, giám đốc Trung Tâm Hổ Trợ, Giáo Dục Và Nâng Cao Năng Lực Cho Phụ Nữ, cho biết dự thảo luật chống bạo hành gia đình đã được mang ra bàn thảo từ quốc hội khóa trước và hy vọng quốc hội mới sẽ tiếp tục thảo luận để thông qua trong năm nay:

Bà Vương Thị Hạnh: Nhà nước đang chuẩn bị ra luật chống bao hành gia đình, đang trong quá trình bàn thảo về dự luật đấy. Chắc chắn bạo hành gia đình là một vấn đề xã hội cần phải quan tâm, bởi nó ảnh hưởng đến quyền phụ nữ, ảnh hưởng đến sự tiến bộ và hạnh phúc của gia đình. Hiện tượng ấy là có nhưng tới mức bao nhiêu phần trăm của các gia đình thì có lẽ là phải tìm hiểu thêm.

Thanh Trúc: Thưa trong vai trò của Trung Tâm Hổ Trợ, Giao Dục Và Nâng Cao Năng Lực Phụ Nữ thì khi đề cập đến vấn đề bạo hành gia đình mà phụ nữ là nạn nhân thì phải nhắm đến những yếu tố nào?

Bà Vương Thị Hạnh: Không phải chỉ nói cho phụ nữ mà phải nói cho tòan cộng đồng bởi vì nguyên nhân đó là nguyên nhân xã hội, nguyên nhân về văn hóa truyền thống về cái gia trưởng cái uy quyền của nam giới trong gia đình đã ảnh hưởng đến tệ nạn này.

Do đó mà nói chung là các tổ chức ở Việt Nam khi làm vềvấn đề này thì phải tuyên truyền để giúp mọi người hiểu thế nào là bạo hành, nguyên nhân nào dẫn đến, hậu quả ra sao? Ai là người có vai trò trong tham gia giải quyết và ngăn chặn cái nạn này.

Từ góc độ về phía chính quyền, công an, luật pháp, các tổ chức xã hội ở cộng đồng rồi từ người dân ở trong cộng đồng và đặc biết là nam giới. Hiện nay ở Việt Nam có các chương trình tuyến truyền trên báo chí. Các tổ chức quan tâm cũng có chương trình làm việc đối với những người gây ra bạo hành. Đó là công việc đang tiến hành. Ngòai ra một số các tổ chức quốc tế cũng có những sự hỗ trợ để thực hiện những chương trình như vậy.

Truyền thống

Thanh Trúc: Thưa bà Vương Thị Hạnh trong xã hội Việt Nam của mình như bà nói là theo truyền thống gọi là gia trưởng hay truyền thống gọi là đèn nhà ai nhà ấy rạng thì khi một trường hợp bạo hành gia đình xảy ra, nếu nạn nhân hay hàng xóm có kêu cảnh sát thì chính nhân viên công lực cũng thường nói đó là chuyện nhà riêng tư phải tự xử lấy …

Bà Vương Thị Hạnh: Không, bây giờ không thế nữa. Trước đây thì trong cộng đồng có tổ hòa giải. Trước đây quan niệm hòa giải thì coi như là làm thế nào cho êm thấm trong gia đình thôi.

Hiện nay thì trong các tổ hòa giải và những người có trách nhiệm đến thì họ không còn khuyên nhủ là đóng cửa bảo nhau đâu. Họ phải phân tích tìm ra cái sai của phía người gây ra hay phía người bị bạo hành. Nghĩa là cái cách làm thế nào, phương pháp nào cho tốt chứ họ không còn khuyên người ta là phải chịu đựng đâu.

Đến giờ đó không phải là phương pháp tốt đâu. Phải làm cho người bị bạo hành thấy được trách nhiệm của mình thấy được vai trò của mình thấy được cái quyền của mình. Đối với những ngừơi gây ra bạo hành thì bây giờ chính quyền cũng có những biện pháp tương đối là mạnh hơn như cảnh cáo, có những trường hợp đã bị xử đấy.

Cũng đúng là có một vấn đề là lâu nay mọi người cho đấy là chuyện gia đình, người hành hung thì cho rằng đấy là chuyện của nhà tôi, không ai được can thiệp. Nhưng bây giờ khi có hiện tượng đó xảy ra thì hàng xóm láng giềng phải thông báo và những người có trách nhiệm phải đến ngay.

Bây giờ đã khác rồi, người ta nhận thức dần dần việc này là vi phạm. Vi phạm đây không chỉ trong nội bộ gia đình mà nó vi phạm đến quyền con người. Sự lên tiếng của xung quanh của xã hội đã tốt hơn. Nhưng tất nhiên phải làm mạnh hơn và nhiều hơn nữa.

Dự luật chống bạo hành gia đình

Thanh Trúc: Thưa bà Vương Thị Hạnh theo chổ bà biết dự luật chống bạo hành gia đình liệu bao giờ có thể trở thành luật?

Bà Vương Thị Hạnh: Quốc hội đã bàn thảo được mấy phiên rồi. Bây giờ Việt Nam đang chuyển giao từ quốc hội cũ sang quốc hội mới thì chắc chán chương trình đó phải ở quốc hội mới vì quốc hội khóa XI đã kết thúc nhiệm kỳ. Tháng Bảy tới đây thì quốc hội mới họp, chắc chắn đây là vấn đề sẽ đặt ra sớm vì theo kế họach cũ thì dự kiến phải thông qua trong năm 2007 này..

Thanh Trúc: Thưa bà theo số liệu của cơ quan chức năng Việt Nam thì năm 2005 sáu chục phẩy ba phần trăm những vụ li dị có nguyên nhân là bạo lực gia đình.

Bà Vương Thị Hạnh: Tăng lên hay giảm đi là điều chưa chắc chắn, đó là một. Hiện tượng li dị thì có và bắt nguồn bằng nhiều nguyên nhân. Nhưng một trong những điều cần phải đặt mạnh hơn nữa là giáo dục hôn nhân và tình yêu cho tuổi trẻ, lứa tuổi vị thành niên, lứa tuổi chuẩn bị bước vào kết hôn.

Có những trường hợp vội vàng thiếu suy nghĩ cân nhắc trước khi đi đến quyết định kết hôn. Có lẽ vấn đề giáo dục tình yêu và hôn nhân cho lứa tuổi thanh niên cần phải được quan tâm hơn, trách nhiệm về vấn đề đó cần phải rộng hơn sâu hơn. Đó là vai trò của các đòan thanh niên của các tổ chức xã hội của cộng đồng và đặc biết là của cha mẹ nữa.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn bà Vương Thị Hạnh.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.