Việt Nam thành lập liên mạng phòng chống bạo lực trong gia đình


2007.11.05
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Vào thời điểm này, Quốc Hội Việt Nam đang bàn thảo để thông qua luật Chống Bạo Hành Trong Gia Đình. Đây là một luật rất mới tại Việt Nam được đưa ra thảo luận, sau một thời gian dài tình trạng bạo hành trong gia đình càng ngày càng tăng.

DomesticViolence150.jpg
Tấm billboard "Chống Bạo Hành trong Gia Đình" trên đường phố Bắc Kinh hôm 29-11-2002. AFP PHOTO

Theo thông tin từ báo điện tử Việt Nam Net, tại phiên thảo luận, đại biểu Trương Thị Thu Hà, tỉnh Đồng Nai, dẫn chứng rằng trong 5 năm vừa qua, có trên 350000 vụ việc về bạo lực trong gia đình được đưa ra xử lý tại toà. Hơn 180 ngàn vụ liên quan đến đánh đập.

Trong số những lý do dẫn đến ly dị thì 53% là bạo lực trong gia đình. Bên cạnh việc các đại biểu quốc hội đang tranh cãi để thông qua luật này thì một mạng phòng chống bạo lực trong gia đình cũng vừa mới được thành lập tại Việt Nam vào ngày 27 tháng 10 vừa qua. Trang Phụ Nữ kỳ này xin gửi đến quí vị các thông tin về mạng Chống Bạo Lực Trong Gia Đình, gọi tắt là DOVIP NET.

Mục đích

Được biết, với sự hỗ trợ ban đầu từ tổ chức Hỗ Trợ Phát Triển của Đức, Trung tâm Nghiên cứu về Giới - Gia Đình - Phụ Nữ và Vị Thành Niên, trụ sở ở Hà Nội đã mạnh dạn đứng ra kêu gọi một số tổ chức thiện nguyện khác tham gia vào mạng Chống Bạo Lực Trong Gia Đình. Bà Nguyễn Vân Anh, chủ tịch sáng lập trung tâm này cho biết: “Bạo lực trong gia đình là vấn đề xảy ra ở khắp quốc gia trên thế giới. Để thay đổi vấn đề này không phải là chỉ một vài năm hoặc vì một sự kiện nào đó, mà nó phải có một quá trình. Ở Việt Nam thì trong vòng mươi năm trở lại, người ta bắt đầu quan tâm đến vấn đề này. Hiện nay, quốc hội đã đem ra để bàn thông qua luật chống bạo hành trong gia đình.

Cho nên, dư luận quan tâm đến nạn bạo hành trong gia đình nhiều hơn, các tình trạng bạo hành được báo cáo nhiều hơn. Đấy là một tiến bộ của xã hội. Nếu nói về bạo lực nói chung thì xảy ra ở các vùng miền, các tầng lớp, tất cả các điạ phương, ở các gia đình thuộc diện kinh tế khác nhau…Nếu nói về hành hạ về thể xác thì các vùng nông thôn và vùng núi nhiều hơn, nhưng cũng không loại trừ các vùng khác. Bạo lực về thể xác xảy ra rất nhiều.

Có rất nhiều tổ chức làm về chống bạo hành trong gia đình. Tổ chức của chúng tôi là một trong những tổ chức đầu tiên làm về vấn đề này. Lâu nay, chúng tôi vẫn nói là phải bắt tay nhau để làm thành mạng lưới. Thực ra việc chống bạo hành trong gia đình là một vấn đề quá mới mẻ. Tất cả các tổ chức, cá nhân còn đang ở trong thời kỳ dò dẫm để tìm đường đi cho mình, để làm sao làm việc cho có hiệu quả.

Bạo lực trong gia đình là vấn đề xảy ra ở khắp quốc gia trên thế giới. Để thay đổi vấn đề này không phải là chỉ một vài năm hoặc vì một sự kiện nào đó, mà nó phải có một quá trình. Ở Việt Nam thì trong vòng mươi năm trở lại, người ta bắt đầu quan tâm đến vấn đề này. Hiện nay, quốc hội đã đem ra để bàn thông qua luật chống bạo hành trong gia đình.

Thực ra, tất cả các tổ chức NGO ở Việt Nam gần đây mới muốn thành lập mạng, NGO ở Việt Nam cũng là mới, mà chống bạo hành trong gia đình cũng là mới. Hai cái mới cả, cho nên các tổ chức phải chờ đến khi có kinh nghiệm một chút mới có thể bắt tay với nhau, mới có kinh nghiệm chia xẻ, và mới có sự hổ trợ lẫn nhau.”

Bà cũng cho biết rằng tuy có nhiều tổ chức hoạt động để giúp đỡ cho các nạn nhân, nhưng từ trước tới nay, chỉ hoạt động rời rạc, nên thực tế, việc giúp đỡ cho các phụ nữ bị bạo hành trong gia đình không đạt được hiệu quả, nhất là trong vấn đề chính sách. Vì thế, việc thành lập mạng là để nhằm các mục đích sau: Mục đích thứ nhất là cùng chia xẻ kinh nghiệm, thứ hai là cùng hợp tác hỗ trợ, thứ ba là vận động chính sách. Vừa ra đời thì có một loạt hoạt động vận động chính sách:Ví dụ vận động với quốc hội tổ chức hội thảo bao gồm rất nhiều các nạn nhân ở các tỉnh thành, những người đã từng trải qua bạo hành, người từng có thời gian gây bạo hành với người thân yêu.

Họ sẽ gặp nhau để đóng góp cho cuộc hội thảo vì chính họ là người trong cuộc, họ sẽ hiểu luật chống bạo hành sẽ điều chỉnh họ. Sau đó họ sẽ họp và cùng với các chuyên gia sẽ thảo luận luật này và đóng góp một loạt ý kiến với quốc hội.

Trong tương lai, mạng DOVIP NET sẽ luôn đồng hành với các cơ quan chính phủ và các tổ chức khác để đưa luật này được thực thi một cách tốt nhất và đóng góp những điểm chưa được ổn để khi có điều kiện thì điều chỉnh phù hợp với thực tế.”

Theo lời bà cho biết, hiện nay, tổ chức mạng có 10 thành viên tham gia như như Viện Phát Triển Xã hội, Công Ty Tư Vấn Đầu Tư Y Tế là một công ty làm rất nhiều dự án phi lợi nhuận, tổ chức RAP, Viện Sức Khoẻ và Gia Đình, Hội Phụ Nữ Tỉnh Yên Bái, cùng một số tổ chức thiện nguyện khác và các cơ quan nhà nước.

Khi được hỏi, những thành viên có mong ước gì khi tham gia mạng Chống Bạo Lực Trong Gia Đình, bà cho biết:

“Khi thành lập mạng thì chúng tôi luôn mong muốn rằng hỗ trợ cho nhau, bù đắp cho nhau những phần mà mình chưa mạnh, và cùng với các tổ chức khác nối thành một vòng tay lớn. Tôi tin rằng việc vận động chính sách hay thay đổi nhận thức của cấp lãnh đạo ở các vùng, các điạ phương thì chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều.

Hoặc tổ chức A chẳng hạn, phát hiện nạn nhân, nhưng không có chức năng về tư vấn, thì có thể gửi đến các tổ chức có năng lực về tư vấn..Và các tổ chức có năng lực về tư vấn lại không thể giúp đỡ nạn nhân về sức khoẻ, thì có thể gửi đến tổ chức về sức khoẻ. Hoặc các tổ chức nhà nước thì có thể can thiệp với công an để giúp nạn nhân được hiệu quả hơn…”

Phải mất một thời gian dài

Tôi hy vọng rằng Luật Chống Bạo Hành trong Gia Đình khi được đưa vào cuộc sống thì sẽ có tác dụng bảo vệ cho các nạn nhân một cách có hiệu quả, mà trước đây, nếu nạn nhân bị đánh không bị thương tật đến 10% thì chưa được pháp luật bảo vệ thì bây giờ các nạn nhân sẽ được bảo vệ.

Như bà Nguyễn Vân Anh phát biểu, phải mất một thời gian dài thì dư luận và nhà nước Việt Nam mới quan tâm đến vấn đề bạo lực trong gia đình. Trong thời gian gần đây, có khá nhiều phụ nữ Việt Nam được định cư tại Hoa Kỳ theo diện chồng bảo lãnh.

Trong số họ, có những người vì thiếu hiểu biết luật pháp, cho rằng việc bạo hành trong gia đình ở Hoa Kỳ cũng giống như tại Việt Nam, họ không được bênh vực, nên đành phải cam tâm chịu đựng sự hành hạ. Thực tế, các mạng Phòng Chống Bạo Lực Trong Gia Đình tại Mỹ được thành lập ở khắp mọi nơi, ở các quận hạt địa phương cho đến các cơ quan của liên bang và đạt hiệu quả rất cao. Anh Nguyễn Minh Tuấn, một chuyên viên tâm lý hiện đang làm việc tại Santa Clara, bang California cho biết:

“Có một số hội đoàn, cơ quan, họ vận động rất mạnh để chống lại người bạo hành. Thí dụ, ông chồng bạo hành thì ông chồng chắc chắn phải đi học 52 tuần lễ, nếu đánh mà có chứng tích, tức là một năm trời để đi học. Nếu vắng một ngày thì phải đi học lại từ đầu. Chính vì vậy mà luật pháp cũng như hệ thống rất chặt chẽ để giúp cho những nạn nhân.

Ngoài ra, còn có những chương trình counseling, hay những nhà tạm để cho nạn nhân. Network thì có nhiều lắm. Tuỳ vào dạng bạo hành thì nạn nhân sẽ được giúp đỡ một cách thích ứng qua các cơ quan, qua các văn phòng tư vấn.

Gần đây, có một số chị em ở Việt Nam theo chồng qua Mỹ, trong thời gian đầu, các chị còn đang ngỡ ngàng ở xứ người, thì các ông chồng có những hành động khá bạo hành mà chị em ở Việt Nam mới qua không biết, nhưng hình thức bạo hành này phải lập đi lập lại nhiều lần làm cho tinh thần của người ta quá mệt mỏi và đến một lúc nào đó chịu đựng hết được thì họ có thể gọi cho đường dây network hay đường dây nóng 24/24. Sẽ có những thiện nguyện viên đến tìm cách đưa phụ nữ này ra khỏi nhà đó.

Nếu có những chứng cớ rõ ràng thì họ sẽ giới thiệu phụ nữ đó đến các cơ quan luật pháp, các cơ quan về di trú để người phụ nữ được an toàn bởi vì xã hội này rất tôn trọng nhân quyền nên không ai có quyền ẩu đả, không ai có quyền làm tổn thương bất kỳ ai cả.” Trở lại với bà Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch Hội Đồng Sáng Lập Trung Tâm Nghiên Cứu Về Giới- Gia Đình – và Phụ Nữ, bà cho biết rằng điều quan trọng nhất với Mạng Chống Bạo Hành Trong Gia Đình tại Việt Nam là làm sao vận động chính sách để nhà nước thông qua Luật Chống Bạo Hành Trong Gia Đình trong tháng 11 này và sớm được thi hành một cách có hiệu quả.

Vì hiện nay, trên thực tế, mặc dù có các tổ chức bênh vực cho các nạn nhân nhưng về mặt luật pháp thì vẫn còn rất lỏng lẻo, nhất là đối với những kẻ bạo hành. Bà nói:

“Tôi hy vọng rằng Luật Chống Bạo Hành trong Gia Đình khi được đưa vào cuộc sống thì sẽ có tác dụng bảo vệ cho các nạn nhân một cách có hiệu quả, mà trước đây, nếu nạn nhân bị đánh không bị thương tật đến 10% thì chưa được pháp luật bảo vệ thì bây giờ các nạn nhân sẽ được bảo vệ.

Và đây cũng là một luật để răn đe những người nào gây ra bạo lực trong gia đình thì hiểu rằng mình đang vi phạm luật. Thay vì trước đây thì họ luôn nghĩ rằng vợ mình thì mình đánh, và có nhiều trường hợp phụ nữ bị đánh chết vì bạo hành trong gia đình. Bây giờ hy vọng rằng tất cả tệ nạn đó sẽ bị giảm đi phần nào.”

Quí vị và các bạn vừa nghe một số thông tin liên quan đến Mạng Chống Bạo Lực Trong Gia Đình vừa mới được thành lập tại Việt Nam. Phương Anh xin dừng nơi đây và hẹn gặp lại quí vị vào kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.