Tiến sĩ Phan Ðình Diệu góp ý với Dự thảo báo cáo chính trị Ðại hội 10


2006.03.04

Việt Hùng, phóng viên đài RFA

Góp ý cho bản Dự thảo báo cáo chính trị Ðại hội X đảng Cộng sản Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Ðình Diệu, Ủy viên Ðoàn Chủ tịch - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hiện giảng dạy tại Ðại học Quốc gia Hà Nội cho rằng:

PhanDinhDieu200.jpg

" ...Dùng từ Ðổi Mới cũng không thích hợp lắm, bởi vì cái mới của Việt Nam tức là trở lại cái cũ chung của thiên hạ. Nền kinh tế Việt Nam nếu xét cho kỹ thì là kém phát triển và đang ở giai đoạn tiền tư bản chủ nghĩa, thực ra gọi là Ðổi Mới là đặt lại vị trí để nó đi được từ đầu con đường của nó, tức là đổi mới kinh tế phải song hành với đổi mới chính trị....".

Trong câu chuyện dành cho Việt Hùng của Ban Việt Ngữ - Ðài Á Châu Tự Do, từ Hà Nội Giáo sư Phan Ðình Diệu nói.

GS Phan Đình Diệu: Hồi đang chuẩn bị và tôi có được mời góp ý kiến thì tôi thấy nhiều hy vọng hơn là bởi vì tôi thấy trong gợi ý để đóng góp ý kiến lần trước vấn đề đổi mới về chính trị được đề cập tới nhiều hơn.

Trong dự thảo báo cáo lần này vấn đề đổi mới về chính trị, nhất là vấn đề dân chủ hóa xã hội ít được đề cập, và nó không được đúng vai trò cần thiết của nó. Cho nên vừa rồi trong cuộc họp ở Mặt Trận Tổ Quốc tôi cũng có phát biểu góp ý kiến, tôi chủ yếu nói về vấn đề đó trong góp ý của tôi.

Việt Hùng: Với cái nhìn của giáo sư, trong bản dự thảo báo cáo cá nhân giáo sư đã được mời góp ý lần trước có nhiều ý đổi mới về chính trị nhiều hơn so với bản dự thảo báo cáo hiện nay. Trong bản báo cáo có đề cập đến định hướng XHCN sẽ là hướng đến của Việt Nam.

Dùng từ Ðổi Mới cũng không thích hợp lắm, bởi vì cái mới của Việt Nam tức là trở lại cái cũ chung của thiên hạ. Nền kinh tế Việt Nam nếu xét cho kỹ thì là kém phát triển và đang ở giai đoạn tiền tư bản chủ nghĩa, thực ra gọi là Ðổi Mới là đặt lại vị trí để nó đi được từ đầu con đường của nó, tức là đổi mới kinh tế phải song hành với đổi mới chính trị.

GS Phan Đình Diệu: Vâng, đấy là vấn đề trung tâm đang được bàn cãi hiện nay. Tôi thấy thế này, trong 20 năm rồi đúng là cũng đã thực hiện được nhiều công việc về đổi mới hệ thống kinh tế, và sự phát triển kinh tế ở trong nước cũng có nhiều thay đổi theo chiều hướng tốt lên.

Ở đây thì cũng có nhiều ý kiến phê phán. Người ta nói rằng thật ra dùng từ đổi mới có lẽ là cũng không thích hợp lắm. Bởi vì thực ra cái gọi là mới của ta là trở lại cái cũ của thiên hạ thôi. Nền kinh tế của ta vốn là một nền kinh tế nếu xét cho kỷ những đặc tính của nó thì thực ra là một nền kinh tế kém phát triển và đang ở giai đoạn tiền tư bản chủ nghĩa. Thật ra trong lịch sử phát triển của mình thì nền kinh tế của nước ta cũng chưa đi qua được giai đoạn đầu tiên của kinh tế thị trường.

Cho nên thật ra cái mà ta gọi là đổi mới, đặt lại cho đúng vị trí của nó để nó đi được từ đầu con đường của nó thôi. Tôi thích một câu nói của ông Putin, tổng thống Nga: Cả nước Nga và cả hệ thống các nước XHCN trong mấy chục năm vừa rồi đã đi lạc đường, bây giờ phải đổi mới hay cải cách, cải tổ... đều nhằm mục đích quay lại đúng con đường mà nhân loại bình thường đang đi. Tức là con đường của thị trường và dân chủ.

Hiện nay, nếu người ta lấy thị trường và dân chủ là hai mục tiêu chủ yếu của đổi mới thì mục tiêu thứ nhất là phát triển kinh tế thị trường. Con đường kinh tế thị trường hiện nay ở nước ta chắc không thể nào lùi lại được nữa và nó sẽ tiếp tục đi thôi. Với sự tích cực ở trong nước cũng như với những đòi hỏi, áp lực của toàn cầu hóa... thì ta đã bước lên được con đường, bước lên được xa lộ chính, và rồi phải tiếp tục đi theo con đường đó.

Chính vì vậy cho nên lần này đại hội của đảng bàn về vấn đề đổi mới thì tôi nghĩ là bây giờ là lúc phải bàn đến vế thứ hai là cải cách chính trị và đổi mới về chính trị, tức là phải dân chủ hóa xã hội.

Trong dự thảo báo cáo chính trị, mục tiêu và phương hướng tổng quát của 5 năm 2006-2010 ở trong bản dự thảo thậm chí cũng không hề tìm thấy từ "dân chủ" ở đâu cả. Trong phương hướng tổng quát không hề có một định lề nào nói về yêu cầu phải thực hiện cải cách chính trị cả, đổi mới về chính trị cả. Tôi thấy như vậy có thể nói là một điều không phù hợp với đòi hỏi hiện nay.

Còn bây giờ đổi mới như thế nào, đổi mới về chính trị như thế nào, cái này đụng chạm đến vấn đề về chế độ XHCN là điều về định hướng XHCN và quan niệm về lý thuyết Mác Xít. Tôi nghĩ vấn đề này người ta thường nói rằng mọi việc đã rõ ràng, con đường đã được lựa chọn và bây giờ phải tiếp tục đi con đường đó. Nhưng thực ra ở đây ta cũng biết về khoa học, chính trị, xã hội thì những khái niệm về xã hội, về chính trị như thế này không thể có lúc nào cũng khẳng định một lần mãi mãi được mà ý nghĩa của nó là luôn luôn thay đổi với lịch sự phát triển tiến hóa của xã hội.

Cho nên thực ra về chủ nghĩa Mác thì tôi cũng chưa biết chính chân lý của nó đến đâu, bởi vì hiện nay thì con đường chủ nghĩa Cộng sản như ông Mác định nghĩa thì xem chừng cũng còn xa vời. Bởi vì những lý thuyết trong học thức của Mác thì CNXH chỉ cũng mới nói được đến mức như vậy thôi, cũng chưa mô tả rõ cấu trúc, cơ cấu tổ chức hình thức của CNXH cụ thể như thế nào.

Cho nên CNXH ở Việt Nam ta cũng như các nước XHCN nghĩa cũ trước đây theo mô hình của Liên Xô, của Xô Viết, gọi là chế độ chuyên chính vô sản do một đảng CS lãnh đạo, đề cao vai trò quyết định của bạo lực cách mạng.

Việt Hùng: Giáo sư nói rằng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam bây giờ không thể đảo ngược được. Nhu cầu bức thiết bây giờ của Việt Nam là phải đổi mới về chính trị?

Bạn nghĩ gì về bản Dự thảo báo cáo chính trị Ðại hội 10. Xin gửi email về Vietweb@rfa.org

GS Phan Đình Diệu: Điều đó là điều tôi hy vọng rằng trong dự thảo báo cáo lần này phải đặt nặng về vấn đề đổi mới chính trị, đấy là điều làm tôi cũng hơi thất vọng.

Tiếp tục lại câu hỏi của anh khi nãy, cái gọi là định hướng XHCN của ta là mô hình XHCN theo mô hình chuyên chính vô sản do một đảng lãnh đạo, xem đấu tranh giai cấp và bạo lực cách mạng là nhân tố quyết định để đem lại thắng lợi cho cách mạng vô sản.

Mô hình ấy thật ra không phải là mô hình phổ biến, theo tôi hiểu thì không phải là mô hình phổ biến do Mác đưa ra từ thế kỷ 19 từ học thuyết của ổng, mà là một mô hình mới đưa sau này thôi. Và do đó nó lại càng không phải là mô hình phổ biến của các kiểu XHCN nói chung trên thế giới.

Cho nên theo tôi nghĩ trước hết phải làm rõ ràng khi nói đến định hướng XHCN thì phải rõ ràng là cái CNXH nào?

Việt Hùng: Thưa giáo sư Phan Đình Diệu, để trở lại vấn đề mà giáo sư đang trình bày với quý thính giả trong và ngoài nước, nếu mà đã chuyên chính rồi thì làm sao là có dân chủ XHCN, mà tại sao trong bản dự thảo vẫn đề cập đến cụm từ “dân chủ XHCN”? Phải chăng ở đây có điều gì mập mờ, chưa rõ ràng hay sao ạ?

GS Phan Đình Diệu: Vâng, tôi cũng xác định rõ, tôi cũng nói rõ đấy là sự mập mờ. Mập mờ ấy là để người ta vì danh từ “dân chủ” mà chấp nhận. Cho nên nếu không giải quyết cái mập mờ đó thì chúng ta cũng khó mà đi xa hơn được, khó phát triển mạnh mẽ hơn được.

Việt Hùng: Phải chăng đã đến lúc thôi cụm từ Xã Hội Chủ Nghĩa mà giáo sư Trần Văn Hà, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, những trí thức trong và ngoài đảng đã đề nghị?

GS Phan Đình Diệu: Ý kiến của tôi cơ bản cũng là như vậy. Tức là nếu XHCN hiểu theo mô hình chuyên chính vô sản thì nên dứt khoát từ bỏ đi thôi, còn vẫn nếu muốn dùng từ XHCN thì phải định nghĩa lại XHCN là như thế nào?

Việt Hùng: Theo giáo sư Phan Đình Diệu, nên theo cái gọi là Chủ Nghĩa Xã Hội trong báo cáo chính trị Đại hôi 10 đảng CSVN nếu vẫn muốn duy trì thì phải đặt lại vấn đề cho rõ chứ không thể mập mờ để rồi chỉ vì danh từ “dân chủ” mà chấp nhận là không được.

Vậy đâu là hướng ra cho Việt Nam, những vấn đề được trình bày trong hội nghị cấp cao của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam mới đây tại Hà Nội là những vấn đề gì? Giáo sư Phan Đình Diệu sẽ trở lại trình bày trong một buổi phát thanh tới. Mời quý vị nhớ đón nghe.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.