Tiến sĩ Nguyễn Quang A: cần phải thay đổi quan niệm “quan trên” trong xã hội VN


2007.03.25

Việt Hùng, phóng viên đài Á Châu Tự Do

Trong một bài viết đóng góp ý kiến cho cuộc bầu cử Quốc Hội vào tháng 5 tới đây, tiến sĩ Nguyễn Quang A, một người được dư luận trong nước đánh giá cao về những góp ý thẳng thắn, không ngại đụng vào những “vùng cấm” trong hệ thống chính trị tại Việt Nam. Nội dung những ý kiến đóng góp này ra sao?

NguyenQuangA200.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Quang A. PHOTO RFA/ Viet Hung.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A từng du học tại Hungary. Năm 1987 ông bảo vệ thành công hàm vị tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary. Trở về nước, ông từng được bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ như Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Thông tin Đại học Sư Phạm Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VP Bank. Hiện nay ông là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty 3C, ngoài ra ông còn là Phó Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội và là thành viên Hội đồng Quản trị VP Bank.

Mời quí vị theo dõi cuộc trao đổi của Việt Hùng với Tiến sĩ Nguyễn Quang A.

Việt Hùng: Thưa tiến sĩ Nguyễn Quang A, trong bài viết “Suy tư về cuộc bầu cử Quốc Hội” tiến sĩ có đưa ra 6 điểm, điểm thứ nhất tiến sĩ cho rằng Quốc Hội khóa 11 đã không hoàn thành trọng trách của mình, trên căn bản nào mà tiến sĩ lại có thể nói như vậy?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ tức là cái cung cách, phương thức… quy trình bầu cử Quốc Hội trong nhiều năm vừa qua vẫn tương tự như bây giờ. Theo tôi hiểu, trong nhiệm kỳ khóa 11 này thì Quốc Hội cũng đã dự kiến sửa đổi Luật Bầu cử Đại biểu Quốc Hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân nói chung, nhưng rất tiếc không hiểu lý do vì sao việc sửa đổi Luật đó đã không được tiến hành.

Việt Hùng: Liên quan đến vấn đề ứng cử và tự ứng cử tiến sĩ có cho rằng, “tư tưởng xin-cho” ban phát vẫn đè nặng trong không khí sinh hoạt chính trị tại Việt Nam?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Nước Việt Nam đã trải qua một thời gian rất dài sống trong “thời kỳ bao cấp” thì hạng thứ bậc trong hệ thống nhà nước. Trong thời bào cấp cái gì cũng phải xin, “xin ứng cử, xin làm chứng minh thư, xin làm hộ chiếu, xin đi học và…”, tức là những cái đó đã thấm vào cuộc sống quá sâu rồi cho nên tư tưởng đó đã thấu suốt trong một thời gian dài trong các mặt chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước.

Về mặt kinh tế, mặc dù trong 20 năm đổi mới kinh tế vừa qua đã có những thay đổi rất lớn, nhưng tư tưởng xin-cho ấy chưa mất đi, ở một số lãnh vực khác tư tưởng ấy vẫn còn. Tôi nghĩ phải có những nỗ lực rất lớn của toàn xã hội thì dần dần tư tưởng ấy mới biến đi…

Việt Hùng: Nhưng mà tư tưởng…, nói đúng hơn là “đảng cử dân bầu” vẫn in đậm nét trong sinh hoạt chính trị tại Việt Nam?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ đây là một vấn đề nhận thức chưa đúng và còn phải tiếp tục dài dài để cho người dân hiểu rõ quyền của mình là gì? Rồi các cơ quan nhà nước, các quan chức nhà nước phải hiểu rõ là mình chỉ được làm cái gì?

Người ta luôn luôn quen với kiểu “quan trên” có quyền chỉ bảo, dẫn dắt. Đây là điều đã ăn sâu vào suy nghĩ nhiều quan chức nhà nước nghĩ rằng mình lên làm “quan” thì mình được quyền chỉ bảo, hướng dẫn như thế này…

Lẽ ra các quan chức chỉ được làm những điều trong quy định của Luật cho phép và ngoài cái đó ra không được làm gì cả và người, báo giới, dư luận phải xăm soi xem ông hay bà ấy có làm quá cái quyền cho phép hay không… và quyền của ông, bà ấy phải được giới hạn, nhưng rất tiếc những cái hiểu biết chung như thế tức là cái gì quyền đã được ghi rõ thì phải để cho dân làm, không được làm thay họ, không được làm hộ.

Tất nhiên người nào cũng được quyền nêu ý kiến của mình để thuyết phục người khác, nhưng thuyết phục người khác không có nghĩa là laà thay cho người ta, chọn hộ cho người ta…

Việt Hùng: Từ trước đến nay người ta vẫn nói Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng dường như các đại biểu Quốc Hội đặt quyền lợi của đảng cao hơn quyền lợi của nhân dân, trong bài viết của tiến sĩ, tiến sĩ có trích dẫn lời ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên Trung ương, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ, “Không ít những đại biểu được bầu trình độ quá kém, phẩm chất, tư cách không xứng đáng là đại biểu của nhân dân”. Phải chăng điều này tiến sĩ muốn nói gì?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Tôi chỉ muốn nói, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có một phát biểu có ý nghĩa là trong việc bổ nhiệm cán bộ nhà nước phải có sự cạnh tranh.

Chỉ có như thế thì mới có thể tìm ra được người tài. Ở trong một cơ chế thực sự không có sự cạnh tranh hay cạnh trang một cách “méo mó” khi mà người ta đã chọn ra được một số người để người dân “danh nghĩa là đi bầu”, rồi bầu ra một số người trong số những người được người ta chọn đó thì thực sự đã không có một sự cạnh tranh khốc liệt để biết rõ ai là người giỏi, người tài…

Người dân lẽ ra là phải hiểu rất kỹ ứng cử viên đó là ai, họ đã làm cái gì, ý kiến của họ ra sao, phẩm chất của họ thế nào, họ có nhất quán trong ý kiến của họ hay không…và trên cơ sở ấy người dân quyết định bỏ phiếu cho ai bằng lá phiếu của mình, chỉ có như thế mới tạo ra Quốc Hội thực sự là có chất lượng.

Việt Hùng: Trong những góp ý về cuộc bầu cử Quốc Hội khóa 12, ông Tương Lai, ông Nguyễn Khắc Mai…, rồi cá nhân tiến sĩ đưa ra ý kiến Quốc Hội phải chuyển thành Quốc Hội chuyên trách, thậm chí tiến sĩ còn đề nghị, đại biểu phải là “chính khách”. Cái “chính khách” ở đây có thể hiểu như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Theo tôi hiểu, một đại biểu Quốc Hội hay một nghị sĩ, một người được dân bầu đại diện cho dân ở trong Quốc Hội thì phải là người giành trọn thời giờ 100% làm việc cho Quốc Hội, trước hết là Lập pháp sau đó là giám sát để quyết định những vấn đề lớn của đất nước.

Hiện nay Quốc Hội có quá nhiều người làm “trăm công ngàn việc” khác, họ không có thời gian, bị chi phối bởi nhiều công việc quá thì sẽ không chuyên tâm làm những công việc của Quốc Hội. Và nhiều khi lẫn lộn từ việc này sang việc kia và đấy là câu trả lời tại sao chất lượng Quốc Hội không được như mong muốn.

Khi đã làm chính khách thì thực sự họ có nghề làm chính trị. Một người kinh doanh giỏi chưa chắc đã có thể là đại biểu Quốc Hội giỏi, bởi vì đấy là nghề khác, chức năng khác, cần những bản lãnh khác và tôi nghĩ những người đó phải là chuyên nghiệp.

Ý kiến ở trong nước người ta đặt vấn đề phải tăng đại biểu chuyên trách, ý kiến của tôi “không có chuyên trách hay không chuyên trách, mà đã là đại biểu Quốc Hội thì phải là chuyên nghiệp, làm chuyên nghiệp”. Tức là đấy là nghề của ông ta, của bà ta trong một nhiệm kỳ mà họ được bầu.

Việt Hùng: Nhưng mà bên cạnh đó một số đại biểu được đảng giao cho những công việc như giám đốc doanh nghiệp, giám đốc công ty này, công ty kia..., như vậy họ sẽ đóng “hai vai”. Như vậy ảnh hưởng của họ trong “hai vai” đó sẽ như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Đấy là điểm dở mà tôi muốn góp ý nên sửa đi, bởi vì anh đóng nhiều vai quá nên có thể xảy ra những xung đột lợi ích. Tôi nói ví dụ, một doanh nghiệp lớn là đại biểu Quốc Hội, nếu ông ta có một quyền lực kinh tế lớn…, ông ta lại có thể ảnh hưởng để làm ra một quy định về luật pháp nào đó có lợi cho công việc của đơn vị của ông ta thì đấy là một nguy cơ.

Việt Hùng: Nói theo tiến sĩ đã là đại biểu Quốc Hội rồi thì không thể nắm giữ một vai trò như giám đốc một công ty A,B,C… của nhà nước?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Chắc chắn là vậy. Không những của nhà nước mà ngay cả đối với tư nhân tôi nghĩ cũng nên từ bỏ công việc đấy của mình, giao cho người khác làm, tôi nghĩ như thế là tốt hơn.

Việt Hùng: Vừa rồi là phần đầu cuộc trao đổi của đài chúng tôi với tiến sĩ Nguyễn Quang A về những ý kiến đóng góp cho cuộc bầu cử Quốc Hội vào tháng 5 tới đây.

Sáu ý kiến mà tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra, trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc Hội cho rằng, “phải kiên quyết không đưa vào danh sách những ứng cử đại biểu Quốc Hội những đại biểu không đủ tiêu chuẩn, những người cơ hội chính trị, tham vọng cá nhân…”, thì tiến sĩ Nguyễn Quang A lại cho rằng, “Ai có quyền đánh giá những người ứng cử về mặt đó? Ai cho họ cái quyền đánh giá ấy?”. Những vấn đề nói trên, mời quí vị đón nghe trong một buổi phát thanh tới.

Theo dòng câu chuyện:

- Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Cần phải quy định lại chức năng của Ủy ban Bầu cử Trung ương

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.