Gia đình nghệ sĩ đàn bầu Phạm Đức Thành


2005.06.29

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Kính chào quí thính giả, như thường lệ vào sáng thứ ba mỗi tuần, Phương Anh xin tái ngộ cùng quí vị trong Mục Câu Chuyện Hàng Tuần. Kỳ này, Phương Anh mời quí vị cùng các bạn nghe chuyện của một gia đình nghệ sĩ, chuyên xử dụng các loại nhạc cụ cổ truyền, và đặc biệt là: Đàn Bầu.

DucThanhfamily200.jpg
Gia đình nghệ sĩ đàn bầu Phạm Đức Thành. Photo courtesy of Duc Thanh

Mời bạn thưởng thức một vài bản nhạc do gia dình nghệ sĩ Đức Thành trình bày: - Giọt Mùa Thu do Đức Thành trình bày - Cung Đàn Đất Nước do Thành Nam trình bày. - Hồ Đồng Tháp do Nguyệt Lan trình bày.

Thưa quí vị và các bạn, vào khoảng năm 1997 trở đi, những người thích xem băng nhạc Thúy Nga Paris, một trung tâm nhạc lớn ở hải ngoại, đều rất thích thú khi thấy xuất hiện trên sân khấu, một người nghệ sĩ mặc áo dài khăn đống, chơi đàn bầu một cách rất điêu luyện…

Cây đàn chỉ có một dây, thế nhưng, với ngón tay tài tình của anh, đã rung lên những giai điệu âm nhạc thật tuyệt vời, đúng như câu thơ của nhà thơ Văn Tiến Lê “Một dây nũng nịu đủ lời, nửa bầu chứa cả đất trời âm thanh.”

Thưa quí thính giả, người nghệ sĩ đó chính là Phạm Đức Thành, người đã đoạt giải thưởng về đàn bầu toàn quốc trong kỳ thi các loại đàn cổ truyền Việt nam năm 1985. Từ đó đến nay, theo các bước thăng trầm của thời gian, anh hiện định cư tại Montreal, Canada, cùng vợ, cũng là một ca sĩ chuyên hát những ca khúc mang đậm đà dân ca miền Nam, Nguyệt Lan.

Và kết quả tình yêu của họ là em Thành Nam, năm nay 13 tuổi, cũng theo bước chân của cha mẹ, trình diễn đàn bầu từ khi mới lên 5. Cả gia đình đã đi trình diễn rất nhiều nơi ở Châu Âu, Canada, Pháp, Mỹ…

Niềm say mê đặc biệt

Nghệ sĩ Phạm Đức Thành sinh năm 1956 tại thôn Đoan Bình, xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ngay từ khi còn bé, anh đã rất say mê âm nhạc và đặc biệt là nhạc dân tộc. Anh đã tập làm quen với trống chèo ngay từ khi mới lên 4 và được gia đình khuyến khích, mới lên 5, anh tiếp tục làm quen với cây đàn Mandolin và cứ thế, anh lại chơi sang đàn Bầu, rồi đàn Nhị…

Nhưng cuối cùng, anh vẫn chọn cho mình chiếc đàn Bầu. Được hỏi vì sao anh lại say mê đàn bầu như thế, anh cho biết:

Tôi sinh ra ở một vùng quê, ở miền Bắc Việt nam nên xung quanh Thành là những cái đồng lúa và những cái điệu hát chèo cổ.. Chính những cái yếu tố đó đã làm cho Thành giống như mình sống trong một cái dòng nước về dân tộc.

"Tôi sinh ra ở một vùng quê, ở miền Bắc Việt nam nên xung quanh Thành là những cái đồng lúa và những cái điệu hát chèo cổ.. Chính những cái yếu tố đó đã làm cho Thành giống như mình sống trong một cái dòng nước về dân tộc.

Vì vậy khi mà trưởng thành thì Thành thấy là cái nhạc dân tộc nó rất là gần gũi, nó không thể thiếu được với người dân quê ở Việt Nam. Thế là Thành đã theo nhạc dân tộc ngay từ lúc nhỏ…."

Mời quí vị nghe tiếng đàn của Phạm Đức Thành: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Với cây đàn Bầu này, từ năm 1978 trở đi, tiếng đàn của anh đã được giới yêu nhạc cổ truyền ưa chuộng. Sau đó, anh liên tiếp đoạt nhiều giải danh dự toàn quốc. Không chỉ dừng lại ở cây đàn bầu mà thôi, anh còn cố gắng vào miền Nam để tiếp tục học và nghiên cứu về nhạc cổ truyền Việt Nam của cả 3 miền.

Nhạc sĩ tài ba về đàn bầu

Năm 1983, anh tốt nghiệp thủ khoa Đại học Nghiên Cứu Âm Nhạc và trở thành một trong những nhạc sĩ tài ba về đàn Bầu, về âm nhạc cổ truyền cũng như hiện đại. Thế rồi, tiếng đàn bầu của anh đã chinh phục được trái tim của một người ca sĩ gốc Hoa, Nguyệt Lan.

Khi nghe cô hát với giọng miền Nam ngọt ngào, không ai có thể ngờ rằng cô sinh trưởng và lớn lên trong một gia đình rất hiếm khi xử dụng tiếng Việt. Ngay từ khi còn nhỏ, cô rất mê cải lương, đóng kịch và ước mơ mình được theo học tại nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh lúc bấy giờ. Thế nhưng:

"Hồi đó em không có học ở nhạc viện vì gia đình em là người Hoa, bị đánh tư sản, đâu có thi vô được mấy cái trường đó, rồi không được học ở trong đó nên cứ học ở bạn bè, rồi tự hát, rồi đi thi tiếng hát và được giải đơn ca này kia, rồi được mời hát ở Đài Phát thanh, Đài Truyền Hình thành phố Hồ Chí Minh.

Ông xã em làm bên viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, lúc đó, nhóm của ổng tìm một người hát về dân ca, thế là ổng tới nhà ổng mời, khi đó hát cùng một nhóm, thề là quen nhau…"

Thay đổi lớn trong cuộc đời

Năm 1990, một thay đổi lớn đã đến với đôi vợ chồng nghệ sĩ này. Anh kể lại:

Mời bạn tham gia mục Câu Chuyện Hàng Tuần. Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

"Chuyện Thành sang Tây Đức là vì lúc đó, Thành bị bệnh trong người, mặt khác Thành cũng muốn đi ra khỏi nuớc để kiếm được một cái không khí nó thoải mái và nó tự do cho cuộc sống của người nghệ sĩ trong những cái năm đó. Tại vì mặc dù ở trong nước nhưng vì vấn đề đi ra xuất ngoại rất là khó, còn cả một vấn đề như là ưu tiên cho những người ở Hà Nội, những người ở Sàigòn hầu như rất là khó đi ra ngoại quốc.

Trong khi đó, với một cái tầm nhìn của Thành khi mà làm ở công ty du lịch thì Thành muốn rằng nếu mình được đi du học hay là được đi ra nước ngoài thì mình có thể mang được rất nhiều hơn về cái tầm nhìn của một người nghệ sĩ nghiên cứu, chính vì vậy mà Thành được một người em gái mời đi một phần để chữa bệnh và một phần để có tầm nhìn, và cuối cùng thì tháng 8, năm 1990, Thành đã rời Việt Nam cùng với bà xã.

Nhưng từ năm 1996, đôi vợ chồng nghệ sĩ này cùng với cậu con trai lên 4 đến định cư tại Canada. Nhờ đâu họ đến được một xứ sở tự do mà họ hằng mong ước? Ca sĩ Nguyệt Lan kể lại:

Hồi đó gia đình tụi em ở bên Tây Đức, cũng đi trình diễn dân tộc như vậy thì có một cái hội Vô Vi của thầy Lương Sĩ Hằng nhờ làm một CD thiền ca và tuị em đã trình diễn một đêm hát tất cả các bài Thiền Ca của họ.

Sau đó, họ đưa tụi em về thì họ thấy tụi em sống rất là khổ ở trong trại tị nạn, vì lúc đó tụi em quyết định ở lại, lúc đó anh Thành em cũng bịnh quá với hy vọng chữa trị cho ảnh. Khi họ thấy tụi em sống khổ quá, nên họ bảo lãnh cho tụi em qua bên đây,di dân từ bên Đức qua Canada."

Âm thanh hạnh phúc

Quý vị hãy nghe những âm thanh hạnh phúc của đôi nghệ nhân Đức Thành- Nguyệt Lan:

Con thích đàn bầu hơn vì nó có một dây thôi và có thể chơi rất nhiều kiểu tân nhạc, cổ nhạc, nhạc Tây Phương, còn piano thì chỉ chơi được một kiểu nhạc Tây Phương thôi. Em có mơ ước là lớn lên em hoà âm và sáng tác rồi sẽ đi trình diễn đàn bầu khắp mọi nơi trên thế giới.

"Kết quả của hạnh phúc ấy là bé Thành Nam. Sinh năm 1992 tại Tây Đức và hiện là một học sinh piano xuất sắc của trường nhạc chuyên nghiệp nổi tiếng Vincent D’indy. Khi mới lên 6, em đã biểu diễn đàn Bầu một cách rất chuyên nghiệp tại Montreal, Canada, và sau đó, cùng với cha mẹ đi biểu diễn khắp nơi. Mẹ em kể rằng:

Hồi cháu lên 6 tuổi, thì tụi em dậy đàn bầu trong nhà, đàn bầu rất là khó đánh, cháu học nhạc với ba của cháu hồi 2 tuổi rồi, nên cái tai của nó về nhạc thính lắm…Khi cháu nghe những người học trò xử dụng cần đàn không đúng cách, vì người ta mới tập, nên phát ra những tiếng rất là phô, cháu đi ra đi vào khó chịu lắm nên mới nói với ba cháu là dậy cho cháu đàn Bầu vì cháu muốn xem tại sao những cái nốt nhạc lại phô như thế…"

Và đây là tiếng đàn Bầu của cậu bé từng khó chịu vì những tiếng đàn phô:

Khi được hỏi giữa đàn piano và đàn Bầu, Thành Nam thích loại nào, thật hồn nhiên, em cho biết:

"Con thích đàn bầu hơn vì nó có một dây thôi và có thể chơi rất nhiều kiểu tân nhạc, cổ nhạc, nhạc Tây Phương, còn piano thì chỉ chơi được một kiểu nhạc Tây Phương thôi. Em có mơ ước là lớn lên em hoà âm và sáng tác rồi sẽ đi trình diễn đàn bầu khắp mọi nơi trên thế giới."

Truyền thụ kinh nghiệm cho lớp trẻ

Thưa quí vị và các bạn, giờ đây, với lòng tâm huyết muốn truyền thụ những kinh nghiệm và kiến thức của mình về âm nhạc cổ truyền và đặc biệt là đàn Bầu, ngoài những lúc tập luyện cho cả gia đình, bận rộn cho những buổi trình diễn, nghệ sĩ Đức Thành dồn hết thời giờ còn lại vào lớp Nhạc Việt Nam do anh gầy dựng. Anh tâm sự:

"Những người nghệ sĩ nhạc dân tộc ở hải ngoại này rất là hiếm hoi, vì đa số những người ra đi là có diện H.O hay là vượt biển, cho nên lúc nào Thành cũng mong muốn cho các em ở hải ngoại có một sự tiếp nối truyền thống cũng giống như một ngôn ngữ, khi các em còn yêu thích văn hoá tiếng Việt, thì nước Việt Nam còn. Do vậy, hàng ngày Thành vẫn giảng dậy cho các em những lời ca điệu hát về âm nhạc cổ truyền và tin chắc rằng văn hoá Việt Nam sẽ còn mãi."

Quí vị vừa theo dõi câu chuyện về gia đình nghệ sĩ đàn Bầu Đức Thành. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần xin ngừng nơi đây, Phương Anh xin tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.