Nông dân đồng bằng sông Cửu Long lén nuôi vịt để cứu ruộng lúa
2006.11.30
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Dịch bệnh hại lúa gây mất mùa đến nỗi chính phủ phải ngừng xuất khẩu gạo. Nhưng nông dân vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đang tự cứu mình, lén lút nuôi vịt thả đồng để bày vịt diệt rầy nâu và ốc bươu vàng. Nam Nguyên tường trình.
Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trồng lúa khoảng gần 4 triệu hécta, mỗi năm nông dân thu hoạch 20 triệu tấn lúa trong đó một nửa là lúa hàng hoá. Gần như sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước xuất xứ từ vựa lúa phì nhiêu này.

Tuy nhiên, dịch bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá do rầy nâu truyền nhiễm đang khiến 2 triệu rưỡi nông dân lao đao. Thủ tứơng chính phủ chỉ thị mở kho dự trữ quốc gia để bán cho những nơi thiếu lương thực. Một nông dân ở Kiên Giang cho biết: “Thiếu lúa ăn, chính phủ mua gạo giá cao để tiếp tế cho dân nghèo vùng sâu vùng xa.”
Trên 100 ngàn hecta đồng ruộng bị rầy nâu
Hai vụ liên tiếp là Hè-Thu và vụ 3, dịch bệnh làm giảm sản lượng hơn 400 ngàn tấn lúa, thiệt hại ứơc tính 2 ngàn tỷ đồng. Hiện nay nông dân đã xạ vụ Đông Xuân và tình hình rầy nâu dịch vàng lùn-lùn xoắn lá vẫn chưa ngăn chặn được.
Theo các chuyên gia nếu 10% diện tích lúa bị nhiễm bệnh thì lượng gạo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sẽ giảm đi 1 triệu tấn. Một Nhà xuất khẩu bày tỏ sự lo ngại cho kế hoạch năm 2007: “ Nếu vụ đông xuân diện tích lúa nhiễm bệnh lên tới 30% thì sang năm 2007 chính phủ sẽ không cho xuất khẩu gạo.”
Báo cáo chính thức cho biết, tính đến cuối tháng 11 ở các tỉnh phía Nam tổng diện tích nhiễm rầy nâu là trên 100 ngàn hecta, địa phương và nông dân phun xịt thuốc được hơn phân nửa.
Khi người nông dân phải tự cứu
Về dịch bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá thì diện tích lúa bị nhiễm là 70 ngàn hécta. Nông dân chấp nhận tiêu huỷ gần 10 ngàn hécta. Được biết rầy nâu là tác nhân lây truyền vi rút gây bệnh vàng lùn lùn xoắn lá cho các ruộng lúa.
Một chủ hộ trồng lúa cho biết là được khuyến nông hứơng dẫn cách chống dịch bệnh: “Lấy giống 2517 của khuyến nông đem về mần, họ khuyên mình xạ thưa. Vụ trước trên kia bị rầy dữ lắm lúa họ trổ trứơc họ bị, tôi trổ sau nên ngừa được.”
Ngành nông nghiệp và các nhà khoa học loay hoay tìm cách chống dịch hại lúa bằng thuốc bảo vệ thực vật, chọn giống kháng rầy, giảm vụ, xạ thưa và để đất đai có thời gian nghỉ dưỡng.
Nhưng người nông dân lại có phương cách khác là thả vịt con dưới 20 ngày tuổi vào ruộng để vịt diệt cả rầy nâu lẫn ốc bưu vàng hại lúa. Một người dân ở Cà Mau cho biết:
“Mình thả vịt vào đồng, vịt ăn con rầy đậu trên cánh lúa. Nếu diện tích ruộng nhỏ vịt vào ăn nhanh lắm, càng nhiều vịt càng mau hết rầy”.
Vi phạm pháp lệnh của nhà nước
Tuy vậy, việc nông dân gầy đàn vịt thả đồng là vi phạm lệnh cấm của Nhà nước về phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1. Do đàn vịt chích ngừa không hiệu quả, vịt nhiễm H5N1 trong cơ thể nhưng vẫn sống khoẻ mạnh. Nuôi vịt thả đồng là nguy cơ tái phát dịch H5N1.
Chúng tôi xin trích lời ông Hoàng Văn Năm Cục Phó Cục Thú Y xác định về vấn đề này:
“Nhất trí ngừng ấp nở nuôi mới thủy cầm tới 28/2/2007. Đối với chăn thả tự do, thì chúng tôi vẫn theo chủ trương của Ban Chỉ Đạo cũng như Bộ NN &PTNT không khuyến khích hoặc nói rõ là cấm nuôi vịt thả đồng đi từ địa phương này sang địa phương khác. Trên thực tế vẫn còn tồn tại một số đàn nuôi chạy đồng, nhưng không phải là phổ biến.”
Giới khoa học nói gì?
Trên báo Tuổi trẻ, kỹ sư Nguyễn Văn Thứơc ở Cà Mau nêu ý kiến phục hồi đàn vịt chạy đồng để khống chế rầy nâu, qua kinh nghiệm những vụ dịch 1978, 1991. Lúc đó các nhà khoa học đã khuyến cáo bà con nông dân thả vịt con trên dứơi một tháng tuổi vào ruộng lúa, mỗi hécta từ 50 tới 100 con.
Theo kỹ sư Thứơc kết quả là dịch rầy nâu được không chế và đàn vịt chạy đồng cũng phát triển từ đó. Theo quan điểm của kỹ sư Thứơc, sự có mặt của đàn vịt trên đồng ruộng là hỗ trợ quan trọng cho việc canh tác lúa an toàn suốt hàng chục năm qua.
Thời gian ba năm vừa qua vì dịch cúm gia cầm, đàn vịt chạy đồng bị triệt hạ và rầy nâu bùng phát trở lại. Kỹ sư Thứơc nhận định rằng, dịch bệnh cúm gia cầm hiện nay đã được không chế tốt.
Đa số ngừơi dân đã có ý thức và biết ứng phó kịp thời, sẵn sàng chấp hành chủ trương tiêu huỷ khi tình húông cấp bách. Đàn gia cầm cũng đã được tiêm ngừa khá tốt.
Và ông Thứơc cho rằng nên cho phát triển đàn vịt chạy đồng có kiểm soát và trong thời gian nhất định, trong những khu vực cần thiết để khống chế rầy nâu một cách chủ động và khoa học.

Thông tin trên mạng:
- Rice pest
- Rice Pest Management Guidelines--UC IPM
- Bệnh vàng lùn - Lúa cỏ (Rice grassy stunt virus)
- “BỆNH VÀNG LÙN” HẠI LÚA TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
- Kinh nghiệm trồng lúa Bao Thai Vụ Mùa
Các tin, bài liên quan
- Họat động cải tổ của ngành mía đường trong thời gian hội nhập WTO (phần 2)
- Họat động cải tổ của ngành mía đường trong thời gian hội nhập WTO (phần 1)
- Sau khi gặp phản ứng mạnh mẽ, chính phủ đã cho xuất khẩu các hợp đồng đã ký kết trước
- Các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh rầy nâu gây bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá
- Ngành đường mía Việt Nam trong thời gian hội nhập WTO
- Vùng đồng bằng sông Cửu Long bị khan hiếm lúa giống trầm trọng
- Sản lượng lúa vùng Ðồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh do dịch rầy nâu
- Tình trạng rầy nâu ở đồng bằng Cửu Long và biện pháp phòng chống
- Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam khẩn cấp yêu cầu cho thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký kết