Việt Nam vẫn còn có nguy cơ bị động đất trong những ngày sắp tới


2007.12.02

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Trong đợt động đất vừa qua tại khu vực thành phố HCM và một số tỉnh gần đó, theo dự báo của Viện Vật Lý Địa Cầu Việt Nam, thì các tỉnh ven biển từ Khánh Hòa đến khu vực TPHCM sẽ còn xảy ra những cơn dư chấn trong những ngày sắp tới.

earthquake200.jpg
Photo courtesy of wikipedia

Để tìm hiểu thêm về nguy cơ đó, Thanh Quang đã phỏng vấn Tiến Sĩ Nguyễn Bá Hoằng, Giám đốc Kỹ thuật của Liên đòan Địa Chất-Thủy Văn thuộc Địa Chất Công Trình Miền Nam Việt Nam, và ông nhận xét như sau:

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoằng : Theo các nhà khoa học nói thì nó vẫn còn tiếp tục, nhưng mà mức độ thật ra thì đối với Việt Nam mình được cái là được thiên nhiên ưu đãi. Trái Đất này ưu đãi là nó có nhưng mà nó không đến mức độ gọi là trầm trọng lắm, về cấp độ đó mà.

Khẳng định là nó có, nó có thể xảy ra, nhưng mà cấp độ thì nó cũng ở mức độ không đến mức bi quan đâu. Tất nhiên là nó sẽ ảnh hưởng đến các công trình xây dựng, thế nên các nhà xây dựng cũng phải quan tâm để đưa vào các hệ số an toàn làm sao cho nó thích hợp, an toàn.

Đối với tốc độ đó thì cảm nhận của con người đúng là cảm nhận được, nhưng với quy mô của các công trình hiện nay tại thành phố HCM, nó không có mức độ gây ra sự tàn phá về người và công trình kiến trúc.

Nó có ảnh hưởng, nó cũng có ảnh hưởng, ví dụ như một số các khu vực, các công trình mà trên nền đất yếu chẳng hạn thì nó cũng gây nên các hiện tượng đất lún, không đều, một chút thôi. Thế còn ở Việt Nam mình chưa có công trình nào gọi là quy mô, là lớn, để có thể bị ảnh hưởng bởi những tác động lớn.

Thanh Quang : Thế thì nguyên nhân nào mà khu vực từ Khánh Hoà tới thành phố HCM như vừa rồì lại dễ xảy ra động đất dẫn tới dư chấn như vậy, thưa Tiến Sĩ?

Bởi vì bây giờ người ta tính từ một số những trung tâm có xảy ra động đất do kiến tạo mạng của mình, thì bây giờ nó từ trung tâm đó thế cái quá trình nó nảy sinh ra thì bây giờ nó có những dư chấn. Thế cái dư chấn đó nó lan truyền theo những quy luật nhất định, nên người ta dự báo được những khu vực đó sẽ tiềp nhận những dư chấn.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoằng : Bởi vì bây giờ người ta tính từ một số những trung tâm có xảy ra động đất do kiến tạo mạng của mình, thì bây giờ nó từ trung tâm đó thế cái quá trình nó nảy sinh ra thì bây giờ nó có những dư chấn. Thế cái dư chấn đó nó lan truyền theo những quy luật nhất định, nên người ta dự báo được những khu vực đó sẽ tiềp nhận những dư chấn.

Trên cơ sở khoa học người ta tính toán được như thế. Đã động đất thì nơi đó gọi là trung tâm, nơi phát sinh. Thế từ nơi phát sinh đó nó lan truyền theo một quy luật nhât định, nó tạo ra những dư chấn tiếp theo, tâm ngoài rồi tâm trong động đất chẳng hạn.

Thanh Quang : Nghe nói khu vực huyện đảo Phú Quý ở tỉnh Bình Thuận là nơi có thể bị tác động mạnh nhứt.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoằng : Là vì thế này, thông thường động đất xảy ra thì nó phải là cái nơi có các kiến tạo các đứt gãy sâu mà hiện nay nó đang hoạt động. Các khối đá nó chờm lên nhau, nó tạo ra một cái lực rất lớn, mà cái lực dư thừa ấy thì chính nó là năng lượng chính để phát sinh ra động đất. Nó làm rung chuyển đó mà. Khu vực như anh nói đấy là khu vực nó cũng lân cận, nó rất gần các đới xung yếu.

Thanh Quang : Nghe nói là các đới đứt gãy ở Thuận Hải, Minh Hải, rồi trên biển Phan Thiết, Vũng Tàu hiện đang là các mối đe doạ rất đấng ngại, vấn đề này Tiến Sĩ thấy nó như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoằng : Không. Thực ra bây giờ đấy là vấn đề dự báo của các nhà kiến tạo đấy. Hiện nay vấn đề đó còn rất nhiều tranh cãi. Và bây giờ theo quan điểm của một số nhà kiến tạo thì thực ra họ cũng quan trọng hoá vấn đề lắm.

Thanh Quang : Vấn đề xây dựng hệ thống trạm quan trắc về động đất và cả về sóng thần nữa thì Việt Nam hiện tiến hành tới đâu rồi, thưa Tiến Sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoằng : Hiện nay phía Việt Nam đang có đề tài kết hợp với một số nước ở khu vực Đông Nam Á để liên kết với nhau để quan sát việc đó, dó anh. Hiện nay công việc đang dự kiến.

Riêng chẳng hạn thành phố HCM này thì họ cũng đã có những đề tài để nghiên cứu sâu về vấn đề tân kiến tạo, trong đó có động đất, hiện đang được triển khai. Thật ra, sự quan tâm của vấn đề xã hội, của địa phương ở Việt Nam hiện nay là đã có, rất quan tâm đến lãnh vực đó.

Thanh Quang : Xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoằng rất nhiều.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.