Tổ chức từ thiện giúp học sinh nghèo ở Việt Nam

0:00 / 0:00

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Hiện nay, ngày càng có nhiều hội từ thiện do người Việt ở nước ngoài thành lập, về Việt Nam để giúp đỡ và hỗ trợ thêm cho những người nghèo khổ, các trẻ em khuyết tật, mồ côi…những người kém may mắn trong xã hội. Phần lớn, các hội từ thiện này giúp cụ thể trong các chương trình cứu trợ thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ, khám bệnh…

EducationForThePoor200.jpg
Trang web Education For The Poor

Cũng có hội giúp thêm về mặt giáo dục như xây cất trường học cho các vùng sâu, vùng xa. Một trong những tổ chức từ thiện giúp đỡ bên quê nhà trong lãnh vực giáo dục là Hội Education For The Poor, xin tạm dịch “Hội Giáo Dục Cho Người Nghèo”, trụ sở ở California, Hoa Kỳ. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này xin được gửi tới quí vị những thông tin về hội từ thiện này.

Được biết, vào năm 2005, linh mục Vũ Khởi Phụng, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế ở Việt Nam, từng chăm lo đời sống cho các em mồ côi và trẻ em đường phố, có dịp đến Hoa Kỳ, gặp gỡ một số đồng hương tại California, đã trình bày những khó khăn của các em học sinh, sinh viên nghèo ở các vùng sâu, vùng xa, nhất là có nhiều cha mẹ nông dân, phải để con bỏ học vì không đủ khả năng lo tiền học phí.

Mục đích

Sau khi nghe lời tường thuật của linh mục Vũ Khởi Phụng, hai chị em Văn Thanh Xuân và Văn Tuệ Phương, cùng với sự hỗ trợ của một số bạn bè, đã đứng ra thành lập Hội Education For The Poor, với mục đích để giúp cho giới trẻ nghèo thoát khỏi cảnh nghèo đói và có một tương lai tốt đẹp hơn. Chị Văn Thanh Xuân, chủ tịch Hội cho biết:

“Hội Education for The Poor được thành lập vào năm 2005 để giúp đỡ cho giới trẻ nghèo ở Việt Nam, có cơ hội tiến thân và đổi đời qua con đường học vấn. Sự nghèo đói ở Việt Nam rất mênh mông. Sự nghèo đói này có thể dần dần được xoá bỏ nếu các em có một nền giáo dục.

Người ta có câu: cho con người một con cá thì nuôi sống họ một ngày, nhưng mình cho họ cần câu thì mình có thể nuôi sống họ cả đời. Và Hội nghĩ rằng: Cần câu đây chính là sự học vấn của các em. Một lý do khác nữa là trong bối cảnh của Việt Nam ngày hôm nay, có rất nhiều công ty ngoại quốc như Intel, đã và đang bắt đầu đầu tư vào Việt Nam.

Hội nghĩ rằng giới trẻ cần nắm giữ được sự đầu tư này, giữ được sự đầu tư của ngoại quốc ở Việt Nam có nghĩa là mình tạo công ăn việc làm cho giới trẻ, mà như thế sẽ tạo cho mình một đời sống vững chắc, giúp họ thoát cảnh nghèo đói.”

Người ta có câu: cho con người một con cá thì nuôi sống họ một ngày, nhưng mình cho họ cần câu thì mình có thể nuôi sống họ cả đời. Và Hội nghĩ rằng: Cần câu đây chính là sự học vấn của các em. Một lý do khác nữa là trong bối cảnh của Việt Nam ngày hôm nay, có rất nhiều công ty ngoại quốc như Intel, đã và đang bắt đầu đầu tư vào Việt Nam.

Tất cả những thành viên tham gia đều tình nguyện và đang sinh sống ở Hoa Kỳ, có công ăn việc làm toàn thời gian. Để hoạt động ở Việt Nam một cách có hiệu quả, ban điều hành của hội phải nhờ đến sự giúp đỡ của các vị đại diện tôn giáo ở các điạ phương bên quê nhà. Chị Xuân nói tiếp:

“Để hoạt động một cách hữu hiệu, Hội có những người ở Việt Nam hiểu biết nhu cầu tường tận về giáo dục, để theo dõi những thành quả của Hội. Ngoài linh mục Vũ Khởi Phụng, Hội có một số cộng tác viên đang hoạt động trong lãnh vực này.

Các chương trình của Hội là trao học bổng cho các học sinh, sinh viên nghèo, để các em có thể tiếp tục học hành, hỗ trợ tài chính cho các trung tâm khuyết tật và trung tâm huấn nghệ, mở các phòng vi tính cho các em được dùng miễn phí, và chương trình mới nhất là tổ chức các khoá dậy Anh Ngữ tại Việt Nam.”

Khi hỏi thăm thêm về chương trình dậy Anh Ngữ này ra sao, chị cho hay: "Trong chương trình này, Hội tuyển lựa các sinh viên tại Mỹ, và gửi họ về Việt Nam 5 tuần lễ trong muà hè. Các thiện nguyện viên này là các em có lòng thương quê hương và họ chịu tiền vé máy bay. Hội chỉ lo chỗ ăn ở cho họ mà thôi. Chương trình này rất thành công trong mùa hè vừa qua.

Hội đã giúp được khoảng 600 học sinh sinh viên bên quê nhà. Ngân quĩ của Hội hết sức hạn hẹp, nhưng Hội vẫn tìm cách giúp các em ở vùng sâu, vùng xa. Hiện giờ, không có các chương trình qui mô, nhưng Hội đã trao học bổng cho các em. Phần đông các em ở vùng quê, và mong rằng các em sẽ là những gương sáng cho các em ở vùng sâu, vùng xa.”

Giúp đỡ cho học sinh nghèo

Điều quan trọng nhất mà Hội Education For The Poor chú trọng đến là làm sao giúp cho các em học sinh, sinh viên nghèo, có cơ hội xử dụng máy vi tính, có khả năng giao tiếp về tiếng Anh, để khi hoàn tất việc học, các em sẽ có cơ hội kiếm một việc làm ổn định, nhất là vào khi càng ngày càng có nhiều công ty ngoại quốc đến đầu tư tại Việt Nam. Với đồng lương tương đối khả quan, các em sẽ giúp đỡ gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo, nâng cao đời sống của chính mình.

Cô Xuân cho biết: "Trong chuyến đi vừa rồi, Xuân có đi từ Bắc vào Nam, để tìm hiểu nhu cầu và tình trạng giáo dục của Việt Nam. Xuân có gặp hai nhóm sinh viên ở Huế và Hà Nội. Họ luôn nói rằng giúp cho họ về giáo dục vì họ rất ước mong được học hỏi nhiều hơn và bắt kịp được những khoa học hiện đại, các em không có tiền để lên internet, nên Hội đã thành lập các phòng vi tính để các em có thể xài miễn phí.

Ngoài ra, các em muốn biết về ngoại ngữ nhiều hơn để các em có thể đi tìm việc. Một điều nữa là các em phải bỏ học nhiều quá vì nghèo, Hội cũng giúp cho các trung tâm huấn nghệ để mở mang thêm, để giúp thêm các em nữa .”

Với chị Văn Tuệ Phương, hiện là thủ quỹ của Hội, thì quan niệm rằng: "Bây giờ đã đến lúc chúng ta phải giúp về giáo dục cho giới trẻ ở bên nhà…. Nhưng ngân sách của hội hoàn toàn trông vào các buổi gây quĩ mà thôi. Gửi về Việt Nam thì gửi cho các thượng toạ, ni cô, các linh mục vì đó là những người sẽ trực tiếp tìm các em nghèo và hiếu học thực sự để cung cấp học bổng.

Đồng thời, các linh mục cũng như các thượng toạ sẽ theo dõi các em có đi học thực hay không. Sinh viên thì từ 100 đến 150 dollars một em, trong một năm, còn học sinh thì từ 50 dollars một em trong một năm.”

Quan trọng

Nhằm tìm hiểu thêm về nhu cầu giáo dục cho các em ở các tỉnh thuộc vùng sâu, vùng xa, Phương Anh đã liên lạc với linh mục Nguyễn Thanh Hoàng, tại Toà Tổng Giám Mục Huế, là nơi Hội Education For The Poor đã đem chương trình dậy tiếng Anh về trong muà hè vừa qua. Linh Mục Hoàng cho biết:

“Một thiếu sót rất nặng nề ở chương trình dậy Anh Văn tại Việt Nam là nghe và nói. Đọc và viết thì được. Nên giao dịch không được. Sau 5 tuần lễ, thấy các em bắt đầu dạn dĩ, mở miệng nói tiếng Anh. Đó là một bước tiến. Vừa rồi chúng tôi qui tụ được 350 em học sinh. Hè tới đây, 2008, chúng tôi sẽ mở một khoá như vậy và sẽ chọn lựa để bắt đầu có một câu lạc bộ để những em đó tham gia, để thực tập Anh Văn hàng tuần.

Một thiếu sót rất nặng nề ở chương trình dậy Anh Văn tại Việt Nam là nghe và nói. Đọc và viết thì được. Nên giao dịch không được. Sau 5 tuần lễ, thấy các em bắt đầu dạn dĩ, mở miệng nói tiếng Anh. Đó là một bước tiến. Vừa rồi chúng tôi qui tụ được 350 em học sinh.

Để chuẩn bị, chúng tôi cũng có một lớp “a ma tơ” để những người đó sẽ giúp chúng tôi làm cho câu lạc bộ sống động. Thí dụ như thuyết trình một đề tài, thảo luận, trao đổi cho nhau nghe, tạo cơ hội cho họ biết tiếng Anh. Nhu cầu rất nhiều nhưng chúng tôi phải làm từ từ.”

Linh mục Nguyễn Xuân Đường, dòng Chúa Cứu Thế Huế cũng cho biết thêm tình hình hiện nay:

“Ở Việt Nam mình thì bao la, nhưng mức độ trợ giúp thì chỉ được một số rất ít. Mình chỉ biết điều tra, tìm hiểu từng em mà mình biết, có những hoàn cảnh đặc biệt, có học lực, có tinh thần vượt khó thì mình mới duyệt để giúp cho từng em. Đó chỉ là một số rất nhỏ trong các nhu cầu bao la của giáo dục ở Việt Nam.

Các đối tượng được quan tâm là các gia đình phải vay vốn cho con đi học. Thí dụ một gia đình có hai người con học trường Y, một tháng phải chu cấp hai triệu thì ba mẹ làm sao có hai triệu một tháng, nên phải vay ngân hàng…Có những gia đình phải nợ đến hàng chục triệu. Mỗi tháng các em sinh viên phải chi tiêu từ 700 ngàn đến 1 triệu, thì ở nhà quê, cha mẹ nuôi heo, làm ruộng thì làm sao có…

Có trường hợp ở Hà Tĩnh, 3 chị em đi học, bố mẹ phải bán đất lần lần, chỉ còn cái nhà để ở, cũng phải đem cầm ngân hàng để lấy tiền cho con đi học. Có trường hợp có em thi đậu hai trường một lúc, nhưng phải chọn trường học phí thấp hơn, có trường hợp thi đậu, nhưng các em không thể đi học được vì cha mẹ không đủ khả năng…”

Trở lại với linh mục Nguyễn Thanh Hoàng, theo ông, việc giúp đỡ cho các học sinh, sinh viên nghèo không phải bỏ học là điều vô cùng quan trọng, vì:

“Tôi nghĩ vấn đề giáo dục là căn bản, xây dựng một đất nước, một quê hương, một gia đình thì nhìn xa, giáo dục giải quyết được mọi vấn đề. Những vấn đề lo cho người ngheò khổ là vấn đề lớn của nhà nước, của các hội đoàn lớn.

Chúng tôi chỉ làm những gì thấy cần thiết nhất, nhưng hậu quả lâu dài, như dây chuyền, ví dụ năm nay được 10 em, đạt yêu cầu, học hành giỏi, tới nơi, biết Anh Văn thì chúng nó sẽ kiếm được vị trí cao trong thị trường lao động sắp tới. 10 gia đình thì nó sẽ kéo theo 20 em của nó, lần lần lan toả như vậy. Nếu có khả năng tài chính thì chúng tôi sẽ có cơ hội giúp nhiều hơn.”

Quí vị vừa nghe những chi tiết liên quan đến Hội Education For The Poor và những nhu cầu về giáo dục của các em học sinh sinh viên nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, tuy Việt Nam phát triển về kinh tế, nhưng đời sống của nông dân vẫn còn nghèo khổ.

Con cái của họ bị thiệt thòi nhiều, nhất là các em học sinh, sinh viên hiếu học nhưng gia đình lại quá khó khăn, không thể lo nổi chi phí học hành, nên các em phải dở dang việc học. Ước mong sao, trong năm 2008 này, sẽ có thêm nhiều học bổng để các em có thể tiếp tục cắp sách đến trường. Phương Anh xin ngừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị và các bạn vào kỳ tới.