Làm thế nào cải tiến giáo dục tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long?

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Đồng bằng sông Cửu Long từ xưa tới nay vẫn nổi tiếng là vựa lúa của cả nước, thủy hải sản dồi dào do nhiều sông rạch và bờ biển. Tuy nhiên tại hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long tổ chức vào đầu tháng 9 vừa qua tại thành phố Cần Thơ, mọi chỉ số đánh giá về giáo dục của khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều khá thấp, thậm chí còn thấp hơn cả Tây Nguyên và vùng Tây Bắc.

EducationPupil200.jpg
Đời sống nông dân còn rất nghèo, không đủ chi phí cho con đi học. AFP PHOTO

Nguyên do vì đâu mà ra? và các biện pháp giải quyết như thế nào? Xin mời qúy thính giả theo dõi bài phỏng vấn sau đây của Trường Văn với ông Nguyễn Bá Lộc, Thạc sĩ kinh tế tài chánh, cựu giám đốc Nha Phối hợp kinh tế vùng 4, nguyên giảng viên Trường Luật khoa và Khoa học xã hội, Viện Đại Học Cần Thơ trước năm 1975.

Trường Văn: Theo tin tức báo chí trong nước, tại cuộc hội thảo về Phát triển vùng ĐBSCL trong tháng 9 vừa qua, một số vị lãnh đạo Việt Nam nhận định rằng Giáo dục ở vùng này rất suy kém. Trong khi đó như chúng ta biết, Đồng Bằng Sông Cửu Long vốn rất trù phú, người dân có đời sống khá hơn các vùng thôn quê khác. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Nguyễn Bá Lộc: Sự kiện xảy ra như trên làm cho nhiều người một phần ngạc nhiên và một phần không ngạc nhiên.

Phần ngạc nhiên là vì vùng này từ trước đến nay dân chúng sống khá và coi trọng việc học bây giờ lại sa sút quá đáng như vậy.

Tuy nhiên điều không ngạc nhiên là vì tình trạng giáo dục toàn nước Việt Nam cũng như vùng ĐBSCL nói riêng trong 30 năm nay đã sa sút rồi chứ không phải đến bây giờ mới báo động. Nó là hậu quả của nhiều yếu tố tiêu cực của một xã hội ảnh hưởng đến giáo dục.

Tuy nhiên điều không ngạc nhiên là vì tình trạng giáo dục toàn nước Việt Nam cũng như vùng ĐBSCL nói riêng trong 30 năm nay đã sa sút rồi chứ không phải đến bây giờ mới báo động. Nó là hậu quả của nhiều yếu tố tiêu cực của một xã hội ảnh hưởng đến giáo dục.

Trường Văn: Sự suy thoái giáo dục ở vùng ĐBSCL trầm trọng như thế nào và thể hiện trên các mặt nào ông có thể cho chúng tôi biết được không?

Nguyễn Bá Lộc: Một số khó khăn hay là những trở ngại rất lớn trong giáo dục tại ĐBSCL chúng ta ghi nhận được như:

Thứ nhất là về vấn đề học sinh bỏ học. Theo cuộc nghiên cứu của Ngân Hàng Thế Giới WB năm 2004, thì tỉ lệ bỏ học của học sinh tiểu học: toàn quốc là 3.13%, tại ĐBSCL là 6.22%. Theo báo cáo của World Bank 1992, thì ĐBSCL chỉ có 0,15% dân số là vào đại học, trong khi đó tỉ lệ trên toàn quốc là 0.36%.

Thứ hai là trường sở rất thiếu, nhất là trường tiểu học ở các xã xa xôi. Cũng theo báo cáo nói trên của World Bank thì 80% trường học ở các vùng nghèo nông thôn ở trong tình trạng bệ rạc.

Thứ ba là về mặt chất lượng giáo dục:Từ sau 1975 vấn đề đào tạo giáo viên cũng là căn bản cho sự suy yếu rồi. Một số cán bộ trình độ lớp 3 cho học bổ túc văn hoá lấy chứng chỉ lớp 12 lên làm trưởng phòng giáo dục huyện hay đi dạy bổ sung. Còn các giáo viên hay giáo sư cũ thì phần lớn không được dạy vì lý do chính trị hoặc bỏ nước ra đi.

Mặt thứ 4 là vấn đề yếu kém sự yểm trợ của chính quyền về vấn đề giáo dục.

Thứ 5 là gia đình nông dân rất nghèo nên không có tiền cho con đi học.

Trường Văn: Về giáo dục cấp đại học theo ông điều gì là trì trệ nhất hiện nay?

Nguyễn Bá Lộc: Đại học là căn bản lâu dài của việc phát triển quốc gia. Riêng ĐBSCL, khó khăn là vấn đề thiếu giáo sư và chất lượng giáo dục.

Phần lớn các giáo sư đại học hiện nay đều được đào tạo tại Nga hoặc các nước cộng sản. Theo các con số lấy đựợc từ trong nước một trường đại học có chín mười tiến sĩ và mấy chục thạc sĩ. Tuy nhiên thạc sĩ đối với nhiều nước không dạy đại học được. Vấn đề tiến sĩ cơ hữu không bao nhiêu. Mời các tiến sĩ từ ngoài Bắc hay Saigon xuống thì không ai muốn xuống.

Chi phí cho việc học càng ngày càng tăng. Muốn học đệ nhị cấp thì phải vào thị trấn hay thị xã, phải chi, phải tốn rồi. Nếu đậu vào trường công thì đỡ còn không phải học trường tư thì tốn kém, mọi thứ không dưới 300 ngàn đồng một tháng.

Những giáo sư cơ hữu của miền Nam xưa phần lớn đi khỏi nước. Các trường cũng không đủ. Từ 1996 tuy nhà nước cho lập các trường dân lập nhưng vấn đề cũng lại là thiếu giáo sư mặc dù Canada, Hoà Lan viện trợ để lập càc trường Đại Học cộng đồng.

Trường Văn: Theo ông thì nguyên nhân nào làm cho giáo dục nói chung ở vùng ĐBSCL thấp kém, cần gấp rút sửa cải?

Nguyễn Bá Lộc: Trở ngại thì có nhiều nhưng chúng ta thấy nổi lên các vấn đề chính sau đây:

Thứ nhất là lợi tức của cư dân vùng ĐBSCL. Theo phúc trình của Ngân Hàng thế giới năm 1992 thì lợi tức đầu người ở nông thôn chỉ có 50 đô la một năm. Bảng phúc trình của WB năm 2004 cho biết lợi tức một gia đình nông dân là 750 đô la, từng đầu người vào khoảng 110 đô la một năm.

Trong khi đó thì chi phí cho việc học càng ngày càng tăng. Muốn học đệ nhị cấp thì phải vào thị trấn hay thị xã, phải chi, phải tốn rồi. Nếu đậu vào trường công thì đỡ còn không phải học trường tư thì tốn kém, mọi thứ không dưới 300 ngàn đồng một tháng.

Còn học đại học ở Sàigon tốn kém trung bình 2 triệu đồng một tháng tức khoảng 150 đô la. Học ở đại học Cần Thơ cũng tốn trung bình 50 đô la /tháng. Tức là học đại học phải tốn từ 50 đến 150 đô la tháng. Nông dân làm sao có đủ số tiền này.

Thứ hai là vấn đề xã hội, học phải có việc làm. Đằng này tình trạng thất nghiệp rất cao (40%) ở nông thôn. Học ra không có việc làm, làm nản chí nhiều em. Nếu lên thành phố thì chỉ đi lêu bêu cùng lắm chạy lung tung đi ngọai quốc hoặc đi lấy chồng Đài Loan,Đại Hàn..

Thứ 3 là đầu tư của chính quyền vào giáo dục rất ít

Trường Văn: Như vậy ông có ý kiến gì về đường hướng cải tổ giáo dục vùng này?

Nguyễn Bá Lộc: Đầu tiên phải nâng lợi tức nông dân lên. Bây giờ lợi tức năm bảy chục hay một trăm đô la cũng không thấm vào đâu. Họ vẫn nghèo, vẫn khó thì giáo dục vẫn trì trệ. Thành ra cấp bách phải làm cho lợi tức nông dân khá hơn, bớt sự chênh lệch giữa thành thị và thôn quê

Thứ hai phải giúp các em có cởi mở trong giai đọan hội nhập toàn cầu, được hưởng một giáo dục khai phóng thích nghi cho một tiêu chuẩn quốc tế nào đó.

Thứ ba chính quyền phải đầu tư nhiều hơn về giáo dục cho vùng ĐBSCL về nhiều phương diện. Nếu trường kỹ thật cấp thấp không đủ thì có thể đưa giáo dục kỹ thuật vào trường trung học nhứt là kỹ thuật nông nghiệp để nếu học sinh có bỏ học thì cũng có thể giúp đỡ cha mẹ được để phát triển nông nghiệp cho vùng mình và làm cho cuộc sống ở vùng ĐBSCL được phục hồi như trước

Trường Văn: Thay mặt thính giả Đài Á Châu Tự Do, Xin chân thành cám ơn ông.