Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Nông dân Việt Nam nói chung, và của đồng bằng nam bộ nói riêng, từ bao đời nay rất khốn đốn về tình trạng dịch bệnh cũng như những loại giống gieo trồng cho từng thời vụ của mình. Việc thiếu thông tin đã góp phần gây thất thu và khiến người nông dân bao đời nay cam tâm canh tác trong tình trạng hết sức thiếu thốn thông tin.

Đại học An Giang đã nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này nên đã xử dụng mạng lưới internet để truyền tải khả năng chuyên môn của mình đến với người nông dân trong nước. Mặc Lâm tường thuật về chuyện này mời quý vị theo dõi.
Cung cấp thông tin cho nông dân
Trong thời đại thông tin hiện nay, người dân trong các vùng đô thị được hưởng lợi trước nhất trong nhiều lĩnh vực của đời sống qua những phương tiện thông tin đại chúng dồi dào góp phần thăng tiến cuộc sống. Trong khi đó người nông dân Việt Nam chừng như không biết gì nhiều đến những đổi thay hàng ngày chung quanh mình.
Họ cặm cụi ngoài đồng hầu như quanh năm để chăm sóc cho khoảnh ruộng hay miếng vườn của mình qua những kinh nghiệm cha truyền con nối mà không hề thắc mắc rằng tại sao con rầy lại xuất hiện, cũng như cách nào tốt nhất để nhận diện được chúng nhanh nhất và làm sao trừ khử chúng mà không làm ô nhiễm môi trường.
Những câu hỏi lâu đời này được trả lời một cách mập mờ qua những kinh nghiệm tự thân mà người nông dân có được bằng mồ hôi của mình sau bao đời dạn dày mưa nắng. Khoa học kỹ thuật không đến được tận nơi để kịp thời trả lời những câu hỏi khó và nhà nước không thể cung cấp đủ những chuyên viên nông nghiệp, đến từng làng xã để làm tham vấn cho người dân vốn xa lạ với những gì được gọi là thông tin cập nhật.
Đại học An Giang vốn là một đại học chuyên về nông nghiệp vừa được thành lập cách đây vài năm sau khi Giáo Sư Võ Tòng Xuân bắt tay xây dựng từ những ngày đầu. Vốn là một người có kinh nghiệm dày dạn về những vấn đề của vùng đồng bằng sông Cửu Long, giáo sư nhanh chóng nhận thấy nhu cầu của người nông dân từ ngàn xưa đến nay là những thông tin về nông nghiệp.
Người nông dân không thể tiếp tục đứng ngoài sự bùng nổ của thông tin hiện đại mà họ có quyền thừa hưởng những thành quả mà thế giới có được.
Đại học An Giang có lẽ là đại học đầu tiên tại Việt Nam thiết lập một trang web chuyên chỉ dẫn người nông dân những việc mà họ cần biết. Trang Web này mang tên e-langviet và sự hình thành của nó có thể là một bước khởi đầu cho những giai đoạn tiếp theo trong nổ lực giúp người nông dân dần dần thoát khỏi sự nghèo túng thông tin. Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết:
“Hiện nay thì Việt Nam mình có rất nhiều trang Web có những thông tin về nông nghiệp, ngay cả bộ Bưu Chính Viễn Thông cũng có trang web về chủ đề này. Việt Nam hiện nay có những bưu điện văn hóa xã do Bưu Chính Viễn Thông thành lập.”
Trang web hữu ích
Một trang web hữu ích nhưng cách thiết kế không hấp dẫn cũng khó được nhiều người chú ý, Website e-langviet có lẽ được tính toán rất cẩn thận để thu hút sự chú ý của người nông dân, vốn không có khái niệm về sự hữu ích và cần thiết của hệ thống Internet. Giáo Sư Xuân cho biết:
“Trang web này rất thân thiện với nông dân do chính sinh viên của đại học An Giang khi ra trường thì các em sẽ về nhiệm sở ở các vùng nông thôn, làm việc với các hợp tác xã hay các câu lạc bộ khuyến nông. Sinh viên sẽ xử dụngthông tin và hướng dẫn cho những nông dân tiên tiến trước và sau đó sẽ thu hút người nông dân khác.
Trang web này rất hấp dẫn vì được lập trình theo kiểu trí khôn nhân tạo, tức là nó có thể đối đáp được với bà con nông dân mình chứ không phải là một trang web tĩnh. Tôi lấy thí dụ, bây giờ ông nông dân ổng đi ra đồng ổng thấy nhiều bụi lúa bị vàng, ổng coi kỹ lại thì thấy mấy cái lá chưng nó vàng thì ổng có thể đến câu lạc bộ khuyến nông nhờ anh em làm việc tại đây mở máy ra để theo sự chỉ dẫn trên trang web mà giải đáp những thắc mắc cũng như biết cách làm thế nào mà chữa trị căn bệnh này.
Trang web này phối hợp các thông tin thành những kiến thức để cho người nông dân học và tự giải quyết vấn đề của mình về sau do đó nó khác với những trang web khác.”
Khi được hỏi khi nào thì trang Web này chính thức ra mắt bà con, Giáo Sư Võ Tòng Xuân cho biết:
“Hiện nay anh em đang cật lực viết hai chủ đề là cây lúa và con cá. Khi kiếm thêm được tiền thì sang năm sẽ tiến tới các vấn đề khác, các loài vật nuôi khác có liên quan đến người nông dân Việt Nam.”
Không những tập trung vào kiến thức nuôi trồng, trang web này còn có cao vọng đem đến cho người nông dân những thông báo khác có liên quan mật thiết đến đời sống của họ như thời tiết, môi trường, giá cả các mặt hàng nông sản cũng như các loại thuốc trừ sâu tốt có mặt trên thị trường. Những thông tin cần thiết này được sinh viên đại học An Giang cập nhật hàng ngày nên chắc chắn sẽ được người nông dân tiếp đón nồng hậu.
Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng cho biết trường đại học An Giang sẽ thiết lập hệ thống đường dây nóng để người dân nào khó khăn trong việc tiếp cận Internet có thể thoải mái sử dụng điện thoại tại nhà gọi đến trường đại học An Giang để hỏi những điều mình cần biết.
Tại đây trường sẽ cho sinh viên thực tập trả lời người dân căn cứ từ trang web e-langviet và giải pháp này xem ra giúp rất nhiều cho việc nối kết thông tin đến được cả những nơi xa xôi nhất, vì hiện nay mạng lưới điện thoại đã đến tới hầu hết làng quê Việt Nam.
E-langviet vẫn đang cần được góp ý từ những chuyên gia của nhiều lĩnh vực, nhưng hiện nay nó cũng đã nói lên một hướng đi đúng đắn nhằm tìm giải pháp cho người nông dân sớm thoát ra được đời sống mù mịt thông tin như từ trước đến nay.