Trường Văn, phóng viên đài RFA
Tết năm nay tại Hà Nội, ngoài mai vàng từ miền Nam đưa ra được bán với giá đắt, các lọai đào rừng từ Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái rất được ưa chuộng. Đào rừng giá đắt gấp từ năm đến 7 lần đào cành Nhật Tân, Phú Thượng nhưng vẫn được người dân Hà Nội đổ xô nhau mua vì dáng dấp hoang dại của nó.

Hiện tượng này khiến nhiều người lo ngại. Chỉ cần vài ba cái Tết nữa thì đào rừng, một tài sản có giá trị văn hóa của dân tộc sẽ biến mất.
Đào rừng hay còn gọi là đào phá thế gồm hai lọai đào phai và đào bích. Một người dân Hà Nội giải thích sự khác biệt giữa đào phai bán phổ biến trong 3 ngày Tết với đào Nhật Tân, Phú Thượng: "Đào phai là mầu hồng nhạt còn đào Phú Thượng, Nhật Tân và các vùng gần Hà Nội mầu hồng."
Đào rừng sở dĩ được ưa chuộng vì cành chắc và khỏe lại đa đạng. Có nhiều cành còn nguyên dây leo, đeo bám. Thân và cành có vẻ rêu phong xù xì.
Đào được bứng hoặc chặt từ các thung lũng đào cổ thụ rất lớn ở các vùng núi thuộc các tỉnh Lào cai, Sơn La, Lai Châu, Yên bái.. Nhiều cây có hàng trăm năm tuổi. Phần lớn đào rừng được người dân tộc Mông, Dao, Mèo..đem về thị trấn bán cho các lái buôn từ Hà Nội và Hải Phòng lên: "Những người Mèo mang từ Sapa xuống."
Một người dân cho biết thêm là người dân tộc phải đi hàng ngày đường mới mang đuợc đào xuống núi: "Phải lên đồi lên núi mà lấy, dân phải đi xa lắm. Lái buôn mang xe thùng lên chở."
Ảnh hưởng đến môi trường
Đứng trước tình trạng đào rừng tràn ngập Hà Nội như năm nay, nhiều người lo ngại sau vài cái Tết nữa đào rừng sẽ biến mất. Ngoài ra việc chặt phá đào rừng cũng ảnh hưởng đến môi trường, khiến lũ lụt dễ xảy ra: "Trên vùng núi dân chặt cây nhiều quá nên tháng 8 tháng 9 bị lũ quét."
Đứng trước tình hình trên, chính quyền các tỉnh miền núi cũng lưu tâm đến: "Bà con chỉ nghĩ đến trước mắt. Chính quyền địa phương, những người có chức năng quản lý cũng muốn vận động bà con không nên chặt cành để bán vì nó sẽ ảnh hưởng lâu dài không có tác dụng phủ xanh đất trống, ảnh hưởng đến môi trường, không có sản phẩm quả trong những năm sau nhưng bà con người Mông chỉ thấy hiệu quả trước mắt nên họ chặt thôi."
Một người dân ở Lào cai đề nghị: "Nếu thấy cây đào có hiệu quả kinh tế thì tổ chức trồng."
Việc bảo vệ đào rừng, bảo vệ môi trường cần phải được xúc tiến để tránh cây đào bị chặt phá vào dịp tết các năm kế tiếp.