Phương Anh, phóng viên đài RFA
Trong dịp kỷ niệm ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27- 2 vừa qua, trên diễn đàn của báo điện tử VietnamNet, một số đông ý kiến độc giả đã nêu ra tình trạng “đưa phong bì trong bệnh viện”.

Bên cạnh đó, thời gian trước, cũng có một số bài viết trên các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên…nêu ra một số tiêu cực của một số bác sĩ tại các phòng khám tư nhân, hay vấn đề y đức của những giới chuyên môn trong các bệnh viện.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, kỳ này, tromg mục Câu Chuyện Hàng Tuần, Phương Anh xin mời quí vị nghe ý kiến của người dân và các bác sĩ, dược sĩ. Cũng xin nói thêm rằng để bảo đảm sự an tòan, chúng tôi xin được phép không nêu tên các bệnh viện hay phòng khám nơi họ đang làm việc.
Trước hết, Phương Anh được chị Trung, nhà ở quận 10, thành phố Hồ Chí Minh, cho biết rằng khi đi bệnh viện, muốn được quan tâm tốt, ngòai tiền đóng viện phí, thì phải chuẩn bị một khỏan tiền, gọi là “bì thư” cho bác sĩ, và “bồi dưỡng” cho y tá cùng y công ở đó.
Đồng thời, phải biết cách khéo léo kín đáo, làm sao cho giường của mình nằm vào khu bác sĩ mình đã chọn, và cứ việc nhận là “người nhà” bác sĩ này, “người nhà” bác sĩ kia.
Tiền bồi dưỡng
Chị nói: Cũng có chọn bác sĩ, nhưng người ta cũng chẳng làm lộ liễu đâu, thường người ta tới nhà riêng… Ở trong bệnh viện, bác sĩ cũng không nhận tiền, quà cáp lộ liễu đâu.
Ông Hoàng, một cư dân ở quận Tân Bình, cũng kể lại kinh nghiệm của bản thân mình: Bản thân tôi cũng có vào bệnh viện…nói về quà cáp cho bác sĩ, y tá, y công…tôi nghĩ là do đầu óc người Việt Nam mình ăn sâu rồi. Thành thử có lẽ người ta không yêu cầu, nhưng mà chúng tôi thì cứ đưa, mà đưa thì người ta cũng cầm bỏ túi thôi.
Bản thân tôi cũng có vào bệnh viện…nói về quà cáp cho bác sĩ, y tá, y công…tôi nghĩ là do đầu óc người Việt Nam mình ăn sâu rồi. Thành thử có lẽ người ta không yêu cầu, nhưng mà chúng tôi thì cứ đưa, mà đưa thì người ta cũng cầm bỏ túi thôi.
Cái đó trở thành cái nạn như thế rồi. Mà không phải bản thân tôi, ai cũng nghĩ rằng bây giờ vô bệnh viện mà không cầm theo tiền là nguy hiểm lắm…Đồng tiền là trên hết. Bệnh viện nào cũng vậy.
Cũng theo lời ông cho hay, số tiền “bồi dưỡng” cho các bác sĩ, y tá, y công thì tùy theo hoàn cảnh, nhưng cũng phải coi cho được, ít nhất cũng phải từ 500 ngàn trở lên. Ông kể tiếp:
Tùy theo mình, y tá, y công cũng vậy, bác sĩ thì kín đaó hơn một chút. Y tá, y công đến giường bệnh, nhìn quanh quẩn không có ai thì dúi vào túi cho người ta, người ta cũng im thôi. Có lẽ cũng có những người không lấy, thì tôi không biết, nhưng bản thân tôi, và người nhà thì đưa là nhận.
Để kiếm thêm thu nhập
Hầu hết, sau khi đã được điều trị tại bệnh viện, về nhà, các bệnh nhân sẽ đến phòng mạch của bác sĩ để tiếp tục được theo dõi và uống thuốc. Ở các phòng khám tư nhân này, để kiếm thêm thu nhập, một số hiện tượng tiêu cực đã xảy ra. Dược sĩ Khanh, ở Sàigòn cho biết rằng:
Thứ nhất là về đơn thuốc, họ viết không rõ ràng. Thí dụ, một cái đơn thuốc mà đem đi mấy nhà thuốc không ai đọc được hết. Có thể họ chỉ bán độc quyền và chỉ tới đó lấy thuốc thôi, còn ra ngoài mua thì không ai đọc được hết. Vấn đề đó gặp rất nhiều.
Vấn đề thứ hai là trong phòng khám là họ có thuốc luôn, họ bán thuốc, nhưng cái số đăng ký thuốc không rõ ràng, nguồn thuốc không biết nhập từ đâu, còn hạn hay không…vì họ bóc ra hết, chỉ bỏ vào bọc nilon uống sáng, trưa, chiều thôi. Còn vấn đề nữa là cho dùng thuốc rất bừa bãi, đặc biệt là kháng sinh…
Một vấn đề khác là nhận tiền từ các ca , có nhiều bệnh nhân vô, không có tiền, không có “bồi dưỡng” thì bị bỏ sang một bên… Nói về chuyện thầy thuốc thì nhiều chuyện bất cập quá, nói không hết được. Nhưng nói như vậyv không có nghĩa là vơ đũa tất cả, cũng có những người tâm huyết…Nhưng chuyện bất cập thì thấy rất rõ, đến bệnh viện là thấy.
Ông Hòang cũng xác nhận: Không có toa gì hết, thuốc bóc ra rồi, đâu có biết tên gì…Bản thân tôi, sau khi ở bệnh viện về, đến một bác sĩ nào đó chữa, mình đến thì cứ đưa thuốc thì tính tiền, chẳng biết thuốc gì.
Về tâm lý người bệnh thì bao giờ cũng nuốn mau lành bệnh, sợ tốn tiền, còn bác sĩ thì sợ mang tiếng “nuôi bệnh”, sợ mất bệnh nhân. Chính vì điều này mà đa số các bác sĩ đều cho thuốc kháng sinh, dù chỉ là cám cúm thông thường, mặc cho ảnh hưởng nguy hiểm của nó về lâu dài. Bác sĩ Minh, trưởng khoa, đã làm 15 năm qua tại một bệnh viện nhà nước cho biết:
Bệnh nhân thường mua thuốc sau khi có toa, ra nhà thuốc, bệnh nhân thấy đỡ, xách ra mua tiếp…nhiều khi như thế, mắc bệnh trở lại, thì đổ thừa…Nếu nói là viết chữ khó coi để cho bệnh nhân đi mua không có thì chỉ có một số dùng “chiêu” đó thôi, để bệnh nhân quay lại. Vì ở phòng khám, nhiều khi đâu có chuẩn đoán hết được, nhiều khi gặp bệnh khó.
Người Việt Nam mình thì ai cũng muốn mau lành bệnh. Nhưng đâu thể nào một hai viên thuốc mà có thể hết được…Nó phải có cả một quá trình, thì cứ bảo là bác sĩ nuôi bệnh, điều này không có đâu. Thậm chí bây giờ điều trị lâu hết thì người ta còn bỏ đi nữa…Có điều bác sĩ cho thuốc cao hơn liều lượng một chút để cho bệnh nhân mau khoẻ thì đúng hơn.
Lương của bác sĩ Việt Nam hiện nay là nghèo nhất trên thế giới. Nếu tính lương của nhà nước thì nghèo cực kỳ luôn. Có một số người, người ta bất chấp, còn phần lớn thì cho dù là có “hoa hồng” nhưng họ vẫn cân nhắc nhất định…chứ không đến nỗi kệ mặc thiên hạ.
Lương tâm nghề nghiệp
Trở lại với chuyện chọn lựa bác sĩ ở bệnh viện và liên quan đến vấn đề lương tâm nghề nghiệp của các bác sĩ. Chị Thanh, một bác sĩ phụ khoa, đỡ đẻ tại một bệnh viên công cho biết rằng: bao giờ cũng vậy, khi đến bệnh viện nhà nước là họ đã tìm hiểu và chọn lựa bác sĩ rồi. Nơi chị đang làm việc, một số thai phụ chưa đến ngày, hoặc không cần thiết phải mổ, nhưng một số đồng nghiệp vẫn tiến hành như thường, bất chấp hậu quả sau này.
Chị kể lại: Cũng có, khi họ bước vô bệnh viện nhà nước, đôi lúc người ta phải đưa tiền để chọn lựa bác sĩ. Đợt vừa rồi, người ta muốn sanh con heo vàng, họ muốn mổ sớm hơn, chưa đủ tháng mà đi mổ sớm rồi, bệnh nhân muốn lấy con trước ngày đó, chẳng hạn chọn giờ, thì phải cho mổ để đúng giờ đúng giấc…
Nói đến vấn đề y đức của giới y tế, bác sĩ Minh phân tích: Về mặt điều trị thì ở Việt Nam phương tiện chuẩn đoán không nhiều nên điều trị theo kinh nghiệm, nhất là những người nghèo, vì không có tiền nên phải điều trị "mù". Thực ra, không phải bác sĩ nào cũng không có y đức đâu. Người ta cân nhắc giữa đồng tiền kiếm được.
Lương của bác sĩ Việt Nam hiện nay là nghèo nhất trên thế giới. Nếu tính lương của nhà nước thì nghèo cực kỳ luôn. Có một số người, người ta bất chấp, còn phần lớn thì cho dù là có “hoa hồng” nhưng họ vẫn cân nhắc nhất định…chứ không đến nỗi kệ mặc thiên hạ.
Theo bác sĩ Minh cho biết, một bác sĩ hành nghề ở Việt Nam, lương chính, cùng với phụ cấp, cộng hết tất cả các khỏan vào thì được 3 triệu rưỡi đồng. Trong khi đó, phải phục vụ số lượng bệnh nhân rất đông. Đó là chưa kể những ngày phải trực trong bệnh viện, bị sức ép rất nặng nề.
Ông nói tiếp: Các bác sĩ ở bệnh viện, một buổi khám 50 hay có khi cả trăm, mà nhận đồng lương 3 triệu mấy một tháng. Chắc chắn chất lượng phải khác vì phải phân sức ra trong bệnh viện, phải về nhà làm thêm, đủ thứ hết thì mới đủ sống.
Cả bác sĩ và y tá làm cả ngày, rồi trực nguyên đêm mà chỉ có 45 ngàn một ngày. Mà nếu trực sơ sẩy một chút thì bị kiện, bị bồi thường, chưa kể bị kỷ luật, mất bệnh nhân…đủ thứ hết, làm mấy năm không lương mới đủ trả.
Cải tổ định chế tài chính
Vì thế, chuyện một số bác sĩ nhận bì thư, hay thái độ cau có, hách dịch của một số y tá, hoặc y công không làm hết bổn phận thì đó là lẽ thường tình thôi. Thế nên, ông cho rằng: muốn thực hiện tốt câu “lương y như từ mẫu” thì chỉ có cách duy nhất là cải tổ định chế tài chính. Ông nói:
Nhà nước cũng đã nhìn thấy, đang có những có hoạch định phu cấp trả lương cho bác sĩ y tá tăng lên để cố kéo dần dần đồng lương cho cao lên… Người ta gọi là “có thực thì mới vực được đạo” . Nghề y và nghề luật sư là hai nghề stress nhiều nhất. Nếu bây giờ cởi được định chế tài chính ra, trả lương cho đúng thì tất cả những cái “lặt vặt” sẽ bỏ hết vì chẳng bác sĩ nào muốn ngồi bán thuốc, chẳng ai muốn nhận đồng tiền của bệnh nhân cả.
Cho một tí quà, thì “eo xèo”, họ đòi đủ thứ, phải thế này thế kia, làm cho tâm lý làm việc không thoải mái. Đôi khi cầm quà của bệnh nhân cũng không vui vẻ gì, hoặc của các công ty giới thiệu thuốc…
Thế nhưng, trong khi chờ đợi mức lương qui định cho giới y tế tại các bệnh viện nhà nứơc, thì một hiện tượng mà ông gọi là “chảy chất xám” thì vẫn đang tiếp tục. Người bị thiệt thòi nhất vẫn là những bệnh nhân đang điều trị nơi đây, nhất là các bệnh nhân nghèo, vì chẳng khác gì sẽ là nơi để cho các bác sĩ, y tá mới ra trường thực tập tay nghề. Ông cho hay:
Những người chưa có tay nghề cao thì vô bệnh viện công vì được bảo đảm. Khi tay nghề cao rồi, thì các bệnh tư sẽ trả lương tương xứng với kinh nghiệm của họ. Hiện nay, một số bệnh viện tư đang trả lương rất cao, cho nên họ làm hết bịnh chứ không phải là hết giờ, làm được lắm. Chắc chắn là có hiện tượng chất xám ở bệnh viện công sang bệnh viện tư. Nhiều khi người ta bảo y đức bệnh viên tư cao hơn bệnh viện công là đúng thôi.
Qúi vị vừa nghe một số ý kiến của người dân và các bác sĩ, dược sĩ về vấn đề y đức của người thày thuốc. Có những điều đáng tiếc, nhưng đã xẩy ra, và điều lạc quan là tình hình ấy có thể giải quyết được một khi có quyết tâm ở cả phía nhà nước lẫn thày thuốc và bệnh nhân. Phương Anh xin ngừng nơi đây. Hẹn gặp quí vị và các bạn vào tuần sau.