Nạn gian lận thi cử ngày càng phổ biến ở Việt Nam


2006.06.24

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Trong khi môi trường giáo dục Việt Nam bị phê phán là chạy theo thành tích, nặng về bằng cấp mà thiếu thực chất, thì khía cạnh thi cử - như kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông vừa rồi – tiếp tục xuất hiện nhiều tiêu cực khiến làm vẫn đục thêm nền giáo dục trong nước. Tổng hợp thông tin liên hệ, Thanh Quang trình bày tình hình này như sau.

studentExam200.jpg
Các thí sinh và giám thị trong phòng thi. Photo courtesy hssvn.vnn.vn

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông vừa rồi cho thấy “bệnh trầm kha” trong lãnh vực giáo dục Việt Nam chẳng những không thuyên giảm mà còn tái phát mạnh mẽ, khi “cảnh cũ người xưa” lại xuất hiện, thậm chí một cách ngang nhiên, từ việc tuồn đề thi, bán bài giải, trèo tường ném bài vào cửa sổ phòng thi…cho tới tình trạng có “đông đảo phụ huynh, thanh niên và cả trẻ em thản nhiên mang bài giải…vào sân trường”, nạn cướp đề táo bạo, giám thị làm ngơ trong khi lực lượng công an, dân phòng “hùng hậu” lại không hành động thích hợp.

Căn “Bệnh trầm kha”

“Bệnh trầm kha” tiếp tục tái phát đáng ngại như vậy khiến nhiều người có tâm huyết hết sức bất bình, và đành phải bày tỏ “nỗi lòng” của họ trên các trang báo.

Báo Thanh Niên online số hôm thứ Năm vừa rồi có bài tựa đề “Để thi cử không thành trò đùa nhảm”, qua đó, có đoạn nêu lên câu hỏi rằng “…vì đâu những kỳ thi tốt nghiệp các cấp ngày càng trở nên một trò ‘đùa nhảm’ khi đề thi thì ra như thể đa số học sinh đều có thực học ‘y như điểm’, còn ở các trường thi thì người ta tìm mọi cách để ‘hợp thức hoá’ cái gọi là ‘thực học’ ấy bằng đủ kiểu gian lận công khai”.

Bài báo đặt nghi vấn rằng “những thành tích ảo cho nhà trường, cho sở giáo dục, cho Bộ giáo dục chẳng phải là những trò thu lợi bất chính trên sự méo mó nhân cách, sự hụt hẫng kiến thức của học sinh sao ?”.

Vẫn theo bài báo thì “nghĩ cho cùng các em học sinh cũng chỉ là nạn nhân, những nạn nhân nhiều năm của lề lối giáo dục nặng về trình diễn những bằng cấp, những con số phần trăm, những thành tích bất chấp chất lượng thực của giáo dục…Khi sự gian dối đã phát triển dữ dội ngay từ trong lòng nhà trường, thì trách gì nó không lộng hành trong xã hội!”.

Nói chung hệ thống thi cử cũng bắt nguồn từ hệ thống giáo dục thôi. Giáo dục ở Việt Nam hiện nay còn bất nhất, chưa hoàn chỉnh, thành ra việc học còn nhiều cái không hợp lý, và sự bất hợp lý này xảy ra còn tùy theo từng địa phương nữa.

Liên quan bệnh chạy theo thành tích, một giáo viên cấp ba ở Sàigòn mô tả: “Nói chung hệ thống thi cử cũng bắt nguồn từ hệ thống giáo dục thôi. Giáo dục ở Việt Nam hiện nay còn bất nhất, chưa hoàn chỉnh, thành ra việc học còn nhiều cái không hợp lý, và sự bất hợp lý này xảy ra còn tùy theo từng địa phương nữa”

Hết thuốc chữa?

Báo Tuổi Trẻ online số mới đây cũng có bài tựa đề “Gian lận hết thuốc chữa ?”, với đoạn viết rằng “Với những gì đã được tận mắt chứng kiến ở một số hội đồng thi ở Hà Tây và thông tin đồng nghiệp ghi nhận được từ nhiều hội đồng thi ở các địa phương khác, chúng tôi không thể không đặt câu hỏi: ‘Phải chăng gian lận trong thi cử đã hết thuốc chữa ?’ ”. Và bài báo đề nghị rằng “để khôi phục lại trật tự trong thi cử, có lẽ cần phải thay đổi từ yếu tố con người, xây dựng lại ý thức về sự trung thực, lòng tự trọng của mỗi công dân”.

Đoạn kết của bài báo bày tỏ một sự trăn trở, than rằng “nhưng việc đó sẽ do ai làm đây khi chính không ít người lớn – bố mẹ, thầy cô – còn tiếp tay cho gian lận và quay cóp của con em ? Và nhất là những người có trách nhiệm ở các cấp quản lý ngành giáo dục, chính quyền địa phương còn miệt mài chạy theo thành tích, nương tay với đám học trò quay cóp để có những con số ‘dẹp’, những thành tích cao”.

Nhắc tới bệnh thành tích – mà nhiều người cho là một nguyên nhân gây trở ngại cho nền giáo dục Việt Nam nói chung – thì Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam vừa công bố tổng số học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2006 cả nước đạt tỷ lệ 93, 78%, so với 90,62 % hồi năm ngoái.

Tỷ lệ quá cao này khiến dư luận trong nước phê phán là không phản ánh đúng với trình độ thật sự của học sinh, nhất là tại Hà Tây, nơi mà báo chí gọi là “ ‘điểm nóng’ đã kéo dài trong nhiều năm liên tiếp…và năm nay, bên ngoài có sự xuất hiện "hoành tráng" của các lực lượng bảo vệ, các đoàn thanh tra lần lượt xuất hiện…nhưng bên trong trường thi tất cả vẫn tái diễn”.

Cách đây vài ngày, báo Thanh Niên online có bài nhận xét rằng “với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao ‘ngất ngưỡng’ 99,27%, tỷ lệ đỗ bổ túc Trung học Phổ thông là 98,86%, dư luận đặt câu hỏi tại sao một địa phương như Hà Tây có tới 8 hội đồng thi xảy ra sai phạm, mất trật tự, ‘chợ’ giải đề hoạt động công khai trước địa điểm thi, giám thị tố cáo giám thị ở Phú Xuyên…mà Hà Tây vẫn đứng tốp đầu những địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhất, cũng là địa phương không có giám thi và thí sinh nào vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật”.

“Nhốn nháo như chợ”

Bạn nghĩ gì về nạn gian lận trong thi cử tại Việt Nam hiện nay? Và nó sẽ ảnh hưởng gì đến đất nước trong tương lai? Xin email về Vietweb@rfa.org

Mặc dù rải rác đó đây trong khắp nước đã tái diễn “bệnh trầm kha” trong thi cử như vừa nói, chẳng hạn như thi cử ở Bình Phước “nhốn nháo như chợ”, tại “Nghệ An: đề thi bị cướp táo tợn “, ở “Huế: Cán bộ coi thi ‘thoáng’ quá”, “Sóc Trăng: thuê ném ‘phao’ giá 10-ngàn đồng/một phao”, ở TPHCM “chẳng biết có phải do trúng tủ hay không mà một phụ huynh học sinh có con thi cho biết con ông làm bài xong” rất sớm, Cần Thơ có nhiều thí sinh tìm mua phao…, thì “Điểm nóng” Hà Tây gần như hoàn toàn “vượt ra ngoài vòng kiểm soát”, nơi “thi cử lộn xộn, phóng viên bị hành hung”, “tốc độ chuyển đề, giải bài và tuồn bài giải vào cho thí sinh cực kỳ nhanh” mà không gặp trở ngại nào dù có sự hiện diện của “lực lượng công an, dân phòng…rất hùng hậu”.

Ông Đỗ Viết Khoa, giáo viên thuộc trường THPT Vân Tảo, Hà Tây có cuốn băng ghi những hình ảnh thi tại địa phương này cho thấy rằng “không khác tình hình mất trật tự diễn ra bên ngoài các phòng thi, bên trong phòng thi cũng hết sức lộn xộn. Những nhân viên phục vụ ngang nhiên mang sửa – phía dưới các khay sữa là bài giải – vào khu vực thi, bảo vệ cũng tự do vào tận phòng thi ném bài.”

Và giáo viên tâm huyết này đã đơn thương độc mã tố cáo những hành vi tiêu cực ở hội đồng thi Phú Xuyên A, và ông mong rằng “các em học sinh, phụ huynh học sinh thông cảm cho ông, các giáo viên có lương tâm hãy cùng ông lên tiếng để chấm dứt sự giả dối đang tồn tại trong ngành giáo dục Việt Nam”.

Nhưng người ta không biết tới bao giờ sự gian dối đó chấm dứt khi Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cho biết Bộ không dung túng tiêu cực nhưng “việc xử lý thì phải theo quy trình và có bằng chứng cụ thể. Khi có bằng chứng vi phạm thì cũng phải phân cấp xử lý.

Trong phạm vi trường thì phải xử lý giám thị, hiệu trưởng vi phạm thì thuộc thẩm quyền xử lý của giám đốc sở. Còn giám đốc sở vi phạm thì bộ trưởng hoặc UBND tỉnh xử lý. Bộ không thể trực tiếp xử lý, kỷ luật cán bộ coi thi”.

Quy trình phân cấp xử lý dài dòng như vậy khiến có người e rằng sau cùng rồi chẳng có ai bị kỷ luật cả.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.