Phỏng vấn Tiến Sĩ Troedsson, đại diện Tổ Chức Y Tế Thế Giới tại Việt Nam


2005.10.20

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Cúm gà hiện không còn là chuyện xảy ra tại Việt Nam, mà đã trở thành mối lo của cả thế giới. Đầu tuần tới, một cuộc hội thảo về cúm gia cầm sẽ diễn ra ở Geneve, để các chuyên gia có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm thu thập được cho những nước quan tâm đến dịch bệnh.

Troedsson150.jpg
Tiến Sĩ Troedsson, đại diện Tổ Chức Y Tế Thế Giới tại Việt Nam. Photo courtesy of Dida Connor

Một trong những người được mời tham dự là Tiến Sĩ Troedsson, vị đại diện của Tổ Chức Y Tế Thế Giới tại Việt Nam. Trước khi rời Hà Nội, ông dành cho Ban Việt Ngữ chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt sau đây. Cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện.

Nguyễn Khanh: xin chào Tiến Sĩ. Trước hết, xin Tiến Sĩ cho chúng tôi biết những diễn tiến mới nhất liên quan đến cúm gia cầm ở Việt Nam?

Tiến Sĩ Troedsson: tình hình vẫn không có gì thay đổi trong một vài tháng qua. Lần cuôi cùng có người nhiễm bệnh xảy ra là hồi tháng 7 và từ đó đến giờ, không có thêm trường hợp nào nữa. Dù vậy, chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống đại dịch cúm gia cầm được thực hiện trên toàn quốc và đó là điều đáng ngợi khen.

Ngoài ra, Việt Nam cũng bắt đầu chương trình hành động chung với Liên Hiệp Quốc, chương trình này kéo dài 6 tháng để nâng cao tầm hiểu biết của người dân về bệnh cúm gia cầm, đặc biệt tại những vùng có nhiều nguy cơ sẽ bị dịch bệnh.

Qua chương trình này, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến các địa phương ở cấp xã ấp, để nếu trường hợp không may xảy ra, dân chúng biết ngay phải làm gì để phòng chống. Điều cần phải chú ý là dù trong những tháng vừa rồi không phát hiện thêm ổ dịch nào mới, không có thêm người bị nhiễm bệnh, nhưng vẫn có thể xảy ra vì mùa đông sắp đến rồi.

Chúng tôi dự đoán vào tháng 12 năm nay hoặc tháng Giêng năm tới có thể có những trường hợp bị bệnh được báo cáo. Hy vọng là tình trạng không đến nỗi ngặt nghèo cho lắm.

Qua chương trình này, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến các địa phương ở cấp xã ấp, để nếu trường hợp không may xảy ra, dân chúng biết ngay phải làm gì để phòng chống. Điều cần phải chú ý là dù trong những tháng vừa rồi không phát hiện thêm ổ dịch nào mới, không có thêm người bị nhiễm bệnh, nhưng vẫn có thể xảy ra vì mùa đông sắp đến rồi.

Nguyễn Khanh: thưa Tiến Sĩ chúng tôi nghe được tin nói rằng công tác tiêm vaccine mà Việt Nam đang thực hiện gặp trở ngại vì không có đủ thuốc, điều đó có đúng không?

Tiến Sĩ Troedsson: điều đó có thể đúng. Chuyện xảy ra là Việt Nam cho thực hiện chương trình tiêm vaccine đại trà, được sự yểm trợ của nhiều tổ chức như WHO, Tổng Chứ Lương Nông Thế Giới. Theo kế hoạch sẽ có 60 triệu gà vịt được tiêm vaccine và một trong những quốc gia cung cấp thuốc là Trung Quốc.

Theo tôi biết thì bên Trung Quốc gặp trở ngại ở khâu chế biến, nên không thể cung cấp thuốc cho Việt Nam đúng thời hạn mà phải trễ mất một hai tuần. Nhưng tôi phải nhấn mạnh là dù vậy, chương trình tiêm vacxin cho gia cầm cũng vẫn được thi hành như đã đề ra.

Tôi mới vừa nói chuyện với lãnh đạo của Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn và được thông báo là vào đầu tháng 11 tới đây, chương trình tiêm vaccine sẽ được thực hiện ở mức đại trà trở lại trên bình diện cả nước.

Nguyễn Khanh: Tiến Sĩ mới nói là ông lo ngại mùa đông sắp đến rồi và có thể bệnh sẽ tái phát. Không rõ lượng thuốc tamilflu dự trữ của Việt Nam có đủ để giúp dân chúng phòng bệnh không?

Tiến Sĩ Troedsson: theo tôi biết thì lượng tamilflu dự trữ ở Việt Nam khá đầy đủ, trong khoảng từ 800,000 cho đến 1 triệu liều, đủ để cung cấp cho dân chúng trong giai đoạn đầu tiên. Nhưng nếu bệnh phát tán nhanh, trở thành dịch, thì lượng thuốc này đương nhiên không đủ, nhưng ở bước đầu thì lượng tamilflu mà Việt Nam đang có đủ để cho tôi an tâm. Ngoài ra, công ty bào chế dược phòng Roche cũng hứa tặng thuốc cho Tổ Chức Y Thế Thế Giới chúng tôi và chúng tôi sẽ có thuốc để trợ giúp cho những nước cần yểm trợ như Việt Nam.

Nguyễn Khanh: Tiến Sĩ có đề nghị nào với chính phủ Việt Nam để đề phòng nguy cơ có thể xảy ra vào mùa đông năm nay không?

Tiến Sĩ Troedsson: những đề nghị mà tôi đưa ra vẫn là những ý kiến mà tôi tthường đóng góp với các viên chức Việt Nam, và các giới chức ở đây lắng nghe ý kiến của tôi. Ý kiến đó là phải tiếp tục các kế hoạch phòng chống đã đưa ra, và có chương trình hành động thật hữu hiệu để giúp dân chúng, phải gia tăng hoạt động y tế công cộng cũng như hoạt động của ngành thú y.

Mới đây, tôi được thông báo là Thủ Tướng Việt Nam quyết định mua thêm máy thở và nhiều dụng cụ y tế khác để đề phòng khi bệnh phát tán có đủ dụng cụ y khoa chữa trị cho dân chúng. Những việc này đều nằm trong kế hoạch phòng chống dịch bệnh, để có đủ khả năng đối phó.

Nguyễn Khanh: được biết hồi đầu tuần này, Tiến Sĩ đã có những buổi làm việc không chỉ với giới lãnh đạo Việt Nam, mà với cả ông Tổng Trưởng Y Tế Xã Hội Hoa Kỳ nữa. Nếu có thể được, xin Tiến Sĩ chia sẻ với chúng tôi về những gì đã được thảo luận và kết quả ra sao?

Tiến Sĩ Troedsson: các cuộc thảo luận được thực hiện nhân dịp ông Tổng Trưởng Y Tế Xã Hội Leavitt của Hoa Kỳ hướng dẫn một phái đoàn sang quan sát ở Việt Nam. Trong đoàn có cả những viên chức cao cấp thuộc Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh Quốc Gia Của Hoa Kỳ đến từ thành phố Atlanta, các viên chức của Viện Nghiên Cứu Y Tế đến từ thủ đô Washington.

Cuộc thảo luận diễn ra rất tốt đẹp, cởi mở, có sự tham dự của Thủ Tướng và hai ông bộ trưởng y tế và bộ trưởng nông nghiệp của Việt Nam. Kết quả là mọi người đồng ý cúm gà không phải là chuyện chỉ có Việt Nam lo ngại mà là mối lo của cả thế giới, mọi quốc gia phải giúp đỡ lẫn nhau. Đoàn Hoa Kỳ hài lòng với thành quả phòng chống mà chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện, đồng thời hứa sẽ giúp Việt Nam về cả hai mặt tài chính lẫn kỹ thuật để tiếp tục các công tác đã đề ra.

Nguyễn Khanh: chúng tôi cũng biết là Tiến Sĩ đang sửa soạn lên đường sang Âu Châu, và ngay trong lúc này dân chúng Âu Châu lo âu về bệnh cúm gà có lẽ chẳng khác gì dân chúng ở Việt Nam. Tiến Sĩ có thể cho chúng tôi biết sơ qua về buổi hội thảo sẽ diễn ra tại Geneve được không ạ?

Tiến Sĩ Troedsson: tôi sẽ dự rất nhiều phiên họp, đồng thời cũng chia sẻ với các đồng nghiệp của tôi về các kinh nghiệm học hỏi được ở Việt Nam vì như ông cũng biết hiện giờ vi rút gây bệnh cúm gà đã xuất hiện ở Âu Châu. Chúng tôi sẽ bàn thảo về nhau về kế hoạch hành động cho Việt Nam và những nỗ lực hợp tác chung cần phải có cho toàn thế giới.

Nguyễn Khanh: trước khi chia tay, xin phép được hỏi Tiến Sĩ một câu nữa. Giả sử tôi là một người thích ăn thịt gà nhưng nghe nói đến đến bệnh cúm gà thịt lại sợ, không dám ăn. Tiến Sĩ có lời khuyên nào cho tôi không?

Tiến Sĩ Troedsson: lời khuyên của tôi là ông vẫn được ăn thịt gà, không có gì phải sợ cả nhưng với điều kiện con gà không bị nhiễm vi rút H5N1. Gà đã nhiễm vi rút rồi thì không được ăn. Thịt gà phải nấu thật chín, vì vi rút H5N1 sẽ bị giết chết nếu nấu ở nước nóng 70 độ C. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh thực phẩm lúc nào cũng phải được coi trọng.

Nguyễn Khanh: xin cám ơn Tiến Sĩ và chúc Tiến Sĩ lên đường bình an.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.