Phương Anh, phóng viên đài RFA
Vào tháng 6 năm ngoái, Phương Anh có gửi tới quí vị câu chuyện về một số người Việt đang sinh sống tại vùng Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, đã cố gắng vận động với viện bảo tàng lớn nhất thế giới Smithsonian ở Washington DC để được phép trưng bày những hình ảnh của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ sau hơn 30 năm định cư tại xứ sở này.

Với bao khó khăn về mọi mặt, từ khâu vận động quyên góp tài chính lên đến cả triệu đô la, cho đến việc sưu tầm thu gom những tài liệu, hình ảnh, cuối cùng, vào ngày thứ bảy, 20 tháng giêng vừa họ đã được sự chấp thuận của hệ thống bảo tàng viện Smithsonian cho phép chính thức ra mắt cuộc triển lãm mang tên “Exit Saigon, Enter Little Saigon” hay còn gọi là “Rời xa Sàigòn yêu dấu, nhập tiểu Sàigòn thân thương.”
Trong chương trình hôm nay, Phương Anh xin mời quí vị nghe những thông tin về cuộc triển lãm này.
Một sự thành công lớn
Được biết, để tổ chức được cuộc triển lãm tại hệ thống bảo tàng viện lớn nhất giới, Smithsonian, không phải là điều dễ dàng. Với dự trù ngân quĩ lên đến cả triệu Mỹ kim là một thách thức lớn cho cộng đồng người Việt, thế nhưng, được sự ủng hộ nhiệt tình của số đông các doanh gia thành công trong cộng đồng, chẳng bao lâu, những người có ý tưởng này đã chứng minh khả năng lớn mạnh của cộng đồng Việt với Ban Người Mỹ Gốc Á Châu Thái Bình Dương thuộc viện Smithsonian.
Qua những bữa cơm gây quĩ, cùng với sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo thành phần trong cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ, họ đã đủ tiền để thực hiện dự án lịch sử này. Vào ngày 20 tháng giêng, tại Gallery Dillon Ripley thuộc Smithsonian, cuộc triễn lãm đầu tiên về lịch sử của người Mỹ gốc Việt từ năm 1975 cho đến nay được chính thức mở cửa cho công chúng vào xem.
Theo lời của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, thì đây là một sự thành công lớn lao của của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ, ông nói: "Đây là sự thành công vượt bực của cộng đồng chúng ta từ ngày chân ướt chân ráo đến xứ này. Giờ đây, sau 30 năm, chúng ta đã có 1 triệu rưỡi người trên đất Mỹ, thành công trên rất nhiều lãnh vực.
Cuộc triển lãm này sẽ cho chúng ta thấy một cách cụ thể. Smithsonian không phải chỉ tầm cỡ không thôi mà nó là viện bảo tàng của cả nhân lọai, nó gồm có 18 bảo tàng. Khi chúng ta đã vào được đến Smithsonian, chúng ta sẽ không thể đi xa hơn được nữa. Nhưng sự thành công chính là chúng ta giúp viết lịch sử của 1 triệu rưỡi người Mỹ gốc Việt.
Cuộc triển lãm này sẽ cho chúng ta thấy một cách cụ thể. Smithsonian không phải chỉ tầm cỡ không thôi mà nó là viện bảo tàng của cả nhân lọai, nó gồm có 18 bảo tàng. Khi chúng ta đã vào được đến Smithsonian, chúng ta sẽ không thể đi xa hơn được nữa. Nhưng sự thành công chính là chúng ta giúp viết lịch sử của 1 triệu rưỡi người Mỹ gốc Việt.
Một số chúng tôi là những người hoạt động trong cộng đồng đã vận động rất nhiều năm nhưng họ không đồng ý, họ nói rằng họ không biết gì nhiều đến cộng đồng Việt và cũng không có tiền riêng để lo việc này. Về sau, cộng đồng đã nỗ lực quyên góp tiền, đưa ra những ý kiến để cuối cùng thành được cuộc triển lãm mà chúng tôi cho là rất tầm cỡ.”
Ý nghĩa cuộc triển lãm
Vì sao cuộc triển lãm lại mang tên là “Exit Saigon, Enter Little Saigon”, tiến sĩ sử học Phạm Hồng Vũ, người được giao trách nhiệm chính trong cuộc triển lãm này cho biết:
“Chúng ta đã tạo dựng nên một cộng đồng hoàn toàn mới, đó chính là cộng đồng người Mỹ gốc Việt, không phải hoàn toàn Việt Nam, cũng không phải hoàn toàn Mỹ. Chúng tôi chọn tên gọi như thế giống như một cuộc thay đổi, một cuộc chuyển tiếp, một cuộc di chuyển của những người di dân như chúng ta. Những thế hệ di dân đầu tiên đã đến nơi này, gặp những điều mà chúng ta chưa bao giờ thấy trước đây ở Sàigòn, và nay, thế hệ kế tiếp đã tạo nên những cái mới.
Điều quan trọng nhất của cuộc triển lãm này là nói lên cho thế giới biết đến câu chuyện của chúng ta vì có thể nói hệ thống bảo tàng viện Smithsonian thuộc về cả thế giới, mỗi năm, có tới 25 triệu người đến thăm viếng, và chúng ta thử tưởng tượng xem, nếu những người khách từ khắp nơi trên thế giới đến đây, thấy những hình ảnh này, những người Việt di dân đến đây đã đóng góp vào đất nước này như thế nào…
Nên nhớ rằng, chúng ta chỉ là phần nhỏ bé so với tất cả cộng đồng những người di dân đến Hoa Kỳ, nhưng chúng ta đã đóng góp rất nhiều. Chúng ta đến đất nước này không phải để hưởng quyền lợi của một người tị nạn, mà chúng ta đã làm thay đổi bộ mặt của nước Mỹ.”
Hình ảnh ở khắp nơi
Dưới sự bảo trợ của Chương Trình Người Mỹ gốc Á Châu Thái Bình Dương, gồm có tiến sĩ Franklin Odo và bà Francey Youngberg, với sự làm việc vô cùng cực nhọc của tiến sĩ sử Phạm Hồng Vũ, cùng với bao công khó của những thiện nguyện viên đã thu thập những hình ảnh ở khắp nơi.
Nên nhớ rằng, chúng ta chỉ là phần nhỏ bé so với tất cả cộng đồng những người di dân đến Hoa Kỳ, nhưng chúng ta đã đóng góp rất nhiều. Chúng ta đến đất nước này không phải để hưởng quyền lợi của một người tị nạn, mà chúng ta đã làm thay đổi bộ mặt của nước Mỹ.
Ở cuộc triển lãm, người xem có thể hình dung phần nào góc cạnh của đời sống trong các trại tị nạn, rồi đến những bức hình ghi lại những ngày đầu định cư nơi xứ người, sự hình thành của cộng đồng người Việt nơi quận Cam, ở miền Nam California, cho đến những sinh hoạt của người Việt ở khắp nơi.
Đây đó là những gương mặt tiêu biểu cho sự thành công của cộng đồng người Việt ở mọi khía cạnh, những nhà khoa học, giáo dục, chính trị, nghệ thuật, thể thao, thương mại…như khoa học gia Eugene Trịnh, phi hành gia Việt Nam đầu tiên trên đất Mỹ, giáo sư luật Đinh Đồng Phụng Việt, từng giữ chức vụ cao nhất trong hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ, cựu cầu thủ bóng chày nổi tiếng Nguyễn Đạt, danh hài Đạt Phan, nhà chế tạo xe Mustang Tăng Hậu, nữ tài tử Kiều Chinh…
Bên cạnh đó, còn có những vật dụng được trưng bày đơn sơ nhưng nói lên cả một quá trình vượt lên những thử thách gian nan để đạt tới sự thành công về thương mại. Từ hình ảnh tô phở, tách trà của tiệm 75 ở bang Virginia, những ổ bánh mì của tiệm Le’ Sandwich ở bang California, cho đến tiệm làm móng tay, làm tóc…đã nói lên những nét sinh hoạt rất phong phú và đa dạng của người Việt ở Hoa Kỳ.
Về nghệ thuật, bên cạnh những thông tin về các phim đã từng đọat giải thưởng như Three Seasons, Mùa Len Trâu, của những đạo diễn người Mỹ gốc Việt, chúng ta còn thấy có hình ảnh của các trung tâm băng nhạc như Paris By Night, Trung Tâm Asia, Trung Tâm Vân Sơn…
Đó là chưa kể đến những hình ảnh của các buổi lễ trang nghiêm tại các nhà thờ, các ngôi chùa Việt Nam trên xứ người, những buổi diễn hành trong các ngày lễ của Hoa Kỳ, hình ảnh người phụ nữ với chiếc áo dài Việt Nam, trên tay cầm lá cờ Mỹ phất phới…
Ngoài ra, còn có hình ảnh của sự đóng góp phần lớn vào công việc xã hội và từ thiện ở quê nhà như tổ chức tặng xe lăn cho người tàn tật, chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa.. Và thật thiếu sót nếu không kể đến những vật dụng được tặng từ những nhà thiết kế nổi tiếng người Mỹ gốc Việt hiện đang làm việc cho các công ty lớn của Mỹ.
Niềm vinh dự
Cô Thuỳ Lan, chủ nhân phòng tranh Gallery Bridge Le tại Herndon, Virginia cho biết cảm tưởng về cuộc triển lãm này:
“Tôi nghĩ rằng có được một buổi triển lãm như thế này đã an ủi một phần nào đó cho người tị nạn Việt Nam mình trong hơn 30 năm qua, khi nhìn lại những hình ảnh của đồng bào tị nạn, gợi lại cho tôi hình ảnh mình đã từng là một trong số những người lênh đênh trên biển, lang thang trên đảo, chưa biết tương lai mình như thế nào…
Tôi nghĩ rằng có được một buổi triển lãm như thế này đã an ủi một phần nào đó cho người tị nạn Việt Nam mình trong hơn 30 năm qua, khi nhìn lại những hình ảnh của đồng bào tị nạn, gợi lại cho tôi hình ảnh mình đã từng là một trong số những người lênh đênh trên biển, lang thang trên đảo, chưa biết tương lai mình như thế nào…
Cho đến ngày hôm nay, nhận thấy rằng mình có một cuộc sống vững vàng hơn. Đó là thể hiện của sự tự do. Chúng tôi cũng rất hân hạnh được tặng một chiếc áo để giúp cho buổi triển lãm. Và hân hạnh nhất là chiếc áo của mình được trưng bày ngay bên cạnh chiếc áo của cô Chloe Đào, là người thắng giải trong cuộc thi của Broadway vào năm ngoái.
Đó cũng là một niềm vinh hạnh cho cộng đồng người dân tị nạn Việt Nam đã thành công trong 30 năm qua.. Tôi rất cảm động khi được đến xem buổi triển lãm này.”
Một người trẻ khác, cô Thuý, lớn lên tại Hoa Kỳ cho biết: "Em thật cảm động khi thấy những hình ảnh từ trại tị nạn cho tới bây giờ…những Mỹ gốc Việt qua đây thành công và đóng góp vào cộng đồng Hoa Kỳ rất nhiều…em thật vui!"
Triển lãm trên toàn nước Mỹ
Theo lời ban tổ chức, thì cuộc triển lãm sẽ được kéo dài cho đến ngày 1 tháng 4 năm 2007. Sau đó, những hình ảnh và vật dụng này sẽ được đem đi triển lãm khắp nơi trên toàn nước Mỹ, nơi có đông người Việt cư ngụ.
Ngoài ra, một phần chính trong cuộc triển lãm này là trang điện toán về lịch sử hình thành cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ trên trang web của Smithsonian. Nơi đây, ở khắp nơi trên thế giới, ai ai cũng có thể tìm thấy những tài liệu về sự hình thành của cộng đồng người Việt, từ những ngày bỏ nước ra đi, đến sự thích nghi và thích ứng vào đời sống Mỹ…
Dưới hình thức như các giáo án, các tài liệu này phù hợp cho các em học sinh trung học ở Hoa Kỳ để mở rộng thêm sự hiểu biết cho các em về vị trí của người Mỹ gốc Việt trong lịch sử Hoa Kỳ.
Quí vị và các bạn vừa nghe những chi tiết liên quan đến cuộc triển lãm “Lià xa Sàigòn Yêu Dấu, Nhập Tiểu Sàigòn Thân Thương”. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị vào chương trình kỳ sau.