Cuộc triển lãm tranh “Hồn Việt: Transcending Traditions”


2005.11.15

Phương Anh, phóng viên đài RFA

“Vì cái đẹp nghệ thuật của họ, tôi đã phá lệ của Ngân Hàng Thế giới để quyết định tổ chức cuộc triển lãm này cho các họa sĩ từ Việt Nam đến” . Thưa quí vị, đó là lời của bà Marina Galvani, người đại diện cho Ngân Hàng Thế Giới nói với Phương Anh trong ngày 10-11 vừa qua tại buổi lễ khai mạc cuộc triển lãm tranh cho 4 hoạ sĩ nổi tiếng từ Việt Nam sang.

4Artists200.jpg
4 hoạ sĩ nổi tiếng từ Việt Nam trong cuộc triển lãm tranh tại World Bank. Photo provided by Asia Society >> Xem và nghe câu chuyện qua hình ảnh và âm thanh

4 họa sĩ đó là: Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm, Đỗ Duy Tuấn và Lê Vượng. Trong chương trình hôm nay, mời quí vị nghe những việc liên quan đến cuộc triển lãm thật đặc biệt này.

Vào năm 2002, lần đầu tiên, một phòng tranh của người Việt Nam, có tên Galleries Brigitte, xuất hiện tại thương xá nổi tiếng Tyson Corner ở vùng Fairfax, tiểu bang Virginia, và bắt đầu với những cuộc triển lãm tranh của các họa sĩ Việt Nam. Chủ nhân của phòng tranh ấy là hai người phụ nữ Việt, lớn lên và trưởng thành ở Hoa Kỳ, nhưng tâm hồn của họ luôn hướng về Việt Nam, luôn muốn phổ biến và chia xẻ tinh hoa, những nét đặc thù của nghệ thuật dân tộc Việt Nam với người bản xứ.

Mục đích cuộc triển lãm

Thế rồi, trong quá trình làm việc, cả hai đều rất mê tranh của 4 họa sĩ này, nhưng mãi cho đến năm ngoái, thì họ mới liên lạc được với họa sĩ hàng đầu, Hồ Hữu Thủ. Cú điện thoại lần đầu tiên làm quen với họa sĩ Thủ, đã khởi đầu cho cuộc triển lãm mang tên “Hồn Việt: Transcending Traditions”. Chúng ta hãy nghe cô Lê Thùy Lan, một trong hai nữ chủ nhân của phòng tranh tâm sự:

"Nói chữ Hồn Việt không, thì khi chúng ta dịch sang tiếng Anh nó cũng không bao gồm được cái hồn, cái ý nghĩa văn hoá của chúng ta. Vì thế chúng tôi giữ nguyên hai chữ Hồn Việt, rồi cộng thêm hai chữ transcending traditions có nghĩa là mình muốn cho cái văn hoá của mình, cùng với truyền thống Việt Nam nó lan rộng ra nữa…Đó là mục đích của buổi triển lãm này."

Nói chữ Hồn Việt không, thì khi chúng ta dịch sang tiếng Anh nó cũng không bao gồm được cái hồn, cái ý nghĩa văn hoá của chúng ta. Vì thế chúng tôi giữ nguyên hai chữ Hồn Việt, rồi cộng thêm hai chữ transcending traditions có nghĩa là mình muốn cho cái văn hoá của mình, cùng với truyền thống Việt Nam nó lan rộng ra nữa…Đó là mục đích của buổi triển lãm này.

Sau khi đã được sự nhận lời của các họa sĩ, những tưởng mọi việc êm thắm, nhưng không ngờ, một thử thách đã làm cho hai chủ nhân vô cùng điên đầu. Cô Lê Thanh, cùng là nữ chủ nhân phòng tranh, cho biết:

"Chúng tôi đã tốn hơn một năm trời để chuẩn bị cho cuộc triển lãm này và rất là kỳ lạ, mỗi khi hai chị em chúng tôi chuẩn bị một việc gì đó thì gặp rất nhiều trở ngại, có thể nói là gần như bị tắc nghẹn…Dự định của chúng tôi ban đầu rất đơn sơ, chỉ dự định triển lãm tại tiệm chúng tôi mà thôi, nhưng vào tháng Sáu vừa qua, thì những người quản trị ở thương xá, nơi chúng tôi mướn triển lãm, yêu cầu chúng tôi phải dời đi nơi khác…

Chúng tôi phải ra ngoài, đi tìm những phòng triển lãm khác, nhưng thông thường thì phải ghi danh từ hơn một năm trước…Sau 3 tháng trời tìm kiếm, đến lúc này chúng tôi như tuyệt vọng, và tìm đến World Bank, nhưng cũng không có mối liên lạc nào gọi là tay trong cả…Nhưng vẫn quyết định thử xem sao. Sau một tuần lễ, thì cô Marina, quản lý phòng tranh World Bank gọi đến cho biết là World Bank đã đồng ý."

"Bỏ qua thủ tục và phá lệ"

Thưa quí vị, nguyên nhân vì đâu bà Marina Galvan, giám đốc phòng tranh Ngân Hàng Thế Giới lại quyết định nhanh chóng như thế, bà nói:

"Vì nghệ thuật của họ, quá đẹp, quá hay, tôi đã bị chinh phục ngay.. Thông thường, chúng tôi không bao giờ làm việc với các phòng tranh cá nhân, mà chỉ làm việc thẳng với các quốc gia mà thôi. Chúng tôi đã có kế hoạch tổ chức cuộc triển lãm tranh của Việt Nam, nhưng mãi cho đến năm 2007 cơ… Nhưng khi tôi thấy tranh của họ, quá đẹp, quá nghệ thuật, nên tôi đã bỏ qua thủ tục, và phá lệ để cùng với phòng tranh Brigitte Le tổ chức cuộc triển lãm."

Trong khi đó, ở Việt Nam, để sửa soạn cho cuộc triển lãm, các họa sĩ đã âm thầm chuẩn bị cho mình từ 6 tháng trở lên, họa sĩ Lê Vượng nói: "Chúng tôi đem đi mỗi người 10 bức tranh, tôi với anh Đỗ Duy Tuấn về sơn dầu, về hiện thực. Anh Thụ và anh Lâm về sơn mài trừu tượng."

Họa sĩ Đỗ Duy Tuấn nói thêm: "4 người 4 sắc thái khác nhau. Hồ Hữu Thủ thì sơn mài không có mài, chỉ để láng vậy thôi, còn Nguyễn Lâm thì mài láng, còn sơn dầu của Lê Vượng thì vẽ hiện thực, những vật chung quanh, còn tôi vẽ về ấn tuợng, người con gái Huế. Chúng tôi mong muốn làm sao đưa đến cho người xem cảm nhận được những gì họa sĩ Việt Nam đã làm…Giống như mình dọn ra một mâm cơm, và người ta thấy ngon miệng, thích thú, thì đó là cái hạnh phúc."

4 hoạ sĩ Việt Nam

Tuy tất cả 4 họa sĩ đều đã được trao rất nhiều giải thưởng nghệ thuật và đối với giới yêu chuộng tranh Việt Nam ở các nước như, Pháp, Thụy Sĩ, Hồng Kông, Nam Dương, Nhật Bản, Mã lai Á, Singapor, Thái Lan…, thì tên tuổi của họ không còn lạ gì.

Vì nghệ thuật của họ, quá đẹp, quá hay, tôi đã bị chinh phục ngay.. Thông thường, chúng tôi không bao giờ làm việc với các phòng tranh cá nhân, mà chỉ làm việc thẳng với các quốc gia mà thôi. Chúng tôi đã có kế hoạch tổ chức cuộc triển lãm tranh của Việt Nam, nhưng mãi cho đến năm 2007 cơ… Nhưng khi tôi thấy tranh của họ, quá đẹp, quá nghệ thuật, nên tôi đã bỏ qua thủ tục, và phá lệ để cùng với phòng tranh Brigitte Le tổ chức cuộc triển lãm.

Hơn nữa, họ lại là những thế hệ đầu tiên của thập niên 60 và 70 trong giới họa sĩ của miền Nam lúc bấy giờ, đi tiên phong trong phong trào cho những sáng tác mới, linh động và phóng khoáng so với những nét cổ điển của các bậc đàn anh. Cho đến bây giờ, họ vẫn được mệnh danh là những cột trụ của ngành hội họa Việt Nam. Tiếc thay, chưa bao giờ được đi triển lãm với danh nghĩa đại diện cho quốc gia…

Phải chăng vì họ sinh trưởng và lớn lên ở miền Nam Việt Nam, rồi được đào tạo ở trường Cao đẳng Mỹ Thuật ở Gia Định, hay Huế, và làm việc cho các cơ quan thông tin của chính phủ miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ? Sau năm 1975, có người cũng đã trải qua những năm tháng trong trại cải tạo, có người mãi đến năm 1994 mới vượt qua những khó khăn do hoàn cảnh xã hội đưa đẩy để cầm cọ lại…

Cho đến hôm nay cũng vậy, đây là lần đầu tiên họ giới thiệu tranh với mọi người ở Hoa Kỳ, và được Ngân Hàng Thế Giới chiếu cố đặc biệt, nhưng cũng lại chỉ đến với tính cách cá nhân mà thôi. Mặc dù 4 người với 4 phong thái khác nhau, nhưng tất cả đều thể hiện tâm hồn dân tộc của họ qua sự phối hợp tuyệt diệu về màu sắc. Họa sĩ Hồ Hữu Thủ nói:

"Chúng tôi tin tưởng tâm hồn của mọi người nó tinh khiết và chúng ta phải lôi từ trong tinh khiết đó ra. Tác phẩm cần phải tinh khiết, chứ còn ngoại giới nó có thể thay đổi, ví dụ như cái cây, cái vật thể, có thể thay đổi, nhưng mà tâm hồn thì không bao giờ thay đổi…Và cái đó, được rút ra để trở thành nghệ thuật." Họa sĩ Đỗ Duy Tuấn nói thêm: "Chúng tôi không tìm đề tài trước khi vẽ, mà chúng tôi tự tìm ra.. Trong cái cảm hứng đó, tự nó tuôn ra, tự nó chảy ra trong cách làm việc của chúng tôi…Từ trong đáy trái tim của chúng tôi, nó chảy ra, nó cảm hứng…"

Còn họa sĩ Nguyễn Lâm, thì cho biết: "Trước đây khi chúng tôi học, thì được dậy là phải nuôi dưỡng một cái đề tài, rồi mới khai thác đề tài đó, cho tới lúc chín muồi, giống như trái cây vậy, lúc đó mới sáng tác ra.

Còn nghệ thuật bây giờ, đứng trước giá vẽ, chúng tôi như đứng trước một cuộc phiên lưu, có màu sắc trước tấm bố trắng, đi du lịch trên đó… cho đến cuối cùng, tác phẩm nó thành hình rồi, thì mới đặt tên cho nó…Giống như một người chưa biết gì hết, nhưng sau khi được học hỏi, đã thấm nhuần, đã du nhập vào tâm của mình, thì nó sẽ tự động thoát ra mà thôi…"

Niềm vinh dự và hãnh diện

Thưa quí vị và các bạn, có lẽ, chính vì cảm nhận được xâu sa của nghệ thuật hội họa, mà các họa sĩ này đã có những bức họa tuyệt vời. Và cũng mới chỉ qua hình chụp mà thôi, thế mà các bức họa đã chinh phục được lòng yêu chuộng nghệ thuật, cảm nhận được tài năng của những người họa sĩ Việt Nam bên kia bờ đại dương.

Mời bạn tham gia mục Câu Chuyện Hàng Tuần do Phương Anh phụ trách. Mọi email đóng góp xin gửi về Vietnamese@www.rfa.org

Phá bỏ tất cả luật lệ bó buộc từ bao lâu nay, người giám đốc phòng tranh thuộc Ngân Hàng Thế Giới, quyết định cho triển lãm ngay tại Washington D.C. Thế là, dù cho có một luật lệ nào khắt khe, một rào cản gì đi chăng nữa, thì những bức họa của họ đã được đem đến Hoa Kỳ và triển lãm tại đây cho đến ngày 30 tháng 11 năm 2005.

Thật là một niềm vinh dự và hãnh diện cho người Việt nói chung, và cho các họa sĩ nói riêng. Vì đây là lần đầu tiên, Ngân Hàng Thế Giới tổ chức tranh nghệ thuật Việt Nam, lại còn đặt trong một căn phòng rất thanh lịch, nằm ngay trước văn phòng của ông tổng giám đốc ngân hàng. Trong đêm khai mạc vào ngày 10-11 vừa qua, có sự hiện diện của ông Vũ Đăng Dzũng, đại diện cho sứ quán Việt Nam tại Washington DC cùng với những phụ tá.

Bên cạnh đó, một số đông quan khách, đại diện cho các toà đại sứ khác cũng có mặt. Được biết, nhân dịp này, phòng tranh Brigitte cũng sẽ tặng một phần tiền lời bán tranh cho cơ quan từ thiện Asia Society Washington Center để giúp cho các nạn nhân bị thiên tai Katrina và Rita vưà qua, cũng như tặng cho Sáng Hội Văn Hoá Nghệ Thuật Á Châu Thái Bình Dương.

Riêng đối với các họa sĩ, mặc dù được cấp visa 3 tháng, nhưng sẽ trở về Việt Nam ngay sau cuộc triển lãm chấm dứt. Ước mong trong tương lai, sẽ không còn rào cản gì có thể cản trở họ, để tranh của họ được đại diện Việt Nam, đưa đi triển lãm khắp nơi trên thế giới, và dĩ nhiên, để người dân của vùng Hoa Thịnh Đốn, Mỹ cũng như Việt, lại có dịp thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật mà họ đã gửi gấm hết cả tâm hồn vào đó, như lời chia xẻ của họa sĩ Hồ Hữu Thủ:

"Người nhạc sĩ họ tạo ra âm thanh, mà mình nghe nó đã, như vậy là họ đã đạt kết quả rồi, chứ mình không cần hỏi đây là cái tiếng gì…Đó là nghệ thuật đích thực. Tôi nghĩ nghệ thuật hội họa cũng như thế..."

Phương Anh xin dừng nơi đây, hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.