Làm sao giúp người xuất khẩu lao động khỏi bỏ trốn?

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Tình trạng người lao động Việt Nam ở nước ngoài bỏ trốn cho đến nay vẫn không thuyên giảm, mới nhất là Anh quốc đã quyết định tạm hoãn nhận thêm. Trong khi đó, nhiều giải pháp đã được đề ra, có khi lại trái ngược nhau.

0:00 / 0:00
YouthJob200.jpg
Nhân viên của các dịch vụ tìm việc phân phát những cuốn sách mỏng tại hội chợ việc làm ở Hà Nội. AFP PHOTO/HOANG DINH NAM

Tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, làm việc và cư trú bất hợp pháp ở ngoài nước luôn ở mức cao không bình thường so với các nước có xuất khẩu lao động.

Chẳng hạn như tại Nhật Bản trốn khoảng 40%, tại Hàn Quốc trốn 30%, ở Đài Loan trốn trên 15%... trong khi đó những con số lao động Trung Quốc, Indonesia, Philippines bỏ trốn ở cùng những thị trường đó chỉ từ 1% đến dưới 6% mà thôi.

Hai giải pháp của hai người có thẩm quyền nhất để giải quyết tình trạng người lao động xuất khẩu bớt bỏ trốn đưa ra với báo chí cách nhau chỉ một tuần, lại không đồng bộ.

Gánh nặng chi phí quá lớn

Trong cuộc phỏng vấn hôm 30 tháng Sáu vừa qua giành cho báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thanh Hòa, cục trưởng Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, thuộc bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, đã nhìn nhận gốc rễ vấn đề là gánh nặng chi phí quá lớn mà người lao động phải trả trước khi đi. (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Cụ thể là phí dịch vụ đến 12% lương mỗi tháng theo hợp đồng, đã từng bước được giảm dần có nơi chỉ còn 8,3% lương tháng. Đã vậy còn thêm chi phí đào tạo, giới thiệu việc làm....

Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Tin tức cho hay có rất nhiều gia đình phải thế chấp sổ đỏ, nhà cửa, hoặc phải vay mượn các nơi để có những khoản tiền lớn cho con cái đi lao động với hy vọng là sẽ thanh toán được sớm, lại còn dư chút đỉnh. Thế nhưng sang đến nơi thì mới vỡ lẽ.

Lương bị trừ đầu, khấu đuôi. Có khi phải cống hiến cả thân thể mới được cho đi làm, nhưng các trường hợp điển hình vừa qua ở Đài Loan. Một lao động cho biết: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Do đó, trong cuộc phỏng vấn giành cho báo Người Lao Động hôm 30 tháng Sáu vừa qua, ông cục trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải kiểm tra thực tế, khảo sát kỹ các điều kiện về việc làm. Tiền lương, thu nhập, điều kiện sinh hoạt....nếu không đạt thì kiên quyết không cho thực hiện hợp.

Những biện pháp mạnh

Qua tuần sau, cục phó Cục Quản lý Lao động Ngoài nước Vũ Đình Toàn trong cuộc phỏng vấn giành cho báo Tuổi Trẻ hôm mùng 7 tháng Bảy, thì đề cập tới những biện pháp mạnh.

Lý do theo ông là vì tâm lý người đi lao động nước ngoài là "đi Tây", phải có thu nhập cao, khi về nước phải có một khoản tiền khá lớn. Khi gần hết hợp đồng làm việc, họ cảm thấy không đạt được mục đích đó, nên đã bỏ ra ngoài làm để có thu nhập cao hơn. Theo ông Vũ Đình Toàn thì đây là hạn chế trong đào tạo, giáo dục định hướng của các doanh nghiệp cho người lao động trước khi đi.

Về tình trạng những nước khác cũng có lao động xuất khẩu nhưng tỷ lệ bỏ trốn rất thấp, ông lý giải rằng một phần là họ đã có luật về Xuất khẩu Lao động từ hơn chục năm nay. Còn Việt Nam thì mới đây bộ Lao động-Thương binh-Xã hội đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến vào Nghị định Chính phủ quy định trách nhiệm của người lao động và của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý người đi lao động nước ngoài.

Tư cách pháp lý

Theo dự thảo nghị định này thì cục trưởng Cục Quản ly Lao động Ngoài nước, đại diện cao nhất của Việt Nam ở nước sở tại có quyền ra các quyết định và hình thức xử lý lao động, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về xuất khẩu lao động.

Chúng tôi xin nhắc ở đây là pháp luật hiện hành của nhiều nước không chấp nhận và không công nhận loại cán bộ này của Việt Nam. Điển hình như tại Malaysia, họ không cho cục quản lý lao động ngoài nước được mở văn phòng đại diện và cũng không công nhận tư cách pháp lý của cán bộ khi có xung đột quyền lợi xảy ra.

Còn tại Đài Loan, khi lao động nữ bị xúc phạm nhân phẩm, cán bộ quản lý không hay biết, không can thiệp, mà cũng không đến tham dự Hội nghị Chuyên đề về vấn đề này. Do đó vấn đề người lao động xuất khẩu bỏ trốn xem chừng còn khá lâu mới giải quyết nổi. Đó là lúc các quan chức hữu trách nhìn ra nguyên ủy của vấn đề.