Mỹ phẩm giả, nguy cơ cần báo động

0:00 / 0:00

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Theo các thông tin từ trong nước, thời gian gần đây, rất nhiều mặt hàng mỹ phẩm giả ngày càng tràn lan trên thị trường, không riêng gì ở TPHM, mà ngay cả ở các tỉnh cũng thế.

womenCosmetic150.jpg
Một tiệm bán mỹ phẩm ở Hà Nội. AFP PHOTO

Đánh vào tâm lý thích dùng hàng hiệu, và nhu cầu làm đẹp của các chị em phụ nữ, một số những người kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm đã bất chấp hậu quả rất tai hại cho người tiêu dùng để kiếm lời.

Những loại kem xức da, kem chữa nám mặt, kem lột da với nhãn hiệu cao cấp như Olay, Channel được bán tràn lan ở khắp nơi với giá cả khá cao. Đó là chưa kể những loại hàng bình dân khác của Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan…

Thế nhưng, khi mua về rồi mới biết là giả. Thậm chí có người còn phải đến bệnh viện da liễu gặp bác sĩ xin toa thuốc để lấy lại làn da khi xưa. Trang Phụ Nữ kỳ này xin gửi tới quí vị một số thông tin về chuyện mỹ phẩm giả.

Là phụ nữ, ai chẳng muốn mình có một làn da mặt đẹp. Cho nên, nhu cầu xài mỹ phẩm là điều không thể thiếu trong đời sống của các chị em bạn gái. Hiện nay ở Việt Nam, không thể thống kê được có bao nhiêu loại kem được bán trên thị trường.

Hàng giả khắp nơi

Ngoài những thương hiệu nổi tiếng như Shiseido, Olay, Lancôme, Christian Dior, Revelon mà chị em đã quen thuộc thì còn có những loại kem của Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan. Đó là chưa kể các loại sản xuất của Việt Nam như Thorakao, Lana, Mỹ Phẩm Sài Gòn, Famalia... Các chị em khi đi mua chỉ cần nhớ các loại hộp bao bì và tên gọi chỉ định cho mặt hàng đó là đủ.

Chợ Lớn nhiều hàng giả lắm. Em thấy kem thoa của Thái, Trung Quốc, tùm lum hết, thậm chí hàng Olay cũng có, rồi Channel cũng có giả nữa. Kem thoa mặt thì pha trộn tùm lum. Một người bạn của em mua kem xức mụn, nhưng không hết gì hết, mua chỉ vì thấy người ta nói xức hết mụn, đẹp, thì mua thôi.

Chẳng hạn như phấn bông luá, kem lột da mặt, thuốc chống nám, kem xức chống nắng, thuốc rửa mặt trắng da …Ở thành phố HCM, chợ An Đông được coi là nơi hội đủ các loại mỹ phẩm khắp nơi trên thế giới, từ mặt hàng cao cấp đến các loại hàng bình dân. Một hộp kem chống nhăn của Lancôme có giá đến 500.000 đồng một hộp.

Ở chợ Bến Thành thì mặt hàng cao cấp trôi nổi nhiều nhất là Lancôme và L’Oreal. Người bán luôn nói giá xấp xỉ trong đại lý để khách mua tin tưởng. Riêng ở chợ Đầm Nha Trang, thì rẻ hơn nhiều. Thí dụ, một hộp sữa rửa mặt Olay chỉ với giá 120.000 đồng. Đa số người bán đều không trưng hàng ra, chỉ khi người mua hỏi và có vẻ “tin cậy” thì mới lôi ra và luôn miệng quảng cáo rằng hàng “Việt Kiều xách tay” đem về.

Cô Hoàng, một cư dân ở Sàigòn, mỗi khi muốn mua hàng mỹ phẩm, cô thường tìm đến các chỗ quen biết, nhưng gần đây, hàng cao cấp như Olay, Channel xuất hiện rất nhiều trên thị trường, giá cả cũng nhẹ hơn, khiến bản thân cô cũng chẳng biết đường nào mà lần, thôi thì cứ đành tin tưởng nơi chỗ quen biết. Cô nói:

“Theo em, thì chỉ nên mua ở những chỗ tin cậy, nguồn hàng mình mua sẽ không bị giả, nếu mua ở chợ An Đông thì phải có người quen, em đi ra chợ An Đông mua mỹ phẩm thì em phải có người quen mà em hay mua mình mới tin được…hàng giả bây giờ nhiều lắm…

Chợ Lớn nhiều hàng giả lắm. Em thấy kem thoa của Thái, Trung Quốc, tùm lum hết, thậm chí hàng Olay cũng có, rồi Channel cũng có giả nữa. Kem thoa mặt thì pha trộn tùm lum. Một người bạn của em mua kem xức mụn, nhưng không hết gì hết, mua chỉ vì thấy người ta nói xức hết mụn, đẹp, thì mua thôi.”

Chị Thuý ở quận Bình Thạnh, cũng là một người hay xài kem dưỡng da cho biết thêm rằng hiện nay, còn có loại kem lột da mặt, được pha trộn nhiều loại với nhau, chỉ xài một vài lần là có công hiệu ngay, nhưng sau đó thì để lại hậu quả khó lường.

Chị nói: "Mua ở trong shop hay trong các siêu thị, đại lý, nói chung là mua chỗ uy tín mà thôi, chứ không thể biết mỹ phẩm nào thật giả đâu. Một số người mua kem trộn, nhiều loại kem trộn lại với nhau, trong đó có những hàng tẩy da, xức lâu ngày sẽ ảnh hưởng tới da…"

Bệnh da liễu

Vì xử dụng các loại mỹ phẩm mà không biết đó là giả mạo, nên sau một thời gian, nhiều chị em phụ nữ đã phải tìm đến bệnh viện da liễu để nhờ bác sĩ chữa trị. Đa số mặt của những chị em đều bị ửng đỏ, ngưá rát và nổi mụn sần sùi. Nhưng theo lời Bác sĩ Thanh Vân, hiện đang công tác tại bệnh viện da liễu ở TPHCM thì cũng khó lòng mà chẩn đoán được bệnh chính xác. Bác sĩ Vân nói:

Bệnh nám chỉ dùng thuốc để làm nó bớt đi, chứ khó mà chữa hết được. Thuốc chỉ làm giảm đi thôi, thí dụ một người qua một cái tuổi khác thì chính cơ thể của họ sẽ làm cho nó hết đi, thuốc chỉ chữa tạm thời và bớt chứ không có tính cách là hết được.

“Giả sử mình thoa kem, mà mình không biết cái kem đó có những loại gì, đi khám bịnh, thì mình chỉ có thể nói đó là do kem dị ứng thôi, chứ không thể xác định chuẩn được.”

Thật là thiếu xót nếu không nhắc đến một loại kem được các chị em phụ nữ ở lưá tuổi trung niên hay đã có gia đình rất ưa chuộng là kem chống nám. Mặt hàng này còn được một số chị em sinh sống ở Hoa Kỳ về Việt Nam mua, hay những chị em khi đi định cư vẫn đem theo để xử dụng.

Bác sĩ Bùi Thiện Triệu, hiện đang hành nghề ở quận Cam, California, có khá nhiều thân chủ sau khi xài kem chống nám đã phải đến nhờ bác sĩ cho…toa thuốc! Nhân đây, Phương Anh cũng hỏi thăm bác sĩ về bệnh nám mặt và được ông cho biết:

“Bệnh nám có thể do bẩm sinh, do các yếu tố như tuổi tác, một số bệnh đặc biệt hay ảnh hưởng của một số kích tố nữ như các phụ nữ đang thời kỳ mang thai hoặc những người đang uống thuốc ngừa thai, và một số thuốc cũng có thể gây ra bệnh nám, những thuốc trị bệnh trứng cá ở mặt…cũng có thể gây ra bệnh nám.

Bệnh nám chỉ dùng thuốc để làm nó bớt đi, chứ khó mà chữa hết được. Thuốc chỉ làm giảm đi thôi, thí dụ một người qua một cái tuổi khác thì chính cơ thể của họ sẽ làm cho nó hết đi, thuốc chỉ chữa tạm thời và bớt chứ không có tính cách là hết được. “

Về vấn đề mỹ phẩm giả, bác sĩ cũng đồng ý rằng rất khó chữa cho bệnh nhân vì không biết được loại mỹ phẩm giả đó đã được chế tạo bằng những thành phần nào. Bác sĩ Triệu nói tiếp:

“Mỹ phẩm giả thực sự không biết được là chất gì, khi bôi rồi, phản ứng đỏ tức là nhiễm trùng thì bấy giờ bác sĩ mới theo triệu chứng mà chữa thôi, chứ mình đâu có biết được là chất gì. Tóm lại, người dùng mỹ phẩm giả thì mình theo bịnh mà chữa thôi, chứ còn không thể biết được.”

Đối với việc xài mỹ phẩm thì phải nên dùng thật cẩn thận, phải thử nó trước khi dùng, chỉ nên bôi lên một phần nhỏ ở trên mặt, nếu hợp thì xài tiếp, nếu thấy gây những phản ứng không tốt cho làn da thì nên ngưng.

Phải thật cẩn thận

Dược sĩ Trần Thu Hằng, hiện là Chủ Tịch Hội Dược Phòng Miền Nam Hoa Kỳ cũng cho biết rằng, tại nhà thuốc của bà ở Garden Grove, California, hiên nay có khá nhiều phụ nữ đến mua thuốc vì xử dụng nhầm mỹ phẩm giả. Những phụ nữ này đa số đều mới đến định cư hay xài hàng mang từ Việt Nam sang. Bà nói:

“Người phụ nữ nào cũng quan tâm đến làn da của mình và ai cũng muốn dùng mỹ phẩm để làn da của mình được đẹp lên. Tuy nhiên, để có được mỹ phẩm hợp với làn da của mình không phải là dễ. Có rất nhiều mỹ phẩm kém hay mỹ phẩm giả đã gây ra cho mình nhiều phiền muộn sau này khi làn da mặt trở nên sần sùi, bị nám, việc này ngày càng nhiều….”

Theo bà, chị em phụ nữ phải hết sức cẩn trọng khi xài bất cứ loại nào, dù giả hay thật đi chăng nữa, nhất là đừng bao giờ nghe lời giới thiệu của người này người kia, vì da mặt của mỗi người đều khác nhau, và hễ “sai một ly, thì đi…một nghìn dặm”, phải tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc mới có lại được làn da cũ. Bà nói:

“Đối với việc xài mỹ phẩm thì phải nên dùng thật cẩn thận, phải thử nó trước khi dùng, chỉ nên bôi lên một phần nhỏ ở trên mặt, nếu hợp thì xài tiếp, nếu thấy gây những phản ứng không tốt cho làn da thì nên ngưng.”

Mới đây, vào ngày 3 tháng giêng vừa qua, Bộ Y Tế Việt Nam vừa ra chỉ thị các mỹ phẩm nhập khẩu phải có đăng ký lưu hành, sản phẩm sản xuất trong nước phải tiến hành công bố tiêu chuẩn chất lượng.

Ngoài ra, được biết các cơ quan hữu trách đã có nhiều biện pháp để kiểm tra chất lượng cũng như các biện pháp để ngăn chận việc sản xuất và buôn bán các mặt hành mỹ phẩm giả. Thế nhưng, theo lời chị Thuý, một phụ nữ ở Sài Gòn, công tác trong ngành y tế thì:

“Mỹ phẩm giả bán đầy dẫy, chỉ có người bán, người ta mới biết được cái nào là giả, chỉ người mua như mình thì cũng đàng chỉ biết đi mua chỗ uy tín. Tivi, báo cũng đăng hoài, công an cũng truy hoài, bắt hàng giả hoài, bắt sao hết, bắt cái này, nó mọc lên cái kia…”

Quí vị và các bạn vừa nghe vài chuyện liên quan đến hàng mỹ phẩm giả hiện đang tràn lan trên thị trường ở Việt Nam. Phương Anh ước mong những thông tin này sẽ phần nào giúp ích cho các chị em phụ nữ, nhất là những chị em ở vùng nông thôn và các tỉnh thành khi muốn làm đẹp, phải hết sức cẩn thận, kẻo tiền mất tật mang. Trang Phụ Nữ xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.