Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Nhượng quyền thương mại còn được gọi là fanchising, một hình thức khuếch trương thương hiệu và cho phép người được nhượng quyền xử dụng và khai thác sản phẩm. Hình thức nhượng quyền vẫn còn khá mới mẻ đối với Việt Nam tuy đã có từ lâu trên thế giới.

Sau khi gia nhập WTO, nhượng quyền thương mại được nhiều doanh nghiệp chú ý và trở nên đề tài nóng hổi đối với thị trường còn bỏ ngỏ này. Mặc Lâm có bài viết xoay quanh vấn đề này mời quý vị theo dõi.
Vài năm trước đây khi cà phê Trung Nguyên xuất hiện, giới sành điệu uống cà phê tại Việt Nam có dịp thưởng thức một loại cà phê đặc biệt cùng với nhiều quán mang tên cà phê Trung Nguyên giống nhau như đúc từ trang trí nội thất, đến phẩm chất cà phê và nhân viên phục vụ.
Đây là thử nghiệm của một doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn đem ý tưởng mở hàng loạt quán giống nhau dưới cách thức nhượng quyền thương mại. Lần đầu tiên tại Việt Nam, người tiêu thụ cảm nhận được cung cách hiện đại của một cửa hàng fanchise như thế nào khi so sánh với những cửa hàng truyền thống khác.
Tính cách chuyên nghiệp thể hiện rất rõ trên mỗi cửa hàng nhượng quyền thương mại đã dần dần thuyết phục người tiêu dùng, tạo cho họ có cảm tưởng yên tâm khi mua sắm.
Tầm quan trọng
Công ty nước ngoài vào Việt Nam với tư cách nhượng quyền thương mại tuy chưa nhiều nhưng rất chắc chắn. Một trong những tập đoàn fanchising lớn nhất thế giới đã có mặt tại Việt Nam là KFC của Mỹ. Kentucky Fried Chicken đã trở nên quen thuộc với người dân Sài Gòn trong vài năm nay và thương hiệu này được giới trẻ văn phòng thành phố nhắc đến nhiều nhất khi mời nhau ăn trưa hoặc tối.
Doanh nghiệp Việt Nam dần dần thấy ra được tầm quan trọng của nhượng quyền thương mại và tỏ ra nôn nóng sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Thời điểm này cũng là lúc nhiều tập đoàn khổng lồ chuyên nhượng quyền thương mại của thế giới sẽ ào ạt vào Việt Nam chiếm lĩnh những khu vực màu mở nhất.
Viễn ảnh này thực tế đến nỗi công ty Kinh Đô, một công ty bánh kẹo Việt Nam từ trước đến nay vẫn kinh doanh dưới dạng đại lý nay đã phải tính toán lại và có thể sẽ trở thành công ty nhượng quyền thương mại để đối phó với làn sóng của các công ty nước ngoài sắp tràn vào Việt Nam.
Kinh nghiệm nhượng quyền thương mại đã được người Việt hải ngoại biết đến nhiều qua cuộc sống hàng ngày. Hình như phân nửa tên tuổi các cửa hàng quen thuộc của Mỹ là nhượng quyền thương mại và một trong số đó khiến người Việt hải ngoại hãnh diện là thương hiệu Phở Hòa.
Phở Hòa nổi tiếng nhờ sự chuyên nghiệp và uy tín trong cung cách làm ăn đã không ngừng phát triển việc nhượng quyền thương mại không những tại Mỹ mà còn vươn ra nhiều quốc gia khác. Chúng tôi hỏi chuyện ông Nguyễn Bính, tổng giám đốc thương hiệu Phở Hòa để tìm hiểu hiện có bao nhiêu Phở Hòa được nhượng quyền thương mại trên thế giới, ông Bính cho chúng tôi biết:
“Chúng tôi chủ trương phát triển Phở Hòa ra những tiểu bang tại Mỹ và sau đó về hướng châu Á Thái Bình Dương.”
Luật thương mại Việt Nam
Nếu Phở Hòa thành công ở nước ngoài nhờ sự tiếp thu kinh nghiệm thương mại của Mỹ là chính thì trong nước hệ thống Phở 24 lại chủ trương chiếm lòng tin của khách qua phương châm "Một Kết Hợp Tinh Tế".
Theo ông Nguyễn Quang Hiển thì câu slogan này nhấn mạnh đến chủ trương của Phở 24 khi mời khách thưởng thức một tô phở đậm truyền thống Việt dưới một khung cảnh mang màu sắc và đường nét trang trí hiện đại. Ông Hiển nói:
“Thương hiệu Phở 24 có cửa hàng đầu tiên tại Thành Phố Hồ Chí Minh vào tháng 6 năm 2003 sau 3 năm hoạt động chúng tôi có hơn 50 chi nhánh tại Việt Nam và cả nước ngoài. Ở Việt Nam thì chúng tôi có mặt tại các thành phố các địa phương lớn trong cả nước, còn ở nước ngoài chúng tôi có hai chi nhánh một ở Jakacta thuộc Indonesia và ở Manila thuộc Philippines.”
Doanh nghiệp Việt Nam đã tỏ ra nắm bắt nhanh nhạy chuyên môn của nhượng quyền thương mại, tuy nhiên theo ông Hoàng Anh Tuấn giám đốc công ty nhượng quyền 24-Seven thì luật thương mại Việt Nam là một trong những chướng ngại của thị trường này.
Luật thương mại Việt Nam chưa theo sát những nảy sinh cụ thể giữa hợp đồng nhượng quyền nên thiếu những quy định đối phó với những tiềm ẩn thường phát sinh sau khi bên nhượng quyền và bên nhận có những va chạm trong lúc thực hiện hợp đồng.
Trong khi chờ đợi luật thương mại bổ xung, doanh nghiệp thỏa thuận với nhau khi ký hợp đồng nhượng quyền thương mại dựa theo quyền sở hữu trí tuệ. Việc làm này tuy khập khễnh vẫn còn hơn ngồi nhìn nước ngoài thao túng thị trường còn đầy tiềm năng này.