Người dân có thể thả vịt chạy đồng kể từ ngày 1-3-2007

0:00 / 0:00

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Lệnh cấm ấp nở và nuôi mới thuỷ cầm kéo dài 2 năm vừa kết thúc ngày 28/2/2007. Nếu chấp hành lệnh đăng ký và tiêm ngừa vắc xin thì người dân miền tây lại có thể thả vịt chạy đồng dù là chạy đồng gần mà thôi.

DuckBirdlflu150.jpg
AFP PHOTO

Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, tiến sĩ Lê Văn Bảnh viện phó viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long phân tích sự lợi hại về truyền thống nuôi vịt chạy đồng, cũng như cập nhật về vụ lúa Đông Xuân đang thu hoạch. Mời quí thính giả theo dõi:

Nam Nguyên: Thưa ông nuôi vịt chạy đồng, dù là chạy đồng gần sẽ giúp tiêu diệt rầy nâu. Ông đánh giá việc này thế nào ?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: Về mặt chung, nông dân nông hộ cần việc này thay vì phải phun xịt thúôc chống rầy thì tận dụng vịt. Hơn nữa nông dân thích chăn nuôi gia cầm và là tự phát nuôi chạy đồng.

Về mặt sinh học cũng có tác dụng, nhưng chúng tôi thì không khuyến khích việc này. Tại vì lợi hại đan xen nhau, thành ra chúng tôi rất lo. Nó diệt được rầy nâu ăn sâu bọ, nhưng lại kèm theo khả năng dịch cúm gia cầm. Thành ra chúng tôi không dám khuyến khích vấn đề này.

Nam Nguyên: Vịt đi kiếm thức ăn có thể diệt rầy nâu trên cây lúa, ông có thể nói rõ về kinh nghiệm này?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: Thông thường nông dân khi có đợt rầy xúông thì người ta bơm nước vào ruộng, nước ngập tới trảng ba trên, thì rầy nâu đun lên đậu trên lá , lúc đó vịt nó vô và ăn rất tốt. Thông thường rầy chỉ bu dưới gốc thôi, nhưng mà người ta bơm nước vô rầy phải đậu trên lá thì vịt sẽ xử lý được phần này. Con vịt còn làm vệ sinh môi trường về vấn đề sinh học rất tốt.

Bệnh vàng lùn lùn xoắn lá

Nam Nguyên: Thưa ông nếu diệt được rầy nâu thì sẽ tránh được nhiều dịch bệnh khác trong đó có vàng lùn lùn xoắn lá. Xin ông giải thích rõ cho thính giả đài chúng tôi.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: Bệnh vàng lùn lùn xoắn lá là do virút, virút lây lan từ rầy nâu sang. Virút này chưa có thúôc đặc trị vì thế công việc quan trọng hiện nay là diệt rầy nâu, cứ con rầy nâu mà đánh.

Nam Nguyên: Nhân tiện xin ông cập nhật tình hình thu hoạch vụ Đông Xuân tại thời điểm hiện nay (28/2).

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: Đến giờ này ở đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch tương đối khá. Tóm lại vụ Đông Xuân này với sự phòng chống cương quyết của nhà nước, sự hỗ trợ của các nhà khoa học thì vấn đề diệt rầy nâu chống vàng lùn lùn xoắn lá có thể nói là tương đối đạt yêu cầu.

Trên tổng thể 1 triệu rưởi hécta thì có ba mươi ngàn hécta là bị nhiễm, do đó vụ Đông Xuân tương đối thắng lợi. Hiện nay các tỉnh làm sớm đang thu hoạch hơn 50% như Long An, Sóc Trăng Trà Vinh.

Còn vùng nước lũ làm trễ như Long Xuyên Đồng Tháp Mười thì lúa đang chín và cũng bắt đầu thu hoạch, dự kiến hết tháng ba thì có thể thu hoạch từ 80% tới 90%. Năng suất trung bình 6 tấn/ha nhưng Sóc Trăng báo cáo có nơi 6,5 tấn đến 7 tấn/ha.

Giá lúa tăng cao

Nam Nguyên: Thưa ông có thông tin về giá lúa hiện nay hay không?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: Giá lúa hiện nay khoảng 2.800 đ/kg tới 3.000đ/kg. Giá này là tốt đối với nông dân, từ 2.500 đ/kg trở lên là có lời khá.

Nam Nguyên: Khi thu hoạch rộ trong tháng tới, liệu giá lúa có xúông thấp theo thông lệ ?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: Thông thường khi thu hoạch rộ nông dân không có kho bãi để tồn trữ bảo quản. Nếu thương lái người buôn không mua kịp cho nông dân thì giá sẽ bị giảm.

Nhưng Nhà nước đang triển khai làm sao giảm thiệt hại đầu vụ cho nông dân. Hiện nay Việt Nam đang tham gia đấu thầu bán cho Indonesia, Philippines để mà mua hết lúa Đông Xuân cho người dân không để người dân thiệt thòi. Các doanh nghiệp cũng đang xúc tiến để có đầu ra, nếu có đầu ra ổn định thì không lo giá bị giảm.

Nam Nguyên: Như thế Sắp tới nông dân chính quyền và nhà khoa học còn có mối lo nào nữa hay không?

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: Chúng đang lo đây, lo là chuyển qua vụ Hè Thu vì hiện đang 'gối vụ', hiện nay mùa vụ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long không rõ ràng, thành ra rầy nâu có thể lưu trú di trú. Chúng tôi đang lo chuẩn bị cho vụ tới, chứ vụ này tương đối ổn.

Nam Nguyên: Xin cảm ơn Tiến sĩ Lê Văn Bảnh phó viện trưởng Viện Lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long.