Những quan ngại của giới kinh doanh địa ốc tại Việt Nam hiện nay

0:00 / 0:00

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Trong thời gian vừa qua nhiều buổi hội thảo đã được Sở Tài Nguyên Môi Trường Thành Phố Hồ Chí Minh tổ chức nhằm mục đích theo dõi nguyện vọng cũng như những kiến nghị của giới kinh doanh địa ốc.

SaigonBuilding200.jpg
Toà nhà mới xây ở Phú Mỹ Hưng, Sài Gòn. AFP PHOTO/HOANG DINH NAM

Những hội nghị này đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các nhà đầu tư bất động sản và nhiều ý kiến xoay quanh những khó khăn mà họ gặp phải trên bước đường kinh doanh. Hệ thống hành chánh quan liêu và nhũng nhiễu là một khâu trọng yếu gây ra tình trạng khó khăn cho giới này.

Tệ nạn quan liêu

Kinh doanh địa ốc từ lâu được xem là ngành làm giàu nhanh nhất trong thương trường Việt Nam. Nhiều người đã thành công vượt bật khi chấp nhận bỏ vốn vào việc mua bán địa ốc trong nhiều năm qua. Tuy nhiên bên cạnh những thành công đó, không ít khó khăn mà bất cứ ai kinh doanh trong ngành này cũng đều gặp phải đó là tệ nạn quan liêu trong khu vực hành chánh.

Những loại giấy tờ chồng chất lên nhau đè nặng trên vai người chủ đầu tư đã được thẳng thắng mang ra mổ xẻ trong hội nghị của các nhà kinh doanh bất động sản được Sở Tài Nguyên Môi Trường Thành Phố Hồ Chí Minh tổ chức, với sự có mặt của Bộ Trưởng Bộ TNMT Mai Ái Trực.

Trong buổi hội thảo này, hơn hai trăm doanh nghiệp đã tham dự và những phát biểu cụ thể không né tránh cũng được ghi nhận. Ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc công ty Địa Ồc Đất Lành là người đầu tiên đưa ra tiền đề thảo luận mang tên: "Doanh nghiệp địa ốc sợ gì nhất". Chúng tôi liên lạc với ông Đực sau đó để nghe chính ông cho biết ý kiến của mình về đề tài này. Ông nói:

“Nói chung trong ngành địa ốc có rất nhiều cái khó khăn. Từ khâu đầu tiên khi mua đất của người nông dân cho tới khâu cuối cùng là bán hàng ra cho khách tiêu dùng nhưng khâu gây khó khăn và trở ngại nhiều nhất là khâu giấy tờ, nó kéo dài rất lâu gây phiền toái cho chủ đầu tư cũng như số tiền đầu tư nó bị kéo dài, cái lãi xuất ngân hàng rất phiền toái.

Nói chung trong ngành địa ốc có rất nhiều cái khó khăn. Từ khâu đầu tiên khi mua đất của người nông dân cho tới khâu cuối cùng là bán hàng ra cho khách tiêu dùng nhưng khâu gây khó khăn và trở ngại nhiều nhất là khâu giấy tờ, nó kéo dài rất lâu gây phiền toái cho chủ đầu tư cũng như số tiền đầu tư nó bị kéo dài, cái lãi xuất ngân hàng rất phiền toái.

Thủ tục pháp lý là điều lo sợ nhất với nhiều doanh nghiệp. Nói chung về chính sách nhà nước thì phản hồi rất là chậm có nhiều nghị định, nghị quyết ra rồi nhưng mấy tháng sau mới triển khai.”

Vấn đề rủi ro

Bà Tạ Thị Ngọc Thảo một doanh gia nổi tiếng trong ngành địa ốc không những thành công về mặt tài chánh mà còn do những bài viết thẳng thắng nhưng đầy tính chuyên sâu của bà trong lĩnh vực địa ốc đã được dư luận cổ võ những lúc gần đây cho chúng tôi biết ý kiến của bà chung quanh đề tài này, khi được hỏi bà quan tâm nhất trong lĩnh vực địa ốc là gì bà nói:

“Có lẽ tôi quan tâm đến vấn đề rủi ro, cái rủi ro ở đây thuộc về môi trường đầu tư và kinh doanh. Cái chính là những chính sách liên quan đến thị trường bất động sản. Chúng tôi không đồng ý những chính sách can thiệp quá sâu của nhà nước vào thị trường.

Nó làm cho chúng tôi bị động trong những ý tưởng đầu tư, xử dụng đồng vốn và ngay cả khi chúng tôi đã có đồng lời rồi thì chúng tôi cũng ngại đưa nó ra trở lại thị trường vì không biết để ở trong ngân hàng để ở trong két sắt thì an toàn hơn dù lời ít còn hơn quay ngược trở ra thị trường thì sợ nó bay đi nhưng không có quay về.

Người ta có than phiền nhiều về thủ tục hành chánh, những yêu sách của cán bộ nhà nước thì tôi vẫn cho đây là những điều nhỏ hơn những cái chính sách liên quan đến cái thị trường này. Tôi nghĩ thiệt thòi nhiều nhất thuộc về các chủ đầu tư tư nhân, cái thiệt thòi thứ hai là thiệt thòi chung cho nền kinh tế Việt Nam.

Đương nhiên khi chúng tôi bỏ tiền ra để thực hiện một dự án thì chúng tôi đã lường trước những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình thực hiện dự án nhưng không phải cái nào chúng tôi cũng lường hết.

Có lẽ tôi quan tâm đến vấn đề rủi ro, cái rủi ro ở đây thuộc về môi trường đầu tư và kinh doanh. Cái chính là những chính sách liên quan đến thị trường bất động sản. Chúng tôi không đồng ý những chính sách can thiệp quá sâu của nhà nước vào thị trường.

Ví dụ như về thuế chẳng hạn, khi chúng tôi thực hiện dự án chúng tôi không ngại thuế 15% hay 28% đánh vào bất động sản nhưng chúng tôi ngại nhất là không tiên liệu được trong chính sách trong nhiều vấn đề nảy sinh, nhiều công ty tư nhân xính vính trong việc này, đặc biệt là những chính sách tài chính chính sách đất đai. Từ chỗ không tiên liệu được chúng tôi rơi vào thế bị động.”

Nhược điểm

Nguyên Thứ Trưởng Tài Nguyên Môi Trường Đặng Hùng Võ cũng đồng tình với những nhận xét trên khi ông cho rằng:

“Có một cái nhược điểm hiện nay là việc đưa những đạo luật vào trong cuộc sống vẫn còn nhiều cách tắc, vẫn còn nhiều cái chưa được tốt, chưa đúng ý tưởng của tinh thần pháp luật đất đai hiện nay, thứ hai theo lộ trình xây dựng pháp luật thì trong khoảng mươi năm nữa chúng ta phải chuẩn bị một bộ luật về đất đai.”

Trong buổi hội thảo này, Bộ trưởng Mai Ái Trực rất lạc quan khi nói rằng sẽ có những thay đổi lớn trong việc cải tổ hệ thống quản lý và thủ tục hành chánh trong những ngày sắp tới. Ông đưa ra một thí dụ minh họa cho lời ông nói là cơ chế này có thể thay đổi được nếu có quyết tâm thực hiện.

Ông kể rằng Cục Đo Đạc Bản Đồ trong Bộ của ông khi ban hành dự thảo quy định cấp, đổi giấy phép, hay gia hạn giấy phép hành nghề đo đạc, thời gian để giải quyết là 40 ngày, ông Bộ trưởng không chịu, họ rút lại 20 ngày ông cũng không đồng ý và buộc nhân viên của ông phải làm trong vòng một ngày mà thôi.

Kết quả là dưới chỉ thị mạnh mẽ của ông, việc cấp gấy trong ngày không có gì trở ngại cả. Qua việc này, Bộ trưởng Mai Ái Trực kết luận, những cơ chế gây ách tắc trong thủ tục hành chánh là có thể thay đổi và ông hỏi trực tiếp Sở Tài Nguyên Môi Trường Thành Phố Hồ Chí Minh rằng trong thời gian vừa qua đã có bao nhiêu vụ nhũng nhiễu đã được sở này giải quyết?

Người dân có quyền tin vào thiện chí của Bộ Trưởng và doanh nghiệp cũng có lý do để phấn khởi khi nhìn vào tương lai của thị trường địa ốc. Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để tiên đoán bộ mặt sáng sủa của cơ chế khi người dân đã sống quá lâu trong nỗi chờ đợi và mọi hy vọng thay đổi trong bộ máy hành chánh cho đến nay vẫn được xem là khó thực hiện.