Lê Dân, phóng viên đài RFA
Sáng thứ Ba, chỉ một giờ đồng hồ trước khi thị trường chứng khóan New York mở cửa, Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ loan báo quyết định cắt lãi suất nhiều đến mức kỷ lục trong 23 năm qua. Mục tiêu là nhằm cứu nguy nền kinh tế Mỹ mà nhiều nhà quan sát và đầu tư bi quan cho là đang sát bên vực suy trầm. Lê Dân tìm hiểu và trình bày sự việc như sau.

Cứu nguy kinh tế Mỹ
Trong diễn tiến được cả thế giới tiên đoán và chờ đợi, Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, tức ngân hàng trung ương của Mỹ, 8 giờ sáng thứ Ba loan báo cắt lãi suất tiền gởi ngân hàng từ 4,25% xuống chỉ còn 3,50%.
Đây là mức cắt giảm dữ dội nhất kể từ tháng 10 năm 1984 tới nay, nên dù được dự đoán chắc chắn xảy ra, nhưng sự táo bạo này cũng làm nhiều người bất ngờ.
Trước đó, hôm thứ Hai tại Hoa Kỳ là ngày lễ kỷ niệm mục sư Martin Luther King Jr., nhà tranh đấu cho nhân quyền người da màu, nên các hoạt động tài chính của Mỹ đều nghỉ. Tuy nhiên tình hình các thị trường chứng khoán thế giới từ Á sang Âu đều liên tục sút giảm do quan ngại do đồng đôla mất giá và về một thời kỳ kinh tế trì trệ ở Hoa Kỳ sắp xẩy ra.
Washington theo dõi sát các diễn tiến đó vì hiểu rằng những gì đang xảy ra bên ngoài nước Mỹ, sẽ cuốn nước Mỹ rơi vào vòng xoáy của cơn bão. Bộ trưởng Ngân khố Henry Paulson liên tục báo cáo Tổng thống Bush về tình hình các thị trường chứng khoán Á châu, rồi Âu châu, liên tục sụt giảm trong ngày thứ Hai, rồi sáng thứ Ba.
Chỉ nội hôm thứ Hai, giới tài chính ước đoán việc chứng khoán sụt giảm đã khiến các nhà đầu tư quốc tế mất đi ít nhất là 1 ngàn tỷ đôla. Do đó mà Washington không thể chần chờ lâu thêm nữa, và cũng không còn có thể nhẹ tay như những lần cắt giảm lãi suất gần đây nữa.
Đến trước khi thị trường chứng khoán New York mở cửa lại sau ngày nghỉ lễ, chỉ số trung bình các chứng khoán công nghiệp Dow Jones đã sụt tới 465 điểm, dù trước đó mới 1 giờ đồng hồ, Washington loan báo cắt giảm lãi suất liên ngân hàng và tiền ký gởi.
Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, trong bản thông cáo phổ biến cùng quyết định, cho biết việc cắt giảm lãi suất được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào một đợt suy trầm, nên cần một giải pháp táo bạo.
Ngay trên sàn giao dịch chứng khoán New York sáng thứ Ba, một nhà đầu tư cá nhân là bà Connie Stafford đã nói với phóng viên hãng AP là bà không tin quyết định cắt lãi suất sẽ có hiệu ứng lâu dài:
“Nước Mỹ cũng như chính phủ liên bang đang gặp rắc rối, do đó mà họ tìm cách sửa chữa, nhưng tôi không biết là có sửa được không chỉ bằng một biện pháp này. Đây chỉ là giải pháp cấp thời mà thôi.”
Tác động đối với thế giới
Hôm thứ Ba, quyết định của Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đưa ra vào khi các thị trường chứng khoán Á châu sắp mở cửa, và các thị trường châu Âu sắp tàn buổi giao dịch. Dù vậy, tin tức lan nhanh và phần nào gây phấn khởi tại những nơi này.
Biện pháp hạ lãi suất, mà cả hai loại lãi suất liên ngân hàng với lãi suất thế chấp tôi nghĩ là vì những lý do riêng của phía Mỹ. Còn ảnh hưởng tới Việt Nam thì ngay trước mắt, người ta thấy đồng đôla sẽ sụt giá, và đó là yếu tố sẽ đẩy mạnh lạm phát tại Việt Nam thêm nữa.
Chuyên gia tài chính Mannus Cranny, giám đốc Thương mại của quỹ đầu tư Cantor Index ở Luân Đôn, cho biết giá chứng khoán Anh quốc đã đáp ứng tích cực với tin Hoa Kỳ hạ lãi suất ngân hàng:
“Chiều nay chứng khoán đã hồi phục nhẹ, trở lại gần như mức bình thường của thị trường chứng khoán Luân Đôn, gỡ lại những mất mát trên thị trường Hoa Kỳ và điều đó ấn tượng mạnh trên cảm nghĩ của các nhà đầu tư.”
Biện pháp mạnh của Hoa Kỳ đã giúp các nhà đầu tư châu Âu và châu Mỹ La tinh phần nào tự tin và giảm bớt đà tụt giá của các thị trường này. Thâm chí còn hồi phục nhẹ, như vào cuối ngày thứ Ba, chỉ số liên Âu FTSEurofirst 300 còn tăng được 1,9%.
Tuy nhiên không phải ai cũng phấn khích với quyết định hạ lãi suất ngân hàng do Quỹ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đưa ra. Kinh tế gia Peter Morici, cũng là giáo sư Kinh tế của viện đại học bang Maryland, nói với hãng tin AP rằng hiệu quả của việc hạ lãi suất sẽ không kéo dài được lâu:
“Tôi không tin là nó sẽ mang lại sự tự tin cho giới tiêu thụ. Thật ra nó làm cho chính phủ liên bang có vẻ như đang hoảng hốt...”
Còn đối với Việt Nam thì ra sao? Kinh tế gia Ngyễn Xuân Nghĩa, nhà tư vấn kinh tế cho ban Việt ngữ đài Á châu Tự do, đưa ra nhận xét: "Biện pháp hạ lãi suất, mà cả hai loại lãi suất liên ngân hàng với lãi suất thế chấp tôi nghĩ là vì những lý do riêng của phía Mỹ. Còn ảnh hưởng tới Việt Nam thì ngay trước mắt, người ta thấy đồng đôla sẽ sụt giá, và đó là yếu tố sẽ đẩy mạnh lạm phát tại Việt Nam thêm nữa."
Tình trạng thị trường chứng khoán Việt Nam đang sụt giảm theo dự đoán sẽ còn kéo dài cho đến khi nào tỷ số bình quân P/E trợ lại mức hợp lý, tức các cổ phiếu không còn mang giá ảo do các nhà đầu cơ gây ra. Lúc đó, có thể chỉ số VN-Index sẽ trên dưới 700, hay 800, được xem là con số lành mạnh cho một một thị trường chứng khoán non trẻ.
