Trường Văn, phóng viên đài RFA
Tham nhũng là trở ngại lớn nhất trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ở Châu Á. Tham nhũng đã trở thành một tập tục lâu đời ở Châu Á, đặc biệt ở Đông Nam Á nơi luôn bị tổ chức Minh Bạch Quốc Tế xếp là những nước tham nhũng nhất thế giới trong nhiều năm qua. Việt Nam không thóat khỏi lời chỉ trích này.

Các chuyên gia kinh tế đều có nhận xét chung là các quốc gia đang phát triển muốn thu hút đầu tư nước ngoài cần phải tích cực xóa bỏ nạn tham nhũng trong nước. Xin mời quý thính giả theo dõi phần tường trình sau đây của Trường Văn.
Cuối tháng 9 vừa qua, ông Kim Hak-su, Phó Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc kiêm Thư Ký ban Chấp Hành Hội Đồng Kinh Tế-Xã Hội khu vực Châu Á Thái Bình Dương cảnh báo là nạn tham nhũng ở các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam là trờ ngại lớn nhất trong việc thực hiện các mục tiêu do Liên Hiệp Quốc đề ra cho đến năm 2015 trong đó mục tiêu hàng đầu là xóa bỏ nghèo đói.
Một phong tục, tập quán
Vào tháng 12 tới công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng sẽ có hiệu lực. Các quốc gia Đông Nam Á cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tận diệt tham nhũng để có thể sử dụng hiệu quả viện trợ của nước ngoài và phát huy tối đa tiềm năng trong nước trong việc phát triển kinh tế.
Khi nhận định là tham nhũng đã trở thành một chế độ, ông Kim Hak-su hàm ý là tham nhũng có thể được coi là một phong tục, tập quán mà mọi người đều mặc nhiên thừa nhận, đúng như nhận xét của một cư dân tại tỉnh Phú Yên: "có chi tiền mới được việc của mình."
Tất cả các nước ở Đông Nam Á đều nhìn nhận tham nhũng là đại hoạ cho đất nước trong việc phát triển kinh tế nhất là trong việc thu hút vốn đầu tư mà các nước đang phát triển đang thiếu.
Bạn nghĩ gì về tình trạng tham nhũng trong nước hiện nay? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Tổng Thống Indonesia trong chuyến thăm Australia vào tháng 4 vừa qua tuyên bố là ông tuyên chiến với tham nhũng và khủng bố vì một đất nước Indonesia tốt đẹp hơn. Ông nói thêm là Indonesia đã ban hành các qui định pháp luật cần thiết và đã xử lý một số vụ tham nhũng của các quan chức trong và ngoài chính phủ.
Tại Thái Lan, theo nghiên cứu của học giả Abdullah Badawi thì tham nhũng, hối lộ chiếm 20% Tổng sản lượng quốc gia.
Tại Philippines, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho biết hàng năm, tham nhũng lấy mất gần 2 tỉ đô la, tương đương một phần 3 ngân sách quốc gia.
Hấp lực đầu tư
Lên tiếng tại diễn đàn doanh nghiệp châu Á –Thái bình Dương tổ chức tại Hồng Kông hôm 13 tháng 6 vừa qua, quyền đặc khu trưởng Hồng Kông Henry Tang giải thích là hấp lực đầu tư của Hồng Kông đối với các nhà đầu tư nước ngoài nằm ở chỗ luật lệ nghiêm chỉnh minh bạch, hệ thống thuế đơn giản và thấp, nhất là chính quyền trong sạch và hiệu quả.
Trong 3 quí đầu năm 2004, Hồng Kông thu hút được hơn gần 25 tỉ đô la đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, chỉ sau Trung Quốc nhưng hơn cả Singapore. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ kế hoạch và đầu tư Việt Nam, tính đến tháng 6 năm 2005, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gần 2 tỉ rưỡi đô la, chỉ bằng một phần 10 Hồng Kông.
Trong cuộc họp báo ngày 7 tháng 10 vùa qua, trước khi tháp tùng Bộ Trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Condoleezza Rice trong chuyến đi thăm các nước Nam Á và Afghanistan, Trợ lý Bộ Trưởng ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Âu Á, bà Daniel Fried nhấn mạnh đến chuyện chống tham nhũng tại các nước này.
Bà Josette Shiner, Thứ trưởng ngoại giao phụ trách các vấn đề Kinh Tế, Doanh Thương và Canh Nông cũng tuyên bố Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy các quốc gia trong vùng có lập trường cứng rắn hơn đối với tham nhũng.
Việt Nam càng ngày càng tụt hạng trong chỉ số cảm nhận(?) tham nhũng của tổ chức Minh bạch Quốc Tế. Trong năm 1997, năm đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng này, Việt Nam đạt 2,79 điểm trên 10 đứng hạng 43 trên 54. Đến năm 2004, Việt Nam có số điểm 2,6 trên 10 đứng hạng 102 trên 145, đồng hạng với Philippine, cùng hai nước Phi Châu là Uganda và Zambia.
Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia nằm ở phần giữa của danh sách. Singapore, Hồng Kông và Nhật được xếp trong nhóm 25 quốc gia ít tham nhũng nhất.
Lành mạnh hóa cơ quan công quyền
Với sự hỗ trợ 400 ngàn đô la cho việc soạn thảo dự luật chống tham nhũng, trong đó cơ quan viện trợ SIDA của Thụy Điển tài trợ 300 ngàn đô la và cơ quan phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP giúp 100 ngàn đô la, dự luật chống tham nhũng sẽ được Quốc hội Việt Nam thông qua cuối năm nay. Công luận trong nước đang đóng góp khá nhiều ý kiến trong giai đoạn soạn thảo và tham khảo ý dân hiện nay.
Việc thi hành luật để lành mạnh hóa cơ quan công quyền, nhằm thu hút đầu tư ngoại quốc và tạo điều kiện nhanh chóng gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới là điều cần phải có quyết tâm cao, xuất phát từ chính sức ép của xã hội công dân chứ không phải từ các thể chế quốc tế.
Đó là nhận định của ông Danand Widoyoko, Phó giám đốc cơ quan theo dõi tham nhũng ở Indonesia tại cuộc hội thảo “Ngăn chặn tham nhũng trong các cơ quan luật pháp” tổ chức tại Hà Nội ngày 7 tháng 10 vừa qua.
Ở Việt Nam, đa số ý kiến đóng góp từ phía công chúng đều nhắm vào hai việc. Đó là kiểm tra tài sản các viên chức cao cấp giàu có ở trung ương và địa phương, và thiết lập một cơ chế chống tham nhũng. Cả hai điều này đều là chuyện khó khăn đối với chính quyền Việt Nam, vì nhiều lý do.
Công chúng tích cực đóng góp ý kiến là dấu hiệu tốt cho chính quyền. Nhiệm vụ của chính quyền là phải thực hiện cho bằng được những ý kiến đúng đắn và có ích, phải vì quyền lợi của đông đảo nhân dân, dù có phải tước đoạt quyền lợi riêng của một thiểu số đang được chế độ cho hưởng những ưu đãi quá đáng.