Thị trường tiêu thụ gia cầm ở Saigon gần như bị đóng băng

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Tại Việt Nam dịch cúm gà tái bùng phát nhiều nơi, bộ y tế khuyến cáo người dân không sử dụng thịt và sản phẩm gia cầm, TP.HCM và Hà Nội cấm nuôi gia cầm từ 15/11. Những thông tin vừa nói khiến cho thị trường tiêu thụ gia cầm ở Saigon gần như bị đóng băng.

BirdFlu150.jpg
Ngành y tế cũng khuyến cáo người dân không nên ăn thịt gia cầm. AFP PHOTO

Nam Nguyên tìm hiểu thông tin này và được ông Phạm Văn Minh, giám đốc công ty Phú An Sinh, đơn vị có nhà máy sát sinh công nghiệp ở TP.HCM công suất giết mổ 24 nghìn con gà trong một ca 8 giờ. Trước hết ông Phạm Văn Minh cho biết.

Ngừng phân phối sản phẩm gia cầm

Phạm Văn Minh: Thông tin thị trường đóng băng là đúng như vậy. TP.HCM triệt để thực hiện chủ trương ngừng nuôi gia cầm trong thành phố. Những năm vừa qua từ khi có dịch cúm gia cầm, chăn nuôi gia cầm trong thành phố thực sự không có hiệu quả kinh tế.

Cái được do chăn nuôi thì ít mà cái mất thì nhiều, trong khi chi phí đầu tư cho đối phó dịch bệnh rất tốn kém. Vì thế từ 15/11 này chính quyền TP.HCM kiên quyết chấm dứt mọi hình thức chăn nuôi gia cầm trong địa bàn.

Trong khi đó ngành y tế cũng khuyến cáo người dân không nên ăn thịt gia cầm, hay nói rõ hơn là không sử dụng sản phẩm gia cầm trong mùa dịch, hoặc là những sản phẩm gia cầm không được kiểm soát chặt chẽ về giết mổ, về lưu thông phân phối hoặc về chăn nuôi của ngành thú y.

Do các thông tin báo chí về tình hình dịch bệnh bùng phát ở nhiều nơi, rồi chủ trương ngừng nuôi gia cầm của thành phố, tâm lý người tiêu dùng bị ảnh hưởng nên thị trường gia cầm đóng băng là điều hiển nhiên. Thật ra thị trường đóng băng cách nay hơn hai tuần rồi.

Tất cả các siêu thị như Metro, Maximart, Citymart, họ hưởng ứng chính sách thay thế sản phẩm gia cầm bằng các thực phẩm khác, nên hiện nay ngừng phân phối sản phẩm gia cầm. Phía người tiêu dùng thì tâm lý rất là hoang mang, nên họ cũng thay đổi thực đơn của mình.

Nam Nguyên: Ông có thể cho biết thị trường đóng băng như thế nào không?

Phạm Văn Minh: Tất cả các siêu thị như Metro, Maximart, Citymart, họ hưởng ứng chính sách thay thế sản phẩm gia cầm bằng các thực phẩm khác, nên hiện nay ngừng phân phối sản phẩm gia cầm. Phía người tiêu dùng thì tâm lý rất là hoang mang, nên họ cũng thay đổi thực đơn của mình. Thí dụ những tiệc cưới trước đây sử dụng thịt gia cầm thì nay họ chuyển sang thứ khác.

Số người tiêu thụ thịt gia cầm và trứng còn rất ít, cũng như thời điểm dịch bùng phát vào năm ngoái, thị trường gia cầm cũng đóng băng. Sau đó khi kiểm soát được dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ từ chăn nuôi đến giết mổ thì người tiêu dùng yên tâm quay lại sản phẩm gia cầm, thị trường lại tan băng.

Ảnh hưởng đến công ty

Nam Nguyên: Thưa đối với công ty của ông thì mức tiêu thụ bị ảnh hưởng như thế nào?

Phạm Văn Minh: Trước kia chúng tôi tiêu thụ mỗi ngày từ 3 tới 4 ngàn con gia cầm, thì nay chỉ còn từ 1 ngàn tới 1.500 con, tức là chỉ còn khoảng 1/3. Cũng như lúc trước mỗi ngày tiêu thụ 40 ngàn quả trứng thì bây giờ chỉ còn khoảng 15 ngàn. Doanh số ba phần thì giảm mất 2 phần, trên 50% rồi.

Nam Nguyên: Tình hình như hiện nay, ông có nhận định gì về tương lai của công ty?

Phạm Văn Minh: Chắc chắn là chúng tôi gặp nhiều khó khăn, chúng tôi đã có hướng chuyển qua phân phối các loại thực phẩm khác, như là thịt heo và các sản phẩm chế biến. Chúng tôi đã có cuộc họp với chi cục thú y và các ban ngành thành phố, để có hướng giải quyết số lượng gà tồn đọng của thành phố hiện nay (600 ngàn con) nghĩa là sẽ đưa vào giết mổ và cấp đông hết với một qui trình kiểm soát chặt chẽ.

Chúng tôi không đến nỗi quá bi quan, hy vọng ngày mai trời lại sáng. Trong thời gian sớm nhất chính quyền và người dân khống chế được dịch bệnh, kiểm soát được khâu chăn nuôi giết mổ và tiêu thụ, để không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra vì dịch cúm gia cầm.

Với sự bảo đảm là sản phẩm sau này sẽ được chế biến và tiêu thụ, ví dụ chế biến đồ hộp hoặc quay hấp, hay làm chà bông. Để có một lượng thực phẩm dự trữ phòng ngừa khi mà nguồn cung thực phẩm bị thiếu đi sản phẩm gia cầm, giá cả có thể gia tăng. Chúng tôi đã chuẩn bị phương án giết mổ cấp đông và sau đó chế biến để tiêu thụ.

Chuyển hướng hoạt động

Nam Nguyên: Thưa, ông có nghĩ là sẽ phải chuyển hướng hoạt động và đời sống công nhân sẽ bị ảnh hưởng.

Phạm Văn Minh: Tạm thời với chủ trương giết mổ gia cầm và cấp đông, cũng như chế biến thì anh em công nhân vẫn có việc làm. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị chuyển qua chế biến các mặt hàng thực phẩm khác.

Hiện tại với việc chế biến lượng gia cầm đóng băng của thành phố, cần làm sao cho người tiêu dùng hết lo ngại. Bởi vì vi rút cúm gia cầm chỉ cần 70 độ trong 30 phút là bị tiêu diệt hoàn toàn. Nếu chế biến ở 120 độ trong vòng 30 phút để đóng hộp, hoặc là quay hấp ở nhiệt độ cao, thì trong dịp lễ tết vẫn có mặt hàng truyền thống phục vụ người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu cúng kiếng…

Chúng tôi không đến nỗi quá bi quan, hy vọng ngày mai trời lại sáng. Trong thời gian sớm nhất chính quyền và người dân khống chế được dịch bệnh, kiểm soát được khâu chăn nuôi giết mổ và tiêu thụ, để không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra vì dịch cúm gia cầm.

Nam Nguyên: Xin cảm ơn ông.