Trà Mi, phóng viên đài RFA
Chỉ còn hai tuần lễ nữa là Tết Nguyên Đán, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vốn đã gây lo ngại, lại được đặt ra. Những nhà quản lý có biện pháp gì để giúp bảo vệ sức khoẻ của người tiêu thụ. Trà Mi đi tìm câu trả lời qua cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Xuân Đà, Trưởng Phòng Giáo Dục & Truyền Thông thuộc Cục An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm.
Trà Mi: Trước tình hình thị trường thực phẩm tại Việt nam còn nhiều bất cập như hiện nay, ngoài việc nâng cao ý thức người dân thì giới hữu trách nói chung và Cục Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm nói riêng có đề ra những biện pháp gì để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, thưa ông?
TS Phạm Xuân Đà: Báo cáo với chị cái này lẽ ra là Phó Trưởng Phòng sẽ trả lời, còn về cái chung thì vào dịp này thường thưòng chính phủ chỉ đạo cho ngành y tế có những chiến dịch để tăng cường công tác kiểm soát về vấn đề an toàn thực phẩm là có nhiều biện pháp lắm chị ạ. Chúng tôi có thành lập các đoàn thanh tra liên ngành để kiểm soat, thứ hai là tăng cường vấn đề tuyên truyền giáo dục để cho người dân hiểu rõ hơn và tự người ta có thể lựa chọn thực phẩm an toàn.
Trà Mi: Xin ông cho biêt thêm những biện pháp đó đang đựơc tiến hành như thế nào và hiệu quả cho tới nay ra sao ạ?
TS Phạm Xuân Đà: Bao giờ chúng tôi cũng sử dụng rất nhiều kênh để thông tin, trưyền thông đến người dân, và nhất là chỉ đạo theo hàng dọc. Chúng tôi có hệ thống quản lý từ trung ương đến địa phương. Kể cả ngành nông nghiệp và ngành y tế đều có chỉ đạo chung cho tất cả các sở y tế ở địa phương cũng như bên nông nghiệp, thú y, thuỷ sản, họ cũng phải tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát về vấn đề an toàn thực phẩm. Thứ hai là sử dụng các kênh như trên đài truyền hình, các báo chí, tuyên trưyền về an toàn thực phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán, và đặc biệt là kể cả các loa phóng thanh của các địa phương như phường-xã đều có phát về tuyên truyền an toàn thực phẩm.
Trà Mi: Thưa, ông vừa nói là giới hữu trách có đưa ra những chỉ đạo nhưng mà có biện pháp nào để giám sát việc thực hiện hiệu quả tới đâu và tính nghiêm tức như thế nào hay không ạ?
TS Phạm Xuân Đà: Có chứ ạ. Chúng tôi có một ban chỉ đạo liên ngành cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện cũng có, cấp xã cũng có. Toàn bộ chương trình này đều sẽ có tổng kết đánh giá và cũng có giám sát thông qua rất nhiều hoạt động. Thứ nhất, thông qua việc kiểm tra của trung ương cũng như địa phương. Thứ hai là thông qua báo cáo của các ngành dọc. Chúng tôi cũng có theo dõi báo chí họ phản ánh những thông tin về an toàn thực phẩm hay là có vấn đề thực phẩm không an toàn xảy ra đâu đó thì sẽ có chỉ đạo ngay lập tức, có kiểm tra và giám sát ngay. Và cuối mỗi đợt đều có kiểm tra, tổng kết, đánh giá.
Trà Mi: Trước một số những cảnh báo về thịt bệnh, hải sản nhiễm độc hoặc là bị tẩm hàn the, và thậm chí là rau củ quả cũng bị ướp hoá chất độc hại, rồi gia vị nấu nướng cũng phát hiện chứa nhiều độc tố, v.v. Tóm lại là từ thực phẩm tươi tới thực phẩm chế biến tại Việt Nam đều có vấn đề như vậy đó, nhiều người tự hỏi nên ăn gì cho an toàn, thì câu trả lời của giới hữu trách như thế nào, thưa ông?
TS Phạm Xuân Đà: Thực ra thì bây giờ trước những hiện tượng lẻ tẻ như thế thì có lẽ ở đâu cũng có, không phải riêng gì Việt Nam, tại vì thực ra hiện tượng này cũng không phải là phổ biến, số lượng không nhiều. Tuy nhiên những người nêu lên để cho nhà quản lý phải tập trung vào để giải quyết, và thứ hai là người dân cũng phải chú ý cho bản thân mình.
Trà Mi: Thưa, nếu như đó là những trường hợp đơn lẻ như ông vừa nói thì có lẽ là dư luận cũng như báo chí đã không xôn xao rầm rộ như hiện nay, mà đặc biệt là trong tình hình các loại dịch bệnh có nguy cơ cao như heo tai xanh, cúm gia cầm, dịch tiêu chảy, v.v. lần lượt bùng phát, lan tràn nhanh chóng.
TS Phạm Xuân Đà: Cái đó chúng tôi phân cấp rất là rõ. Khi mà nguyên liệu chưa thành thực phẩm thì đó là thuộc các Bộ sản xuất, thì vấn đề lương thực, thú y, thuỷ sản thuộc Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn. Chính vì vậy nên khi mà Bộ Nông Nghiệp bàn giao cho Bộ Y Tế về mặt công bố tiêu chuẩn sản phẩm, thì khi đó Bộ Y Tế mới chịu trách nhiệm về cái sản phẩm thực phẩm đó. Còn vấn đề bệnh tai xanh rồi cúm gia cầm thì Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn chủ trì, chúng tôi có hỗ trợ, tham gia cùng triển khai thôi. Và chính phủ cũng có rất nhiều biện pháp quyết liệt để mà làm việc này.
Tuy nhiên, đó là trách nhiệm của Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn. Và chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm khi sản phẩm nông sản đó thành thực phẩm thì chúng tôi mới chịu trách nhiệm quản lý. Nhưng mà dù sao nữa thì vẫn có sự phối hợp rất là chặt chẽ giữa hai ngành. Thí dụ những thông tin về dịch bệnh, sản phẩm động vật bị bệnh, thì đều có những thông tin chia sẻ với nhau và đã làm rất quyết liệt là tiêu huỷ toàn bộ và không cho sử dụng cho người cũng như làm thức ăn cho cho gia súc. Bản thân người dân cũng phải có trách nhiệm chính bản thân mình.
Chúng tôi khuyến cáo người dân phải sử dụng thực phẩm an toàn, thực phẩm phải có nguồn gốc - xuất xứ, thực phẩm đó phải được công bố tiêu chuẩn sản phẳm và phải bán ở những nơi , những cửa hàng có đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, thì mới mua. Nhưng mà bây giờ nếu người dân không chịu mà vẫn mua vì ham những thực phẩm rẻ, mua những thực phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc thì cái đó người dân cũng phải có trách nhiệm với bản thân mình và phải chịu trách nhiệm thôi, chứ mình không thể đi lo hết những chuyện đó được. Tất nhiên về phía quản lý nhà nước thì phải làm tối đa, nếu có những hiện tượng như thế bao giờ chúng tôi cũng có những thẩm định, kiểm tra và xử lý rất là triệt để.
Trà Mi: Thưa, ông vừa nói là "sự kiểm tra rất là triệt để" nhưng mà trên thực tế thì ở Việt Nam rất là nhiều người nghe đến tình trạng ngay khi đoàn kiểm tra vừa bước ra khỏi cái tiệm hoặc cái cơ sở sản xuất đó thì mọi việc lại đâu hoàn đấy, đó là chưa kể những vụ việc tiêu cực trong khâu kiểm tra.
TS Phạm Xuân Đà: Thực sự vấn đề chính và quan trọng, theo tôi, là vấn đề hiện nay mình chưa có thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm. Những người đi kiểm tra mang tính chất không phải là chuyên nghiệp, không phải chuyên ngành, theo thời vụ, cho nên bản thân không có một sự chuyên ngành như thế thì chắc chắn đi kiểm tra sẽ có nhiều cái không được như ý muốn. Người dân người ta cũng hiểu như thế. Cái thứ hai nữa là cái vấn đề nhận thức của người dân, như tôi nói đó, cũng phải có quá trình nữa.
Vì vậy cho nên muốn giải quyết vấn đề theo tôi là phải khẩn trương hình thành hệ thống thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. Cái này chúng tôi cũng đang trình chính phủ để xin ý kiến chính phủ. Nếu không ra đời cái này thì rất khó để kiểm soát. Thứ hai nữa là vẫn phải có quá trình tăng cường xử phạt, xử lý nghiêm, nâng cao mức xử phạt lên có tính chất răn đe hơn trong khi tuyên truyền giáo dục cũng phải được tăng cường hơn.
Trà Mi: Những cơ sở sản xuất tự phát, không đăng ký giấy phép, rồi những hàng quán cũng không đăng ký chất lượng, v.v. thì về cái mảng đó làm cách nào để có thể quản lý và kiểm soát một cách chặt chẽ nhứt, thưa ông?
TS Phạm Xuân Đà: Mảng thức ăn đường phố thì đây là một mảng rất là lớn, là một đặc thù của các nước đang phát triển nói chung, thì cái này chúng tôi cũng có một dự án riêng và chính phủ vừa mới phê duyệt. Bắt đầu năm 2008 thì chúng tôi triển khai dự án, sẽ có nhiều biện pháp rất là quyết liệt.
Trà Mi: Xin ông có thể cho biết thêm về dự án đó.
TS Phạm Xuân Đà: Về cơ bản thì sẽ có một chương trình tương đối tổng thể. Thứ nhất phải đánh giá thực trạng, thứ hai là đưa ra rất nhiều biện pháp quyết liệt để giải quyết vấn đề đó. Ví dụ như vấn đề về tập huấn kiến thức cho những người bán rong, quy hoạch cho những người đó bán làm sao phải bảo đảm đủ điều kiện. Anh bán rong phải làm sao đủ điều kiện anh mới đựơc quyền bán. Song song đó là phải phù hợp với chính sách phát triển đô thị của từng thành phố, từng tỉnh thành nữa. Cái này là một dự án lớn và tôi lại không làm dự án đó. Cái này có lẽ lúc nào chị muốn tìm hiểu thì liên hệ thêm với Cục.
Trà Mi: Vâng. Xin phép được hỏi ông là tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam đã được báo động từ rất lâu rồi, song sóng đó cũng kèm theo rất nhiều hậu quả nghiêm trọng từ những vụ ngộ độc tập thể cho đến những dịch bệnh lần lượt xuất hiện và lan tràn, nhưng vì sao cho đến nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn dường như dậm chân tại chỗ, chưa có lối thoát. Nguyên do vì sao như vậy?
TS Phạm Xuân Đà: Thực ra nói rằng không có lối thoát thì cũng hơi quá. Đây là ý kiến cá nhân của tôi thôi. Thực ra trong thời gian vừa rồi chúng tôi cũng làm rất nhiều việc. Cái gì cũng thế, cũng phải có một quá trình, không thể làm một lúc mà ngăn được. Việc cơ bản có thể nghĩ là hoàn toàn vấn đề an toàn thực phẩm Việt Nam vẫn được kiểm soát, có điều hiện nay thì cũng được lãnh đạo nhà nước rất là quan tâm, vì vậy nên đưa vấn đề này lên rất là cao. Tôi nghĩ đây là dấu hiệu rất là tốt. Khi mình đưa vấn đề này lên thì toàn dư luận người ta quan tâm như thế này thì tôi nghĩ là chúng tôi sẽ sớm giải quyết được vấn đề này.
Trà Mi: Theo ông, cần có những biện pháp hữu hiệu như thế nào hơn nữa để giúp giải quyết tình hình và giải thoát cho người dân trước nhiều nguy cơ bệnh tật và ngộ độc đang hàng ngày rình rập và đe doạ sức khoẻ của họ?
TS Phạm Xuân Đà: Cái này thì chính phủ đã chỉ đạo rồi ạ. Chúng tôi đã có chương trình để triển khai. Nó phải làm đồng bộ. Trước hết về mặt pháp lý, phải hoàn thiện hành lang pháp lý. Thứ hai là vấn đề hệ thống quản lý, nhân lực, cũng phải có đồng bộ từ trung ương đến đia phương, có đủ số lượng và đảm bảo chất lượng. Thứ ba là vấn đề hệ thống kiểm nghiệm, chúng tôi phải nâng cấp nó lên. Thứ tư là vấn đề đầu tư, cũng phải tăng đầu tư lên. Vấn đề của người dân thì cũng phải nâng cao dân trí lên, đặc biệt công tác giáo dục truyền thông đối với người dân là một khâu hết sức quan trọng. Đương nhiên nữa cũng phải song hành với nó là sự phát triển về kinh tế của đất nước nữa, chứ không thì cũng rất khó để kiểm soát.
Trà Mi: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Phạm Xuân Đà đã dành thời gian trao đổi với Đài RFA về những thông tin liên quan tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam.
TS Phạm Xuân Đà: Cảm ơn cô.