Sinh viên Mỹ bị hành hung ngay thủ đô Hà Nội
2006.04.02
Lê Dân, phóng viên đài RFA
Hôm thứ Hai tại thủ đô Hà Nội một vụ hành hung sinh viên nước ngoài xảy ra dưới sự chứng kiến thụ động của cảnh sát. Vào khi Việt Nam đang quảng bá về hình ảnh thân thiện, là điểm đến của khách du lịch, là nơi an toàn và thoải mái để đầu tư, thì sự vụ vừa kể sẽ tác động ra sao. Lê Dân tìm hiểu và trình bày như sau.
Chiều tối thứ Hai, bên bờ hồ Hoàn Kiếm, việc xảy ra như không ít lần diễn ra đối với một đôi bạn mà người nam là ngoại quốc và nữ là Việt Nam.
Lần này, người thanh niên là một sinh viên Mỹ đang theo học đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Khi bạn gái người Việt của anh bị nhục mạ, họ đã nhịn nhục. Nhưng đến khi người khách lạ mới bước ra từ quán bar kia bắt đầu sờ tay vào cô gái thì anh sinh viên Mỹ can thiệp và cuộc xung đột xảy ra. Thế rồi hàng chục người có mặt xúm vào hành hung anh sinh viên nước ngoài, dưới sự chứng kiến của ít nhất là 4 nhân viên cảnh sát.
Anh sinh viên Mỹ từng theo học tiếng Việt ở đại học Ngoại ngữ Hà Nội nhờ một học bổng hồi năm 2002. Trở về bang California, anh không thể nào quên Việt Nam vì đã yêu đất nước, yêu con người nơi đây, theo lời kể của mẹ anh.
Năm ngoái, anh đã tìm cách trở lại Hà Nội, trở lại trường xưa, đăng ký theo học Việt và Hoa ngữ, như là bước bổ sung cho chứng chỉ Bang giao Quốc tế gần hoàn tất tại Hoa Kỳ.
Rồi anh ta tìm được người đồng cảm là một thiếu nữ Hà Nội. Hai người thường đưa nhau đi dạo quanh hồ Hòan Kiếm, cho đến chiều thứ Hai vừa qua, là lúc gặp một người đàn ông Việt từ quán bar gần đó bước ra.
Bạn nghĩ gì về vụ việc này? Xin email về Vietweb@rfa.org
Trong hơi men, người này dùng những lời lẽ không lịch sự có lẽ căn cứ trên định kiến để mắng cô gái Việt. Anh sinh viên thuật lại cho chúng tôi biết là lúc đó anh hiểu tất cả những gì bạn gái anh đang chịu đựng, nhưng vẫn tự chế. Chỉ đến lúc người đàn ông nọ bắt đầu dùng tay va chạm đến cô gái một cách sàm sỡ một cách thiếu tôn trọng, thì anh sinh viên phải can thiệp. Thế là một cuộc xô xát nổ ra ngay bờ hồ Hoàn Kiếm đông người qua lại.
Anh sinh viên giờ này đang nằm dưỡng thương, mặt mũi sưng vù, hai mắt bầm tím, nên giọng nói không mấy rõ ràng, thuật lại rằng: “Tôi phải nói điều phiền muộn nhất là có những cô bé chỉ mới 11, 12 tuổi, mà lại mắng tôi những câu kỳ thị chủng tộc, rồi phụ nữ, đàn ông trong khu ấy đổ ra đấm đá tôi. Cảnh sát có mặt ngay từ lúc đầu, nhưng không thấy họ có cử chỉ nào để giúp tôi, hay chí ít là bảo đám đông dừng lại. Họ không làm gì mà chỉ ngồi ngó, như những đứa trẻ.”
Khi anh sinh viên nước ngoài đã no đòn, thì cảnh sát mới ghé xe máy lại bảo anh phóng lên yên sau và chở về đồn. Đám đông tiếp tục dùng xe máy đủ loại chạy theo truy đuổi. Đến đồn cảnh sát thứ 3 thì họ mới chịu giải tán.
Câu chuyện nghe có vẻ như đã từng xảy ra bên Liên bang Nga với các sinh viên Việt Nam ở đó. Nhưng không, vụ này xảy ra tại thủ đô Hà Nội, vào khi Việt Nam đang quảng bá du lịch, rằng Việt Nam là điểm đến; vào khi Việt Nam đang ra sức thu hút đầu tư nước ngoài với nào là môi trường an toàn cho kinh doanh, học hỏi và làm việc; vào khi Việt Nam đang gắng cho thế giới thấy một đất nước đã đổi mới, đã văn minh.
Anh sinh viên nạn nhân nói thêm: “Tôi đã cố rất nhiều để yêu đất nước này, tôi đã lưu lại đây khá lâu và muốn một lúc nào đó trở lại đây làm việc. Thế nhưng tuần này tôi đã mất nhiều tin tưởng rồi và thiết nghĩ dù nền kinh tế Việt Nam đang nhanh chóng biến chuyển, nhưng Hoa Kỳ và quốc tế cần phải xem lại trước khi quyết định vào Việt Nam.”
Anh sinh viên cho biết là khi về đến đồn cảnh sát thì mọi việc được bỏ xuôi. Họ không cần hỏi tên tuổi hay địa chỉ gì mà chỉ hỏi anh có tự về nhà được không rồi cho đi, dù anh yêu cầu được gặp luật sư và đại diện sứ quán Hoa Kỳ.
Có lẽ anh chàng sinh viên này không biết chuyện chỉ mấy ngày trước, một đại úy cảnh sát mặc thường phục đã cùng một số tay anh chị khác hành hung cả nhà báo Việt Nam khi họ đang theo dõi diễn biến vụ Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Việt Tiến cũng ngay tại thủ đô. Nếu biết thì chắc anh không còn phiền.
Mẹ anh từ bang California cho chúng tôi biết là con trai bà đã tìm hết cách để được hòa lẫn toàn diện vào đất nước Việt Nam và đã có rất nhiều bạn bè người Việt:
“Con tôi hoàn toàn yêu mến đất nước Việt Nam đó và nó có rất nhiều bạn bè. Mấy lần nó nói với tôi là không hiểu tại sao người ta lại làm điều đó, tại sao người ta lại hành hung thô bạo như vậy ? Nó nghĩ vụ này là sự phản bội lòng yêu thương của nó đối với Việt Nam.”
Những bài liên quan
- Bi quan hay lạc quan trước tương lai giáo dục Việt Nam (bài 4)
- Tại sao Việt Nam có nhiều tiến sĩ giả? (Bài 3)
- Những điều cần làm ngay nhằm cải thiện ngành giáo dục Việt Nam (Bài 2)
- Nhận xét chung về nền giáo dục hiện nay ở Việt Nam (bài 1)
- Các thủ đoạn gian lận trong phòng thi ngày càng tinh vi hơn
- Phòng trọ cho sinh viên liên tục tăng giá
- Những bước cần chuẩn bị khi đi du học Mỹ (phần 3)
- Những bước cần chuẩn bị khi đi du học Mỹ (phần 2)
- Du học sinh Việt Nam ở Anh quốc (phần 3)
- Những bước cần chuẩn bị khi đi du học Mỹ (phần 1)
- Du học sinh Việt Nam ở Anh quốc (phần 2)
- Tiềm năng và triển vọng của ngành du lịch Việt Nam
- Du học sinh Việt Nam ở Anh quốc (phần 1)
- Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 9-3-2006)
- Cơ quan nào chịu trách nhiệm trong vụ SITC?
- Nạn mua bán bằng cấp giả phổ biến tại Việt Nam
- Vì sao Việt Nam phải thành lập lực lượng bảo vệ cho du khách?
- Tổng giám đốc trường SITC bị bắt tại Ðài Loan
- 5 học sinh tự tử, hồi chuông cảnh báo về tâm lý
- Du học sinh Việt Nam ở Đức (phần 1)