Phố “Tây Ba Lô” ở Sài Gòn (Phần 1)


2006.02.07

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Kính chào quí vị thính giả, từ nhiều năm qua, ở ngay quận 1, Sàigòn, trên đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Bùi Viện hình thành một khu phố mang tên khu “Tây Ba Lô” …Từ khi bắt đầu có khu Tây ba lô này, bộ mặt Sàigòn có thêm một sắc thái mới và cũng từ đấy, nảy sinh ra nhiều vấn đề hết sức phức tạp.

TouristFood200.jpg
Hai du khách nước ngoài mua thức ăn của quán hàng ở vỉa hè. AFP PHOTO

Chính vì thế, mỗi khi nói đến khu Tây Ba Lô, thì đa số người dân Sài Gòn đều không mấy thiện cảm, vì cho là khu vực tạp nham, chỉ có dân Tây du lịch nghèo mới đến. Có người thì cho đó là lãnh vực của các tay anh chị. Thực hư ra sao? Trong chương trình hôm nay, mời quí vị nghe Phương Anh kể về khu phố Tây Ba lô này.

Phần 1: hình thành và phát triển

Khu phố Tây ba lô hình thành từ bao giờ và ai là người đã đặt cho cái tên ngộ nghĩnh ấy ? Để tìm hiểu, Phương Anh đã liên lạc với một chủ khách sạn –xin dấu tên - đã kinh doanh nghề khách sạn từ những ngày đầu tiên để hỏi thăm chi tiết. Theo lời anh kể lại, gia đình anh sinh sống ở khu Phạm Ngũ Lão từ trước năm 1975.

Khi cha mẹ qua đời, anh được thừa hưởng căn nhà do cha mẹ anh để lại. Và rồi, vào khi bắt đầu khách Tây đặt chân tới khu này, thì anh biến căn nhà của mình thành nhà nghỉ và sau đó bây giờ thành khách sạn hạng trung. Chứng kiến những thay đổi qua nhiều năm, anh kể lại:

“Hồi xưa, khu này trước giải phóng là mấy cái building cho Mỹ ở, sau giải phóng, Mỹ rút đi hết, nhà nước đóng tất cả và khi có cán bộ ở ngoài Bắc đi công tác thì tụi nó ở mấy cái nhà này…rồi từ từ, bắt đầu có một hai khách Tây qua khu này, la cà…

Gọi là Tây Ba Lô vì tụi nó cứ đeo cái balô đi vòng vòng hết. Họ vô những nhà dân, những nhà có một hai chỗ cho mướn 3 đô, 5 đô, để họ ngủ rồi sáng họ đi la cà chơi, tối họ về, có chỗ ngả lưng…Chúng tôi kêu họ là “Tây Ba Lô” vì lúc nào họ cũng đeo cái ba lô đi lòng vòng. Sau đó, nhà người ta mới bắt đầu ngăn, chia phòng…người có tiền thì cất lên…

Lúc ấy khoảng năm 1990, ở xóm tui, không nhà nào có khách sạn, không có gì gọi là khu phố Tây hết, gọi là có tụi nước ngoài qua ở thôi, chứ nói là khu phố Tây thì chưa đúng….lai rai như thế đến khoảng năm 92 đến 94, 95 trở đi, bắt đầu khách khứa qua nhiều…

Lúc đó, bắt đầu gọi là Tây Ba Lô vì tụi nó cứ đeo cái balô đi vòng vòng hết. Họ vô những nhà dân, những nhà có một hai chỗ cho mướn 3 đô, 5 đô, để họ ngủ rồi sáng họ đi la cà chơi, tối họ về, có chỗ ngả lưng…Chúng tôi kêu họ là “Tây Ba Lô” vì lúc nào họ cũng đeo cái ba lô đi lòng vòng. Sau đó, nhà người ta mới bắt đầu ngăn, chia phòng…người có tiền thì cất lên…

Từ đó mới bắt đầu có khách sạn. Mặt tiền thì người ta xây dựng trước, lúc đầu chỉ hai ba cái thôi, từ năm 95 trở lên mới lan ra…trong hẻm nữa…nhà này làm khách sạn, nhà kia làm khách sạn… đua nhau, có nhà thì guess house, có nhà chỉ có 4 hay 5 phòng cũng làm…Hồi đó, làm chỉ 10 phòng là tối đa, không có thang máy, đi thang bộ không thôi…rồi Tây qua đông quá mới bắt đầu cất lên… “

Khách sạn, nhà nghỉ mọc lên như nấm

Cùng với thời mở cửa, các khách sạn, nhà nghỉ mọc lên như nấm, các khách nước ngoài đổ về đây ngày càng nhiều. Khách Tây cũng có mà Nhật, Hàn Quốc, Singapore cũng có. Khi được hỏi về các dạng khách “Tây ba lô” khi đến khu phố này, anh cho biết: “Khách Tây ba lô thực sự, tức là mấy cái thằng đi dép, mặc đồ lình xình thì ở trong mấy cái hẻm ở đường Đề Thám, Bùi Viện, ở khoảng 3 đô, 5 đô, 7, 8 đô là hết cỡ, mười mấy đô là họ không có tiền ở đâu. Những Tây cũng đeo ba lô, nhưng có tiền thì vô ở khách sạn… sinh viên qua đây thì ở tối đa là 10 đô, mấy nhà trọ, phòng nhỏ thôi, đi bộ lên thì 7 đô…Tụi nó qua để học tiếng Việt, Nhật cũng nhiều, Mỹ cũng có…Một số qua đây làm từ thiện, hoặc những người họ qua đây học tập, nghiên cứu thị trường kinh doanh để mua bán…”

Thưa quí vị, khi bắt đầu thấy có nhiều khách nước ngoài, và khu phố trở nên sầm uất, ngành du lịch Việt Nam cũng nhảy vào. Một loạt các khách sạn hạng ba sao như Quê Hương-Liberty, Viễn Đông được xây dựng và nằm ngay trên mặt tiền của đường Phạm Ngũ Lão. Chị Kiều, là nhân viên ở khách sạn Viễn Đông được 4 năm qua cho biết:

“Tuy là ở khu Tây Ba Lô nhưng đây là khách sạn lớn nhất trên đường Phạm Ngũ Lão này- đa số là khách Tây, khách Pháp, nói chung ít có Tây Ba lô vào lắm…Đoàn vào là đoàn VIP không thôi… thường phòng đơn là 30 đô, phòng đôi là 35 đô, phòng cao thì có loại 50 đô và 60 đô. Khách Tây ba lô thì khi họ vô trong những chỗ giá rẻ mà không còn phòng thì họ mới ở bên này và họ đành phải chấp nhận như vậy…”

Một nhân viên lễ tân ở khách sạn Quê Hương 4 thì cho hay đa số là khách đã mua tour, anh nói:

“Người ta đi tour thì bên công ty tour mua phòng cho người ta., khách Việt Kiều thì một số mua theo tour, một số thì tự đến. Ở đây là ở khu Tây Ba Lô nhưng đa số không có Tây Ba Lô. Họ thường ở các khách sạn chunh quanh tụi em thôi, những khách sạn nhỏ, ở các phòng trọ chung quanh đây. Theo qui định của nhà nước thì các dịch vụ phải đóng cửa trước 12 giờ, nhưng khách sạn thì mở 24/24 để phục vụ.”

Xây xong mới bị đập

Vào năm 2004, những người dân muốn kinh doanh khách sạn ở khu Tây Ba Lô, ngoài việc chi phí lo lót cho các cơ quan chức năng, từ địa phương lên đến Sở Xây Dựng thành phố Hồ Chí Minh, họ còn phải nơm nớp lo sợ bị cơ quan chức năng ra lệnh đập bớt các tầng lầu của khách sạn đã hoàn công.

Lúc trước không cho xây cao, xây 10 tầng thì nó đập hết 6 tầng…Tụi nó đập hết 20 căn... Biết rằng dân chúng người ta xây sai, nhưng đâu phải cái kim giấu trong cái bọc đâu…xây một cái nhà mà ai cũng biết…Nhưng mà mấy ổng cứ đập vậy thôi.

Nguyên nhân là với giấy phép được xây khách sạn, đa số các chủ nhân đều xây quá qui định. Chẳng hạn, căn nhà 4 mét ngang, 20 mét sâu thì chỉ được phép xây 1 tầng trệt, 1 tầng lửng và hai tầng lầu là tối đa. Thế nhưng, khi hoàn công, thì các khách sạn đó toàn là 5, 6 tầng trở lên, có khi tới 7, 8 tầng. Một điều lạ là sau khi xây xong thì mới bị đập, còn trong khi tiến hành thi công thì chẳng ai nói đến.

Một chủ nhân khách sạn kể lại: “Tui làm thì chi năm triệu trước, sau đó, phải có thêm “tiền cà phê” cho người ta vui vẻ…Lúc trước không cho xây cao, xây 10 tầng thì nó đập hết 6 tầng…Tụi nó đập hết 20 căn... Biết rằng dân chúng người ta xây sai, nhưng đâu phải cái kim giấu trong cái bọc đâu…xây một cái nhà mà ai cũng biết…Nhưng mà mấy ổng cứ đập vậy thôi.

Những nhà nào bề ngang 8 mét người ta xây 10 tầng thì nó đập hết 6 tầng, chỉ còn 4 tầng thôi. Tụi nó đập đúng 20 căn thì người ta la quá…Cũng có phe đảng, thay vì đập 4 thì nó đập 3 tầng thôi. Sau đó, dân phản ánh quá, rồi các cán bộ cũng nói đó là phá của dân… Nhưng bây giờ thì lại khác, cho xây cao rồi. Nhà tui 4 mét ngang, thì được xây lên 5, 6 tầng luôn, không ai nói gì hết…”

“Tây ba gai”

Thưa quí vị và các bạn, bên cạnh đó, các chủ khách sạn tư nhân còn phải đối đầu với những khách “Tây ba lô” nhưng được gọi là “Tây ba gai”. Chẳng hạn như sau khi ở khách sạn cả hai tuần mà không chẳng trả tiền phòng. Khi hỏi đến, thì cứ hẹn lần hẹn lựa, rốt cuộc, đành phải mời những ông Tây ba gai này đi chỗ khác. Ây là chưa kể đến chuyện phải đôi co về việc ngả giá phòng. Vị chủ nhân khách sạn dấu tên kể:

“Một số khách thì cũng ba gai lắm, thí dụ lấy phòng xong thì lại nói là sao hồi nãy nói giá khác, nên bây giờ chỉ trả bấy nhiêu thôi…Họ trả giá thấy ghê luôn. Trả giá, chịu giá 12 đô rồi, sau đó lại nói là chỉ có 10 đô thôi…Nhưng tụi nó trả giá là cũng do mình, tại Việt nam mình dậy nó, Việt Nam mình cạnh tranh nhau, nên khách sạn nào vô họ cũng trả giá hết.

Chẳng có thằng nào mà nói một giá là tụi nó ở liền đâu. Khi tụi nó vô, tụi nó bỏ ba lô đó rồi đi hết một vòng, hết các khách sạn này đến khách sạn khác để khảo giá. Tụi nó trả giá giữ lắm. Thí dụ mình nói 20, tụi nó trả 12 hay 13, mình phải tùy theo, lúc nào mình ế thì mình phải cho mướn thôi. Đó là chưa kể còn bị tụi nó bắt đền quá mức. Chẳng hạn, người làm lỡ tay ủi cháy cái áo cũ mèm, xỉn màu tụi nó bắt đền đến 50 dollars…hay là đòi trừ 4, 5 ngày tiền phòng…Mệt lắm!”

Dĩ nhiên, đó là chuyện xảy ra ở các khách sạn của tư nhân. Nhưng đối với khách sạn ba sao của nhà nước thì lại khác. Một nhân viên lễ tân ở khách sạn Viễn Đông cho hay: “Tây Ba lô họ vui nhộn lắm, vui vẻ lắm, không phức tạp, nói chung là Tây ba lô không có gì là phức tạp hết.” Thưa quí vị và các bạn, từ khi có khách Tây Ba Lô tới, đời sống của các người dân ở khu vực này trở nên hoàn toàn thay đổi. Có những người thành triệu phú, kiếm bạc triệu mỗi ngày…Có những em bụi đời, lang thanh trên hè phố, hay các cô gái buôn hương bán phấn được đổi đời. Và tệ nạn xã hội cho đến bây giờ vẫn còn đó dẫu cho có rất nhiều nỗ lực của các cơ quan hữu trách. Mời quí vị nghe tiếp phần hai trong chương trình kỳ sau. Phương Anh xin tạm biệt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.