Nhận xét của một cựu đại tá quân đội Mỹ về đất nước và con người Việt Nam


2007.04.30

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Một công dân Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam vào năm 1964 trong cương vị cố vấn các đơn vị Nhảy Dù và Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hòa, nay tiếp tục sinh sống tại Hà Nội trong vai trò cố vấn thương mại cho các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam đầu tư, có suy nghĩ gì về đất nước và con người Việt, đặc biệt là trong lãnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, 32 năm sau khi chiến tranh kết thúc ?

AndreSauvageot200.jpg
Ông André Sauvageot (bên phải) tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia, Hà Nội trong diễn đàn APEC tháng 11, năm 2006. Hình do ông cung cấp.

Mời quý vị nghe cuộc trao đổi giữa cựu đại tá André Sauvageot với phóng viên Đỗ Hiếu bên lề phiên điều trần về cơ chế kiểm soát hàng dệt may Việt Nam nhập sang Mỹ, tổ chức vào đầu tuần này tại bộ Thương mại Hoa Kỳ trong thủ đô Washington. Trước hết ông tự giới thiệu và cho biết vì sao ông nói thông thạo tiếng Việt.

André Sauvageot: Tôi là André Sauvageot, cố vấn của hội đồng Thương mại Việt-Mỹ, cựu đại tá quân đội Mỹ, bây giờ làm kinh doanh, là cố vấn các công ty Mỹ làm ăn tại Việt Nam.

Đây là quê hương thứ 2 của tôi, vì nhà tôi là người Việt Nam, tôi ở đó rất lâu. Tôi thường trú tại Hà Nội từ 1992 đến 2003 lúc đó là Trưởng đại diện công ty General Electrics. Chúng tôi đã vận động chánh phủ Mỹ bỏ cấm vận, sau đó mở nhiều hãng Mỹ tại thị trường Việt Nam.

Trong cuộc chiến Việt Nam, năm 1964 là đại úy bộ binh Mỹ làm cố vấn cho các đơn vị Nhảy Dù và Biệt Động quân Việt Nam. Lúc đó các đơn vị tác chiến Mỹ và các đơn vị quân đội nhân dân chưa vào miền Nam. Tôi không biết nói tiếng Việt, dần dần tôi bắt đầu hiểu và học tiếng Việt với người phiên dịch.

Đỗ Hiếu: Khi đó ông nhận định ra sao về cuộc chiến giữa hai miền Nam, Bắc?

André Sauvageot: Lúc mới vào Miền Nam Việt Nam, tôi tin tưởng vào chánh phủ Mỹ 100/100, nghĩ là chúng tôi có chánh nghĩa, Việt Nam Cộng Hòa sẽ thắng, tuy nhiên khi ở lại lâu, đến 1973 tôi nghĩ chính sách của chúng tôi không thể thắng được, mà lúc đó là sai, vì Mỹ bị ám ảnh bởi Liên Xô và Trung Quốc nên Việt Nam bị kẹt ở giữa. Tôi phân tích đúng là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sẽ thắng.

Đây là quê hương thứ 2 của tôi, vì nhà tôi là người Việt Nam, tôi ở đó rất lâu. Tôi thường trú tại Hà Nội từ 1992 đến 2003 lúc đó là Trưởng đại diện công ty General Electrics. Chúng tôi đã vận động chánh phủ Mỹ bỏ cấm vận, sau đó mở nhiều hãng Mỹ tại thị trường Việt Nam.

Thật sự tôi khâm phục và quý người Việt Nam của cả hai bên, vì theo tôi đây là nội chiến bởi những lý do lịch sử và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có sự hổ trợ của Liên Xô cũ và Trung Quốc, Việt Nam Cộng Hòa có sự hổ trợ của Mỹ, đó là một vấn đề phức tạp.

Nhưng người Việt Nam nói chung dù là sinh ra ở đâu, hay là chịu ảnh hưởng của gia đình, có người đứng về phía cách mạng hay đứng về phía Việt Nam Cộng Hòa,nhưng người Việt Nam có những đức tính tốt chung.

Trước khi chiến tranh kết thúc, tôi lạc quan về tương lai của Việt Nam và chờ đến lúc nào Việt Nam được thống nhất, tôi biết sẽ không thiếu gì cơ hội để trở lại Việt Nam.

Đỗ Hiếu: Trong thời chiến trước năm và lúc hòa bình sau này, ông đã tham gia vào những công tác nào đối với cả hai chánh phủ Saigon và Hà Nội?

André Sauvageot: Năm 1973, tôi là sĩ quan phối hợp liên lạc tại phủ thủ tướng Trần Thiện Khiêm và chánh phủ Mỹ dùng tôi làm phiên dịch cho phái đoàn Mỹ ở Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên, gồm Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, chánh phủ Cách Mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ, họp ở Saigon trong 60 ngày để thực hiện hiệp định Paris.

Từ 1982, tôi ra vào Hà Nội với tư cách đại tá quân đội Mỹ là người phiên dịch cho các phái đoàn Mỹ vào Việt Nam để thảo luận với bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, về việc tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

Đỗ Hiếu: Nay ông đã trở lại làm việc tại Việt Nam và qua sinh hoạt hàng ngày, ông nghĩ gì về người dân Việt và đất nước này ?

André Sauvageot: Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước và đang thực hiện đa dạng hóa chính sách về chính trị, kinh tế, như vậy thì làm sao mà không thành công, bởi vì có những đức tính của dân tộc Việt như là cần cù, tháo vát, thông minh, làm sao không phát triển được?

Tôi thấy Việt Nam chắc chắn tiến lên, bởi vì với tất cả kinh nghiệm của tôi, tôi thấy như thế này, với sự hổ trợ của nhân dân Việt Nam, chánh phủ đã có những quyết định đúng và thực tế so với tình trạng lúc trước. Khi tôi là trưởng đại diện công ty General Electrics tại Hà Nội từ 1993 đến 2003, lúc đó không có văn phòng, không có thị trường, Mỹ vẫn cấm vận Việt Nam.

Đỗ Hiếu: Còn về phương diện kinh tế, thương mại thì ông đánh gía ra sao khi hướng về tương lai của Việt Nam?

André Sauvageot: Tôi thấy Việt Nam chắc chắn tiến lên, bởi vì với tất cả kinh nghiệm của tôi, tôi thấy như thế này, với sự hổ trợ của nhân dân Việt Nam, chánh phủ đã có những quyết định đúng và thực tế so với tình trạng lúc trước. Khi tôi là trưởng đại diện công ty General Electrics tại Hà Nội từ 1993 đến 2003, lúc đó không có văn phòng, không có thị trường, Mỹ vẫn cấm vận Việt Nam.

Lúc đó, chúng tôi chỉ được phép bán thiết bị y tế, siêu âm, vào thị trường Việt Nam. Mười năm sau đó, chúng tôi đã trúng thầu trong nhiều lãnh vực như là: cho hành không Việt Nam thuê máy bay, cung cấp năng lượng như các bình hơi, bình dưỡng khí, máy phát điện, giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng. Với tổ chức như vậy, tôi thấy không có lý do gì không thể làm ăn ở Việt Nam.

Đỗ Hiếu: Nhân dịp được gặp ông tại bộ thương mại Hoa Kỳ trong phiên điều trần về cơ chế giám sát hàng dệt may Việt Nam đưa sang Mỹ, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

André Sauvageot: Tôi rất mừng là bộ Thương mại của Mỹ tổ chức điều trần để hỏi ý kiến của nhiều đại diện các công ty Mỹ và bộ thấy rõ là các doanh nhân của Mỹ không đồng ý tí nào, trừ một số ít trường hợp, nhưng đại đa số đều không đồng ý việc chánh phủ và bộ thương mại Hoa Kỳ theo dõi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường nước Mỹ một cách không bình đẳng, không công bằng.

Việt Nam sẽ tiếp tục khiếu nại và giữ nguyên lập trường tức là phải được đối xử công bằng, phù hợp với quy chế của tổ chức thương mại thế giới WTO. Mỹ không nên đưa ra giả thuyết Việt Nam bán phá giá, mà phải có bằng chứng.

Đỗ Hiếu: Xin cám ơn ông André Sauvageot đã dành thời giờ cho cuộc trao đổi này.

André Sauvageot: Cám ơn ông rất nhiều đã cho tôi cơ hội để phát biểu một vài ý kiến của cá nhân tôi, đây là một vinh dự.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.