Trà Mi, phóng viên đài RFA
Những cuộc biểu tình phản đối chính phủ vẫn tiếp tục xảy ra trên đường phố thủ đô Rangoon của Miến Ðiện, và theo một số nhà phân tích, các cuộc biểu tình dường như không gây suy suyễn đến thế lực của các tướng lãnh đang nắm quyền. Từ Washington, Trà My của Ðài chúng tôi có tường trình chi tiết sau đây.

Không đầy 48 giờ đồng hồ sau khi chính phủ Miến Ðiện loan báo quyết định tăng giá xăng dầu, những nhân vật bất đồng chính kiến xuất hiện trên đường phố, lãnh đạo những cuộc biểu tình chống đối. Thoạt đầu, các cuộc biểu tình được thực hiện ngay trong phạm vi thủ đô Rangoon, và đến hôm nay, đã tràn ra các khu vực ngoại ô. Mục tiêu của cuộc biểu tình là phản đối đòi hỏi nhà cầm quyền quân sự phải rút lại quyết định tăng giá nhiên liệu và phải có một chính sách kinh tế thực tiễn để nâng cao đời sống của người dân.
Những cuộc biểu tình vẫn tiếp tục là đề tài hàng đầu trong những bản tin liên quan đến Miến Ðiện được giới truyền thông quốc tế loan tải liên tục trong hơn một tuần lễ qua.
Một cách ngấm ngầm, mọi người chờ đợi một biến cố chính trị nào xảy ra ở quốc gia nằm trong danh sách những nước nghèo nhất ASEAN, tương tự như biến cố 1988 do các thành phần tranh đấu và sinh viên thực hiện. Rất tiếc đến hôm nay, biến chuyển mà nhiều người chờ đợi vẫn chưa đến.
Trong bản tin mới nhất đánh đi từ Rangoon, hãng thông tấn AFP viết rằng mặc dù dân chúng ủng hộ việc làm của những nhà tranh đấu, nhưng số người tham gia chẳng có là bao. Bản tin cũng gửi từ Rangoon của hãng thông tấn AP nói rõ hơn: dân chúng đứng dọc bên đường hoan hô đoàn biểu tình, nhưng không mấy ai chịu rời chỗ đứng để nhập cuộc. Vẫn theo bản tin này, có những cuộc biểu tình với cả trăm người, nhưng cũng có những cuộc biểu tình chỉ có vài chục người mà thôi.
Điều “khó có thể xảy ra"
Giáo Sư David Steinberg, một chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về Miến Ðiện, nói rằng các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục và vẫn ở mức độ nhỏ như hiện giờ, và chuyện sẽ có những đoàn người rầm rộ xuống đường là điều “khó có thể xảy ra”.
Giáo Sư Steinberg cũng đưa nhận xét cho rằng chính phủ quân sự Miến Ðiện để yên cho biểu tình cỡ nhỏ để giảm bớt sự tức giận của người dân và “cũng để ngăn chận các cuộc biểu tình với số người tham dự đông hơn”.
Qua gian lao, chúng ta mới thấy được người tài. Tôi đồng ý là các nhân vật quan trọng như ông Min Ko Naig đã bị bắt, lãnh tụ cao cấp nhất là Bà Aung San Suu Kyi đang bị quản chế, nhưng các cuộc biểu tình vẫn lan rộng, không còn ở thủ đô Rangoon nữa, mà đã lan sang những địa điểm lân cận và chúng tôi sẽ tiếp tục, không ngừng lại.
Nếu nhận xét của Giáo Sư Steiberg là đúng, thì còn một yêu tố khác nữa cũng cần phải nói đến, đó là sự kiện phần đông những người đứng trong thành phần lãnh đạo tổ chức biểu tình tuần hành đều đã bị bắt giữ. Hôm qua, bản tin xuất hiện trên mặt các tờ báo do nhà nước quản lý tại Rangoon viết rằng nhà nước đang tạm giữ 56 người đầu não, nhưng theo lời ông Ko Bo Gwyn, một trong những nhà tranh đấu được dân chúng Miến Ðiện biết đến, thì số người bị bắt đã lên tới cả trăm người.
“Kiểm điểm lại, chúng tôi thấy số người bị bắt đã gấp đôi con số mà nhà nước đưa ra. Tôi dự đoán trong những ngày sắp tới, họ còn bắt thêm nữa. Một số người khác đã phải bỏ trốn vì bên chính quyền ruồng bắt dữ lắm.”
Trong số những người vẫn bị giam giữ, có nhiều nhân vật cao cấp của Liên Ðoàn Toàn Quốc Ðấu Tranh Vì Dân Chủ, kể cả ông Min Ko Naing, nhân vật được xem là cánh tay mặt của biểu tượng cho cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ là Bà Aung San Suu Kyi.
Qua gian lao, mới thấy người tài
Tiếp xúc với Ban Việt Ngữ trước khi lên đường đi Geneve để mở cuộc vận động quốc tế yểm trợ cho cuộc tranh đấu đang diễn ra tại Rangoon, ông Maung Maung, Tổng Thư Ký của Công Ðoàn Ðoàn Kết Miến Ðiện nói rằng dù gặp khó khăn, nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc tranh đấu sẽ ngưng lại.
“Qua gian lao, chúng ta mới thấy được người tài. Tôi đồng ý là các nhân vật quan trọng như ông Min Ko Naig đã bị bắt, lãnh tụ cao cấp nhất là Bà Aung San Suu Kyi đang bị quản chế, nhưng các cuộc biểu tình vẫn lan rộng, không còn ở thủ đô Rangoon nữa, mà đã lan sang những địa điểm lân cận và chúng tôi sẽ tiếp tục, không ngừng lại.”
Liệu một biến cố chính trị sẽ xảy ra trong những ngày tới, như đã từng xảy ra hồi 1988 hay không? Ông Maung Maung trả lời: "Biến cố chính trị hồi 1988 không xảy ra trong vòng một ngày, mà là kết quả cuộc một quá trình hoạt động kéo dài nhiều năm trời của tập thể sinh viên và những nhà tranh đấu. Chúng ta có thể coi những gì đang xảy ra ở Rangoon là bước khởi đầu.
Phải nhớ là năm 1988, quân đội nổ súng giết chết khoảng 5,000 người biểu tình, nên người dân bây giờ vẫn sợ hãi. Ðiều cần phải thấy là người dân bắt đầu biết đến những cuộc biểu tình, người dân reo hò ủng hộ. Phải dần dần mới có kết quả. Có thể biến cố 1988 sẽ không tái diễn, nhưng trước áp lực của người dân, nhà cầm quyền bắt buộc phải nói chuyện với dân chúng.”
Một số nhà phân tích ở Châu Á cũng đưa ra nhận xét cho rằng cuộc tranh đấu được người dân Miến Ðiện thể hiện qua những cuộc biểu tình chưa bùng nổ lớn hơn, một phần, chính vì thái độ của thế giới.
Dẫn chứng được đưa ra là tới bây giờ, mới có Liên Hiệp Quốc và một số nước lên tiếng phản đối việc Rangoon bắt giữ người tham gia biểu tình, và những lời phản đối thuộc diện “lấy lệ” này không làm cho nhà cầm quyền quân sự Miến Ðiện nao núng.
Trà My tường trình từ Washington.