Nghị định mới: phải xin phép nếu tụ tập hơn 5 người


2006.06.22

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Trong thời gian qua, do oan ức hay bức xúc mà không được địa phương giải quyết, nhiều người dân đã cùng kéo nhau lên tận thủ đô Hà Nội hay các thành phố nơi có trụ sở cơ quan nhà nước cấp cao để khiếu kiện.

BieutinLaw200.jpg
Rất đông người dân Tây Hồ chờ được ''tố'' đất với Đoàn kiểm tra thi hành Luật Đất đai. Photo courtesy of vietnamnet

Tuy nhiên, theo một diễn giải nghị định mà Nhà nước ban hành là nếu tụ tập hơn 5 người tại nơi công cộng để đưa kiến nghị đều phải xin phép, thì những nhóm người đi khiếu kiện có thể bị qui là vi phạm pháp luật.

Vào ngày 20 tháng 6 vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Vụ Pháp chế - Bộ Công an tổ chức hội nghị tập huấn Luật An Ninh Quốc gia và Nghị định 38/2005 của chính phủ. Có hơn 100 viên chức đứng đầu các sở, ngành, đoàn thể và cơ quan thông tin đại chúng tại Sài Gòn tham gia cuộc tập huấn.

Thiếu tướng Trần Đình Nhã, Vụ trưởng Vụ Pháp Chế Bộ Công An, lên tiếng tại hội nghị rằng theo qui định hiện hành, ngọai trừ các họat động do Cơ quan Đảng Nhà Nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội tổ chức; còn tất cả mọi trường hợp tập trung đông người nơi công cộng đều phải đăng ký trước với Ủy ban Nhân dân có thẩm quyền. Và sau khi được phép thì phải làm đúng theo nội dung đã đuợc chấp thuận.

Mặc dù trong Nghị định 38/2005 ban hành hồi tháng ba năm ngoái không qui định cụ thể bao nhiêu người là đông; nay theo hướng dẫn của Bộ Công An thì hoạt động tập trung đông người nơi công cộng là từ 5 người trở lên. Nơi công cộng là vỉa hè, lòng đuờng, quảng trường, cơ sở kinh tế, văn hoá, nơi sinh họat cộng đồng; trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị khác.

Mục tiêu của những nhóm tập trung cần phải xin phép là đưa ra yêu cầu hoặc kiến nghị về những vấn đề có liên quan đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của cá nhân, gia đình, tổ chức hoặc về những vấn đề có liên quan chung đến đời sống chính trị, xã hội, đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác…

Vào khi hội nghị diễn ra thì một đoàn chừng 50 người dân tỉnh Bến Tre, Tây Ninh trong những ngày qua kéo nhau lên Sài Gòn nhằm đưa đơn khiếu kiện về tình trạng địa phương thu hồi đất của họ mà bồi thường không thỏa đáng cũng như không có nơi tái định cư như hứa hẹn của chính quyền địa phương.

Bạn nghĩ gì về Nghị định 38/2005 này? Xin email về Vietweb@rfa.org

Một người dân trong đoàn cho biết: “Họ phá bờ ao nuôi tôm của chúng tôi, rồi lấy đất cấp cho người nhà của họ. Giá đền bù thì quá thấp so với giá thị trường. Hứa làm nơi tái định cư nhưng lại không có. Ông chủ tịch tỉnh nói khác, ông phó nói khác.”

Như vậy, nếu chiếu theo nghị định 38 của chính phủ Hà Nội quy định những biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, cũng như theo những hướng dẫn mới nhất của Bộ Công An thì những nhóm người khiếu kiện như vừa nói là vi phạm luật pháp hiện hành của Việt Nam. Mà đã vi phạm thì họ sẽ bị giải tán và bị bắt bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên được biết những người khiếu kiện do qua thời gian dài mà vẫn không được các cấp chính quyền địa phương giải quyết nên buộc lòng phải lên đến tận trung ương mà kêu. Thế nhưng mọi việc vẫn cứ bị đùn qua đẩy lại nên họ phải tiếp tục kêu oan:

“Chúng tôi ra trung ương thì trung ương nói về tỉnh, về tỉnh thì không giải quyết nên chúng tôi phải lên đây để tìm cơ quan khiếu kiện cho đến cùng.”

Một người khiếu kiện khác cho biết tình trạng của họ: “Đưa đơn thì người phụ trách nói không hợp lệ nên không nhận; giờ chúng tôi phải sống lây lất trước cửa văn phòng cơ quan trung ương đây.”

Nghị định 38 đưa ra một số biện pháp gọi là để bảo đảm trật tự công cộng, trong đó có biện pháp kiểm tra giấy tờ tùy thân, khám người, phương tiện; tạm giữ người, phương tiện vi phạm; cưỡng chế người có hành vi vi phạm rời khỏi địa điểm.

Ông Lê Trí Tuệ, một người từng ký tên ủng hộ phong trào dân chủ tại Việt Nam, vừa qua khi chứng kiến đoàn biểu tình ở sài Gòn cũng gặp trở ngại với cơ quan công an, ông kể lại:

“Thấy đoàn biểu tình thì có hai thanh niên bẻ tay tôi rồi lấy điện thọai. Lúc ấy có mấy bà trong đoàn biểu tình phụ tôi thoát hai người đó. Công an đã đến và cho rằng tôi là người dẫn đầu biểu tình.”

Lâu nay, nhiều trường hợp tập trung gần các cơ quan cấp cao của nhà nước như ở Vừơn hoa Mai Xuân Thưởng, trước Văn phòng Tiếp dân của Trung ương Đảng tại Hà Nội luôn bị công an bố ráp, giải tán nhiều lần; đặc biệt vào những dịp như có hội nghị quốc tế diễn ra ở thủ đô. Lý do là họ vi phạm trật tự công cộng, phương hại an ninh quốc gia.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.