Chính sách kiểm duyệt Internet của các nước Á Châu
2006.12.05
Trà Mi, phóng viên đài RFA
Internet là phương tiện giúp mọi người có thể tự do tiếp cận với thông tin tự do toàn cầu. Thế nhưng, ở những nước có chế độ cai trị độc đoán, nó chính là mục tiêu kiểm soát của chính quyền hầu ngăn chặn các luồng thông tin bất lợi, đồng thời củng cố quyền lực của nhà nước. Tổng hợp thông tin từ báo chí quốc tế, Trà Mi tường trình.

Có thể nói Châu Á là khu vực thực thi việc kiểm soát internet gắt gao nhất trên thế giới, với nhiều quốc gia khét tiếng trong việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân, đơn cử như Trung Quốc, Miến Điện, hay Việt Nam. Chính phủ các nước này một mặt hăm hở đón nhận những lợi ích từ nền công nghệ kỹ thuật thông tin-viễn thông hiện đại.
Gia tăng hạn chế
Mặt khác, họ không ngừng gia tăng hạn chế các ảnh hưởng bất lợi cho chính quyền do cánh cửa thông tin tự do, đa chiều mang lại. Bằng chứng cụ thể nhất thể hiện qua việc thành lập các đội cảnh sát mạng và đặt mua từ các công ty kỹ thuật hàng đầu của quốc tế các sản phẩm, thiết bị, hay dịch vụ nhằm phục vụ cho việc kiểm soát thông tin.
Đơn cử như trường hợp của Việt Nam, chính sách quản lý internet đã tạo nên một tâm lý lo sợ chung cho tất cả mọi người. Dân chúng không được phép bày tỏ ý kiến đối lập hay truy cập thông tin một cách tự do. Các dịch vụ internet được yêu cầu phải lưu giữ thông tin và giới hạn hoạt động của khách hàng net.
Thực tế đã xảy ra nhiều vụ bắt bớ, giam cầm chỉ vì đương sự có hành vi trao đổi hay chia sẻ quan điểm bất đồng trên mạng internet. Đã có người ví von rằng nếu bạn đang ngồi trước máy tính ở một nước tự do phương Tây, một cái nhấp chuột có thể đưa bạn đến với một thế giới thật xa với nhiều điều mới lạ, thế nhưng nếu bạn ở Việt Nam, cái nhấp chuột ấy có thể đưa bạn vào tù. Kỹ sư Bạch Ngọc Dương, người đã từng bị cơ quan công lực sách nhiễu nhiều lần chỉ vì dám công khai bày tỏ tư tưởng dân chủ trên mạng, nhận xét:
“Ở Việt Nam, khi mình vào quán internet thì hầu hết người ta đã cài đặt những phần mềm theo dõi khách hàng vào trang web nào, sử dụng chương trình gì. Ngoài ra họ còn bố trí mật vụ an ninh ngồi ngay quán net để quan sát theo dõi. Ở Việt Nam, quyền tự do dân chủ, tự do phát biểu ý kiến, tự do ngôn luận chưa được cởi mở, người dân vẫn bị hạn chế những quyền này.
Ở Việt Nam, khi mình vào quán internet thì hầu hết người ta đã cài đặt những phần mềm theo dõi khách hàng vào trang web nào, sử dụng chương trình gì. Ngoài ra họ còn bố trí mật vụ an ninh ngồi ngay quán net để quan sát theo dõi. Ở Việt Nam, quyền tự do dân chủ, tự do phát biểu ý kiến, tự do ngôn luận chưa được cởi mở, người dân vẫn bị hạn chế những quyền này.
Hiện nay khi chúng tôi lên Paltalk phát biểu ý kiến, cơ quan an ninh họ trà trộn vào đấy nghe và ghi âm lại nội dung. Ai thật thà tiết lộ tên tuổi thật và địa chỉ thì liền bị họ đến tận nơi mời đi làm việc để tìm cách ngăn chặn. Tức là họ không muốn cho người dân lên tiếng, thậm chí trao đổi qua điện thoại bình thường thế này cũng bị họ đặt máy ghi âm nghe trộm.
Tôi được biết là nhà nước này họ dùng tiền đóng thuế của nhân dân để nuôi 1 đội quân rất hoành tráng ở khắp nơi trên thế giới để theo dõi và bảo vệ cho thế cai trị độc tôn của họ. Họ vẫn ra sức ngăn chặn, nhưng tôi nghĩ, với phương tiện thông tin ngày một hiện đại như bây giờ thì họ cũng không thể nào ngăn chặn được tiếng nói của người dân.
Chúng tôi cũng chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu chính kiến của mình. Những điều này được quy định rõ ràng trong Hiến pháp của Việt Nam chứ chúng tôi không vượt ra ngoài giới hạn này.”
Một bạn trẻ thường xuyên đến phòng net truy cập thông tin cho biết thêm: “Tôi nghĩ vấn đề Việt Nam thắt chặt internet chủ yếu là nặng về tính chính trị . Chính quyền họ không muốn để cho người dân tiếp cận với các thông tin chính trị xã hội bên ngoài cho nên mới ra những quy định gắt gao như vậy. Mà cũng vì việc siết chặt internet đó khiến cho người dân không có cơ hội tiếp cận với những thông tin hay.”
Ngày càng gia tăng
Kết quả khảo sát do các nhà nghiên cứu phương Tây thực hiện mang tên OpenNet Initiative (ONI) ghi nhận trong những năm gần đây, các hành vi sách nhiễu, cản trở, kiểm duyệt thông tin ngày càng gia tăng ở Châu Á không chỉ về số lượng, mà cả về hình thức và mức độ.
Vào thời điểm ONI mới ra đời vào năm 2002, chỉ vài quốc gia bị liệt kê vào danh sách kiểm duyệt thông tin trên net. Giờ đây, số nước bị khảo sát về tình trạng này đã lên đến trên 40. Trong đó, Trung Quốc vẫn dẫn đầu danh sách.
Mặc dù chính phủ các nước này vẫn luôn bào chữa rằng hành động kiểm duyệt internet chỉ nhằm ngăn chặn các trang web có nội dung khiêu dâm, độc hại, thế nhưng nghiên cứu của ONI chứng minh rằng tại các quốc gia như Trung Quốc, Miến Điện, Uzbekistan, và Việt Nam, các hành động kiểm soát chủ yếu nhắm vào các tài liệu nhạy cảm về văn hoá, các website của những tiếng nói đối lập, những nhà bất đồng chính kiến, các phong trào tự do dân chủ, hay các tổ chức nhân quyền và tôn giáo.
Đó cũng là lý do tại sao làn sóng đấu tranh đòi dân chủ, tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin ở những nước này ngày càng trổi dậy mạnh mẽ. Người dân ngày càng hoài nghi về tính minh bạch và mục đích của nhà nước trong việc khoá chặn internet. Lẽ ra phải có một sự cân đối giữa quyền hạn của nhà nước trong việc quản lý, kiểm soát văn hoá và quyền của người dân trong việc tiếp cận với tự do thông tin.
Thế nhưng, các thể chế độc đoán chỉ làm mọi cách để siết chặt việc kiểm duyệt mà thôi, không bao giờ tạo điều kiện cho sự tranh cãi này diễn ra. Thực tế đã cho thấy mớ lý thuyết họ đưa ra biện bạch hoàn toàn khác hẳn với những hành động thực tiễn. Quả đúng là người dân được sử dụng internet, nhưng không được tìm hiểu hay truy cập các thông tin mà nhà nước không cho phép. Những thông tin này, đối với chính quyền có thể là bất lợi nhưng rất có thể là có lợi cho người dân.
Để bảo vệ net, mạng lưới thông tin toàn cầu, có lẽ cách tốt nhất là sử dụng chính nó làm phương tiện đấu tranh, nghĩa là tạo ra các chương trình giúp mọi người có thể tiếp cận với net nhiều hơn cũng như tự do bày tỏ tư tưởng nhiều hơn nữa. Trên tinh thần đó, nhóm các nhà khoa học thuộc phòng thí nghiệm Citizen Lab của trường đại học Toronto, Canada, mới đầu tháng này cho trình làng chương trình miễn phí mang tên Psiphon.
Qua đó, những người dùng internet ở các nước không bị tường lửa ngăn chặn có thể mở một địa chỉ sử dụng và mật khẩu cho cư dân ở các nước bị kiểm soát internet. Khi vào được cổng chuyển tiếp này, người sử dụng có thể truy cập bất cứ trang web nào mà không bị kiểm soát. Thông tin của cả đôi bên đều được bảo mật cho nên chính quyền khó mà truy ra được tung tích người truy cập.
Trong một chương trình sau, chúng tôi sẽ gửi đến quý vị cuộc phỏng vấn với giáo sư Deibert Ronald, giám đốc phòng thí nghiệm Citizen Lab từ đại học Toronto nói về chi tiết cách sử dụng và chức năng hoạt động của chương trình Psiphon. Mời quý vị đón theo dõi.
Thông tin trên mạng:
- FEER - The Geopolitics of Asian Cyberspace
Những bài liên quan
- Mức độ hiệu quả của dự án cổng thông tin hai chiều trên mạng Internet cho nông dân
- Việt Nam kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới bất kỳ hình thức nào
- Cách sử dụng, mục đích, và sự hữu ích của chương trình Paltalk (phần 2)
- Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bị công an sách nhiễu sau khi trả lời phỏng vấn RFA
- Các quyền tự do Chính trị và Tôn giáo tại Việt Nam hậu WTO?
- Tổng giám đốc Đài RFA chỉ trích Việt Nam đàn áp tự do thông tin
- Cách sử dụng, mục đích, và sự hữu ích của chương trình Paltalk (phần 1)
- Việt Nam nới lỏng kiểm soát internet trong thời gia diễn ra hội nghị APEC
- Việt Nam nới lỏng kiểm soát Internet trong thời gian Hội nghị APEC