Đức muốn tăng tiến các quan hệ với Việt Nam nhưng quan ngại về nhân quyền


2007.05.23

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Tin tức trong nước cho biết, nhiều văn kiện hợp tác giáo dục được ký kết nhân chuyến viếng thăm chính thức của tổng thống cộng hòa liên bang Đức Horst Koehler và phu nhân, đến Hà Nội chiều hôm thứ hai vừa qua.

GermanVietnam200.jpg
Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết tiếp đón Tổng thống Ðức Horst Koehler tại Hà Nội hôm 21-5-2007. AFP PHOTO

Việt Nam và Đức đã đồng ý hợp tác trong lãnh vực giáo dục và đào tạo, đưa tiếng Đức vào chương trình giảng dạy tại một số trường trung học thí điểm và việc thành lập trường đại học Việt-Đức tại Việt Nam.

Tuy nhiên, mối quan tâm của Tổng thống Đức về vấn đề nhân quyền cũng như lời phản đối của dư luận Âu, Mỹ về những phiên tòa xử phạt nặng những nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam đã không được báo đài ở Việt Nam nhắc tới.

Hợp tác chia sẻ kinh nghiệm

Trong cuộc hội kiến tại Hà Nội với tổng thống Horst Koehler, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tuyên bố, Đức là một nền kinh tế lớn, có trình độ khoa học, công nghệ phát triển mạnh nên Việt Nam rất mong muốn hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm.

Tổng thống Đức cũng đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong chính sách phát triển kinh tế và xã hội. Ông tin tưởng là trong tương lai hai nước sẽ mở rộng hợp tác và quan hệ về nhiều mặt.

Trong cuộc hội kiến này, hai nhà lãnh đạo Việt-Đức hứa sẽ tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội, mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, đẩy mạnh trao đổi về khoa học, giáo dục, môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên và tiết kiệm năng lượng.

Theo tường thuật của tờ Lao Động thì tổng thống Đức Kohler tuyên bố rằng ông hòan toàn tin tưởng là Việt Nam dẫn đầu trong thế kỷ 21 về phát triển gắn liền với môi trường và Cộng hòa Liên bang Đức sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong chủ trương đó.

Cộng đồng người Việt ở Đức

Dịp này, tổng thống Kohler cũng cho biết, ông rất quan tâm và theo dõi tình hình Việt Nam từ khi ông còn là tổng giám đốc điều hành IMF, tức Quỹ Tiền tệ Quốc tế, qua đó ông nhận thấy những thay đổi thuận lợi và mau chóng tại Việt Nam ngày nay.

Ông cũng ghi nhận những đóng góp của tập thể hàng chục ngàn người Việt vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa tại Đức. Đây là tấm gương cho tính ham học hỏi và sự chăm chỉ, siêng năng của người Việt.

Khi được hỏi là người Việt sinh sống ra sao và đóng góp gì thiết thực cho xã hội Đức, bà Huấn từ Hamburg cho đài RFA biết: “Thế hệ trẻ Việt Nam đã học hành xuất sắc, tại Đức đã có những gia đình người Việt có ba, bốn bác sĩ, kỷ sư, tiến sĩ. Trong quân đội và trong doanh giới Đức hiện cũng có rất nhiều người Việt tham gia. So với các sắc dân khác đến định cư tại Đức từ 50 năm qua, tập thể người Việt tuy đến sau nhưng đã thành công vượt bực”.

Vẫn theo tổng thống Đức Kohler thì hai bên có thể thảo luận một cách thẳng thắn và cởi mở, cùng đưa ra những ý kiến khác biệt mà không ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Nhân quyền tại Việt Nam?

Trong khi đó, tin tức do thông tấn Reuters gởi đi từ Hà Nội thì nói rằng, trong cuộc tiếp xúc với chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng thống Đức Kohler có đưa ra thắc mặc về các phiên tòa mới đây đã tuyên án các nhân vật đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo.

Theo AFP thì chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã trả lời tổng thống Đức rằng, Việt Nam luôn yêu chuộng tự do, dân chủ, những người bị phạt tù vì họ vi phạm luật pháp chứ không phải là những người khác quan điểm chính trị với chế độ đương quyền.

Câu trả lời của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có đúng với thực tế hay không khi nhìn lại thời sự Việt Nam, ông Long, hiện định cư tại Frankfurt, Đức phát biểu: “Trước khi tổng thống Đức Kohler cùng phái đoàn sang thăm Hà Nội, cộng đồng người Việt tại Đức đã lên tiếng yêu cầu tổng thống Đức hãy đặt vấn đề dân chủ, nhân quyền với lãnh đạo Việt Nam. Lời giải thích của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là một sự quanh co, cố ý che dấu sự thật vì nếu thật sự có nhân quyền thì tại sao lại phải giải thích như vậy.”

Báo chí Việt Nam cũng loan tin là trong cuộc tiếp xúc riêng với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tổng thống Koehler cam kết hỗ trợ Việt Nam trong các lãnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, năng lượng và môi trường.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.