Một học sinh lớp 11, tác giả của hai sản phẩm robot


2006.04.03

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Trong chuyên mục tuần này, xin giới thiệu cùng quí vị và các bạn nhân vật Phạm Viên An, người học sinh lớp 11 từ một làng quê thuộc tỉnh Ninh Thuận, nhưng lại là tác giả của hai sản phẩm robot. Thứ nhất là robot nâng hàng được làm ra để giúp cho người dân quê bớt lao nhọc trong việc di chuyển nông phẩm và thứ hai là robot đôi đũa giúp cho người khuyết tật mất tay.

PhamVienAn150.jpg
Nguyễn Bình Phương và Phạm Viên An (phải) đang vận hành những chú robot nâng gắp hàng của mình. Photo courtesy TuoiTre Online.

Cậu bé Phạm Viên An sinh ra và lớn lên tại thôn Trường Sanh, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phuớc, tỉnh Ninh Thuận. Tuy ở miền quê thế nhưng Viên An đã có óc quan sát và ham mê máy móc kỹ thuật.

Niềm đam mê

Thu Quỳnh chị của Viên An cho biết về người em đam mê sáng tạo của cô và việc giúp đỡ cho người em của cô: “Lúc đầu thấy em nghịch với máy móc cũng rầy; thế nhưng sau thấy đam mê nên cũng động viên về mặt tinh thần. Đi học xa ở Sài Gòn cũng thu thập những máy móc bỏ ra gửi về cho em.”

Từ niềm ham mê riêng với sự giúp đỡ của gia đình, Phạm Viên An đã cùng hai người bà con ở cùng thôn là Nguyễn Bình Phương và Phan Nhựt Hoài Nhứt Tính, cùng nhau chế tạo con robot nâng hàng. Đây là robot được vận hành theo nguyên lý thuỷ lực truyền động qua ròng rọc nâng cánh tay gắp hàng.

Robot này được mang đi tham gia Hội thi Sáng tạo Trẻ lần thứ nhất tại Ninh Thuận hồi tháng 6 năm 2005. Từ tỉnh, robot được đề cử đi dự hội thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên cả nước sau đó ba tháng. Và lần này robot nâng hàng của nhóm Viên An, Bình Phương và Nhứt Tính được trao giải ba.

Mời bạn tham gia mục Phát minh & Đời sống. Xin email về Vietweb@rfa.org

Phạm Viên An nói về sản phẩm này: “Robot có thể giúp di chuyển nông phẩm đã bỏ vô bao. Nó có thể hoạt động trong môi trường độc hại nơi con người không thể tới.”

Và Robot nâng hàng này đang được Việt Nam chọn để tham gia một cuộc thi tại Hàn Quốc trong năm nay. Phạm Viên An cho biết việc hoàn chỉnh sản phẩm robot nâng hàng và mọi công việc chuẩn bị để tham gia dự thi: “Hiện hai bạn kia đang lo thi đại học nên một mình hoàn chỉnh. Viết bản giải trình, lo dịch sang tiếng Anh để tháng 7 đi dự thi tại Hàn Quốc.”

Thêm một sáng kiến khác

Lần ra Hà Nội dự thi với sản phẩm robot nâng hàng về lại tạo ra một cơ duyên để Phạm Viên An đến với một sáng kiến khác. Trên chuyến tàu từ Hà Nội về lại quê nhà, đôi đũa mà nhân viên đường sắt phát thừa trong một bữa ăn khiến Phạm Viên An, nhớ đến người bạn gái học cùng lớp bị mất bàn tay trái, bạn Dương thị Kim Tuyến. Ý tưởng làm ra một robot đôi đũa để giúp cho người bạn đó có thể cầm nắm, ăn uống thuận tiện hơn đã đến. Và Viên An bắt tay vào mày mò sáng chế.

Cơ bản robot bàn tay đã hình thành như mô tả của Viên An sau đây: “Robot đôi đũa giúp gắp thức ăn. Có nhiều người bị khuyết tật do chiến tranh trên thế giới nên robot này có thể giúp ích cho họ.”

Cụ thể thì Viên An đã thiết kế mạch điện một chiều và xuống Phan Rang tìm mua ống mi- ca trắng bọc dây điện dân dụng để làm giá đỡ cho thiết bị và lấy mô tơ trong máy cassette cũ chạy pin 9 vôn làm nguồn phát lực truyền động. Viên An mài những thanh nhôm mỏng làm cánh tay truyền lực vận hành theo cơ chế đổi chiều dòng điện.

Đây là một món quà mà Viên An muốn dành cho người bạn không may học cùng lớp: “Khi tuyên bố trên Chuơng trình Ước Mơ Xanh thì Kim Tuyến mới biết. Em muốn dành cho bạn một bất ngờ.”

Dương Thị Kim Tuyến khi thí nghiệm với đôi đũa robot của Viên An thừa nhận về tính năng của nó: “Giúp cho nguời khuyết tật trong việc ăn uống.”

Tuy nhiên đến nay đôi đũa robot đó vẫn chưa được đưa vào sử dụng và sản xuất vì còn trong quy trình cấp bản quyền sáng chế: “Người ta đang xem xét là sản phẩm có bị trùng không, nếu không thì sáu tháng sau có bản quyền.”

Những khó khăn

Hoạt động sáng tạo đối với một học sinh tại thành phố không dễ gì; cho nên đối với một học sinh nông thôn như Phạm Viên An thì lại càng khó khăn hơn. Thu Quỳnh, chị của Viên An cho biết về những khó khăn đó và cách thức động viên của gia đình: “Có máy móc gì thì để dành cho các em.”

Riêng Viên An thì có những cách làm của mình để có thể thoả mãn trí tò mò sáng tạo: “Học từ môn lý, kỹ thuật, hay tự quan sát.”

Mục Sáng kiến & Đời sống tuần này với hai sản phẩm robot nâng hàng và đôi đũa do nhà sáng tạo trẻ Phạm Viên An thực hiện xin được tạm dừng tại đây.

Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do. Gia Minh chào tạm biệt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.