Graham Holiday và trang web noodlepie.com


2006.07.11

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Người Việt Nam chúng ta thường có câu “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”. Thế nhưng, đối với người ngoại quốc, nhất là những người từng đến Việt Nam, thì ai ai cũng cho rằng đồ ăn Việt Nam ngon nhất, thậm chí, có du khách từng đi nhiều nơi trên thế giới còn cho rằng thức ăn Việt Nam ngon nhất thế giới.

NoodlePie200.jpg
Trang web noodlepie.com

Một trong những người ngoại quốc, hiện đang làm việc tại Việt Nam, đồng ý với ý kiến đó là anh Graham Holiday. Không những chỉ thích một vài món ăn mà thôi, anh còn tìm tòi và nghiên cứu về các món ăn của cả ba miền, rồi lập nên một trang web cho riêng mình.

Đó chính là trang web www.noodlepie.com, nơi giới thiệu ẩm thực của Việt Nam. Trong chuyện mục câu chuyện hàng tuần kỳ này, Phương Anh xin được gửi tới quí vị các chi tiết lý thú về anh Graham Holiday, chủ nhân của trang web này.

Theo lời anh Graham Holiday cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở một thành phố nhỏ gần Luân Đôn, Anh Quốc. Tuy là người Anh, nhưng anh lại rất thích thử qua các món của người châu Á. Anh kể kại: “Tôi đến Hà Nội để làm việc cho toà lãnh sự Anh khoảng 4 năm và vợ tôi có việc làm ở Sàigòn. Thế là tôi quyết định đổi việc làm và và sinh sống tại Sàigòn cách nay 4 năm. Khi tôi là thanh niên ở Anh, tôi rất thích ăn các đồ ăn Á Châu, và có ăn thử các món ăn Việt Nam ở Anh.

Lúc đó thì cũng khó phân biệt thức ăn nào là của Tàu và thức ăn nào của Việt Nam, mãi cho đến khi tôi đến Hà Nội thì tôi mới thực sự muốn tìm hiểu về món ăn Việt Nam vì mùi vị hoàn toàn khác với những món ở bên Anh. Tôi nghĩ là ở Anh, họ đã thay đổi để cho phù hợp với vị của người châu Âu hay Anh Quốc.

Và dĩ nhiên là vì cộng đồng người Việt ở bên Anh thì rất nhỏ so với các nơi khác như ở California, Hoa Kỳ, cho nên, có thể nói thức ăn Việt Nam chỉ ngon trong gia đình của họ, không thể ở nhà hàng ở Anh được.”

Món ăn đầu tiên ở Việt Nam

Tôi đã sống ở Việt Nam này lâu rồi, và một trong những sở thích của tôi là đi ăn thử những món ăn Việt Nam, nên tôi đã ăn rất nhiều món. Nhưng phải thú thực là tôi chưa hề ăn thử thịt chó. Hiện nay, món tôi thích nhất là món bún mắm của người miền Nam, cũng giống như ở Hà Nội có món bún chả, cháo lươn, miến lươn.

Được hỏi là anh đã nếm món ăn nào đầu tiên ở Việt Nam, anh cho hay: “Năm 1996 hay 1997 gì đó, tôi đến Việt Nam với tư cách là du lịch, món đầu tiên tôi nhớ là bún chả ở Hà Nội, thật là ngon tuyệt vời và cho đến bây giờ vẫn là món ăn Việt Nam ưa thích của tôi.”

Anh cũng cho biết, vì làm việc ở Việt Nam hiện giờ với tư cách là phóng viên tự do, cộng tác với các báo Time, Sunday Herald, The Guardian, Scotland Magazine, anh đi nhiều và có cơ hội thử qua nhiều món ăn ở cả 3 miền, nhưng có một món anh vẫn chưa thử qua. Anh kể:

“Tôi đã sống ở Việt Nam này lâu rồi, và một trong những sở thích của tôi là đi ăn thử những món ăn Việt Nam, nên tôi đã ăn rất nhiều món. Nhưng phải thú thực là tôi chưa hề ăn thử thịt chó. Hiện nay, món tôi thích nhất là món bún mắm của người miền Nam, cũng giống như ở Hà Nội có món bún chả, cháo lươn, miến lươn.

Ngoài ra, miền Nam cũng có món bánh xèo, bánh tráng phơi sương. Đó là những món ăn tôi thích nhất, kế đến là chả giò, chạo tôm, bánh mì pate…Ở Sàigòn, thật nhiều món ăn đa dạng và ngon lắm.”

Là người am hiểu và nếm qua nhiều món ăn khác nhau của ba miền, anh cho rằng: “Tôi sống ở Hà Nội 4 năm, tôi thưởng thức thật nhiều món ăn, tôi viết về món ăn ở Hà Nội. Tôi thích chả cá Lã Vọng, bún chả, bún ốc…Nhưng thú thật, tôi đã khám phá rằng, đồ ăn ở Hà Nội vẫn không ngon bằng Sàigòn.

Khi tôi sống ở Sàigòn, đồ ăn ở đây hoàn toàn khác, mùi vị của các món ăn ở Sài gòn thật phong phú. Vẫn biết là dân ở Hà Nội và dân Sài gòn có khẩu vị khác nhau, nhưng tôi có cảm giác là người dân Sàigòn biết cách nấu hơn, biết biến hoá thức ăn trở nên đa dạng hơn, phong phú hơn ở Hà Nội.”

Khi hỏi anh rằng, ngoài các món thức ăn, anh có thử qua các món chè không, anh nói: “Tôi cũng thử qua các món chè, mới đây, tôi có nhận được email của một người nói rằng chè ở trong Nam ngon hơn ở Hà Nội. Tôi không ăn thử nhiều các món ngọt, các món chè, nhưng tôi cũng thử qua như chè đậu xanh…Nhưng tôi ăn vô là bị buồn ngủ ngay nên cũng không dám ăn thử nhiều các món chè khác.”

Website Noodlepie

Thưa quí vị và các bạn, vào năm 2001, anh kết hôn với cô Sophie, một thiếu nữ Pháp, gốc Việt, hiện đang là cố vấn cho các trường đại học về ngôn ngữ Pháp ở Sàigòn. Thời gian này, cũng là lúc anh bắt đầu thực hiện một website cho riêng mình. Anh kể lại:

Về website Noodlepie, tôi bắt đầu thực hiện do sở thích về các món ăn Việt Nam của tôi. Tôi làm website này để ghi lại những nơi tôi và vợ tôi đã từng ăn qua, ghi lại thời gian chúng tôi sinh sống ở Sàigòn, giống như một “hồ sơ lưu trữ” vậy. Lúc đầu thì website nhỏ thôi, nhưng sau đó, nhận được những lời khích lệ, rồi hỏi thăm, thế là website nối kết với các mạng khác và trở thành nơi hướng dẫn cho khách du lịch muốn đến Việt Nam…

“Về website Noodlepie, tôi bắt đầu thực hiện do sở thích về các món ăn Việt Nam của tôi. Tôi làm website này để ghi lại những nơi tôi và vợ tôi đã từng ăn qua, ghi lại thời gian chúng tôi sinh sống ở Sàigòn, giống như một “hồ sơ lưu trữ” vậy.

Lúc đầu thì website nhỏ thôi, nhưng sau đó, nhận được những lời khích lệ, rồi hỏi thăm, thế là website nối kết với các mạng khác và trở thành nơi hướng dẫn cho khách du lịch muốn đến Việt Nam…

Và từ đó, có lúc có tới 10 ngàn người vào xem trang web, nhất là lại có weblog nữa. Ngoài ra, vì tôi cũng là một phóng viên tự do nên cũng giúp cho tôi thực hiện các bài viết của mình cho các báo, các tạp chí…vì những người chủ bút sau khi vào trang web, thường email cho tôi đề nghị viết bài này bài kia.

Cho nên, có thể nói, việc làm trang web vừa là sở thích, vừa hữu ích cho công việc của tôi, và vừa hữu dụng cho những người khách du lịch muốn đến Việt Nam.”

Phương Anh cũng liên lạc với chị Sophie Holiday, vợ của anh Graham. Theo lời chị cho biết, cha mẹ chị đều là người Việt Nam, nhưng sinh sống bên Lào. Khi chị được 7 tuổi thì gia đình di cư qua Pháp, sống ở một nơi rất ít người Việt nên không có điều kiện thưởng thức những món ăn Việt Nam.

Thỉnh thoảng, chị được mẹ làm cho những món như chả giò, mì xào, thịt kho, cá kho…và chị rất mê món ăn Việt Nam. Khi đến Hà Nội vào năm 1998, chị có dịp gặp anh Graham Holiday và từ đó, anh giới thiệu với chị những món ngon của Hà Nội. Chị kể lại lần đầu tiên gặp anh: “Sophie gặp anh Graham khi anh ấy bán chiếc xe mô tô của anh ấy, và mời Sophie đi ăn ở một quán bún chả ở Hà Nội. Lúc đầu, Sophie tưởng đi ăn ở một quán nào “bảnh” lắm, nhưng không phải như thế, cái quán đó ngồi dưới đất, nhưng cũng ngon và vui. Sophie nhớ hoài cái quán đó.”

Được biết, hiện nay anh chị có một bé trai hai tuổi rưỡi cũng rất thích đồ ăn Việt Nam, và vì công việc rất bận rộn nên anh Graham thường là người làm bếp trong gia đình. Chị kể:

“Sophie không có nhiều thời giờ để nấu, phần đông là anh Graham nấu, nhưng phần đông chỉ nấu cari Ấn Độ hay cà ri của người Thái, món cá hấp, cá chiên. Còn Sophie thì biết nấu đồ Pháp và đồ ăn Việt mà ít thôi, những món thường như đồ xào, xào rau, tôm, thịt…món gỏi. Những món chả giò, bánh cuốn, những món mất thì giờ nhiều thì Sophie không biết làm.”

Thực sự, mỗi người ở Sàigòn đều có một ý thích, một sở thích khác nhau về thức ăn, nên tôi chỉ có một lời khuyên là nếu ai muốn thử món ăn Việt Nam thì nên đến Việt Nam, gặp những người dân và đừng hỏi nơi nào du khách hay đến ăn mà hỏi nơi nào họ hay thường ăn, nơi nào đồ ăn ngon, có thể là ở trên lề đường, hay trong một quán bình dân nào đó, hay trong một nhà hàng…

Theo lời chị cho biết, khi anh Graham thực hiện website, chị không có thời gian nên chỉ biết giúp anh bằng cách hỏi thăm những người bạn cùng sở, biết chỗ nào có món ngon, lạ thì về nói với chồng, sau đó, anh Graham đi ăn thử.

Nhưng phần lớn, là anh tự tìm hiểu lấy. Cứ ra đường, thấy món lạ là thử. Sau đó, nghiên cứu, hỏi các bà bán hàng công thức, rồi ghi nhận lại và đem trình làng trên website. Được hỏi chị nghĩ sao khi chồng dành thời gian rảnh rỗi của mình để xây dựng trang web ẩm thực Việt Nam, chị trả lời ngay:

“Thích chứ, vì là người ngoại quốc mà lại để ý đến các món ăn Việt Nam, vì biết nhiều đồ ăn Việt Nam thì tốt, anh ấy còn ăn được các loại mắm nữa (cười) thí dụ như món chả cá Lã Vọng, anh ấy chấm cá với mắm tôm, bún mắm là một trong những món anh ấy thích nhất.”

Theo lời anh Graham Holiday cho hay, sở dĩ, anh đặt tên trang web là Noodlepie vì “noodle” có nghĩa là phở, là bún, còn “pie” là một loại bánh nướng của người phương Tây. Thế nên, Noodlepie mang ý nghĩa Đông – Tây hội ngộ. Được biết, trang web này thu hút gần 2 triệu lượt người truy cập và được đề cử vào tham gia vào cuộc thi Bloggies rất nổi tiếng của giới chơi blog, tức một dạng chơi trang web riêng của từng cá nhân.

Ngoài ra, có những lúc anh còn phải bỏ thời gian hướng dẫn thật cẩn thận cho những du khách tới Việt Nam lần đầu tiên nên ở đâu, ăn uống gì…Khi được hỏi anh có lời khuyên nào cho những du khách muốn thưởng thức món ngon Việt Nam, anh nói:

“Thực sự, mỗi người ở Sàigòn đều có một ý thích, một sở thích khác nhau về thức ăn, nên tôi chỉ có một lời khuyên là nếu ai muốn thử món ăn Việt Nam thì nên đến Việt Nam, gặp những người dân và đừng hỏi nơi nào du khách hay đến ăn mà hỏi nơi nào họ hay thường ăn, nơi nào đồ ăn ngon, có thể là ở trên lề đường, hay trong một quán bình dân nào đó, hay trong một nhà hàng…

Dĩ nhiên là cũng sẽ có những trường hợp bị đau bụng như đã xảy ra với tôi, nhưng đó là cách để khám phá đồ ăn Việt Nam ngon.”

Thưa quí vị, vừa rồi là câu chuyện của anh Graham Holiday, một người Anh đã thành lập trang web Noodlepie để giới thiệu các món ăn Việt Nam ra thế giới. Ở trang web này, Phương Anh tìm thấy rất nhiều hình ảnh các món ăn thuần túy quê hương kèm với địa chỉ nơi bán. Bên cạnh đó, còn có cả cách thức chỉ dẫn nấu ăn các món.

Thật là một trang web ẩm thực Việt Nam được tạo dựng rất công phu, và chẳng ngạc nhiên tí nào khi được biết có rất nhiều khách ngoại quốc tìm đến anh để nhờ hướng dẫn. Quí vị thính giả nào thích thú với món ăn Việt Nam thì vào trang web Noodlepie coi thử xem nhé và mục Câu Chuyện Hàng Tuần xin chấm dứt nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.