Giới đầu tư nước ngoài bắt đầu chú ý đến thị trường kinh doanh bất động sản Việt Nam (phần 2)
2006.03.14
Trà Mi, phóng viên đài RFA
Trong chương trình trước, chúng tôi đã gửi đến quý vị cuộc trao đổi giữa Trà Mi với ông Võ Đình Quốc, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần địa ốc ACB và một nhân viên bán hàng của công ty liên doanh bất động sản Phú Mỹ Hưng bàn về thực trạng và tiềm năng của thị trường địa ốc nội địa hiện nay, cũng như sự tham gia của giới đầu tư nứơc ngoài vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại Việt Nam.
Sức thu hút của thị trường bất động sản Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài ra sao? Những yếu tố nào khiến giới đầu tư ngoại quốc bắt đầu chú ý đến khu vực kinh doanh bất động sản tại Việt Nam? Và những khó khăn trở ngại nào đang còn cản chân họ?
Mời quý vị tiếp tục theo dõi phần 2 của loạt bài này, qua cuộc phỏng vấn của Trà Mi với ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành Công ty tư vấn, quản lý, và tiếp thị bất động sản CB Richard Ellis Vietnam, một doanh nghiệp uy tín trên thế giới, chuyên đánh giá về thị trường địa ốc, có trụ sở tại Việt Nam.
Ông Marc Townsend: Thị trường địa ốc Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội. Nhu cầu về các căn hộ cao cấp, trung tâm mua sắm, và những văn phòng mới với chất lượng cao hơn đang ngày càng tăng cao. Trong khoảng thời gian từ 1997 đến 2003, rất ít công trình cao ốc, văn phòng, và khu mua sắm được xây dựng.
Thế nên, thời điểm bây giờ là cơ hội tuyệt vời cho các nhà đầu tư địa ốc trong nước và khu vực. Còn về thị trường nhà chung cư cao cấp kiểu condo, thì hầu như vẫn còn trong giai đoạn sơ khởi. Phần đông người Việt Nam vẫn còn sống trong những căn nhà kiểu truyền thống Châu Á gần nhau, nhưng ở thế hệ trẻ đang có 1 xu hướng thích sống độc lập và chuộng các căn hộ theo kiểu hiện đại.
Hai năm gần đây, với những biến chuyển tích cực của nền kinh tế, dần dần đã có nhiều người đủ khả năng tậu những căn hộ trong các chung cư cao cấp. Tuy nhiên, trong giai đoạn giá cả leo thang như hiện giờ thì thị trường này có phần hơi lắng đọng.
Hiện tại, chúng ta thấy các nhà đầu tư lớn từ Singapore, và đặc biệt là từ Hàn Quốc đang chiếm một vài vị trí quan trọng tại khu vực miền Nam như Đà Nẵng và Sài Gòn. Tóm lại, thị trường bất động sản tại Việt Nam rất thú vị.
Một trong những trở ngại lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài vẫn là làm thế nào để hiểu rõ về các quy định, luật lệ đất đai và thông suốt về pháp lý. Các luật lệ về đất đai và những khó khăn trong việc xin phép đầu tư luôn là những chướng ngại lớn nhất trong công việc kinh doanh bất động sản ở bất cứ thị trường nào, nhất là ở Việt Nam.
Trà Mi: Như vậy có phải ý ông muốn nói đây là thời điểm tốt nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam hay không?
Ông Marc Townsend: Không phải là tốt nhất, nhưng chắc chắn là giai đoạn tốt để đầu tư. Có nhiều yếu tố khiến ta có thể lạc quan thứ nhất là tính phát triển bền vững của thị trường trong thời điểm này. Thứ hai, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư làm ăn tại Việt Nam.
Thêm vào đó, nhiều công ty nội địa kể cả nhà nước lẫn tư nhân đã bắt đầu hướng tới giá trị và hiệu quả của không gian làm việc. Những điều này khiến cho nhu cầu về cao ốc và văn phòng làm việc hiện đại, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi ngày càng tăng cao.
Trà Mi: Ông đánh giá như thế nào về môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam?
Ông Marc Townsend: Môi trường làm ăn tại Việt Nam đầy thử thách.
Trà Mi: Chỉ nói riêng về thị trường bất động sản thì đối với giới đầu tư nước ngoài, khó khăn và thách thức lớn nhất là gì, thưa ông?
Ông Marc Townsend: Một trong những trở ngại lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài vẫn là làm thế nào để hiểu rõ về các quy định, luật lệ đất đai và thông suốt về pháp lý. Họ phải trải qua nhiều công đoạn như luật sư, các nhà tư vấn và nhiều khâu dịch vụ hỗ trợ trong kinh doanh thị trường bất động sản. Các luật lệ về đất đai và những khó khăn trong việc xin phép đầu tư luôn là những chướng ngại lớn nhất trong công việc kinh doanh bất động sản ở bất cứ thị trường nào, nhất là ở Việt Nam.
Trà Mi: Thế thì những yếu tố nào khiến cho thị trường địa ốc Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn và đầy hứa hẹn đối với các ông chủ nước ngoài?
Ông Marc Townsend: Dĩ nhiên, họ đang nhắm vào giá trị nguồn vốn rất cao dựa trên giá kinh doanh mỗi mét vuông đất. Đối với các căn hộ chung cư cao cấp ở TPHCM hay Hà Nội, giá thông thường là từ 2000-2300 đô la/ một mét vuông.
Như vậy là rất cao, tương đương với ở Bangkok. Một yếu tố khác thu hút các ông chủ địa ốc chính là lợi tức cao. Giá cho thuê văn phòng từ 19-25 đô la/mét vuông hàng tháng. Như vậy, tỷ lệ lợi tức thu về là khoảng từ 8-12% . Trong khi ở Singapore, tỷ lệ này chỉ từ 3-5%, còn ở Thái Lan là từ 5-8% mà thôi.
Hơn nữa, bây giờ, giới đầu tư ngoại quốc đã có thể đầu tư 100% vốn cho các dự án bất động sản thay vì phải liên doanh với các công ty nội địa như trước đây, vốn nảy sinh nhiều áp lực liên quan đến quyền sở hữu.
Ngoài ra, trong mắt nhiều nhà đầu tư, Việt Nam là một thị trường đang rộng mở. Với 84 triệu dân, thị trường về nhà chung cư cao cấp tại đây đang hứa hẹn nhiều tiềm năng. Mặc dù mức thu nhập bình quân đầu người chỉ gần 700 đô la theo thống kê của nhà nước, thế nhưng, nhìn ra đường phố Sài Gòn, chúng ta sẽ thấy rằng ngày càng có nhiều người lái những chiếc xe gắn máy đời mới, trị giá từ 4-8 ngàn đô.
Xe ô tô ngày càng trở nên phổ biến, ngay cả những nhãn hiệu sang trọng như Mercedes. Ngày nay, chúng ta thấy có nhiều người Việt Nam đến sân golf hơn. Thanh niên thì sử dụng những kiểu điện thoại di động đắt tiền, và những người trẻ thành công đang hứơng tới những căn hộ cao cấp hiện đại.
Trà Mi: Là một chuyên gia trong ngành tư vấn địa ốc, theo ông, hướng phát triển sắp tới của thị trường bất động sản Việt Nam sẽ như thế nào?
Ông Marc Townsend: Không một loại thị trường nào có thể tăng trưởng đi lên mãi, nhưng điều có thể thấy trước mắt là thị trường bất động sản tại Việt Nam đang thu hút nhiều nhà đầu tư mới và nhỏ. Riêng về cao ốc văn phòng thì hiện tại, chúng ta thấy rằng cầu tiếp tục vượt cung.
Sắp tới sẽ có nhiều cao ốc mọc lên tại Việt Nam, điều này sẽ giúp làm thay đổi bộ mặt cơ sở hạ tầng. Trong tương lai, thị trường bất động sản tại các thành phố lớn ở Việt Nam sẽ còn nóng hơn nữa, vì hiện nay mặc dù có nhiều dự án cao ốc văn phòng đang được triển khai, nhưng dự đoán vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu đang tiếp tục tăng rất cao, và một khi cung không đủ cầu thì giá thuê sẽ chắc chắn còn tăng cao hơn nữa.
Còn về thị trường căn hộ chung cư cao cấp ở Việt Nam, vì chỉ mới ở bước sơ khai cho nên sắp tới sẽ tiếp tục có những dao động về mặt giá cả lẫn nhu cầu. Trà Mi: Cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi hôm nay.
Theo dòng sự kiện:
- Giới đầu tư nước ngoài bắt đầu chú ý đến thị trường kinh doanh bất động sản Việt Nam (phần 1)
Những bài liên quan
- Giới đầu tư nước ngoài bắt đầu chú ý đến thị trường kinh doanh bất động sản Việt Nam (phần 1)
- Ðoàn doanh nghiệp cấp cao Hoa Kỳ viếng thăm Việt Nam
- Nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam
- Nguyên nhân của làn sống đình công lan rộng trên toàn quốc
- Giới báo chí được nhắc nhở phải “thông tin có liều lượng” về các cuộc đình công
- Việt Nam đề nghị quy chế Mậu Dịch Bình Thường vĩnh viễn với Hoa Kỳ
- Vì sao những vụ đình công qui mô lớn gần đây liên tục xảy ra?
- Doanh nhân trong nước nhận xét gì về tình trạng đình công lãn công hiện nay?
- Phản ứng của người dân trước tin Việt Nam cho phép nhập khẩu xe ô tô đã qua sử dụng
- Phỏng vấn ông Steve Parker, Giám Ðốc Dự Án STAR-Vietnam
- Ông Võ Văn Kiệt: Việt Nam phải tiếp tục đổi mới một cách triệt để
- Nhận định của LS Trần Vũ Hải vụ sập tiệm hệ thống trường ngoại ngữ SITC
- Sau một thế kỷ rưỡi, Western Union chấm dứt dịch vụ điện tín
- Thị trường bất động sản vẫn ngưng trệ vì giá vàng tăng cao
- Công nhân viên Sài Gòn chật vật với mức lương trung bình hàng tháng
- Doanh nghiệp FDI Việt Nam ăn Tết
- Những mặt tích cực và tiêu cực của ngành du lịch Việt Nam
- Hậu quả của việc lấn chiếm sông rạch để cất nhà tại Sài Gòn
- Công Ty Văn Hoá Phương Nam và “Dự Án” Phạm Duy với 20 năm bản quyền
- Liệu Việt Nam có thể trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020?