Lê Dân, phóng viên đài RFA
Những vụ nông dân khiếu tố cấp chính quyền địa phương "xà xẻo" đất đai xem chừng như nghe đã quá nhàm tai ở Việt Nam, Trung Quốc hay Kampuchia. Thế nhưng mới đây, những nông dân trong tỉnh Quảng Đông đã giành được phần thắng lợi, dù chưa hoàn toàn. Lê Dân lược thuật sự việc như sau.

Nông dân huyện Phan Ngung trong tỉnh Quảng Đông đã khiếu nại, khiếu tố nhiều tháng trời về việc một quan chức địa phương bán đất công một cách không minh bạch.
Tại Trung Quốc từ hơn thập niên qua, Bắc Kinh đã cho các vùng nông thôn được hưởng một phần dân chủ. Đó là ở cấp xã và ấp, mọi người đều có quyền tự do ra ứng cử, không phải cần một loại "Mặt trận Tổ quốc" đưa ra như khi trước. Tuy nhiên phía đảng bộ cũng có quyền cắt đặt một số chức vụ then chốt tại địa phương.
Nông dân xã Đại Thạch, huyện Phan Ngung, tỉnh Quảng Đông, từ hồi tháng Bảy đã liên tục biểu tình, vận động bãi chức vị chủ tịch xã do họ bầu lên. Lý do là ông này là nhân vật chủ chốt trong vụ bán đất công khoảng 133 hếcta để thu 100 triệu nhân dân tệ, tức tương đương với 12 triệu đôla Mỹ.
Khiếu kiện lên đến Trung ương
Các nông dân đã nhờ luật sư tìm hiểu và thấy là thủ tục mua bán không minh bạch và họ ngờ chủ tịch xã, ông Trần Tiến Thăng, đã phạm tội tham ô.
Họ đã nạp đơn khiếu tố, khiếu nại từ địa phương, lên đến tỉnh và cả tới trung ương, mà không được một sự đoái hoài nào. Một lão nông ở xã Đại Thạch cho nữ phóng viên thường trú của đài Á châu Tự do tại Hồng Kông biết là vì thế mà mọi người tự nguyện mua nước uống, thức ăn và may băng-rôn biểu tình hàng tuần lễ trước trụ sở huyện Phan Ngung.
Ông nói là tất cả mọi dân làng đều phẫn uất và các cuộc biểu tình kéo dài đã hơn một tháng. Hồi tuần trước, cảnh sát chống bạo động đã can thiệp, dùng cả súng phun nước bắn vào đám biểu tình bất kể đa số là người già lão, kết thúc cuộc tuyệt thực của họ bằng bạo lực.
Tuy nhiên, trong sự bất ngờ của dân chúng và giới truyền thông, nhà cầm quyền huyện Phan Ngung đột nhiên loan báo sẽ cho tổ chức bầu cử Hội đồng và Ủy ban Xã Đại Thạch, dù rằng còn 27 người biểu tình vẫn chưa được trả tự do. Huyện cho biết Ủy ban Xã mới được bầu sẽ quyết định là có bãi chức nguyên chủ tịch xã Trần Tiến Thăng về tội tham ô hay không.
Một lão nông cho phái viên đài Á châu Tự do, ban Quảng Đông, biết là nhà cầm quyền giữ kín quyết định và chỉ loan báo vào giờ chót, cận ngày bỏ phiếu. Ông nói Ủy ban Huyện công bố danh sách 7 ứng cử viên, nhưng không một ai trong số người đó đáp ứng được sự mong đợi của đại đa số. Do đó dân làng đã đề cử một danh sách 7 ứng viên khác.
Dân chủ thắng lợi dù chưa hoàn toàn
Trong lúc 27 lão nông còn bị giam cầm và luật sư nhân quyền nổi tiếng Quách Phi Hùng bảo vệ cho họ, đột nhiên "mất tích", 7 ứng viên của quần chúng đã thắng cử vẻ vang vào Ủy ban Xã Đại Thạch. Như vậy, dân chủ đã thắng lợi, dù là chưa hoàn toàn.
Lý do là hai trong số 27 lão nông bị giam giữ 15 ngày theo lệnh quản chế hành chánh, đã bị chuyển sang tình trạng quản chế hình sự, và luật sư Quách Phi Hùng vẫn biệt vô âm tín. Điện thoại di động của ông không một tiếng trả lời.
Một luật sư khác, hành nghề tại thủ phủ Quảng Châu, là ông Đường Cẩn Lâm, nhận xét rằng dù là nông dân thắng trong cuộc bỏ phiếu bầu chọn những ứng viên xứng đáng của họ, vụ việc này chưa phải là hoàn toàn kết thúc.
Các học giả, luật gia Trung Quốc đã đồng thanh lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền trả tự do cho những nông dân bị giam giữ. Một nhà tranh đấu cho nữ quyền và cũng là giáo sư đại học danh tiếng Trung Sơn ở Quảng Châu là bà Ái Tiểu Minh hồi tuần qua đã viết thư cho Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhờ can thiệp.
Bà nói với đài Á châu Tự do rằng nếu Thủ tướng biết sự thật những gì đang xảy ra thì chắc là sẽ lấy làm bất bình. Chỉ lo rằng ông không biết, vì những khi ông đến Quảng Đông thì báo chí địa phương chỉ loan toàn những thông tin tốt đẹp.
Bà nhấn mạnh rằng hành vi bắt giữ người hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc gia và không thể chấp nhận được. Bà hỏi rằng ai nỡ xâm hại những cụ già đã 80 tuổi. Đặc biệt là trường hợp của lão nông Phương Chấn đã 90 tuổi, mà vẫn bị đánh gãy hai ba xương sườn và còn bị giam cầm.
Tin tức mới nhất cho biết trong số 7 ứng viên do dân bầu lên, hiện đã có đến 6 người "tự ý" xin thôi chức. Một nông dân xã Đại Thạch cho biết thân nhân của các người đó bị áp lực, hoặc sự đe dọa của nhà cầm quyền, đã vận động 6 người này rút lui khỏi cuộc tranh đấu để yên thân.
Ở Việt Nam tình trạng đất công bị quan chức "xà xẻo" là chuyện thường ngày ở huyện. Điển hình như các vụ bị tố giác như ở Phú Quốc, Lâm Đồng, đài phát sóng Quán tre, và gần đây nhất là vụ đất tái định cư của dân lại được cấp cho bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa, mà ông bí thư còn đòi "xử lý ban biên tập báo Vietnam Net".
Tuy nhiên hầu hết những vụ đó, sau khi quan chức "tự nguyện" trả lại, thì phần lớn vẫn "hạ cánh an toàn". Còn dân chúng dù từ miền Nam xa xôi ra tận Hà Nội khiếu tố, ăn nằm ngay tại vườn hoa Ba Đình hàng tháng trời cũng chẳng ai đoái hoài.