Nhân ngày Quốc tế chống HIV/AIDS, Việt Nam nên bảo vệ lao động trôi nổi


2005.12.01

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Ngày mùng 1 tháng Mười Hai mỗi năm được quốc tế chọn là ngày phòng chống HIV/AIDS. Nhận thức đây là căn bệnh thời đại có thể đe dọa đến kinh tế-xã hội, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trên phương diện này. Tuy nhiên một nhóm người có nguy cơ lây nhiễm và lan truyền cao lại ít được đề cập tới. Lê Dân trình bày sự việc như sau.

HivAid200.jpg
Số người mang virus HIV tại Việt Nam ngày càng gia tăng. AFP PHOTO

Tại Hội nghị Quốc gia HIV/AIDS lần thứ 3 vừa tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi tuần qua, tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, viện trưởng Viện Vệ sinh-Dịch tễ Trung ương, cho biết kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1990 cho tới nay, dịch đã lan ra khắp 64 tỉnh, thành của cả nước.

Ngày càng gia tăng

Số người mang virus HIV tại Việt Nam từ năm 2000 cho tới nay đã tăng lên gấp đôi và sẽ lên tới 263 ngàn người vào cuối năm nay, 2005. Trong số đó, các ca nhiễm mới từ 5 đến 7 ngàn người một năm.

Hội nghị cho rằng đáng lo nhất là sự kết hợp giữa tiêm chích ma túy và mại dâm, là nguyên do làm cho dịch HIV/AIDS tại Việt Nam thêm căng thẳng. Cứ 3 người tiêm chích ma túy thì đã có 1 người nhiễm HIV. Tỷ lệ gái mại dâm trên toàn quốc có mang virus là 18%, còn tỷ lệ này ở nhóm nam đồng tính tại Thành phố Hồ Chí Minh là 8%.

Đa số người nhiễm HIV/AIDS tập trung ở các thành phố lớn như Sàigòn, Hải Phòng, Hà Nội và Cần Thơ. Thế nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là những người đó có hộ khẩu chính thức tại các thành phố lớn hay không ? Và sau khi bị nhiễm HIV/AIDS, dù biết hay không biết, thì họ đi đâu, làm gì ?

Những câu hỏi đó chưa có câu trả lời chính thức từ các số liệu thống kê được đưa ra ở các hội nghị tại Việt Nam.

Cứ 3 người tiêm chích ma túy thì đã có 1 người nhiễm HIV. Tỷ lệ gái mại dâm trên toàn quốc có mang virus là 18%, còn tỷ lệ này ở nhóm nam đồng tính tại Thành phố Hồ Chí Minh là 8%.

Thành phần lao động trôi nổi

Bên Trung Quốc, trong hội nghị tòan quốc về Phòng chống HIV/AIDS hôm thứ Hai vừa qua tại Bắc Kinh, thứ trưởng Y tế Wang Longde khẳng định rằng thành phần lao động trôi nổi phải được xem là một nhóm dân số có nguy cơ lây nhiễm và lan truyền HIV cao.

Lý do chủ yếu là có một tỷ lệ không nhỏ rơi vào tệ nạn mại dâm và ma túy, sau đó khi trở về lại lây nhiễm cho các người thân ở quê nhà, như vợ chồng, con cái, bạn bè....

Tình trạng này đã được các tổ chức quốc tế nêu lên nhiều lần, như tại Kampuchia, Ấn Độ và Trung Quốc. Rất nhiều bà vợ, bà mẹ, suốt đời chưa bước ra khỏi lũy tre làng mà cũng mắc bệnh AIDS do chồng đi làm ăn xa mang về. Số phụ nữ đáng thương đó ngày càng đông hơn số gái mại dâm.

Lý do là một cô gái bán dâm tiếp hàng chục khách mỗi ngày, mấy chục ông khách đó về nhà truyền bệnh cho mấy chục bà vợ ở nhà, và khi sinh con, không biết bao nhiêu trẻ sơ sinh bị lây nhiễm virus HIV.

Một bé gái 10 tuổi, bị nhiễm HIV và bị gởi vào trung tâm Mai Hòa ở Thành phố Hồ Chí Minh kể lại với ban Việt ngữ: “Con là Bùi thị Yến Vi, hiện đang học lớp 2 và con 10 tuổi. Mẹ con chết từ hồi còn nhỏ, lúc mẹ con bị bịnh rồi ba con gởi con vô đây. Con sống ở đây được các dì, các chú cho uống thuốc...”

Thứ trưởng Y tế Trung Quốc cho biết nước ông có ít nhất là 120 triệu lao động nông thôn đổ lên thành thị kiếm việc làm. Hầu hết đều còn trẻ, nên dễ dàng sa vào tệ nghiện ma túy hoặc mãi dâm. Tuy nhiên họ lại thiếu trình độ hiểu biết khoa học và đặc biệt là về HIV/AIDS. Thêm vào đó là việc khám và chữa bệnh thì các địa phương chỉ giành cho người có hộ khẩu thường trú mà thôi.

Thiếu thông tin về bệnh HIV/AIDS

AidsChina200.jpg
Tấm áp phích quảng cáo phòng chống AIDS tại một trạm xe điện ngầm ở Bắc Kinh. AFP PHOTO

Vì lý do đó mà tại hội nghị ở Bắc Kinh hôm thứ Ba, Nội các cùng bộ Y tế và một số ban ngành trung ương của Trung Quốc đã cộng tác tung chiến dịch khởi sự vào đầu tháng Mười Hai, nhằm cung cấp thông tin về HIV/AIDS cho lượng lao động trôi nổi này phải đạt 65% vào cuối năm tới và 85% vào cuối năm 2010.

Tại các buổi hội thảo tương tự tại Việt Nam, ít có tiếng nói nào nêu lên nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao đó, dù rằng có nhiều viên chức khẳng định nhiều người thuộc thành phần nhập cư này rơi vào tệ nạn mại dâm và nghiện ma túy khi lên thành phố.

Để tạm kết thúc, chúng tôi xin viện dẫn lời nhắn nhủ của một thanh niên tỉnh nhỏ, lên Sàigòn kiếm việc làm, sa vào con đường ma túy và nhiễm HIV. Anh kêu gọi những người trong hoàn cảnh tương tự hãy cố giữ mình và đừng làm khổ vợ con, vốn là những người vô tội, vô can.

“Có những người cũng chơi như Đức thì không nói. Nhưng cũng có những người bị người khác truyền lại, chẳng hạn như vợ bị chồng truyền hay con cái bị cha mẹ truyền, thì nhìn những cái cảnh đó Đức chịu không được. Mình thấy xót xa, không muốn những người khác tiếp tục gây tội lỗi như vậy nữa, để những người khác vô tình không có chơi cái gì hết, mà lại mắc cái bịnh này...”

Nước nào cũng nhận thức được tầm nguy hại của căn bệnh thế kỷ này, ai cũng đồng ý về phương cách hiệu quả nhất là tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu rõ để tự bảo vệ mình mà Hội nghị tổng kết 5 Năm công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS ở Hà Nội hôm thứ Tư gọi là một thứ "vaccine".

Thế nhưng câu hỏi lớn nhất là "nên dùng vaccine đó ở đâu, vào lúc nào cho hiệu quả nhất" ? Bắt đầu từ trường học chăng, và khởi đầu từ lớp mấy là thích hợp nhất ?

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.