Người tàn tật về thắp sáng cuộc sống cho người khuyết tật


2007.07.12

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

PWD Soft là công ty phần mềm đầu tiên dành cho người khuyết tật ở Việt Nam. Với 21 nhân viên có trình độ cao thấp về vi tính, hầu hết là người bại liệt, được huấn luyện và đào tạo để trở thành những người chuyên nghiệp và có trình độ trong lãnh vực công nghệ thông tin.

DoVanDu200.jpg
Ông Đỗ Văn Du thăm các em nhỏ mắc bệnh não úng thuỷ. Hình của báo Tổ Quốc.

Đến Hà Nội và hỏi về PWD Soft quí vị sẽ thấy rất nhiều người biết về công ty phần mềm độc đáo này. Tại đây, Thanh Trúc gặp hai người, anh Huy đến từ Hải Phòng và anh Vì đến từ Hà Tĩnh. Mời hai bạn chào hỏi quí thính giả đang nghe chương trình Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay:

Huy: Cái này là em biết qua thông tin đại chúng và biết chú Du từ khi chú ấy có ý tưởng mở công ty đào tạo những người khuyết tật. Công ty của chú mới mở nhưng vì ý tưởng của chú là lâu rồi cho nên em cũng có tâm huyết nên là cũng theo. Vào đây là em thấy vui, tự tin vì được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp.

Vì: Em thấy cũng ổn vì vào đây thấy mọi người cùng nhiệt tình, cảm thấy ban đầu là vất vả nhưng mà bây giờ thì đỡ hơn. Trước đây em cũng làm ở một công ty khác nhưng khi đọc trên báo thì em quay về đây. Mọi người cùng hoàn cảnh thì thấy thông cảm với nhau và làm việc nó hay hơn.

Quyết tâm thay đổi số phận nghiệt ngã

Thì ra đây là công ty mới thành lập tháng Mười Một năm 2006, giám đốc mà quí vị nghe hai anh Huy và Vì nhắc tới là anh Đỗ Văn Du, một Việt kiều xuất thân từ Cửa Nhà Đồ gần Nam Đài của thành phố Huế.

Năm 14 tuổi, bom đạn chiến tranh cướp đi của Đỗ Văn Du một bên tay và một bên chân. Trở thành kẻ tàn tật, Du lao vào việc học với quyết tâm thay đổi số phận nghiệt ngã của mình. Năm 1971, Đỗ Văn Du được học bổng qua Hoa Kỳ để học ngành kiến trúc.

Tốt nghiệp rồi Du mới thấy mình không làm gì được với nghề kiến trúc, bởi hồi đó làm gì có chuyện vẽ trên máy, làm gì có máy vi tính để hổ trợ người khuyết tật như bây giờ. Mời quí vị nghe anh Du kể tiếp:

Du: Làm kiến trúc thì phải vẽ rất giỏi, nhưng mà mình có một tay thì nó hơi phức tạp đấy. Học xong rồi thì kiếm việc làm cũng khó khăn, thành thử mình làm nhiều nghề lắm. Năm 87 thì đi học chương trình đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật của IBM, Boeing và Microsoft tài trợ.

Thì chương trình lập trình viên là chương trình đào tạo một năm cho những người khuyết tật xong là có việc và đi làm liền đấy, mấy hãng IBM, hang Boeing và hãng Microsoft đều mướn mấy người đó. Chương trình này có 500 người được tuyển và đào tạo, bây giờ họ trở thành những chuyên gia công nghệ thông tin rất là giỏi.

Động lực thúc đẩy

Thế rồi động lực nào thúc đẩy Đỗ Văn Du trở về Việt Nam lập công ty phần mềm dành cho người khuyết tật?

Du: là vì mình sống bên Mỹ thì môi trường tiếp cận, nói đúng ra là môi trường không rào cản đó, là có công bằng trong vấn đề công ăn việc làm cho người khuyết tật. Có nhiều chương trình rất là hay thì họ tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật để mà cập nhật được, tiếp cận được những chương trình đào tạo công ăn việc làm.

Mình thấy là ở Việt Nam mình còn nghèo về lãnh vực đó thì mình muốn về để chia sẻ hết những kinh nghiệm đó với tính cách la phục vụ, giống như tạo cho họ một cái cần câu thôi rồi họ sẽ trở thành những người giỏi.

Những người đó cũng không khác gì mình hồi xưa, mà hồi trước mình qua bên kia cũng có nhiều người họ có điều kiện họ giúp mình rồi, thì bây giờ mình trả ơn lại bằng cách chia sẻ những cái may mắn của mình cho những người sau này.

Từ năm 1988 Đỗ Văn Du đã về Huế, đến thăm Bệnh Viện Trung Ương, sau đó quay lại Mỹ, huy động các đoàn bác sĩ qua hổ trợ cho nhiều chương trình chữa trị của bệnh viện:

Du: Khí mà tôi qua thăm bệnh viện trung ương Huế thì bác sĩ Phạm Như Thế hối đó là phó giám đốc nói rằng anh Du cứ về bên Mỹ huy động giúp cho bệnh viện. Thì tôi về tôi huy động được rất nhiều bác sĩ về để cộng átc với bệnh viện. Từ năm 92 đến giờ cũng gần hai chục đoàn bác sĩ về làm việc với Bệnh Viện Trung Ương Huế và với trường Đại Học Y Khoa Huế.

Vẫn nung nấu ý tưởng thành lập một công ty về công nghệ thông tin cho người khuyết tật ở quê nhà, năm 2003 Đỗ Văn Du lại về nước, khi đó có một đề án của Mỹ tài trợ cho một nhóm phi chính phủ và đang đào tạo khóa đầu tiên gồm 29 người từ Cà Mau đến Lạng Sơn.

Du: Hai mươi chín bạn lập trình viên khuyết tật này trải qua chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, giáo trình bằng tiếng Anh. Chương trình một năm này học xong thì có chứng chỉ của Microsoft gọi là MCP đó. Chương trình này xong thì có rất nhiều công ty muốn mướn mấy bạn, trong đó có công ty mình lập ra năm ngoái với 20 thành viên cũng là người khuyết tật đang làm việc.

Công ty People With Disabilities

Được hỏi tại sao lại chọn Hà Nội để mở công ty, Đỗ Văn Du nói:

Du: PWD có nghĩa là People With Disabilities, là công ty công nghệ thông tin của người khuyết tật. Cái mô hình không rào cản, có nghĩa là chổ làm người đi xe lăn vào được.

Và công ty tập trung vào đào tạo nâng cấp cho mấy bạn khuyết tật để mấy bạn có thể trở thánh những chuyên gia công nghệ thông tin giỏi và làm được với các công ty nước ngoài để gia công phần mềm.

Tại vì những công ty gia công phần mềm phần nhiều ở thành phố Hồ Chí Minh hay thành phố Hà Nội. Vấn đề công nghệ thông tin cho người khuyết tật là một cơ hội rất tốt cho người khuyết tật.

Ở Việt Nam mà muốn nâng cao nhận thức thì phải đến trung tâm chính của Việt Nam là Hà Nội. Làm ở đây thì gần gủi với ngành, bộ và nhà nước và mấy nhóm phi chính phủ họ có thể tiếp cận được và họ có thể thấy chương trình này thì họ có cái ý thức tốt hơn.

Anh mô tả mức độ khuyết tật của nhân viên trong công ty PWD Soft do anh làm giám đốc:

Du: Phần nhiều mấy bạn gọi là bại liệt đó. Trong thời gian thậm chí đến năm 85, 86 mấy bạn không được chích ngừa. Thì bây giờ mấy bạn bị liệt một chân hay là hai chân, một số bạn phải ngồi xe lăn. Nhưng mà mấy bạn này là đã từng có bằng đại học, từng đi học ở trường này trường kia mà có mấy trường rất là giỏi học bốn, năm năm ra nhưng không có việc làm.

Là vì sao? Một là mấy công ty không có chổ xe lăn cho họ vào, hai nữa giáo trình đào tạo của họ tiêu chẩun chưa cao lắm để có thể đi làm cho mấy công ty nước ngoài, làm gia công phần mềm cho công ty nước ngoài.

Thứ ba nữa là vấn đề mình rất bức xúc, là vì nhận thức của người mình ở đây chưa được tốt lắm, nói đúng ra là họ bị kỳ thị đó. Bên Mỹ là không nên nói ra những cái vấn đề khuyết tật hay không khuyết tật, ăn thua là người đó có làm được việc hay là không.

Đỗ Văn Du hăng say bàn đến tương lai của những người khuyết tật đang làm việc ăn lương trong công ty của anh:

Du: Rất là tươi sáng. Tôi đang ngồi ở đây điều phối với mười người làm gia công phần mềm cho một công ty ở bên Mỹ. Nếu mà họ cứ tiếp tục làm theo lộ trình mong muốn của công ty thì cỡ chừng một thời gian sáu tháng đến một năm nữa họ sẽ không thua gì những người làm cho công ty FPT hay là những công ty gia công phần mềm của nước ngoài.

Mong mỏi

Từng sống và sinh họat ở một đất nước tân tiến nhắc tới những phương tiện dành cho người khuyết tật ở đất Mỹ, Đỗ Văn Du so sánh với hoàn cảnh thiếu thốn lẫn sự thiếu hiểu biết hay tính cách kỳ thị đối với người khuyết tật ở Việt Nam, điều mà anh luôn mong mỏi được cải thiện:

Du: Tôi cũng đang hợp tác và đóng góp chia sẻ những kinh nghiệm của tôi ở bên Mỹ chị ạ. Ở đây có rất nhiều nhóm khuyết tật làm việc với những nhóm phi chính phủ và những hội về người khuyết tật. Anh em ở đây là đang đề nghị với chính phủ Việt Nam quan tâm đến vấn đề này.

Họ đang triển khai nhiều chương trình từ hai ba năm này đến bây giờ là đã có nhiều chương trình coi như là nhảy vọt, nhất là về lãnh vực cho người khuyết tật. Tôi tin rằng một ngày nào đó trong tương lai cái mô hình không rào cản sẽ có ở Việt Nam …Nhưng thời gian đó cũng hơi lâu tại vì cơ sở hạ tầng là một vấn đề rất là phức tạp để tạo ra mô hình đó.

Ở bên Mỹ thì nói thật là bây giờ ít có những trung tâm riêng cho người khuyết tật vì những cơ sở như trường học hay là chỗ dạy nghề hay chỗ ăn chỗ ở nó hoà nhập hết. Khi mà làm cái chi thì họ thiết kế cho tất cả chứ không phải là thiết kế cho người khuyết tật. Người khuyết tật hay không khuyết tật ai cũng đóng góp được hết.

Đối với một người đầu tư rất nhiều tiền để công ty phần mềm dành cho người khuyết tật có thể họat động được, Đỗ Văn Du vẫn thường tâm đắc rằng công nghệ thông tin là lãnh vực vô cùng cần thiết, lợi ích và phù hợp nhất cho người khuyết tật. Tại sao, anh giải thích:

Du: Là vì cái vấn đề đi lại thì cũng không cần đi lại nhiều. Cái thứ hai nữa trí tuệ là cần về phân tích, về logic về analysist đó. Giống như tôi hay là mấy bạn khuyết tật thì có nhiều kinh nghiệm về vấn đề phân tích hơn người khác vì khi một người bị tai nạn bị khuyết tật thì họ dùng cái đầu óc họ suy nghĩ để lựa chọn và họ mơ ước rất nhiều, thành thử cái đầu óc họ dùng nhiều hơn.

Nghề lập trình viên là đòi hỏi những sự suy nghĩ đó. Đúng ra người khuyết tật có khiếu đó, thậm chí có khi khá hơn những người khác tại vì cái nhóm anh em ở bên Mỹ đã chứng minh điều đó rồi, thì tạo ra một cái cơ hội để cho người ta tiếp cận và cập nhật được thì thành tích là năm trăm đến một nghìn người ra làm việc với công nghệ thông tin.

Ở Việt Nam này cũng như vậy, có bốn năm tháng thôi mà bây giờ là họ đã có lương bổng rất cao rồi, khỏi cần giải thích nhiều, cứ cho họ cơ hội để họ chụp lấy và họ sẽ hết mình để trở thành người giỏi.

Không phải vấn đề từ thiện

Bỏ công việc ở Hoa Kỳ, về nước lập công ty phần mềm cho người khuyết tật, nhưng Đỗ Văn Du không bao giờ muốn người ngoài đánh giá công việc của anh là công việc nhân đạo hay từ thiện, anh khẳng định:

Du: Không phải vấn đề từ thiện. Từ thiện là cứ một tháng cho họ một số tiền rồi mỗi tháng người ta lãnh tiền, tiếng Anh gọi là hand out đó, thì suốt đời họ sẽ nghèo. Cái này không phải là từ thiện mà coi như là cho họ một cơ hội để họ vươn lên. Tại vì họ là những người đóng góp cho công ty chứ họ có làm không đâu.

Đấy, mình chỉ chịu khó một tí, tạo điều kiện cho người ta thôi. Cái này là một sự kinh doanh tập trung vào một nguồn nhân lực mà nhiều nước không quan tâm đến. Bên Mỹ theo thống kê là đầu tư một đô la cho chương trình phục hồi chức năng và đào tạo nghề cho những người khuyết tật thì chính phủ lấy lại được mười tám đô la.

Thành mình không nên làm việc này với tầm nhìn là từ thiện hay bố thí hay là thương hại mà đúng ra cái này là trách nhiệm mình phải làm.

Cũng không chối cãi mình là người có đầu óc kinh doanh và có tầm nhìn xa, Đỗ Văn Du trình bày kế họach của anh trong những ngày tới:

Du: Trong thời gian tới công ty có mong muốn hợp tác thêm với một số công ty ở bên Mỹ về cái lãnh vực gọi là data entry đó. Chương trình này có thể đào tạo một hai tháng vì mấy bạn có thể làm được. Nếu mà một số anh em nào ở bên Mỹ mà quan tâm thì làm việc với bên này tại vì công ty mong muốn triển khai ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ và Hải Phòng.

Nếu mỗi chổ mà có những gói thầu về DPO giống như bên Ấn Độ thì người khuyết tật có cơ hội công ăn việc làm với lương bổng cao. Họ có thể tự lập và hãnh diện đóng góp được cho xã hội và có một đời sống ý nghĩa. Khi đó họ có thể lập gia đình và sống hạnh phúc như bao người khác.

Khi đó về mặt nhận thứccủa họ sẽ thay đổi rất nhiều vì họ thấy việc chi mà người khác làm được thì người khuyết tật cũng làm được hết. Nên mở cơ hội va 2tạo điều kiện thậun lợi cho người khuyết tật chứ đừng thương hại người ta. Đó là ước vọng khiến cho mình sống cuộc đời có ý nghĩa, bởi vì cái này là mình có cơ hội mình đóng góp thôi, và không có vấn đề từ thiện hay bố thí gì hết.

Đó là câu chuyện về một người khuyết tật từ Mỹ về Việt Nam để họat động trong lãnh vực công nghệ thông tin, nhằm hổ trợ, đào tạo và kiếm công ăn việc làm cho người đồng cảnh ngộ.

Bên cạnh công ty phần mềm PWD Soft, Đỗ Văn Du cho biết anh còn tham gia một dự án chữa bệnh não úng thủy ở Việt Nam với sự góp sức của các bác sĩ Hoa Kỳ.

Với số tiến quyên góp cũng như trang thiết bị chữa bệnh, Đỗ Văn Du đã dự phần không ít vào việc cứu sống trên năm trăm em nhỏ. Nhiều ca mổ đã được thực hiện tại những vùng xa như Thái Bình, Bình Định, và cả thành phố Huế là quê hương rất đổi thân thiết của anh.

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi đến đây tạm ngưng. Thanh Trúc sẽ gặp lại quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.