Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Ít năm gần đây xảy ra nhiều trường hợp ngộ độc do thực phẩm chứa chất hoá học có hại. Giới hữu trách vừa lên tiếng cảnh báo người tiêu dùng nên cẩn thận để tránh hậu quả. Hoá chất sử dụng trong thực phẩm ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người, và giới tiêu thụ có thể làm gì để tránh nguy cơ nhiễm độc?

Tính đến nay đã có hàng trăm vụ ngộ độc thực phẩm tại cả ba miền đất nước, gây bệnh cho vô số dân và thiệt mạng hàng chục người. Không chỉ những vụ ngộ độc tập thể ở cơ quan, xí nghiệp, trường học gây lo âu cho dân chúng mà các trường hợp cá thể cũng để lại kinh nghiệm đáng sợ cho người tiêu thụ.
Không quan tâm
Từ vài năm trước các cơ quan hữu trách thỉnh thoảng loan báo kiểm tra về vệ sinh và an toàn thực phẩm tìm ra rất nhiều vi phạm về khâu bảo quản lương thực. Từ các loại thức ăn tươi như thịt, rau trái cho đến hàng chế biến gồm chả lụa, nem chua, lạp xưởng, thức ăn đóng hộp, các thứ uống như rượu bia, cà phê… đều chứa chất hoá học bị cấm dùng, hoặc dùng với liều lượng quá mức cho phép.
Theo giới trách nhiệm, hoa quả để hàng tháng không hỏng, bánh kẹo được tẩy trắng đẹp, cà phê nhiều bọt, tỏi bóc vỏ… chỉ là một số ít lương thực, thực phẩm chứa những hoá chất độc hại đối với cơ thể con người.
Người dân có biết việc nhiều món ăn, thức uống chứa độc tố hay không? Ông Nguyễn Sơn tỉnh Long Xuyên nói:
Người Việt Nam mình vừa nghèo vừa đói, thành thử ra nhiều khi không để ý tới mấy cái chuyện đó, về vấn đề y tế này kia, hay là được phổ biến là đồ ăn có tốt hay không khi bỏ những chất đó vô.
“Người Việt Nam mình vừa nghèo vừa đói, thành thử ra nhiều khi không để ý tới mấy cái chuyện đó, về vấn đề y tế này kia, hay là được phổ biến là đồ ăn có tốt hay không khi bỏ những chất đó vô.
Mà thật sự ra dân quê, dân ruộng có nhiều khi cả tháng không đọc báo hoặc nghe đài, vì vậy đâu có biết mấy cái chuyện này, thành thử ra cứ ăn thôi. Chính phủ không khuyến cáo thì dân làm sao biết được”.
Lạm dụng hoá chất
Các phát hiện của ngành y tế và vệ sinh cho biết những hóa chất thường được sử dụng để bảo quản hoặc làm đẹp thực phẩm được liệt kê từ các loại thông thường như hàn the, muối diêm cho đến các thứ đặc biệt độc hại như thuốc tẩy, hoá chất sản xuất xà phòng hoặc phân bón, thạch tín, cyanua, thậm chí cả phóoc môn, tức chất để ướp xác cho lâu hư rữa.
Khảo nghiệm cho thấy các loại phổ thông như hàn the và muối diêm thường bị lạm dụng với liều lượng cao gấp nhiều lần hạn cho phép, còn những độc chất có nguy cơ giết người, một cách chậm chạp hay tức khắc, như thuốc tẩy trắng, thuốc chế tạo xà phòng và phân bón, cyanua, phóoc môn thì được sử dụng một cách hoàn toàn tự ý và vô tư.
Vì sao có tình trạng người bán dùng độc chất, không nghĩ đến hậu quả xảy ra cho người mua? Ông Sơn lấy ví dụ:
“Ở Việt Nam tôi nghèo, tôi đi bán; người ta lựa món nào rẻ thì mua thôi. Thành thử ra rất là khó nói mấy chuyện đó. Người bán không được giáo dục. Rồi nhiều khi đã không được giáo dục rồi, họ chỉ cần muốn kiếm lời thôi, họ không cần biết. Chẳng hạn bây giờ có khuyên thì họ nói nếu ngày hôm đó bán ế thì lấy tiền gì nuôi vợ con”.
Thuốc bảo vệ thực phẩm
Theo giới chuyên môn những loại phổ thông như hàn the và muối diêm không có hại nếu được dùng với liều lượng vừa phải; trong khi đó các độc chất còn lại phải bị hoàn toàn cấm dùng trong thức ăn, đồ uống vì tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ con người; từ gây ngộ độc cấp tính, tổn hại đường ruột, gan, bao tử, đến ung thư hoặc thậm chí tử vong.
Đó là việc rất khó giải quyết. Chỉ có cách là làm sao để đời sống người dân khá một chút; làm sao người dân bình thường họ làm ăn được, tức là đi làm hàng ngày kiếm được tiền khá để nuôi gia đình, thì người ta mới nghĩ đến chuyện gọi là y tế thực phẩm này kia. Bởi vậy Việt Nam mình có câu “Có thực mới vực được đạo là vậy đó”.
Các cơ quan chức năng đã có những hướng dẫn nào về vấn đề sử dụng hoá chất trong thức ăn, đồ uống, và những tiêu chuẩn qui định có được chấp hành hay không? Hồi năm 2000, Bộ Y Tế có ra thông tư hướng dẫn, qui định cách ghi nhãn hương liệu và gia vị; buộc mọi thông tin như danh hiệu, công thức hoá học, khối lượng, thành phần cấu tạo, phương pháp bảo quản, cách dùng và hạn sử dụng phải được trình bày rõ trên nhãn, bao bì; song các chỉ thị này cho tới nay vẫn chưa được đáp ứng nghiêm chỉnh.
Ít tháng gần đây bộ Khoa học-Công nghệ-Môi trường liệt kê danh mục 112 độc chất không được khuyến khích dùng trong sản xuất, chế biến hoặc bảo quản lương thực và thực phẩm, tuy nhiên độc chất trong đồ ăn thức uống thường xuyên được phát hiện.
Cục Bảo vệ Thực phẩm cho đến nay vẫn xác định chính phủ chưa hề cho phép bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực phẩm nào được dùng để ngâm, tẩm trái cây, nhưng từ mấy năm nay rất nhiều loại trái cây nhập từ Trung Quốc hàng tháng mà chưa hư, da bóng đẹp trong khi mùi, vị khác thường do chứa độc tố, vẫn được bày bán ở nhiều chợ.
Biện pháp đối phó
Giới thẩm quyền có những biện pháp nào để đối phó, xử lý các vi phạm? Cục Quản lý Thị trường thông báo đã bắt được một số vụ bán buôn hoá chất trái phép tuy nhiên cho hay giới hữu trách chưa có đủ lực lượng cán bộ chuyên sâu về lãnh vực để đẩy mạnh việc kiểm soát.
Vì vậy chưa thực hiện được công tác thanh tra đòi hỏi, trong khi nhiều người tiếp diễn việc kinh doanh lén lút những độc chất, cung cấp cho người buôn bán.
Làm thế nào để khắc phục tình trạng thực phẩm chứa chất hoá học bị cấm, và người tiêu dùng bị ngộ độc? Ông Sơn cho ý kiến:
“Đó là việc rất khó giải quyết. Chỉ có cách là làm sao để đời sống người dân khá một chút; làm sao người dân bình thường họ làm ăn được, tức là đi làm hàng ngày kiếm được tiền khá để nuôi gia đình, thì người ta mới nghĩ đến chuyện gọi là y tế thực phẩm này kia. Bởi vậy Việt Nam mình có câu “Có thực mới vực được đạo là vậy đó”.
Tạm thời hiện nay, các cơ quan chức năng lên tiếng kêu gọi tiêu dùng đề cao cảnh giác khi mua lương thực và thực phẩm như đọc kỹ thông tin trên bao bì các loại hàng đóng gói, tránh những thức ăn chế biến nhìn quá trắng hoặc trái cây có vỏ quá bóng, bỏ sở thích uống cà phê có quá nhiều bọt, và tránh lạm dụng rượu bia.