Người nghệ sĩ chơi đàn Hạ Uy Cầm ở Phố cổ Hội An


2006.01.03

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Kính thưa quí vị thính giả, trong những ngày đầu năm dương lịch, ở khắp mọi miền trên đất nước, từ các làng xã, đến các tỉnh thành, đặc biệt là những khu du lịch, đâu đâu cũng có những buổi liên hoan, giao lưu văn nghệ, trình diễn những văn hoá cổ truyền. Ngược lại với không khí tưng bừng náo nhiệt, thì ở Quảng Nam, trong khu phố cổ Hội An, tại một góc phố nhỏ, một người đàn ông độ chừng ngoài 60, cứ say sưa thả hồn mình cùng với cây đàn hạ uy cầm trên đùi….

DoVanBung200.jpg
Nghệ nhân Đỗ Văn Bừng biểu diễn với cây đàn hạ uy cầm tại căn nhà ở Phố cổ Hội An. Photo courtesy of VnExpress.

Trong không gian huyền bí của phố cổ, tiếng đàn ngân nga vang lên trau chuốt với các nhạc phẩm tiền chiến như “Suối Mơ”, “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay”, “Buồn Tàn Thu”…khiến cho du khách đi qua không thể nào không bị cuốn hút bởi những giai điệu mượt mà ấy. Trong chương trình hôm nay, mời quí vị nghe câu chuyện về người nghệ sĩ chơi đàn tại phố cổ Hội An.

Bảo toàn văn hoá cố phổ

Thưa quí vị và các bạn, vào năm 1995, khi ngành du lịch tại Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh, thì ở Hội An, thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, cũng bắt đầu khởi sắc. Để thu hút khách du lịch, phòng Văn Hoá Thông Tin Hội An tổ chức đêm phố cổ Hội An với nhiều hoạt động vô cùng phong phú. Ông Trần Văn Nhân, phó giám đốc Trung Tâm Văn Hoá Thể Thao của Hội An cho biết:

“Mỗi đêm rằm thì phố cổ Hội An sẽ có chương trình phố cổ định kỳ và trong chương trình này thì sẽ có phần phục hồi giá trị sản phẩm văn hoá địa phương của phố cổ… Nhờ đó mà giáo dục văn hoá truyển thống cho giới trẻ và nâng dần ý thức bảo vệ văn hoá đó.

Đêm đó người ta sẽ cảm nhận rất là hay bởi vì người ta sẽ lạc vào cái không gian tương đối là huyền thoại…Tức là những gì hiện đại sẽ không có ở trong không gian, những gì truyền thống, văn hoá cổ của Hội An sẽ được phục hồi, xe cộ không có, đèn điện cũng không có, chỉ có lồng đèn và người ta có thể tản mát khắp nơi, người ta đi dạo và thưởng thức các hoạt động như ngâm thơ, dân ca, bài chòi, trò chơi dân gian…hoa đăng trên sông, hò khoan đối đáp...”

Gia đình nghệ nhân Đỗ Văn Bừng

Mời các bạn tham gia mục Câu chuyện Hàng tuần do Phương Anh phụ trách. Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Một trong những hoạt động không thể thiếu trong những đêm rằm, là tiếng đàn hạ uy cầm của ông Đỗ Văn Bừng. Thực vậy, ông Trần Văn Nhân nói : “Ông Đỗ Văn Bừng là một trong những người dân ở Hội An có nhiều năng khiếu và có nhiều cái “gu” thưởng thức về văn hoá, thiên khiếu về văn hoá, và chúng tôi đã tập hợp anh cùng với gia đình.

Chúng tôi gọi là nhóm tập hợp gia đình vì không chỉ có anh Đỗ Văn Bừng, còn có các anh em của anh ấy nữa, người thì chơi đàn mandolin, người thì chơi đàn guitar, người thì chơi đàn hạ uy cầm, tạo nên một dàn nhạc gia đình…Những nhạc cụ của họ là họ tự tạo, nên nó không chính xác về âm sắc nhưng nó rất là hay. Đó là một hoạt động trong số các hoạt động cuả phố cổ.” Được biết, trước năm 1975, ông Đỗ Văn Bừng từng là cộng tác viên tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, chuyên dậy nhạc lý. Năm 1976, ông trở về Hội An, tiếp tục mở lớp dậy đánh đàn vĩ cầm, hạ uy cầm…nhưng không đủ sống nên chuyển sang nghề làm lồng đèn. Tuy nhiên, với lòng say mê âm nhạc, thời gian rảnh rỗi ông vẫn tiếp tục luyện tập ngón đàn của mình. Ông cũng sáng tác được khoảng gần 50 nhạc phầm. Bản thân ông có thể sử dụng hầu hết các nhạc cụ như đàn tranh, đàn bầu, guitar, piano, đặc biệt là chiếc đàn hạ uy cầm.

Cây đàn Hạ uy cầm tự chế

Ông cho hay: “Cái đàn hạ uy cầm thì tôi tự làm lấy, những cái gì tôi biết về hạ uy cầm thì tôi làm nên cây đàn để tôi chơi. Đàn hạ uy cầm xuất xứ từ đảo Hạ Uy Di, nó có tên là guitar Hawaii. Thực tế, theo tôi biết thì ở đây, không còn ai chơi đàn hạ uy cầm nữa.

Đoàn Chuẩn là ông tổ của đàn này. Cây đàn này cũng giống như cây guitar thôi, vì người ta chơi cầm trên tay, thì bây giờ người ta để nó nằm ở dưới và dùng cái cục sắt tròn để mà chơi trên cái phím. Nó cũng có 6 dây giống như tây ban cầm.”

Khi được hỏi ông thường chơi những nhạc phẩm nào, ông nói: “Phần đông chơi nhạc cổ điển và tiền chiến…không ai biết đến mình nên tôi chỉ chơi với bạn bè cho vui mà thôi.”

HoiAnLantern200.jpg
Văn hoá cổ của Hội An đang được phục hồi, xe cộ không có, đèn điện cũng không có, chỉ có lồng đèn và người ta có thể tản mát khắp nơi. AFP PHOTO

Đến đây, mời quí vị thưởng thức tiếng đàn hạ uy cầm của ông: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Hàng tháng, cứ mỗi đêm rằm âm lịch, ông Đỗ Văn Bừng lại cùng các anh em của mình gồm Đỗ Văn Hưng, Đỗ Văn Anh, Đỗ Văn Đông ra phố cổ Hội An. Người thì đàn mandolin, người thì đàn guitar, người thì vĩ cầm, để hoà cùng với tiếng hạ uy cầm ngân nga trong không gian huyền ảo với những nhạc phẩm tiền chiến bất hủ như Suối Mơ, Buồn Tàn Thu, Thu Quyến Rũ, Anh Đến Thăm Em Một Chiều Mưa, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay…v…v…

Tấm lòng người yêu nhạc

Cũng nhờ có đêm phố cổ này, ông mới có dịp đem tiếng đàn hạ uy cầm của mình đến với những người yêu nhạc.

Ông tâm sự: “Cây đàn hạ uy cầm này tôi làm 20 năm rồi, lúc trước thì chẳng ai biết… mãi đến khi có đêm phố cổ thì mới có người biết đến cây đàn hạ uy cầm này. Chơi đàn này không khó như chơi guitar, nhưng mà ăn thua ở chổ điêu luyện và tình cảm…âm thanh của nó phải trải chuốt, gần như một sự uyển chuyển của âm thanh.

Tôi cộng tác với phòng Văn Hoá Thông Tin Hội An để làm cho đêm phố cổ có một nét đặc trưng, cho nên, tôi không nói đến vấn đề tiền nong…Có những du khách nước ngoài, ngồi xem tôi từ lúc đem cây đàn ra cho đến khi cất cây đàn đi rồi, người ta vẫn ngồi xem. Đó là kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi ở đêm phố cổ…”

Thưa quí vị, với tuổi đời đã trên 60, hàng ngày ông cùng gia đình vẫn phải kiếm sống bằng nghề làm lồng đèn. Cuộc sống khá chật vật, nhưng suốt bao năm qua, với lòng say mê âm nhạc, với cây đàn tự chế, ông Đỗ Văn Bừng cùng với các anh em của mình đã đem lại cho phố cổ Hội An những âm thanh mượt mà sâu lắng, góp phần tăng thêm sự đa dạng của hoạt động văn hoá nơi đây.

Mong sao tiếng đàn hạ uy cầm của ông sẽ tiếp tục vang mãi trong những đêm rằm, như tình cảm của ông đối với phố cổ Hội An chẳng bao giờ ngừng. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.