Tìm hiểu bệnh thuỷ đậu (hay còn gọi là trái rạ) (phần 1)


2007.03.16

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Bệnh thuỷ đậu (hay còn gọi là trái rạ) là căn bệnh hay gặp ở trẻ em, rất dễ lây nhiễm. Một khi xuất hiện, bệnh thường nhanh chóng trở thành dịch ở các trường học, nhà trẻ. Chính đặc tính dễ lây nhiễm này mà ông bà xưa vẫn kiêng dè, không dám nhắc tới tên bệnh vì sợ càng nhắc bệnh càng lan nhanh.

ChickenPox200.jpg
Một bệnh nhân bị bệnh thủy đậu. Photo courtesy Wikipedia.

Thời điểm từ tháng giêng đến tháng năm hàng năm là mùa dễ mắc bệnh thủy đậu. Báo chí trong nước mấy ngày gần đây cho biết bệnh đang có dấu hiệu gia tăng đột biến, với số bệnh nhân tính tới nay đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, ở cả hai miền Nam và Bắc.

Thủy đậu tuy được xem là bệnh nhẹ, đa số trường hợp không cần chữa trị, có thể tự khỏi sau một thời gian, thế nhưng lại có khả năng gây ra những biến chứng và nhiễm trùng nghiêm trọng.

Để giúp quý vị phụ huynh tìm hiểu thêm về căn bệnh này, chương trình “Sức khoẻ và đời sống” hôm nay có cuộc trao đổi với bác sĩ Đức Thọ, chuyên khoa da liễu hiện đang hành nghề tại phía Nam:

Nguyên nhân gây bệnh

Trà Mi: Xin hỏi bác sĩ nguyên nhân gây ra bệnh thuỷ đậu là gì?

Bác sĩ Thọ: Bệnh thuỷ đậu là một loại bệnh ngoài da, lành tính, rất hay lây, do một loại virus có tên là Varicella Zoster gây ra.

Đây là một bệnh truyền nhiễm rất cao, có đặc tính lây từ người sang người do tiếp xúc gần gũi, hay qua đường không khí do bệnh nhân nói chuyện hoặc hắt hơi. Bệnh nhân thủy đậu có thể truyền bệnh cho người khác trong vòng 1-2 ngày trước khi có hồng ban xuất hiện, tức là người đó chưa nổi mụn nước trên người đã có thể lây bệnh cho người khác rồi.

Trà Mi: Các triệu chứng của bệnh ra sao?

Bác sĩ Thọ: Đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân là có biểu hiện phát ban, có nhiều mụn nước, mụn mủ, vảy tiết, rất đa dạng trên cơ thể. Bệnh nhân thường có kèm theo những triệu chứng toàn thân như sốt và mệt mỏi. Sau khi lành, bệnh để lại những dấu vết của san thương da.

Trà Mi: Bệnh thuỷ đậu lây lan bằng cách nào?

Bác sĩ Thọ: Đây là một bệnh truyền nhiễm rất cao, có đặc tính lây từ người sang người do tiếp xúc gần gũi, hay qua đường không khí do bệnh nhân nói chuyện hoặc hắt hơi. Bệnh nhân thủy đậu có thể truyền bệnh cho người khác trong vòng 1-2 ngày trước khi có hồng ban xuất hiện, tức là người đó chưa nổi mụn nước trên người đã có thể lây bệnh cho người khác rồi.

Đến khi những san thương vỡ ra, đóng vảy rồi, bệnh nhân vẫn có thể lây cho người khác khi tiếp xúc gần gũi. Một người trung bình khoảng từ 1-2 tuần sau khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu thì có thể bị lây bệnh.

Thời gian

Trà Mi: Thưa trung bình bệnh thủy đậu thường kéo dài trong thời gian bao lâu?

Bác sĩ Thọ: Thời gian trung bình của bệnh thủy đậu là từ 7 ngày đến 2 tuần. Trẻ con thì có thể cho nghỉ học 1 tuần. Đối với người lớn, bệnh có thể kéo dài hơn.

90% trường hợp bệnh thủy đậu xảy ra ở trẻ em từ 10-15 tuổi. 10% còn lại là xuất hiện ở người lớn. Các triệu chứng của người lớn bị thủy đậu có thể nặng hơn nhiều.

Bệnh nhân không nên gãi, không nặn những bóng nước vì sẽ gây bội nhiễm và để lại sẹo. Phụ huynh nên chú ý cắt móng tay cho những bệnh nhi nhỏ tuổi.

Trà Mi: Có nhiều người cho rằng bất cứ một ai cũng phải trải qua 1 đợt bị thuỷ đậu trong đời, và những người đã bị một lần rồi thì có thể tự tin là sẽ không mắc bệnh lần nữa. Các quan niệm này đúng hay sai?

Bác sĩ Thọ: Về phương diện chuyên môn, thứ nhất là không hẳn bất cứ ai cũng sẽ bị 1 lần thuỷ đậu trong đời. Tỷ lệ bệnh trong dân số chỉ khoảng 1/100. Cho nên rõ ràng là có nhiều người không bao giờ bị bệnh thủy đậu.

Thứ hai, bệnh nhân đã bị thuỷ đậu một lần vẫn có khả năng bị lại lần nữa, nhưng rất hiếm, tỷ lệ này khoảng 1/1000. Đại đa số các trường hợp đều có tính miễn dịch suốt đời, chỉ mắc bệnh một lần.

Tuy nhiên, có thể mắc lại lần thứ nhì khi sức đề kháng của cơ thể kém, nhưng cường độ của bệnh lần hai cũng nhẹ hơn. Tốt nhất nếu ai chưa bị thủy đậu thì nên chủng ngừa, y học phòng ngừa rất là quan trọng.

Cách chữa trị

Trà Mi: Cách chữa trị đối với căn bệnh thủy đậu ra sao?

Bác sĩ Thọ: Đây là một bệnh do siêu vi, lành tính. Cho nên ta có thể dùng các loại thuốc kháng virus để điều trị, nhưng có những điều lưu ý sau đây:

Bệnh nhân không nên gãi, không nặn những bóng nước vì sẽ gây bội nhiễm và để lại sẹo. Phụ huynh nên chú ý cắt móng tay cho những bệnh nhi nhỏ tuổi.

Không nên dùng gốc rạ nấu nước tắm hoặc đắp lá vì có thể gây bội nhiễm da. Ngày nay, giới chuyên môn khuyên nên tắm bằng những dung dịch làm dịu cơn ngứa như Calomine.

Quan trọng nhất là phải lưu ý đến biện pháp tiêm phòng cho các cháu để tránh không để bệnh xảy ra. Bệnh lây truyền trực tiếp, nên các phụ huynh cần tuân theo những chỉ định điều trị của bác sĩ, không nên tự ý nghe theo những lời đồn đãi có thể gây những biến chứng nguy hiểm cho các cháu.

Tuyệt đối không nên dùng aspirin để hạ sốt cho bệnh nhân thuỷ đậu. Điều này có thể gây ra hội chứng Reyes, tổn thương gan và não.

Hạ nhiệt cho bệnh nhân bằng các loại thuốc như paracetamol hay acetaminophen.

Ngoài việc điều trị triệu chứng, nếu san thương da có biểu hiện bội nhiễm, phải dùng thêm các loại kháng sinh do bác sĩ trực tiếp chỉ định.

Kiêng cữ

Trà Mi: Đó là những điều cần lưu ý khi chăm sóc cho bệnh nhân bị thuỷ đậu. Ngoài ra, bệnh nhân có cần đươc cách ly, kiêng cữ những loại thức ăn nào, hoặc phải tránh gió, tránh lạnh?

Bác sĩ Thọ: Thật sự, bệnh thủy đậu do virus gây ra ở những bệnh nhân có sức đề kháng kém. Do đó việc cử kiêng thức ăn không đươc đặt ra, mà ngược lại, vấn đề dinh dưỡng cần phải tăng cường trong thời gian bị bệnh để giúp bệnh nhân có đủ sức đề kháng. Thủy đậu là một bệnh rất dễ lây qua tiếp xúc trực tiếp.

Vì vậy, khi con em bị bệnh, phụ huynh nên cho cháu nghỉ học ở nhà ít nhất 1 tuần để tránh lây lan cho người khác. Các nhân viên y tế cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, vệ sinh cơ bản để tránh bị lây lan.

Trà Mi: Các bậc phụ huynh cần đặc biệt ghi nhớ điều gì?

Bác sĩ Thọ: Quan trọng nhất là phải lưu ý đến biện pháp tiêm phòng cho các cháu để tránh không để bệnh xảy ra. Bệnh lây truyền trực tiếp, nên các phụ huynh cần tuân theo những chỉ định điều trị của bác sĩ, không nên tự ý nghe theo những lời đồn đãi có thể gây những biến chứng nguy hiểm cho các cháu.

Trà Mi: Nhiều phụ huynh giữ các bệnh nhi thuỷ đậu trong phòng kín, tránh gió, tránh lạnh vì sợ ra gió bệnh càng nổi nhiều hơn. Quan niệm này đúng hay sai?

Bác sĩ Thọ: Căn cứ vào nguyên nhân gây ra bệnh là từ virus, quan niệm trên rõ ràng là không đúng. Ở thôn quê, người ta thường cho rằng khi các cháu sốt, nổi ban thì không nên ra gió.

Tuy nhiên, vấn đề cơ bản cần ghi nhớ là giữ vệ sinh, giữ ấm, dinh dữơng đầy đủ cho bệnh nhi thì các cháu mới có điều kiện phục hồi sức khoẻ tốt, chống lại tác động của virus gây bệnh.

(Xin theo dõi toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn trong phần âm thanh bên trên)

Các biến chứng của bệnh thủy đậu ra sao? Những lời khuyên của giới chuyên môn giúp có thể phòng ngừa căn bệnh này một cách hữu hiệu là gì?

Mời quý vị đón theo trong câu chuyện “Sức khoẻ và đời sống” vào giờ này, sáng thứ sáu tuần sau. Trà Mi kính chào.

Theo dòng câu chuyện:

- Tìm hiểu bệnh thuỷ đậu (hay còn gọi là trái rạ) (phần 2)

Thông tin trên mạng:

- Wikipedia - Chickenpox

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.