Làm Sao Để Bỏ Thuốc Lá


2005.09.16

Bác sĩ Nguyễn Trần Hoàng - Trà Mi

1. Hôm nay chúng ta sẽ nói về những vấn đề gì?

Tại sao người ta hút thuốc và tại sao nên đừng hút và bỏ thuốc.

Làm cách nào để bỏ thuốc.

Làm sao để không hút trở lại sau khi đã bỏ thuốc.

Làm sao để khuyến khích và giúp người thân bỏ thuốc.

smoking200.jpg

2. Tóm tắt ảnh hưởng của thuốc lá đối với sức khoẻ?

Thuốc lá là nguyên nhân có thể phòng ngừa được gây chết hàng đầu trên thế giới.

Về khía cạnh thể chất, nó không chỉ ung thư phổi mà rất nhiều bệnh khác.

Nó ảnh hưởng không những đến sức khoẻ người hút mà cả người bị hít khói thuốc cuả họ.

Hút thuốc tự nó là một một bất thường về mặt tâm thần và xã hội, vì đó là hành vi tự đầu độc mình và người xung quanh.

Hút thuốc là biểu hiện cuả sự yếu đuối, không làm chủ được bản thân, chứ không phải là cuả "nam tính", sự mạnh mẽ… như trước đây, khi người ta chưa hiểu biết đầy đủ về tác hại cuả thuốc lá.

Về mặt nguyên tắc, đây là một tấm gương xấu cho con em về việc không tự kiểm soát được các xung động bản năng có hại. Và đây sẽ là một lổ hổng rất lớn trong việc hướng dẫn con em.

3. Tại sao người ta hút thuốc và tại sao nên đừng hút và bỏ thuốc?

Người ta hút thuốc vì nhiều lý do khác nhau:

Có người bắt đầu hút thuốc vì họ nghĩ phì phèo điếu thuốc khiến mình trông có vẽ "chịu chơi", mạnh mẽ. Điều đó có thể hơi đúng trong quá khứ, khi mà người ta chưa biết hết các tai hại cuả khói thuốc đối với người hút cũng như người xung quanh. Ngày nay, nếu hút vì không biết những ảnh hưởng đó, nó chứng tỏ mình là người thiếu hiểu biết. Còn nếu biết mà vẫn hút, nó chứng tỏ mình là người yếu đuối, thiếu nghị lực, không làm chủ được bản thân.

Có người nhìn thấy người lớn trong gia đình hút thuốc, và nghĩ rằng hút thuốc là dấu hiệu cuả sự trưởng thành. Thực sự, trưởng thành phải là khả năng hiểu biết cái gì tốt cái gì tốt, cái gì xấu và có đủ ý chí để thực hiện những điều tốt và tránh những điều xấu. Sức khoẻ tài sản quí nhất cuả mỗi người. Hút thuốc có hại cho sức khoẻ, điều đó được thông báo bỡi chính những hãng thuốc lá. Như vậy hút thuốc là điều xấu, và người thực sự trưởng thành phải biết tránh những điều xấu ngay từ lúc đầu.

4. Có người cho rằng mình chỉ hút mỗi tuần một vài điếu và hút thuốc nhẹ sẽ không sao, điều này có đúng không?

Đúng là hút ít sẽ ít có hại hơn là hút nhiều. Tuy nhiên, nên nhớ là trong thuốc lá có chất nicotine gây nghiện, làm cho ta sẽ hút ngày càng nhiều hơn. Và ngay cả hút ít cũng có hại cho sức khoẻ. Một cách nào đó, ta không nên nghĩ rằng chỉ hút xì ke lâu lâu một lần cho vui. Những người nghiện xì ke chính là những người nghĩ như vậy khi bắt đầu.

5. Xin tiếp tục nói về các lý do người ta hút thuốc và tại sao nên đừng hút và bỏ thuốc

Nhiều người hút thuốc vì áp lực cuả bạn bè. Nếu không hút thì bị chê là "quê", "cáy", "yếu xìu"… Một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc đời là chọn và có được những người bạn tốt, bạn tốt ít nhất phải là tôn trọng ý nghĩ và sự độc lập cuả mình, và cùng nâng đở nhau làm điều tốt và có lợi cho nhau. Hút thuốc tuyệt đối không phải là điều tốt và có lợi. Trong trường hợp này, cách tốt nhất là nói một cách đơn giản "Tôi không muốn hút thuốc", không cần phải biện bạch dài dòng. Nếu vẫn bị áp lực phải hút thuốc, nên suy nghĩ lại, những người đó có nên là bạn cuả mình hay không.

Có người hút vì cảm thấy thuốc lá giúp giảm căng thẳng, khiến mình cảm thấy thư giản. Thuốc lá gây ung thư và nhiều vấn đề sức khoẻ khác. Nếu ta không nên dùng ma tuý để "thư giản" thì cũng vậy đối với thuốc lá. Có rất nhiều cách thư giản bổ ích hơn. Không ít người, nhất là phụ nữ ở những nước đã phát triển, nơi mà béo phì đang là vấn nạn, nghĩ rằng hút thuốc giúp họ giảm cân. Hút thuốc là biểu hiện cuả sự thiếu ý chí, không kiểm soát và làm chủ được hành vi cuả mình. Và như vậy, thường thì những người này cũng không kiểm soát được hành vi ăn uống cuả họ và thường là những người bị béo phì.

Nhiều người tiếp tục hút thuốc vì họ không thể bỏ thuốc được. Đa số những người bỏ thuốc không thường ít khi bỏ được ngay lần đầu. Trung bình phải là lần thứ tư hay thứ năm. Cứ cố gắng, và tìm hiểu cách bỏ thuốc hiệu quả nhất, sẽ có ngày ta bỏ được thuốc, và cảm thấy tự tin hơn vì mình đã chiến thắng được bản thân mình.

6. Làm cách nào để bỏ thuốc?

Các nghiên cứu cho thấy rằng các phương pháp sau đây giúp tăng tỉ lệ bỏ thuốc thành công:

Dùng nicotin dưới các dạng khác kết hợp với tham vấn từ các chuyên viên Tỉ lệ thành công là từ 20 đến 40 phần trăm. Dạng thường dùng nhất là kẹo nhai hoặc cao dán. Cũng có loại xịt mũi hay hít.

Các chương trình giúp bỏ thuốc. Nếu có nên tham gia các chương trình ít nhất là từ bốn đến tám tuần. Các chương trình này giúp người muốn bỏ hút gặp các tham vấn viên hoặc những người muốn bỏ hút khác ít nhất mỗi tuần một lần. Họ cũng giúp những cánh để tránh hút trở lại và đối phó với căng thẳng và các cơn ghiền khiến mình muốn hút trở lại.

Dùng chất nicotine không phải dưới dạng hút mà thôi. Tỉ lệ thành công trung bình là 10 phần trăm. Tuy vẫn tốt hơn là không dùng các chất này, tỉ lệ thành công chỉ 5 phần trăm.

Thuốc cần có toa bác sĩ (Zyban -bupropion-), giúp giảm bớt các cơn ghiền. Nếu kết hợp thuốc với nicotine không dưới dạng thuốc lá, tỉ lệ thành công trung bình là hơn 20 phần trăm. Thuốc này vốn được dùng để trị trầm cảm, nhưng nó vẫn có hiệu quả ngay cả ở những người không bị trầm cảm.

7. Làm sao để không hút trở lại sau khi đã bỏ thuốc?

Viết xuống những lý do mà mình muốn bỏ thuốc và để ở những nơi mà mình có thể đọc hàng ngày.

Mua hoa (thường rẽ hơn thuốc lá) để thưởng cho mình và như một nhắc nhở rằng mình đang cố bỏ thuốc. Mùi hoa thơm cũng làm có thể giúp ta ít nhớ đến mùi khói thuốc hơn.

Tránh những gì nhắc nhở mình đến điếu thuốc. Như những nơi mà người ta hút thuốc, cà phê, mùi khói thuốc.

Đánh răng thường xuyên, giữ răng miệng sạch sẽ để khói thuốc ám không "bốc mùi" và ảnh hưởng đến mình.

Dùng tiền mua thuốc lá vào những việc có ích và thích thú hơn cho mình và người thân.

Khi lên cơn thèm thuốc: đi tắm, nhai kẹo hay trái cây, tập thể dục, thư giãn.

8. Làm sao để khuyến khích và giúp người thân bỏ thuốc?

Nhắc nhở một cách nhẹ nhàng. Dùng tình cảm.

Đối với con cái, cần nhẹ nhàng, nhưng rõ ràng,kiên quyết.

Lựa lúc lập đi lập lại.

Nhóm với những bạn muốn bỏ thuốc và không hút thuốc. Tạm tránh những nơi và người hút thuốc.

Tặng những thứ cần thiết để bỏ thuốc.

Nhắc nhở: hút thuốc là biểu hiện cuả sự yếu đuối chứ không có gì hay ho cả.

Chương trình này chỉ nhằm cung cấp kiến thức tổng quát về sức khoẻ. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết, của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ cuả quý vị để được thăm khám trực tiếp.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.